8 tháng 10, 2009

Giá vàng thiết lập đỉnh mới, trên 1,050 USD/oz

Giá vàng liên tục tạo đỉnh mới ngày thứ ba liên tiếp khi vượt mốc 1,050 USD/oz trong phiên giao dịch ngày Thứ Năm 08/10. Sự suy yếu của đồng USD đã khiến kênh đầu tư vào kim loại quý hiếm này ngày càng hấp dẫn giới đầu tư.

Như vậy, giá vàng đã tăng 20% trong năm nay do đồng bạc xanh liên tục trượt dốc xuống dưới 90 JPY/USD và mối quan ngại về nguy cơ xảy ra lạm phát sau khi các ngân hàng trung ương và Chính phủ trên toàn thế giới bơm số tiền khổng lồ vào nền kinh tế để kích thích tăng trưởng.

Vào lúc 02:34 GMT tức 09:34 sáng giờ Việt Nam, giá vàng chạm mức 1,051.05 USD/oz.

Viễn cảnh của đồng USD theo như dự đoán vẫn còn rất u ám nên điều đó cũng đồng nghĩa với việc giá vàng có thể tiếp tục leo thang.

Nhiều khả năng đà tăng của giá vàng sẽ bền vững trong thời gian còn lại của ngày hôm nay khi giới đầu tư đang dõi theo một số thông tin để tìm kiếm thêm bằng chứng về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.

Đáng chú ý nhất là công bố lãi suất của Ngân hàng trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Nhà đầu tư sẽ không bỏ qua cơ hội để có được cái nhìn về triển vọng kinh tế của các nền kinh tế này.

Cùng ngày, hợp đồng vàng tương lai giao Tháng 12 tại Mỹ tăng 0.5% lên 1,050 USD/oz.

Bất chấp sự leo thang của giá vàng, doanh số bán kim loại tại Châu Á vẫn còn chậm chạp, điều này cho thấy người tiêu dùng đang chờ đợi để giá vàng lên cao hơn nữa rồi mới tiến hành chốt lời. Bên cạnh đó, mùa lễ hội ở Ấn Độ đang đang diễn ra, và theo truyền thống doanh số bán vàng trong giai đoạn này thường tăng mạnh.

Tại sao Eurozone khó vạch ra chiến lược thoát khỏi khủng hoảng?

Tại Goteborg (Thụy Điển), bộ trưởng tài chính các nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã không đạt được cam kết nào nhằm giảm thâm hụt ngân sách trong bối cảnh ngân sách của hầu hết các nước đều bị cạn kiệt vì khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn thì vấn đề này cũng sẽ sớm được đặt ra.

Theo báo l'Expansion, mặc dù đều cho rằng đã đến lúc phải quay lại chính sách thắt chặt ngân sách, từng bị nới lỏng do tác động mạnh của cuộc khủng hoảng, song cuộc họp đã nhưng không ấn định được mốc thời gian chấm dứt các kế hoạch cứu trợ và tái khởi động các cuộc cải cách cơ cấu. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được quyết định vào tháng 11 tới, nhân dịp công bố những dự báo của Uỷ ban châu Âu (EC), lần đầu tiên có mục tiêu hướng đến năm 2011. Nếu kinh tế hồi phục, đó chắc chắn sẽ là năm mà Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải yêu cầu các nước thắt chặt ngân sách.

Hiện tại, ngay cả khi một số nước, trong đó có Pháp và Tây Ban Nha, vẫn bị giám sát từ mùa Xuân đến giờ, EC biết rằng họ vẫn cần phải kiên nhẫn hơn nữa trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Không có nước châu Âu nào đặt mục tiêu ưu tiên là khôi phục thâm hụt ngân sách cho năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch cho những năm sau đó của các nước lại chia sẽ sâu sắc. Đức, bất chấp khủng hoảng vẫn tiếp tục nỗ lực thắt chặt ngân sách, cố gắng chỉ để thâm hụt ở mức 4% GDP vào năm 2009 và 6% vào năm 2010, đã thông qua một luật trong đó đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 0,35% bắt đầu từ năm 2016. Một chính sách hà khắc như vậy nhằm đề phòng điều gì trong khi ngay cả Pháp cũng không dám thực hiện một chính sách như thế? Bản kế hoạch ngân sách năm 2010 của Pháp dự báo thâm hụt sẽ vào khoảng hơn 8% GDP. Chính phủ Pháp đã cố tình lùi thời điểm bắt đầu kế hoạch làm trong sạch hệ thống tài chính công đến năm 2011. Bởi vậy mà một bộ “luật nhiều năm” có mục tiêu giảm thâm hụt với mức 1 điểm phần trăm/năm đã được thông qua. Với tốc độ này, theo lí thuyết thì phải đến năm 2015 nước Pháp mới có thể giảm thâm hụt xuống dưới mức 3%. Những nước kém hơn như Pháp chẳng hạn, liệu thực sự có quyền lựa chọn? Trong một bài viết, Laurence Boone, chuyên gia kinh tế thuộc công ty nghiên cứu Barclays Capital, giải thích rằng sẽ không có “bác sĩ nào nhẹ tay” ngay cả khi lạm phát tăng có tăng mạnh hay nền kinh tế tăng trưởng không ngừng. Theo bà, cái cần của cải cách lần này là phải làm đồng thời hai việc: tăng thuế và giảm chi tiêu ngân sách, nếu không làm được điều này, nợ ngân sách sẽ tiếp tục tăng nhanh. Và nếu tình trạng này còn kéo dài, eurozone có thể sẽ trở lại là khu vực có nhiều biến động nhất chưa từng có. Nguyên nhân trước tiên có thể là vì chính sách tiền tệ duy nhất của khối này sẽ không thể thoả mãn hết quyền lợi quá trái ngược nhau của các nước thành viên.

Bà Laurence Boone cho rằng: “Nếu nhiều nước thực hiện chính sách nới lỏng ngân khố, ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ buộc phải siết chặt tỷ lệ lãi suất của mình. Điều này sẽ tạo ra những căng thẳng về chính trị từ phía những nước đã nỗ lực cải cách hệ thống tài chính công của mình như Đức”. Tiếp theo là vì các nước nợ nhiều nhất có nguy cơ thiếu khả năng thanh khoản, ví dụ như Italia hay Hi Lạp. Agnès Benassy-Quéré, nhà kinh tế thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế CEPII, khẳng định: “Nguy cơ này cho đến lúc này vẫn chỉ là giả thuyết". Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu điều phải đến sẽ đến? Theo Agnès Benassy-Quéré, “khi đó Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ buộc phải trở thành người cứu hoả. Với tất cả trái phiếu kho bạc đã được các nước phát hành và đã được các ngân hàng mua hết, chúng ta không thể tự cho phép mình để bất cứ nước nào trong eurozone phải lâm vào cảnh phá sản. Có thể sẽ phải là một Lehman Brothers mới nhấn chìm được các ngân hàng xuống nước”.

Vì sao Nhật Bản muốn lập liên minh với Trung Quốc?


Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Katsuya Okada và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Kiết Trì đã nhất trí hai nước sẽ cùng phối hợp nhằm tạo dựng “Cộng đồng Đông Á” vì sự hợp tác chặt chẽ hơn trong khu vực.
Hơn 100 năm trước, sau khi hoàng đế Minh Trị của Nhật Bản đánh bại Trung Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã trở thành hai “kẻ thù không đội trời chung”. Nhưng gần đây cả hai nước đã bắt đầu bàn về việc kết thành liên minh tạo nên một lực lượng mạnh trên trường quốc tế.

Hành đồng này có thể gây sốc cho thế giới khi cả Bắc Kinh và Tokyo cùng đưa ra kế hoạch thành lập “cộng đồng đông Á”, liên minh này cũng giống như Liên minh châu Âu (EU), có thể thay đổi toàn bộ mối quan hệ về kinh tế và chính trị tại khu vực. Đề nghị này được đưa ra khá sớm trong việc hợp tác tại các lĩnh vực như ký kết các thị thực du lịch, xây dựng các công trình công cộng, vấn đề năng lượng và bảo vệ môi trường, sau đó mới mở rộng sang các lĩnh vực về chính trị và các chính sách chung liên quan đến quốc phòng. Thậm chí cả hai bên còn đưa ra ý kiến về việc thành lập một đồng tiền chung tại khuc vực Đông Á.

Từ sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 30/8, đảng Dân chủ Nhật Bản đã có những bước tiến ôn hòa khiến nhiều người kinh ngạch. Tân Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama luôn có những nỗ lực mới trong việc thiết lập các mối quan hệ với những nước láng giềng. Nhiều người cho rằng nỗ lực này đang thể hiện một “ý đồ” khác, đó là chính quyền Nhật muốn “từ bỏ” Washington. Từ sau khi chiến tranh Thế giới II kết thúc, Tokyo luôn là một người bạn trung thành với Washington. Vì vậy việc Tokyo thiết lập các mối quan hệ liên minh với Đông Á mang nhiều ý nghĩa sâu xa đối với các nước còn lại của thế giới. Điều đáng nói nữa đó là, hiện tại Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới còn Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ ba ,mặc dù có thể hai vị trí này sẽ bị đảo ngược trong thời gian tới.

Theo nhận định của các chuyên gia Mỹ, hiện tại Nhật Bản đang muốn tìm một con đường cải thiện bầu không khí với Trung Quốc, từ đó giải quyết các vấn đề về kinh tế và vấn đề lãnh thổ. Nếu như Nhật Bản cải thiện được mối quan hệ với các nước châu Á khác, Phương Tây có thể thu được nhiều lợi hơn là mất.

Quan hệ căng thẳng của Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu trở lại vào năm 1894. Năm 1973, Quân đội Nhật một lần nữa tấn công Trung Quốc, chiếm lĩnh Thượng Hải, Bắc Kinh, Nam Kinh. Sự phẫn nộ của người dân Trung Quốc đối với sự thống trị của thực dân Nhật cũng chính là trở ngại quan trọng nất cho những cải thiện trong mối quan hệ của Nhật Bản và Trung Quốc.

Trước sự việc này, giới truyền thông Trung Quốc từng lưu ý rằng, Nhật Bản hy vọng rằng quá trình này có thế mở rộng tầm ảnh hưởng của Nhật Bản tại khu vực Đông Á. Trước đây , Nhật Bản tỏ ra không mấy "mặn mà" với kế hoạch này nhưng sau khi khủng hoảng tài chính nổ ra, Nhật Bản cũng nhận ra rằng những hoạt động của kinh tế của nước mình cần phải phụ thuộc vào một số nền kinh tế đang nổi lên.

Liệu Vàng có thể tăng giá đựoc nữa ko?

Giá vàng có thể tăng gấp đôi so với hiện nay lên 2.000 USD/ounce trong thập kỷ tới. Điều này có nghĩa là nên tranh thủ mua vàng vào những thời điểm hợp lý. Một nhà đầu tư lừng danh có quan hệ với Bloomberg trả lời phỏng vấn tờ báo này cho biết.

Hiện tại, giá vàng đang đứng ở mức cao kỷ lục là trên 1.050 USD/ounce và đang hướng tới năm tăng giá thứ 9 liên tiếp.

Lý do chính khiến vàng tăng vọt gần đây là do nhu cầu đầu tư vào mặt hàng tối quan trọng này gia tăng mạnh mẽ với dự báo về triển vọng tiếp tục suy yếu của đồng USD.

Không chỉ USD mà cả các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới sẽ giảm giá trị sau khi chính phủ các nước đẩy mạnh chi tiêu để chống lại cuộc suy thoái toàn cầu. Đây là nguyên nhân khiến hầu hết các nhà đầu tư lớn trên thế giới quay trở lại với vàng.

“Con người đang in thêm tiền và vàng đang tăng giá. Có rất nhiều lý do để mua vàng mỗi khi thấy thích hợp”, Jim Rogers - một nhà đầu tư lớn trả lời phỏng vấn Bloomberg cho biết.

Vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tăng số nợ của nước này lên mức cao kỷ lục nhằm vay tiền thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới này tăng trưởng.

“Tốc độ in thêm tiền cao và sự kém mặn mà của giới đầu tư đối với mua và sử dụng đồng USD đã khiến đa số các nhà đầu tư thông minh khác chuyển dần sang vàng”, Philip Gotthelf, chủ tịch Equidex Brokerage Group Inc. nói.

Giá vàng bắt đầu tăng bùng nổ ngay sau khi có thông tin từ tờ báo Independent của Anh cho biết, các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư và các nước lớn khác bao gồm Nhật, Nga và Trung Quốc đã có các cuộc hội họp về vấn đề thay thế đồng USD trong các giao dịch mua bán dầu thô.

Vàng tăng giá còn do mùa tiêu thụ vàng tại một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc đang đến gần.

Theo ông Ben Westmore, một chuyên gia kinh tế của Ngân hàng National Australia Bank Ltd, hoạt động mua vàng vào gần đẩy chủ yếu là của các quỹ.

Tổng số vàng của SPDR Gold Trust - quỹ buôn bán vàng lớn nhất thế giới đã tăng lượng vàng thêm 8,8 tấn lên 1.109,31 tấn.

Theo các chuyên gia, các quỹ - những nhà đầu tư lớn - mua vào đồng nghĩa với việc đánh giá của họ về dài hạn là vàng sẽ còn tăng giá mạnh.

Tuy nhiên, về ngắn hạn, theo Ben Westmore, trước mắt vàng có thể bước vào một đợt điều chỉnh giảm nhẹ sau đợt tăng vừa qua. Đây cũng là điều thường thấy trong 5-6 đợt tăng nóng kể từ đầu năm tới nay.

Tại thị trường trong nước, diễn biến cũng tương tự sau các đợt vượt ngưỡng 18, 19, 20, 21, 22 triệu đồng/lượng.

Sau mỗi lần sốt nóng tăng mạnh liên tục vài phiên và lập các đỉnh cao mới, vàng thường quay đầu giảm sau đó đi ngang trong vài tuần.

Lần này, nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng, vàng có thể chạm tới ngưỡng 23 triệu đồng/lượng và sau đó sẽ quay đầu giảm, trước khi bước vào một đợt tăng mới.

Thâm hụt ngân sách Mỹ cao nhất kể từ năm 1945

Trong năm tài chính 2009, ngân sách Mỹ thâm hụt 1.400 tỷ USD, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Chống thâm hụt sẽ là nhiệm vụ mới của Chính phủ nước này khi kinh tế dần đi vào ổn định.

Báo cáo thâm hụt hằng tháng của Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) công bố hôm qua cho thấy trong năm tài chính 2009, kết thúc vào ngày 30/9, chi vượt thu tới 1.400 tỷ USD, tương đương với 9,9% GDP. Đây là tỷ lệ lớn nhất kể từ năm 1945. Hồi 2008, thâm hụt ngân sách của Mỹ đạt 459 tỷ USD. Tuy nhiên, đây chỉ mới là tính toán của Quốc hội, Bộ Tài chính Mỹ sẽ đưa ra báo cáo của họ vào cuối tháng này, BBC cho biết.

Thâm hụt ngày càng gia tăng là kết quả của các khoản chi khổng lồ nhằm chống lại suy thoái và các chính sách miễn giảm thuế. Các khoản chi đáng kể nhất trong thời gian vừa qua là Chương trình giải cứu tài sản xấu TARP, gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD và số tiền dùng để bơm vào hai ngân hàng Fannie Me và Freddie Mac. Chi tiêu trong năm tài chính 2009 tương đương với 25% GDP, tỷ lệ lớn nhất trong vòng 50 năm qua, CBO cho biết.

Lợi nhuận của chính quyền liên bang cũng rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử, chỉ còn 419 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2009, giảm 16,6% so với năm trước đó. Riêng trong tháng 9, Mỹ thâm hụt ngân sách 31 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái, nước này thặng dư 42 tỷ USD.

Chủ tịch của Cơ quan ngân sách Hạ viện, John Spratt, D-S.C. cho rằng những con số lớn phản ánh nổ lực của Chính phủ nhằm chống chọi với khủng hoảng kinh tế. "Tuy nhiên, sắp đến lúc các chính sách phải chuyển hướng. Khi nền kinh tế dần ổn định, chúng ta sẽ phải tập trung vào nhiệm vụ giảm thâm hụt", ông phát biểu với tờ Wall Street Journal.