14 tháng 11, 2009

Vàng đang khuấy đảo thị trường dự trữ ngoại tệ

Thế giới và ngay cả Việt Nam vừa trải qua giai đoạn đỉnh điểm của cơn sốt kim loại quý, đó là vàng. Giá vàng trên thị trường thế giới thời gian qua đã phá ngưỡng 1.000 USD/ounce và được dự kiến còn leo đến mốc 2.000 USD/ounce trong 10 năm tới. Có thể do đồng USD yếu, có thể do nhu cầu về vàng tăng nhanh hơn nguồn cung nên mới gây cơn sốt trầm trọng đến vậy.

Rõ ràng vàng đang khuấy đảo thị trường dự trữ ngoại tệ và có thể còn tạo ra nhiều cơn sốt nữa trong tương lai vì nhiều hơn hai yếu tố trên.

Lâu nay, người ta đã dự đoán về một cuộc chiến giữa vàng và đồng USD trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với phần thắng thuộc về vàng. Tính riêng từ tháng 11/2008 - 1/2009, giá vàng đã tăng từ 700 lên gần 1.000 USD/ounce.

Sau một thời gian củng cố, giá vàng tiếp tục biến động theo hướng đi lên do nhu cầu về vàng tăng mạnh. Thậm chí còn xuất hiện tín hiệu tranh mua khiến vàng càng lên giá. Trong khi đó, USD liên tục trượt giá.

Trong khoảng 6 tháng qua, USD đã giảm giá 11,5% xét về tương quan giao dịch thương mại so với các đồng tiền khác. Có tình trạng này là do các nhà đầu tư không còn an tâm về tính ổn định của đồng USD, cộng thêm chính sách đồng USD yếu của chính phủ Mỹ để hạn chế sức ép từ các khoản nợ xấu và kích thích nền kinh tế hồi phục. Giới chuyên gia nhận định trong vòng từ 2 - 5 năm nữa, đồng USD còn giảm tới 20% giá trị so với đồng euro.

Nhưng tại sao thế giới lại thay thế đồng USD bằng vàng? Một phần lớn nguyên nhân là do các nhà đầu tư không tin tưởng đồng USD, nhưng cũng chẳng an tâm với các đồng tiền tệ khác. Với đặc tính tương đối khan hiếm, vàng khiến giới đầu tư cảm thấy an toàn hơn cả một đồng tiền lành mạnh.

Hơn nữa, sao lại không đầu tư vào vàng khi ngay cả Trung Quốc, một nước vốn kiểm soát rất chặt chẽ hoạt động buôn bán vàng bạc, thì nay cũng khuyến khích người dân mua vàng.

Với lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ lên tới hơn 2.000 tỷ USD, Trung Quốc được coi là có tiềm lực tài chính để kiểm soát và dẫn dắt thị trường vàng thế giới. Đó là chưa kể tới thực tế Trung Quốc hiện là nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới, là một trong số ít các nước có sản lượng khai thác vàng liên tục tăng và hiện đang trên đà vượt Ấn Độ để trở thành nước tiêu thụ nhiều vàng nhất thế giới.

Có lẽ vì vậy, Trung Quốc chứ không phải Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có thể tác động tới thị trường giá vàng thế giới. Điều đó giải thích tại sao trong khi IMF tiếp tục bán vàng ra thì giá vàng vẫn tiếp tục leo thang.

Dù "tại anh, tại ả", hay vì lý do gì đi chăng nữa thì việc vàng tăng giá không hẳn là tín hiệu đáng mừng. Một khi vàng trở thành nguồn dự trữ ngoại tệ chủ yếu, thế giới sẽ bị cụt vốn, không có tiền để trả lương cho người lao động chứ chưa nói tới việc trả lương hưu cho đội ngũ hưu trí ngày càng đông đảo. Khi đó, liệu người ta có dám trả lương bằng vàng?

Bài toán nan giải của TT Mỹ B. Obama

Đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, nền kinh tế hiện tại đã có phần khởi sắc, nhưng con đường phục hồi vẫn còn khá dài. Những khó khăn kinh tế cấp bách nhất mà ông phải đương đầu có thể không phải là sự phục hồi kinh tế mà là vấn đề thất nghiệp. Còn đối với người dân Mỹ, vấn đề quan tâm nhất cũng không phải là kinh tế mà chính là vấn đề chính trị. Một hình ảnh biếm hoạ miêu tả Mỹ trong cuộc khủng hoảng kinh tế đó là: “Nếu hàng xóm của bạn thất nghiệp, điều đó cho thấy, kinh tế đã xuất hiện sự sụt giảm; Nếu bạn cũng bị thất nghiệp, thật xin lỗi, kinh tế thực sự đã rơi vào khủng hoảng”. Đối với người dân Mỹ vốn quá phụ thuộc vào các khoản vay, công việc chính là ngân hàng lớn nhất của họ, mất đi việc làm là mất đi tất cả, những ngôi nhà vay tiền để mua rất có thể sẽ bị thu hồi bất cứ lúc nào, cuộc khủng hoảng toàn diện đang đến gần.

Nhưng trong vấn đề mang tính then chốt này, TT Obama lại dường như đang “hết đường xoay sở”. Mấy tháng gần đây, mặc dù tổng thể nền kinh tế đã có những biến chuyển tích cực, nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại vẫn tăng lên đều đều. Tháng 10/2009, tỷ lệ thất nghiệp đã đạt 10,2%, mức cao nhất trong vòng 26 năm qua. Điều này cũng nghĩa là kể từ khi bắt đầu xuất hiện suy thoái từ tháng 12/2007, kinh tế Mỹ đã có tới 8,2 triệu người Mỹ bị mất việc làm, nâng tổng số người thất nghiệp lên 15,7 triệu người.

Người Mỹ không tìm được việc làm, TT Obama tự nhiên không còn được yêu mến, vì thế mà ông cũng phải trả một cái giá chính trị. Cuộc bầu cử địa phương của Mỹ diễn ra cách đây không lâu, vầng hào quang “hiệu ứng Obama” đã không còn, ưu thế của Đảng Cộng Hòa lại quay trở lại, nhân tố quan trọng trong đó theo lý giải của cánh báo chí Mỹ chính là, những người dân Mỹ đã sử dụng lá phiếu của mình để bày tỏ sự bất mãn về chính sách việc làm của TT Obama.

Do đó, mỗi khi phải công bố số liệu thất nghiệp vào đầu tháng, chính phủ Mỹ đều rất lo ngại, còn TT Obama vẫn luôn bất chấp khó khăn liên tục cam kết. Sau khi công bố số liệu thất nghiệp tháng 10, TT Obama tuyên bố: đây là một số liệu “khiến người ta chán nản”, điều này cho thấy, kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với muôn trùng thử thách, “tôi hứa, trước khi người Mỹ có cuộc sống phồn vinh trở lại, tôi sẽ tranh đấu đến cùng”.

Tuy nhiên, đối với những lời tuyên ngôn của TT Obama, hãng AP lại cho rằng: “Lời tuyên ngôn xem ra tràn đầy hy vọng, nhưng không phù hợp với thực tế”. Lý do rất đơn giản, tỷ lệ thất nghiệp là một chỉ tiêu thể hiện sự ngưng trệ của phát triển kinh tế. Trong bối cảnh viễn cảnh phục hồi kinh tế Mỹ chưa xác định, tỷ lệ thất nghiệp cao trong thời gian ngắn vẫn chưa thể biến mất.

Theo chủ trương của các nhà kinh tế Mỹ, hiện tại cần nhanh chóng giảm tỷ lệ thất nghiệp, chủ yếu có 3 phương án. Một là thúc đẩy xuất khẩu, hai là mở rộng các cuộc huấn luyện đào tạo, ba là tạo nhiều cơ hội việc làm có thu nhập cao. Qua ba cách này có thể sẽ xuất hiện manh mối từ trong một loạt các chính sách kinh tế gần đây của TT Obama: Đồng USD mất giá mạnh, chủ nghĩa bảo hộ thương mại leo thang, thực sự biện pháp đối phó lúc này chính là thúc đẩy xuất khẩu;

Nói tóm lại, làm thế nào để giải quyết bài toán hóc búa này, chính là cuộc thử thách khả năng quyết sách của TT Obama, nó cũng liên quan đến viễn cảnh chính trị sau này của tổng thống, đương nhiên, điều này cũng quyết định kinh tế Mỹ liệu có phục hồi lâu dài. hay không. Xem xét từ góc độ kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao không giảm, tiêu dùng sẽ suy yếu, mà tiêu dùng là động lực chủ yếu của nền kinh tế Mỹ. Tiêu dùng không thịnh, sự phục hồi lâu dài của kinh tế Mỹ có thể sẽ trở nên tan vỡ.

Giá vàng lại sát ngưỡng kỷ lục

Giá vàng bật cao hơn phiên ngày 13/11 và giao dịch sát ngưỡng kỷ lục do đồng đôla Mỹ có giá thấp hơn trước những lo ngại về kinh tế. Vàng miếng đứng ở mức 1.115,50 USD/ounce vào lúc 2 giờ 03 (giờ EST), tăng từ 1.103,60 vào cuối phiên 11/11 tại New York, sau khi tập hợp tới mức cao kỷ lục 1.122,85 USD.

Giá vàng giao tháng 12 tại Mỹ tăng 10,10 USD lên 1.116,70 USD/ounce tại sàn Comex thuộc Nymex.

“Sự hồi phục này có thể do những lo ngại mất giá của đồng Mỹ kim sẽ vẫn tiếp diễn trong tuần tới đưa lại”, ông James Steel, nhà phân tích tại HSBC ở New York nói. “Một bất ngờ nữa đó là vàng có thể tập hợp dựa trên sự suy yếu của giá dầu”.

Đồng đôla giảm với biên độ rộng sau khi chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ vào đầu tháng 11 sụt xuống mức thấp nhất trong ba tháng.

Tiền tệ Mỹ vẫn giảm khoảng 7% vào năm nay, khiến nhiều hàng hóa niêm yết bằng đồng bạc xanh rẻ hơn những đối tượng nắm giữ đồng tiền khác và thúc đẩy triển vọng của giá vàng.

Nhà chiến lược hàng hóa Stephen Briggs tại RBS ở London cho biết, điều duy nhất khiến giá vàng đi lên nằm trong sự suy yếu của đồng đôla. Tình hình trên thị trường cho thấy đồng Mỹ kim có thể còn giảm sâu hơn.

Các thương nhân lưu ý, niềm tin trên thị trường đã được cải thiện sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế bán 200 tấn vào cho Ấn Độ vào tuần trước. Thông tin này hỗ trợ kỳ vọng nhiều ngân hàng trung ương có thể sẽ mua trữ 203,3 tấn vàng còn lại của IMF.

“Nếu một ngân hàng trung ương nào khác quyết định sẽ mua thêm vàng từ IMF, thị trường giá vàng sẽ được ủng hộ thêm nữa”, Adam Klopfenstein, nhà chiến lược thị trường cao cấp tại Lind-Waldock nói.

Đầu phiên 13/11, giá dầu thô tại Mỹ giảm và chạm mức thấp kỷ lục trong gần 1 tháng tại Mỹ. Vào cuối phiên giao dịch, giá dầu được củng cố ở mức gần 77 USD/thùng do đồng đôla suy yếu, gây nhiều lo ngại cho công việc đầu cơ nhiên liệu tại Mỹ.

Một số người cảnh báo giá bạc vẫn duy trì nhiều nỗi lo. “Thời điểm hiện nay, bạc vẫn vật lộn để duy trì mức tăng cùng với vàng”, ông Briggs nói. “Bạc chỉ là một hướng chơi trên vàng, nếu không được các quỹ đầu tư niêm yết mua trên thị trường, bạc chỉ sẽ bị dư thừa”.

Obama - "người cứu hỏa" cho quan hệ thương mại Mỹ - Trung

Từ ngày 15 đến 18/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc. Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, ma sát thương mại Trung – Mỹ, hợp tác năng lượng và vấn đề tiền tệ sẽ là những chủ đề nóng không thể thiếu trong cuộc gặp mặt này. Trong bối cảnh là khủng hoảng tài chính đã đi qua, nhưng ma sát thương mại của hai nước lại diễn ra mạnh mẽ, vì vậy chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama đến Trung Quốc, đã đem lại cho thị trường rất nhiều suy đoán. Đối với chuyến thăm Trung Quốc lần này của TT Mỹ, các chuyên gia phân tích cho rằng, Obama muốn đưa vào thị trường Trung Quốc những nguồn năng lượng mới, hai nước cần phải có những lời cam kết mới về vấn đề bảo hộ thương mại, va chạm thương mại Mỹ - Trung có hy vọng sẽ dịu xuống sau lần gặp mặt này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hiện tại, sự ủng hộ đảng Dân chủ trong nước Mỹ đã giảm, để có thể nhận được những thỏa ước chính trị cũng như tăng thêm số phiếu bầu cho dự luật cải tổ y tế của mình, nên về vấn đề cân bằng thương mại, Tổng thống Obama vẫn muốn giữ một thái độ cứng rắn.

Thời gian gần đây, chính quyền Obama đã thúc đẩy phát triển một nền kinh tế cân bằng và bền vững trong cộng đồng quốc tế, song song với đó là những căng thẳng và ma sát thương mại với Trung Quốc vẫn liên tục diễn ra.

Phát ngôn viên bộ Thương mại Trung Quốc cho hay, gần đây những hành động thương mại của Mỹ tiến hành với Trung Quốc đang ngày một nóng lên. Theo các số liệu của bộ Thương mại Trung Quốc từ tháng một đến tháng chín năm nay, Mỹ đã tiến hành 14 cuộc điều tra về bán phá giá với phía Trung Quốc với tổng số tiền liên quan là 5,84 tỷ USD, tăng 639% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ ngày 11/9, sau khi Chính phủ Mỹ tuyên bố đánh thuế phạt nặng tới 35% đối với sản phẩm lốp xe Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, cuộc chiến thương mại giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ cũng đang có chiều hướng leo thang. Ngày 5/11, Bộ Thương Mại Mỹ công bố điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với OCTG (các sản phẩm ống dẫn dầu) nhập khẩu từ Trung Quốc, mặt hàng này sẽ bị đánh thuế chống phá giá ở mức cao nhất là 99,14%. Đáp trả lại hành động trên, ngày hôm sau, Bộ Thương Mại Trung Quốc công bố công văn số 83 và số 84 năm 2009, quyết định lập tức phát động cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với xe tải nhỏ và xe SUV của Mỹ.

Giảm phát - thách thức lớn nhất của kinh tế toàn cầu

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Ngân hàng Thế giới Lâm Nghị Phu, trong bối cảnh của kinh tế toàn cầu hiện tại, mức sản xuất quá mức khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng dư thừa dẫn đến áp lực giảm phát là quá lớn. Hiện tại giảm phát là một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Ông Lâm Nghị Phu cho hay, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cần buộc phải thoát ra khỏi áp lực của giảm phát, điều quan trọng nhất là nên phát huy những chính sách tài chính chính phủ. Đặc biệt, đối với các nền kinh tế đang phát triển, trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu, dùng các chính sách tài chính với sự hỗ trợ của chính phủ là một định hướng tốt. Sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ, trong ngắn hạn có thể tạo ra nhu cầu, tăng năng lực sản xuất.

Ông Lâm Nghị Phu nói, trong bối cảnh khôi phục của kinh tế toàn cầu, sự khôi phục của kinh tế Trung Quốc và Mỹ chính là nền tảng quan trọng. Bởi Mỹ là thể chế kinh tế lớn nhất toàn cầu, còn Trung Quốc là thể chế kinh tế phát triển nhanh nhất trong các nền kinh tế đang phát triển.

"Trung Quốc và Mỹ là hai thể chế kinh tế khác nhau, nhưng lợi ích kinh tế của họ là tương đồng, hơn nữa trong thời gian gần đây những ma sát thương mại giữa họ cũng liên tục xảy ra” – Ông Lâm Nghị Phu khẳng định.

Sự điều chỉnh trong hợp tác Trung – Mỹ có thể giảm bớt những nguy hiểm trong tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, sự hợp tác song phương này có có lợi trong việc củng cố sức mạnh của Trung – Mỹ. Bởi, Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng của Trung Quốc, trong khi đó, Trung Quốc lại là nước nắm giữ trái phiếu chính phủ lớn nhất trong tất cả các nhà đầu tư của Mỹ, nền kinh tế của hai nước đều có mối quan hệ “dựa dẫm lẫn nhau”. Trung – Mỹ hai nước tiên phong trong việc tìm ra các phương án giải quyết khủng hoảng, cũng cần phải định hình tương lai của nền kinh tế thế giới.

Mỹ đang lặp lại sai lầm của Nhật Bản


Đầu những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, khi bong bóng kinh tế Nhật Bản tan vỡ, chính phủ Nhật Bản đã vạch kế hoạch chi tiêu công với quy mô lớn và liên tục trong nhiều năm duy trì chính sách lãi suất siêu thấp cận 0%. Tuy nhiên, các “biện pháp kích thích này” đã không cứu vãn thành công nền kinh tế Nhật, 10 năm sau đó, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản bị đình trệ và phải đối mặt với tình trạng giảm phát.
Tình hình tương tự cũng đang xảy ra với Mỹ, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng, nếu chính phủ Mỹ tiếp tục duy trì các “kế hoạch kích thích” và chính sách lãi suất siêu thấp, kinh tế Mỹ cũng sẽ rơi vào tình cảnh "10 năm mất mát" trước đây của Nhật Bản.

Mặc dù kinh tế Mỹ đã hé mở những dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn có một số nhà kinh tế lo lắng điều này sẽ chỉ là hiện tượng bề nổi, bởi vì tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng. Cho dù thị trường cổ phiếu Mỹ liên tục tăng điểm trong mấy tháng liên tiếp, nhưng thị trường việc làm và chi tiêu tiêu dùng vẫn bị co hẹp.

Theo số liệu của Bộ Lao Động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 10 của Mỹ là 10,2%, mức cao mới trong 26 năm qua. Các chuyên gia kinh tế dự đoán, con số này trong tháng 11 có thể sẽ leo lên 12%.

Tỷ lệ thất nghiệp leo thang không ngừng và chi tiêu liên tục co hẹp đã trở thành nỗi lo lớn nhất cho sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Thượng Nghị sỹ Đảng Cộng Hòa Sam Brownback, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Lưỡng viện thuộc quốc hội Mỹ cho biết: “Theo tôi, kinh tế Mỹ đang lặp lại sai lầm của Nhật Bản trước đây, 10 năm mất mát tồi tệ đang tái diễn tại Mỹ. “Kế hoạch kích thích chỉ làm gia tăng thêm thâm hụt ngân sách mà không kích thích tăng trưởng và tạo cơ hội việc làm”.

Đương nhiên, cũng có người có quan điểm khác. Họ cho rằng, bất luận về văn hóa, cơ cấu kinh tế và mức độ phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, Mỹ và Nhật Bản đều không giống nhau, vì thế “10 năm mất mát” của Nhật Bản sẽ không xuất hiện tại Mỹ. Tuy nhiên, những người có quan điểm phản đối cũng thừa nhận rằng, sau khi thực thi kế hoạch kích thích kinh tế quy mô lớn và kiên trì lâu dài chính sách lãi suất siêu thấp, kinh tế Mỹ tất nhiên sẽ vẫn phải trải qua một thời gian khổ đau.

Vàng sẽ nghiệm chứng sự suy yếu của đồng USD

Bất luận là trong một cuộc thi đấu nào, đối thủ mạnh thì đồng nghĩa là mình yếu. Tương tự như vậy, chiều hướng tăng mạnh của vàng cũng đang nghiệm chứng sư suy yếu của đồng USD. Vàng đối với đồng USD mà nói, vừa là đối tác vừa là đối thủ. Nhưng hiện tại đối với đồng USD, cuộc so lượng giữa nó với vàng dường như đã trở nên rõ ràng. Trong thời gian gần đây, kể từ khi chỉ số của đồng USD so vớí giỏ tiền tệ khác như đồng Bảng Anh, đồng EUR liên tục lập mốc thấp mới trong 15 tháng liên tiếp, thì vàng từ ngày 5/10 đến nay, bình quân 1,6 ngày đều tiến lên mốc cao kỷ lục mới trong lịch sử. Đến nay, giá vàng quốc tế đã chạm ngưỡng 1120USD/ounce, đây là mức giá vàng cao đỉnh điểm kể từ khi vàng tăng giá từ năm 2001 đến nay, tăng hơn 4,4 lần so với mức giá thấp 153USD/ounce của năm đó.

Trong khi đó, ở các lĩnh vực kinh tế quan trọng như ngành công nghiệp và hàng hóa khác vẫn chưa có những số liệu tích cực, chưa lập mốc cao kỷ lục nào, vì thế mà chúng ta chưa có lý do nào để phủ định cách nói, giá vàng quốc tế tăng mạnh là do đồng USD mất uy tin đối với người đầu tư gây ra. Vàng luôn đối đầu với đồng USD trong lĩnh vực tài chính, nó cũng cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu. Thái độ của ETF về vàng quốc tế cũng rõ ràng hơn, bởi vì điều mà các sàn vàng phản ánh chính là ý nguyện của các nhà đầu tư.

Tình trạng trên đứng từ một khía cạnh khác cũng chứng tỏ, khi tiền tệ siêu quốc gia cách chúng ta còn khá xa, vàng sẽ trở thành một sự chờ đợi của các nhà đầu tư đối với tiền tệ siêu quốc gia. Cho đến nay, nếu một nhà đầu tư muốn lựa chọn một loại tiền tệ để làm đơn vị tiền tệ dự trữ ngắn hạn, thì đó chỉ có thể là đồng USD; Nhưng nếu các nhà đầu tư muốn lựa chọn một công cụ tránh rủi ro dài hạn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước viễn cảnh phức tạp và khó dự đoán, thì vàng sẽ thay thế được đồng USD. Từ động thái và nhận thức áp dụng các biện pháp để đa dạng hóa kho dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương các nước, chúng ta có thể cảm thấy được xu hướng này.

Mong muốn “trở lại châu Á” của Mỹ có gặp trở ngại?

Ôm quyết tâm thay đổi tình trạng lạc hậu về thương mại của khu vực châu Á Thái Bình Dương, một “đội ngũ hùng hậu” của Mỹ gồm có tổng thống Mỹ B. Obama, Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton, Bộ trưởng Tài chính Mỹ T. Geithner, Bộ trưởng Thương Mại Mỹ G. Locke, đại diện thương mại Mỹ R. Kirk vào tuần này sẽ đặt chân đến Singapore, để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC và Hội nghị Mỹ - ASEAN sắp được tổ chức vào thời gian tới.

Học giả Bavin tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho biết, lần này Mỹ đã tung ra tín hiệu xác thực về việc “quay trở lại châu Á” của mình, Hiệp định Tự do thương mại (FTA) cũng sẽ trở thành một nội dung thảo luận của Hội nghị Mỹ - ASEAN.

Quan hệ Mỹ-ASEAN đã được hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách mới, hướng tới châu Á của Mỹ. Tháng 8 vừa qua, Washington đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với ASEAN, vốn có tác dụng củng cố hơn nữa mối quan hệ đã tồn tại 3 thập niên.

Trên bàn cờ Châu Á của Nhà Trắng, ASEAN chiếm một vị thế chiến lược, được minh họa qua Hội nghị Thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và 10 lãnh đạo Hiệp hội Đông Nam Á, dự trù vào chủ nhật tới. Đây sẽ là lần đầu tiên, một cuộc họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và toàn bộ 10 lãnh đạo ASEAN, được tổ chức. Bởi vậy, cuộc hội đàm này sẽ đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-ASEAN.

Như ông Jeffrey Bader, cố vấn cho tổng thống Mỹ về Châu Á đã kết luận : “Trong thời đại Châu Á tiếp tục vươn dậy và nhiều tổ chức cũng như cơ cấu mới thành hình, Hoa Kỳ sẽ chủ động tham gia trên sân chơi này, chớ không khoanh tay đứng nhìn”.

Ý tưởng xây dựng một khu vực tự do thương mại châu Á Thái Bình Dương là do cựu chính quyền Bush đưa ra đầu tiên vào năm 2006, nhưng liệu trong hội nghị thượng đỉnh APEC lần này, Mỹ có xúc tiến được việc xây dựng khu vực tự do thương mại châu Á Thái Bình Dương hay không, từ đó giúp Mỹ thông qua Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) can thiệp vào các vụ việc kinh tế tại sân chơi này hay không còn phải chờ đợi thời gian mới giải đáp được.

Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, việc Mỹ muốn thực hiện mục tiêu này e rằng không dễ dàng gì, trước hết, nguyên tắc hợp tác tự chủ tự nguyện độc lập từ trước tới nay của APEC luôn làm trì hoãn tiến trình đàm phán. Còn ASEAN cũng chưa chắc đã ủng hộ “con đường APEC” của Mỹ. ASEAN đã hoàn thành đàm phán FTA với các nước châu Á Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, ngoài ra “xúc tu” của ASEAN đã duỗi ra tới tận Ấn Độ xa xôi. Trong mạng lưới hội nhập kinh tế châu Á Thái Bình Dương được thêu dệt nên từ con đường tự do thương mại, ASEAN ở vị trí then chốt. Nhưng việc thảo luận về hội nhập kinh tế châu Á Thái Bình Dương trong sân chơi của 21 quốc gia thành viên APEC bao gồm cả Mexico, Peru, Chile, sẽ không thể tránh khỏi việc suy yếu đi vị thế của ASEAN trong đó.

USD vẫn là mạnh nhất

Ngày 11/11, trong một bản báo cáo về tương lai của đồng USD, UBS Wealth Management khẳng định, hiện tại không có đồng tiền nào có thể thay thế được vị trí đứng đầu của USD. UBS Wealth Management khẳng định, thời gian gần đây, đồng USD liên tục chịu những tác động mạnh và rất có thể sẽ xuất hiện hiện tượng mất giá trong cơ cấu. Các bảng cân đối tài sản không mấy lạc quan có thể dự kiến được những áp lực về cơ cấu trong tương lai của đồng USD, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại nước Mỹ vẫn đang ngập ngụa trong nợ nần và con số thâm hụt ngân sách thì quá lớn.

Bản báo cáo của UBS Wealth Management cũng dự đoán, mức lạm phát của Mỹ sẽ vượt qua bất cứ một quốc gia nào. Tuy nhiên, hiện tại không có bất cứ một đơn vị tiền tệ nào có thể thay thế được đồng USD. Ở nhiều nước trên thế giới đồng USD vẫn "làm chủ" trong các kho dự trữ ngoại tệ, do vậy đồng USD sụp đổ là một kết quả không một nước nào muốn nhìn thấy.

Bản báo cáo của UBS Wealth Management cho rằng sự bất cân bằng của kinh tế toàn cầu gây ảnh hưởng đến đồng USD mạnh mẽ hơn các đơn vị tiền tệ khác. Hiện tại cả USD và Yên Nhật đều đối mặt với những thách thức lớn.

Với nước Nhật, hiện tại con số nợ của chính phủ nước này chiếm tỷ trọng 200% trong tổng thu nhập quốc nội (GDP). Còn ở nước Mỹ con số thâm hụt ngân sách quá lớn, một con số gây sốc đó là chiếm 50% GDP của năm 2008. Bản báo cáo cũng cho rằng hiện tại đồng EURO là mạnh nhất bởi tiềm năng tăng giá cũng khả quan nhất. Hơn nữa, tỷ trọng các khoản nợ trong GDP của các nước châu Âu nhỏ hơn so với của Mỹ rất nhiều.

Trong 20 năm qua, những chính sách kinh tế của nhiều quốc gia mới nổi đã được cải thiện đáng kể. Nền kinh tế các nước mới nổi có những biểu hiện tăng trưởng đã trở thành những chất xúc tác quan trọng cho tăng trưởng của kinh tế khu vực và thế giới. Bản báo cáo của UBS Wealth Management cũng bày tỏ niềm hy vọng rằng môi trường kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục được cải thiện, ví dụ như tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, giảm lạm phát, tăng năng suất, khuyến khích đầu tư và tăng nhu cầu trong nước.

Theo như dự đoán trong vòng 10 năm nữa nhiều loại tiền tệ của các thị trường đang nổi lên sẽ tăng giá mạnh, tuy nhiên về mặt giá trị dự trữ và chức năng trao đổi thì không thể so sánh với đơn vị tiền tệ của các nước phát triển. Bản báo cáo cho rằng, mặc dù tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi đang mạnh lên nhưng để trở thành một đơn vị tiền tệ quan trọng trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu ít nhất 10 năm nữa vẫn chưa thể hoàn thành.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, mặc dù các vấn đề với đồng USD tồn tại nhiều nhưng vị trí bá chủ của đồng mỹ kim vẫn rất chắc chắn, chiếm tỷ trọng lớn trong kho dự trữ ngoại tệ của các nước. Với các vấn đề phức tạp xung quanh đồng USD, gần đây các nước đã kêu gọi xây dựng một kho dự trữ ngoại hối đa dạng hóa, do vậy lượng USD trong tay các nhà đầu tư vẫn đang giảm xuống.

Mặc dù về phương diện là đồng tiền dự trữ toàn cầu, đồng EURO là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của USD nhưng do cơ cấu chính trị của các nước tại khu vực châu Âu là không đồng nhất khiến cho cơ hội trở thành đồng tiền dự trữ của EURO cũng giảm xuống. Đồng Yên cũng mất đi những cơ hội này bởi khoản nợ của Chính phủ Nhật chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc vì không thể tự do trao đổi nên đây cũng là trở ngại cho đồng tiền này trong quá trình quốc tế hóa.

Hiện tại không có đơn vị tiền tệ nào đủ mạnh để thay thế đồng USD do đó việc thành lập một đơn vị tiền tệ dự trữ đa dạng mà USD làm chủ là một kết quả có khả năng nhất.
Đồng USD vững vàng sau ý kiến của ông Geithner
Đồng Mỹ kim được củng cố phiên ngày 12/11 sau khi Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Timothy Geithner nêu bật vai trò của đồng bạc xanh đối với sự ổn định trong nền kinh tế.
Đồng EURO giảm 1,4845 USD vào lúc 22 giờ 20 (giờ GMT) từ 1,4978 USD cuối phiên 11/11 tại New York.

Ông Geithneer đã lặp lại vị thế của đồng đôla sau cuộc họp với 21 bộ trưởng tài chính từ Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.

Ông cũng cho biết việc đồng đôla vững mạnh rất quan trọng cho Mỹ và tiến trình phục hồi kinh tế.

Ông Geithner cũng thừa nhận về tầm quan trọng của kinh tế Mỹ và đồng đôla. Ông nói: “Chúng tôi đóng vai trò là nguồn sức mạnh và sự ổn định đối với kinh tế toàn cầu”.

Michael Malpede, chuyên gia làm việc tại Easy Forex cho biết, đồng đôla được nâng lên sau khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói rằng: “Thế giới đang đối mặt với sự phục hồi không đồng đều”.

Đồng EURO, tiền tệ có độ rủi ro cao hơn USD có giá cao hơn trên thị trường, trong khi đồng bạc xanh có nơi trú ẩn an toàn cũng giao dịch khá hơn vào một số thời điểm khó khăn.

Trên nhiều thị trường hàng hóa, giá vàng chạm kỷ lục 1.123 USD/ounce vào buổi sáng khi giao dịch được tiếp thêm tin hỗ trợ từ khu vực chứng khoán và đồng bạc xanh. Tại London, giá vàng lên mốc cao nhất 1.123,38 USD/ounce.

Nhiều thương nhân cũng chờ đợi số liệu tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone vào ngày 13/11 với kỳ vọng nền kinh tế của 16 nước sử dụng đồng tiền chung EURO này thoát khỏi suy thoái trong quý ba.

Tại Mỹ, các đơn trợ cấp thất nghiệp giảm trong hai tuần liên tiếp, cho thấy sự cải thiện ít ỏi đã có mặt tại thị trường lao động hỗn loạn này. Các đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần (tính đến ngày 07/11) đứng ở mức 502.000, giảm 12.000 so với số liệu công bố vào tuần trước đó.

Vào cuối phiên giao dịch tại New York, đồng Mỹ kim đứng ở mức 1,0173 Francs Thụy Sỹ từ 1,0078 vào ngày 11/11. Đồng Bảng Anh lên 1,6580 USD sau khi đứng ở mức 1,6572.

Chính sách tiền tệ thế giới có đang chuyển hướng?

Theo sau Úc, Israel và Na Uy cũng đã trở thành những nước đầu tiên nâng lãi suất cơ bản sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mặc dù, Ngân hàng trung ương Ấn Độ chưa tăng lãi suất, nhưng gần đây cũng quyết định nâng tỷ lệ lưu động vốn. Động thái thắt chặt tiền tệ của 4 nước nói trên liệu có mở ra một trào lưu nâng lãi suất toàn cầu, dư luận quốc tế tự hỏi: Chính sách tiền tệ đang chuyển hướng? Trên thực tế, những quốc gia tiên phong trong việc nâng lãi suất đưa ra chính sách của mình chỉ là dựa theo sự thay đổi của tình hình kinh tế vĩ mô của nước mình. Chẳng hạn như tuyên bố của Ngân hàng trung ương Úc cho thấy, kinh tế Úc biểu hiện tốt hơn dự đoán, các chỉ số lòng tin đã được khôi phục. Nguy cơ kinh tế co hẹp nghiêm trọng đã qua, Ngân hàng trung ương Úc cho rằng, “Việc từ từ rút lui các chính sách tiền tệ mang tính kích thích đã thực hiện trong thời kỳ nền kinh tế u ám phải vô cùng thận trọng”. Cũng theo tuyên bố nâng lãi suất của Ngân hàng trung ương Na Uy, ước tính trong vài năm tới tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này sẽ giữ ở mức thấp, còn tốc độ tăng lương sẽ nhanh hơn so với dự đoán.

Hai nền kinh tế Na Uy và Úc đã khôi phục nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hai nước này còn được lợi từ danh hiệu cường quốc tài nguyên năng lượng. Na Uy là cường quốc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, việc tăng giá năng lượng quốc tế đã thúc đẩy nền kinh tế nước này phục hồi, đồng thời đã đẩy vật giá tăng lên. Cũng là một cường quốc năng lượng, tình hình của Úc cũng lạc quan tương tự như trên, sự đảo ngược mạnh mẽ của các nền kinh tế khu vực châu Á đã khiến cho giá nguyên vật liệu và hàng hóa tăng theo, trở thành một động lực mạnh mẽ giúp Úc nhanh chóng phục hồi và thoát ra khỏi cơn suy thoái.

Tuy nhiên, bất luận là Israel, Na Uy hay Úc, tỷ trọng của các quốc gia này trong nền kinh tế thế giới vẫn khá nhỏ. Đối với các nền kinh tế lớn chủ yếu trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản mà nói, con đường phục hồi kinh tế vẫn còn khúc khuỷu. Cho dù GDP trong quý III của Mỹ tăng 3,5%, nhưng vật giá vẫn chưa thoát khỏi bóng tối của sự giảm phát.

Điều tồi tệ hơn là, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng cao, số liệu mới nhất cho thấy là 10,2%, mức cao nhất trong 25 năm qua. Do đó, trong hội nghị chính sách tiền tệ gần đây, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED không những chưa “ám thị” khả năng nâng lãi suất, trái lại cón nhấn mạnh đến việc tránh nguy cơ giảm phát.

Tại Nhật Bản, Ngân hàng trung ương Nhật dự đoán, hai năm tài khóa tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục đương đầu với áp lực giảm phát, chỉ số giá cả hàng hóa trong tháng 9 giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức trượt giảm của tháng thứ 7 liên tiếp. Về việc này, Ngân hàng trung ương Nhật tuyên bố, trong thời gian ngắn sẽ vẫn duy trì chính sách lãi suất thấp cho đến khi phục hồi kinh tế đã ổn định vững chắc.

Còn tại khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone, mặc dù chiều hướng tụt giảm nghiêm trọng đã được kìm chế, thị trường tín dụng và lòng tin đã khôi phục và ổn định trở lại, nhưng thị trường lao động vẫn đang trong tình trạng nguy cấp, số người thất nghiệp vẫn chưa xác định. Do đó, dự đoán khu vực Eurozne sẽ không vội vàng rút lui các chiến lược kích thích kinh tế.

Hiện tại, kinh tế thế giới đã xuất hiện những dầu hiệu hồi sinh ổn định. Tình hình kinh tế vĩ mô của các nước không giống nhau, nên trong việc lựa chọn các chính sách cũng có nhiều điểm khác biệt. Song, đúng như Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm các nước G20 đã nói, các nước nên tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Sau khi kinh tế hoàn toàn phục hồi, các nước nên hợp tác và phối hợp rút lui các chính sách hỗ trợ kinh tế và tài chính vĩ mô phi chính quy.

Buffett: Tài chính thế giới đã qua giai đoạn hoảng loạn

Theo nhận định của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, mặc dù kinh tế Mỹ vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhưng thời kỳ hoảng loạn của kinh tế toàn cầu bùng nổ từ năm ngoái đã đi qua.
Phát biểu tại Đại học Columbia, nhà đầu tư Buffett cho biết: "Thời kỳ hỗn loạn của kinh tế đã cách chúng ta rất xa rồi, nhưng kinh tế Mỹ vẫn tồn tại một số khó khăn".

Tháng trước, theo các số liệu mới được công bố bởi Chính phủ Mỹ, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý ba năm nay là 3,5%, đây là quý đầu tiên GDP của Mỹ tăng trưởng kể từ quý hai năm 2008. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn tăng lên thành 10,2% trong tháng 10, khiến con số thất nghiệp của Mỹ lần đầu tiên đạt được hai con số trong 26 năm qua.

Tuy nhiên nhà đầu tư huyền thoại cũng chỉ ra rằng, do Mỹ là thể chế kinh tế lớn nhất toàn cầu nên các cơ hội đầu tư vào Mỹ sẽ lớn hơn rất nhiều so với các quốc gia và khu vực khác. Ngoài những dữ liệu cải thiện của kinh tế vĩ mô, trong quý III/2009, các thành tích kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ cũng đã có bước đầu tăng khá thuận lợi. Trong 188 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh của Mỹ, tỷ lệ những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hơn dự kiến là 80%. Hơn nữa, trong kết quả điều tra kim ngạch tiêu thụ của 43% số doanh nghiệp đã vượt xa so với dự đoán.

Ngoài ra, tỷ phú Buffet cũng gợi ý rằng, Chính phủ Mỹ không nên quá "cưng chiều" những công ty sau khi nhận được cứu trợ của Chính phủ mới có thể tồn tại hoặc mới có thể duy trì đủ lượng vốn của mình. “Những công ty đó sẽ còn cần nhiều nguồn vốn hơn nữa” – ông khẳng định. Ngoài ra nhà đầu tư huyền thoại cũng đánh giá cao các phương án ứng phó với khủng hoảng tài chính của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner.

Nguồn tin: nguồn 1

Trung Quốc: Nguy cơ bong bóng bất động sản

Trung Quốc đang xem xét liệu gói kích cầu mà nước này đưa ra năm ngoái có gây hậu quả tiêu cực nào hay không.

Giá bất động sản ở nước này thời gian qua tăng rất nhanh khiến một số nhà quan sát tình hình kinh tế lo ngại rằng tại Trung Quốc, bong bóng bất động sản đang ở giai đoạn có thể "nổ tung".

Từ năm ngoái đến nay, giá bất động sản ở Trung Quốc đã tăng 85% và riêng ở thành phố Thượng Hải, giá những căn hộ mới đã tăng gần 30%.

Ông Arthur Kroeber, Giám đốc Dragonomics - công ty nghiên cứu kinh tế độc lập có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng, việc giải quyết vấn đề giá nhà ở tăng vọt sẽ là một trong những thách thức quan trọng mà Chính phủ Trung Quốc phải đối diện vào năm tới.

Theo ông Kroeber, trong sáu tháng cuối năm 2010, Chính phủ Trung Quốc sẽ phải giải quyết vấn đề giá bất động sản khi nhiều người ở nước này cho rằng đầu tư vào địa ốc là cách bảo đảm tốt nhất cho tuổi già.

Ngoài sức ép do việc mỗi năm có 10-15 triệu người từ nông thôn đổ vào thành thị để kiếm sống kéo theo nhu cầu về nhà ở, Trung Quốc còn chịu áp lực từ những người hiện đang sống tại thành thị nay muốn mua thêm căn nhà thứ hai để chuẩn bị về hưu.

Vì vậy, mỗi khi tiền bạc được "bơm" thêm vào hệ thống tài chính thì giá nhà ở lại có chiều hướng tăng lên./.