10 tháng 10, 2009

Wall St. và tuần công bố BCTC của các bluechip

Chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục hành trình tăng điểm trong các tuần tới nhờ động lực mà mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3 đem lại.

Mùa báo cáo tài chính quý 2 vừa qua đã không có được kết quả tốt như thời điểm mới bắt đầu. Tuy nhiên, trong tuần tới nhà đầu tư có thể kỳ vọng rằng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ rất khả quan khi doanh thu trong giai đoạn này không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào việc cắt giảm chi phí.

Tuần tới, 6 doanh nghiệp thành viên Dow Jones và một số ngân hàng hàng đầu sẽ báo cáo kết quả kinh doanh. Cũng vào thời điểm bắt đầu mùa công bố lợi nhuận quý 2, chỉ số S&P 500 tăng tới 7% trong tuần sau khi Alcoa công bố lợi nhuận. Kể từ đó, chỉ số này không một lần có lại được đà tăng mạnh như thế, nhưng nếu kết quả kinh doanh duy trì xu hướng khả quan như ban đầu, giới đầu tư có thể tiếp tục mua vào cổ phiếu.

Kỳ vọng phục hồi kinh tế là động lực chủ yếu kích thị trường thăng hoa gần 60% kể từ ngày 09/03 tối tăm. Kết thúc phiên giao dịch ngày Thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tiếp tục xác lập mức cao mới của năm 2009.

Dù vậy, đợt phục hồi ngoạn mục này vẫn khiến giới phân tích tự hỏi liệu thị trường chứng khoán có phụ thuộc vào quá nhiều tin tốt. Kỳ vọng của các nhà phân tích thường gia tăng trong khoảng thời gian này dù không có những nhân tố kích thích thị trường trong hai quý cuối năm nay.

Theo số liệu thống kê của Thomson Reuters, mặc dù lợi nhuận trong nhiều lĩnh vực đã được điều chỉnh, nhưng dự kiến lợi nhuận tổng thể sẽ sụt giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuần công bố lợi nhuận của bluechips

Các công ty tên tuổi sẽ lần lượt thông báo kết quả lợi nhuận vào tuần tới. Cụ thể, Tập đoàn điện tử Intel, Johnson & Johnson sẽ công bố vào ngày Thứ Ba, Ngân hàng JPMorgan Chase vào Thứ Tư, Ngân hàng Goldman Sachs và IBM vào Thứ Năm; Bank of America và General Electric vào ngày Thứ Sáu.

Theo đó, giới đầu tư sẽ dõi theo các công bố này để biết liệu lợi nhuận của IBM và Intel có khả quan hơn trước sự suy yếu của đồng USD. Theo số liệu I/B/E/S của Thomson Reuters, lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) của IBM đạt 2.38 USD trên doanh thu 23.38 tỷ USD, trong khi đó Intel ước kiếm lời 27 cent/cp trên doanh thu 9.015 tỷ USD.

Một trong những đại gia Ngân hàng dự kiến công bố kết quả kinh doanh vào tuần tới là Tập đoàn Goldman. Bất chấp tình hình vẫn còn khó khăn, Ngân hàng này tiếp tục làm ăn có lãi. Tương tự, các đại gia ngân hàng khác, đặc biệt là Bank of America, cũng sẽ công bố lãi và trở thành chứng khoán chủ đạo dẫn dắt thị trường. Theo ước tính, lợi nhuận của các công ty tài chính tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, tức thời điểm diễn ra vụ sụp đổ lịch sử của Lehman Brothers.

Đồng USD mất giá, lạm phát đứng yên

Một trong những nhân tố khác thúc đẩy thị trường tăng điểm trong tuần tới có thể là đồng USD. Sự suy yếu của đồng bạc xanh đã kích giá nguyên liệu tăng cao, làm cho các cổ phiếu hàng hóa và chỉ số trong ngành tăng điểm.

Một số chỉ số kinh tế quan trọng cũng được công bố vào tuần tới.

Trong đó, doanh số bán lẻ Tháng 9 được công bố vào Thứ Tư. Các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Reuters dự báo doanh số bán lẻ giảm 2.1%. Số liệu công bố hôm Thứ Năm tuần trước cho thấy, doanh số bán lẻ Tháng 9 của các doanh nghiệp cùng ngành lần đầu tiên gia tăng trong hơn một năm qua. Và thị trường chứng khoán có thể nhận thêm đà tăng điểm nếu các nhà bán lẻ duy trì được nguồn doanh số tích cực.

Ngày Thứ Năm tới, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Tháng 9 sẽ được công bố. Dự kiến chỉ số này tăng 0.2% so với tháng trước và giảm 1.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (core CPI) trong Tháng 9, loại trừ giá của các mặt hàng hay biến động như thực phẩm và năng lượng, ước tăng 0.1% so với tháng trước và 1.4% so với cùng kỳ năm 2008. Các khoản thu nhập ròng ước giảm 0.1% trong Tháng 9.

Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu sẽ được công bố vào ngày Thứ Năm, và dự tính sẽ ở vào khoảng 525,000 người. Con số này khá phù hợp với số liệu tuần trước. Trong khi đó, số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp dự kiến giảm nhẹ xuống mức 6.02 triệu người.

"Các ngân hàng TQ đang bên bờ của sự sụp đổ"

Nền kinh tế Trung Quốc có đang đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn? Hay sự bùng nổ - vừa khớp với các lễ hội ăn mừng 60 năm quốc khánh nước cộng hòa nhân dân - sẽ tiếp tục? Nhà nghiên cứu tương lai người Mỹ George Friedman đã có câu trả lời khá rõ ràng.

Người đứng đầu công ty thông tin tư nhân Stratfor, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí manager (mm.de) đã khẳng định: cuộc khủng hoảng tiếp theo của châu Á đang dần lớn lên.

Thưa ông Friedman, trong số mới của tạp chí manager (số 10/2009) đề cập tới hiện tượng phát triển quá nóng của nền kinh tế Trung Quốc, mang đầy đủ các biểu hiện của một bong bóng. Vẫn còn có nhiều doanh nhân và kinh tế gia phương Tây đặt nhiều hy vọng vào sự năng động của Trung Quốc, có phải vậy không?

Tốt hơn là không nên vậy - tốc độ tăng trưởng không nói lên được nhiều về hiện trạng của một nền kinh tế.

Vậy thì nền kinh tế Trung Quốc (TQ) đang như thế nào?

Friedman: Đứng trên đôi chân đất sét. Các doanh nghiệp chủ yếu do các ngân hàng tài trợ. Bởi vậy họ không lưu tâm lắm đến kiếm lời thông qua tạo nguồn thu để trả nợ. Thay vì vậy, họ cố bán càng nhanh càng nhiều. Rất thành công - như các con số đề thặng dư xuất khẩu đã chỉ ra.

Điều đó có gì tệ đâu?

Ở TQ không có cơ chế thị trường để phân bổ vốn. Người TQ chỉ có thể gửi tiền vào các ngân hàng nhà nước với lãi suất thấp. Các ngân hàng này lại cho các doanh nghiệp quốc doanh hoặc chịu ảnh hưởng của nhà nước vay lại - nặng về quan hệ và ý chí hơn là quan tâm tới lợi nhuận.

Đó không phải là kinh tế thị trường thuần túy. Nhưng mà cho tới giờ hệ thống đó vẫn hoạt động thành công...

Chỉ khi nào các doanh nghiệp còn phát triển. Nếu tăng trưởng giảm sút - như bây giờ qua khủng hoảng của các nước mua hàng - sẽ xuất xảy ra tình trạng vỡ nợ hàng loạt. Hệ thống tài chính sẽ sụp đổ một cách chậm chạp, nhưng chắc chắn - giống như trong cuộc khủng hoảng chấu Á lần thứ nhất ở Nhật Bản. Khi đó, tỷ lệ tín dụng so với tổng thu nội địa ở mức 17% đã bị coi là xấu. Hiện tại ở TQ tỷ lệ này là 30 tới 40 phần trăm. Giống như Nhật Bản ở vận tốc lớn hơn.

Nhưng TQ có các nguồn lực khổng lồ - chỉ riêng dự trữ ngoại tệ đã hơn 2000 tỷ đô la, phần lớn là các trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ. Tại sao nền kinh tế đó không hấp thu được các khoản vỡ nợ?

Dự trữ đô la lớn là một dấu hiệu rất xấu. Nó có nghĩa là trong nước không có cơ hội đầu tư thích đáng cho các khoản tiền. Thay vì đầu tư ở TQ người TQ lại thích đầu tư và các hầm mỏ ở châu Phi hay Cục Dự trữ Hoa Kỳ..

Vậy thì tại sao các doanh nghiệp châu Âu và Hoa kỳ lại nóng lòng đầu tư vào TQ?

Bởi họ đánh hơi thấy các cơ hội thị trường khổng lồ. Họ nhìn thấy số dân tới 1 tỷ 3 con người. Họ thấy những tỷ phú ở các thành phố duyên hải đang sắm xe Mercedes và Maserati cho mình.

Điều đó có vẻ rất lạc quan?

Họ không để ý thấy có hơn 1 tỷ người TQ chỉ kiếm được chưa đầy 2000 đô la. Mức thu nhập này nằm ở mức của Châu phi khu vực xích đạo. Hoàn cảnh của những con người này cần phải cải thiện nếu không sẽ xuất hiện các bất ổn xã hội, điều mà các nhà đầu tư ngoại quốc luôn né tránh.

30 năm qua tình hình TQ đã cải thiện liên tục. Tại sao điều đó không tiếp tục trong thời gian tới?

Để làm dịu tình hình nghèo khổ, TQ phải tiếp tục tăng trưởng. Các doanh nghiệp khém hiệu quả hiện đang được duy trì giả tạo bằng các hợp đồng và nhiều khoản vay của nhà nước hơn thông qua chương trình kích thích. Tuy vậy toàn bộ số tiền mà TQ kiếm được nhờ những năm bùng nổ xuất khẩu cũng không đủ để kéo dài việc ổn định hệ thống.

Liệu có con đường nào khác không?

Tôi e rằng không. Tự TQ không kiểm soát được nền kinh tế của mình. Sự thần kỳ trong phát triển của vùng duyên hải không hơn gì sự bành trướng của Wal-Mart. Công nghiệp TQ không có khách hàng ở ngay nội địa vì ở đó con người sống theo kiểu tự cung tự cấp. Kinh tế TQ sống nhờ khách hàng ở Mỹ và châu Âu. Và các quốc gia này cũng quyết định liệu TQ có phát triển tiếp hay không - và có vẻ không phải là như vậy.

Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng của châu Á?

Chúng ta đã sa vào cuộc khủng hoảng lần 3 của châu Á. Các doanh nghiệp TQ nợ quá nhiều rồi. Các ngân hàng đang đứng bên bờ sụp đổ.

Ngài có nói quá không? Các chỉ số của các ngân hàng TQ xem ra có vẻ chắc chắn hơn các ngân hàng phương Tây.

Ồ không, các báo cáo không nói hết sự thật. Nhà nước đã đảm nhận các khoản nợ xấu và chia cho các Công ty quản lý tài sản. Và các công ty này đã tồn tại từ lâu. Thêm tăng trưởng không có lợi nhuận chẳng đưa đến đâu cả - nó chỉ thổi phồng cái bong bóng TQ thêm mà thôi.

George Friedman là người sáng lập và lãnh đạo công ty thông tin tư nhân Stratfor. Ông đã viết nhiều sách và bài báo về các chủ đề chính sách an ninh, truyền thông và công nghệ. Tác phẩm mới nhất là cuốn "The Next 100 Years: A Forecast for the 21st Century".

Bernanke: FED sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ




Chủ tịch cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke hôm 8/10 nhận định, khi nền kinh tế Mỹ có những cải thiện đầy đủ, FED có thể áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt để tránh những rủi ro về lạm phát tăng cao.
Tại phiên họp của FED, Chủ tịch Bernanke khẳng định, chính sách tiền tệ nới lỏng nên được dùng thêm một thời gian nữa, nhưng sau khi nền kinh tế có những dấu hiệu phục hồi, FED cần phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm phát tăng cao. Ông cũng khẳng định, “Khi nền kinh tế với những dấu hiệu cải thiện rõ rệt, chúng ta cần duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, cuối cùng đưa bảng tổng kết tài sản của FED trở về được trạng thái ổn định".

Gần đây, kinh tế Mỹ đã xuất hiện dấu hiệu phục hồi. Theo các số liệu sửa đổi được công bố bởi bộ Thương mại Mỹ hôm 30/9, trong quý hai năm nay kinh tế Mỹ co rút 0,7%, mức thu hẹp thấp hơn đáng kể so với con số 6,4% hồi quý một năm nay. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn còn khá cao, trong tháng chín đạt mức 9,8%.

Để ứng phó với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã áp dụng một số biện pháp ứng phó tích cực, chủ yếu là hạ mức lãi suất cơ bản, thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng về số lượng và phát hành trái phiếu.

Chính sách tiền tệ nới lỏng về số lượng bắt nguồn từ Nhật Bản, theo chính sách này, sự cung ứng bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính tương đương như một cỗ máy in tiền. Vì vậy các chuyên gia phân tích cũng khẳng định rằng, chính sách này có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát khá cao.