15 tháng 3, 2011

Thương quá Nhật Bản ơi

14h46’ thứ Sáu 11/3, trận động đất mạnh 9 độ Richter chỉ kéo dài 2 phút đã khởi đầu cho tất cả. Hơn 6,000 người chết, có hàng nghìn người mất tích, 3 thành phố bị xóa sổ, hàng trăm nghìn người sơ tán vì nguy cơ hạt nhân. Nhưng vượt qua tất cả nổi đau người Nhật vẫn giữ được sự bình tĩnh, lịch sự và văn hóa. 
Ảnh hưởng của động đất tồi tệ hơn bao giờ hết. 3 lò phản ứng hạt nhân đã bị nổ, thanh nhiên liệu đang nóng chảy, nguy cơ nhiễm xạ được cảnh báo cho tất cả người dân dọc bờ biển. ( Nguy cơ ảnh hưởng cả khu vực Thái Bình Dương?).


Một bé gái 4 tháng tuổi được cứu sống một cách thần kỳ

Điện cắt luân phiên, thiếu thức ăn, nhà ở. Vô vàn khó khăn đang chờ đón người dân nơi đây. Vé máy bay từ Nhật ra nước ngoài đã bán hết sạch. Người nước ngoài đang rời nước Nhật. Còn người Nhật thì vẫn kiên cường chịu đựng. Họ chạy đâu nữa? Họ rất bình thản. Các cửa hiệu tại Tokyo vẫn bán hàng. Thức ăn, đồ dùng vẫn đầy ắp. Người bán hàng vẫn lễ phép cúi rạp người chào khách. Người tính tiền vẫn quay mặt đi không nhìn lúc khách hàng bấm mật mã sau khi quẹt thẻ tín dụng để trả tiền. Xem trên TV thấy một cụ già được quân lính cõng ra khỏi khu nhà đổ nát, vẫn mỉm cười trả lời phóng viên. Mấy phụ nữ nhận cơm nắm người ta phát trong căn nhà mất điện tối om, vẫn cúi lạy cảm ơn dưới ánh đèn pin. Cũng thấy có người khóc (cụ già và trẻ con). 

Trên truyền hình và báo chí thế giới vẫn đưa những hình ảnh những con sóng khổng lồ cuốn phăng nhà cửa và ô tô tàu thủy như những món đồ chơi nhỏ, hình ảnh đau khổ những người sống sót thất thần trước cảnh hoang tàn. 
Nhưng không có sự hỗn loạn, hoang mang hay hình ảnh cướp bóc, bạo lực. Ở những nơi cứu nạn, người ta ôm nhau để chia sẽ nỗi đau, người ta đốt lửa ngồi quanh để chia sẽ hơi ấm, lặng yên… bình yên.


Tâm của trận động đất mạnh 9.0 độ richter

Trên mạng xã hội, họ thông báo thông tin cho nhau, không chỉ thông tin về người thân, mà còn có cả thông tin về những người họ mới biết cách đó vài phút. Họ sẵn sàng tìm thông tin, chia sẽ thông tin về những người xa lạ trên mạng chỉ với cách nghĩ “sẽ giúp được ai đó”.

Hình ảnh một người lính ôm một bé gái 4 tháng tuổi được cứu thoát khỏi tử thần đó chính là sự tiêu biểu cho người Nhật: can trường.

Toàn bộ nội các Nhật Bản làm việc hầu như 24/24 từ thứ Sáu. Tất cả, từ thủ tướng, chánh văn phòng chính phủ, các bộ trưởng đều vận đồng phục bảo hộ lao động màu xanh nước biển khi xuất hiện trên truyền hình. Các nữ phát thanh viên ngày thường vốn đã xinh đẹp, bây giờ trông lại các tao nhã hơn bởi vẻ mặt nghiêm trang, áo ngoài đen màu áo tang, áo lót trắng, đọc tin rõ ràng, giọng không hề xúc động.

Một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự, giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong thảm hoạ có thể so với ngày tận thế là một đất nước thực sự vĩ đại.

 
 

Bất chấp những cảnh tượng kinh hoàng do động đất và sóng thần, nước Nhật sẽ bước ra khỏi cuộc khủng hoảng với uy tín lớn mạnh hơn bởi sự kiên cường của người Nhật đang được cả thế giới ca ngợi.


Truyền hình và báo chí khắp thế giới ngày ngày đưa hình ảnh những con sóng khổng lồ cuốn phăng nhà cửa và ô tô tàu thủy như những món đồ chơi nhỏ, hình ảnh những người sống sót thất thần trước cảnh hoang tàn.
Loạt tin và phóng sự cũng cho thấy một nước Nhật Bản khác - người Nhật bình tĩnh và kiên trì đi tìm những người thân hay trật tự chờ đợi đến lượt được nhận nhu yếu phẩm. Không hề có dấu hiệu cướp bóc hay bạo lực.
Một người đàn ông Nhật tìm thông tin về người thân ở tòa thị chính thành phố Natori, tỉnh Miyagi. Ảnh:AFP.
Vô số blog tiếng Anh trên thế giới mô tả những người Nhật là "khắc kỷ", và tự đặt câu hỏi nếu thảm họa như vậy xảy ra ở các nước phương Tây thì không hiểu mức độ thảm cảnh sẽ lên đến đâu.
Giáo sư đại học Havard Joseph Nye nhận xét rằng thảm họa này có thể khiến "quyền lực mềm" của nước Nhật tăng lên. Quyền lực mềm là thuật ngữ ông dùng để mô tả cách mà các quốc gia đạt được mục tiêu của mình bằng cách khiến nước khác ngưỡng mộ.
"Cho dù thảm họa này là to lớn, nó cho thấy một số nét tính cánh tuyệt vời của người Nhật, và sẽ giúp cho quyền lực mềm của họ", Nye viết.
"Họ cho thấy một xã hội ổn định, kỷ luật tốt và được chuẩn bị sẵn sàng cho những thảm họa, một quốc gia hiện đại. Họ đối phó với thảm họa một cách bình tĩnh và trật tự", ông bình luận.
Nhật Bản, một quốc gia với nền hòa bình được quy định trong hiến pháp, vốn từ lâu sử dụng viện trợ như một trong các chính sách đối ngoại quan trọng, nhiều khả năng sẽ phải xem xét lại các ngân khoản một khi họ bước vào giai đoạn tái tiết sau động đất, sóng thần.
Một em bé Nhật đang được soi để phát hiện xem có bị phơi nhiễm phóng xạ, sau các vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, hay không. Ảnh: AP.
Một em bé Nhật đang được soi để phát hiện xem có bị phơi nhiễm phóng xạ, sau các vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, hay không. Ảnh: AP.
Mỗi khi có thảm họa thiên nhiên, hầu như quốc gia nào cũng đều nhận được sự cảm thông và viện trợ từ cộng đồng quốc tế, nhưng hiếm khi nào được sự khâm phục và tăng uy tín như Nhật Bản.
Một số chuyên gia nhận định rằng kinh tế Nhật có thể thoát khỏi giai đoạn trì trệ sau thiên tai. "Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ dự đoán nào. Nhưng tôi nghĩ, cho đến nay, có vẻ như người Nhật đã thể hiện sự kiên cường trong khủng hoảng. Tôi cho là sẽ có nhiều điều để nói trong những ngày tới, tuần tới, về Nhật Bản", Nicholas Szechenyi, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Mỹ, nhận xét.
Báo chí thế giới cũng tràn ngập những lời ca ngợi dành cho người Nhật và công tác chuẩn bị đối phó thiên tai của nước này. Tờ National Post của Canada bình luận rằng tầm nhìn xa của Nhật Bản đã cứu "hàng chục nghìn mạng sống".
"Không như Haiti (2010), Pakistan (2005) hay Tứ Xuyên (2008), số người chết không lên cao vô lý như ở những nơi mà các tòa nhà to tướng đổ sập ngay lập tức lên đầu những người trú ngụ bên trong", báo này viết.
Tờ The Wall Street Journal trong phần xã luận viết: "Sau trận động đất kinh hoàng 300 năm mới có một lần, người Nhật đã giữ được bình tĩnh giữa tình trạng loạn lạc, thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn khổng lồ, và nhận được sự ngưỡng mộ của cả thế giới".
  - Tinh thần đoàn kết cộng đồng nổi tiếng của người dân Nhật Bản hiện hữu rất nhiều ngay cả trong những hoàn cảnh khốc liệt nhất, tại những trung tâm sơ tán chật cứng người địa phương lẫn người nước ngoài – những người may mắn sống sót nhưng vẫn chưa hết bàng hoàng. 


Cuộc đoàn tụ hiếm hoi ở một trung tâm sơ tán
Từ việc phân công nhau nhiệm vụ giữa những tình nguyện viên cho đến việc sắp xếp giày dép ngăn nắp bên ngoài những khu vực tạm trú, cuộc sống ở những trung tâm được dựng nên sau trận động đất/sóng thần kinh hoàng hôm 11/3 rất ngăn nắp và yên bình, trái ngược hẳn với khung cảnh tang thương bên ngoài sau cơn giận dữ của Mẹ Thiên nhiên.
“Tôi chưa từng trải qua thời khắc khủng khiếp nào như vậy, vì thế tôi không biết điều gì sẽ đến. Trong phim ảnh, bạn luôn thấy mọi người gây loạn và kêu la, nhưng ở trung tâm này, tôi thực sự thấy bình tĩnh trở lại”, Jouvon Evans một lưu học sinh người Canada cho hay.
Nhân dịp cuối tuần, cô sinh viên 24 tuổi đến từ Toronto và đang học ở Tokyo này đã đi tàu đến thành phố Sendai với 6 người bạn mà không thể lường trước được đây là khu vực bị ảnh hưởng khủng khiếp nhất của trận động đất 9,0 độ richter và sóng thần. “Vài người trong số chúng tôi nghĩ là tàu sẽ bị lật”, cô nhớ lại.
Kể từ khi may mắn thoát chết, cô đã lưu lại trung tâm cộng đồng ở Natori, bên ngoài thành phố Sendai cùng các bạn, trong đó có Alice Caffyn, 21 tuổi, đến từ London.
Caffyn đặc biệt ấn tượng về thái độ ân cần của những người lạ và sự phục vụ chu đáo ở khu vực do người dân tự thành lập ra các hoạt động khẩn cấp mà không có sự giúp đỡ nhiều từ các quan chức địa phương. “Rõ ràng họ đã giúp chúng tôi lấy lại bình tĩnh. Mọi người thực sự rất tốt với chúng tôi”, Caffyn nói với cánh nhà báo từ khu vực nằm trên vùng đất cao. Cô không quên nói thêm rằng thái độ đó có được từ những người đang đau đớn đến tận cùng với những mất mát không gì bù đắp được mà thiên nhiên vừa gây ra cho họ.
“Có một nhóm phụ nữ đứng tuổi luôn đến với chúng tôi. Họ sống ở khu vực này. Bất kỳ khi nào trở lại, họ đều mang đến những bữa ăn đã được chuẩn bị chu đáo”, cô nói trong cảm động.
Ở một trung tâm sơ tán khác tại Sendai, sân tập thể dục của một trường trung học đã được trưng dụng, nhưng tấm lòng và ý thức của mọi người thì vẫn thế. Các ông chủ doanh nghiệp địa phương tận tay trao các món tiếp tế, trong khi các tình nguyện viên phục vụ đồ uống.
Trên các đường phố, mọi người xếp hàng bình tĩnh chờ đến lượt mua từng lít xăng. Họ đứng đó, trật tự và rất ý thức, đối ngược với cảnh hoang tàn cách mình chỉ vài bước chân, giữa thành phố gần như chỉ còn là những đống đổ nát - nhà cửa bị phá hủy, ô tô bị lật úp, những cánh đồng hoàn toàn chìm trong nước sâu.
Caffyn nói cô, Evans và những người bạn đang có kế hoạch đi bộ để thoát khỏi khu vực thảm họa, nhưng sẽ không bao giờ quên được lòng mến khách mà họ đã nhận được từ nơi đây. “Dường như trong nhiều trung tâm khác, nguồn lương thực cũng rất hạn hẹp, nên chúng tôi nghĩ là mình đã rất may măn”, một lưu học sinh người Anh đang nghiên cứu tại Đại học Cơ đốc Quốc tế (International Christian University) ở thủ đô Tokyo nói. “Đây giống như thiên đường với chúng tôi. Thiên đường này nằm ngay tại nơi tan hoang nhất”.

  Trên khắp thế giới, các dấu hiệu về những bất ổn của con người - cảnh cướp bóc và tranh giành đồ ăn và dịch vụ - thường xảy ra sau các thảm họa. Nhưng dường như những điều đó lại hoàn toàn vắng bóng tại Nhật Bản.

Mọi người xếp hàng trước cửa một siêu thị ở Sendai, phía đông bắc Nhật Bản.
Quang cảnh nhiều khu vực ở phía bắc Nhật Bản trông giống như hậu quả thời Thế chiến II. Không một quốc gia công nghiệp phát triển nào kể từ đó lại chứng kiến số người chết vì thiên tai cao như vậy.
Theo dõi tin tức tại Nhật Bản thật khủng khiếp với 3 thảm họa liên tiếp - trận động đất mạnh kỷ lục, sóng thần và một nhà máy điện hạt nhân đang gặp sự cố. Nhưng có những thông tin tốt lành mà cả thế giới phải học tập.
Tại những nơi hàng hóa từ các tổ chức cứu trợ được đưa tới, mọi người xếp hàng đúng trật tự, lịch sự, bình tĩnh và không có thông tin về các cuộc ẩu đả, xô đẩy hay tranh giành. Các siêu thị Nhật đã giảm giá mạnh và các chủ sở hữu máy bán hàng tự động đã mở các máy bán hàng, phân phát nước uống miễn phí cho các nhân viên cứu trợ, nhân viên khẩn cấp và những người tình nguyện tham gia trợ giúp trong thảm họa.
Và đặc biệt nhất là bất chấp sự tàn phá và sự khan hiếm hàng hóa, không xảy ra cảnh cướp bóc. Sự vắng bóng của nạn cướp bóc tại Nhật Bản đã khiến nhiều người quan sát phương Tây bất ngờ. Đối lập với các thảm họa thiên nhiên gần đây trên khắp thế giới, người Nhật có vẻ như rất đoàn kết và cư xử có trật tự, thay vì tận dụng cuộc khủng hoảng để tư lợi cá nhân.
“Tinh thần đoàn kết đặc biệt cao tại Nhật Bản. Sức mạnh xã hội có thể còn ấn tượng hơn sức mạnh công nghệ của Nhật Bản”, nhà báo Ed West viết trên tờ Telegraph của Anh.
Nhìn trên khắp thế giới, cảnh cướp bóc không phải là hiếm sau các trận thiên tai gần đây. Sau siêu bão Katrina, người New Orlean đã chứng kiến nạn cướp bóc trên quy mô mà nhiều người Mỹ cũng phải bất ngờ. Sau trận động đất tại Chile hồi năm ngoái, nạn cướp bóc diễn ra nghiêm trọng tới nỗi quân đội phải can thiệp.
Nạn cướp bóc tràn lan đã xảy ra tại Haiti sau trận động đất hồi năm ngoái và trong trận lũ lụt tại Anh năm 2007. Tại New Zealand, nạn cướp bóc và hôi của cũng xảy ra sau trận động đất hồi tháng 3 năm ngoái.
“Tại sao một số nền văn hóa đối phó với thảm họa bằng cách biến của cải của người khác thành của chính mình nhưng các nền văn hóa khác, đặc biệt là người Nhật, lại chứng tỏ lòng vị tha thậm chí trong thảm họa?”, Ed West viết.
Trên thực tế, mọi thứ dường như đang trở nên tồi tệ hơn tại Nhật Bản. Lương thực, nhiên liệu, nước sạch và điện đều bị cắt giảm.
 
Các kệ hàng trống trơn tại một siêu thị ở Tokyo.
Một số gian hàng trong các siêu thị trống trơn. Tại khu vực đông dân cư Nerima của thủ đô Tokyo, các nhu yếu phẩm như gạo, bánh mì, mì ăn liền đều cháy hàng. Điện bị cắt để tiết kiệm điện năng.
 
“Khoảng 40-50 người đã xếp hàng bên ngoài khi chúng tôi mở cửa lúc 10 giờ sáng. Lượng thực phẩm dự kiến bán trong một ngày đã hết veo chỉ trong 1 giờ. Chúng tôi đã được chuyển đến một lượng thực thẩm tương tự khác vào buổi trưa nhưng cũng bán hết chỉ trong một giờ”, ông Toshiro Imai, một quản lý cửa hàng tại Tokyo, cho biết.
Hơn 100 tuyến tàu điện tại khu vực Tokyo hôm thứ Hai đã bị gián đoạn do cắt điện, khiến việc đi lại của hành khách bị ảnh hưởng khi mọi người trở lại làm việc sau ngày nghỉ cuối tuần.
Công ty điện Tokyo đã bắt đầu cắt điện luân phiên tại Tokyo và các thành phố lân cận để tiết kiệm điện giữa lúc xảy ra cuộc khủng hoảng tại các nhà máy điện hạt nhân ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.
Kênh truyền hình NHK đã chiếu hình ảnh quay được từ trên cao về tỉnh Ibaraki, phía bắc Tokyo, nơi quang cảnh là một màu đen kịt ngoại trừ vài đốm sáng từ những chiếc ô tô.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn, cách cư xử của người Nhật dường như ngày càng tốt hơn.
Một nhân chứng tại Miyagi, gần tâm chấn của động đất, cho hay: “Khí đốt và nước đã bị cắt tại Miyagi và thành phố Sendai. Ngoại trừ các trường hợp đặc biệt, điện cũng bị cắt. Nhưng không có sự hoảng sợ trên đường phố cũng như trong các cửa hàng”.
Những đức tính của người Nhật như lịch sự, trung thực, hành động có trật tự... vốn được nhiều người ngưỡng mộ.
Một người Brazil hoạt động trong lĩnh vực trang sức do mệt mỏi sau một chuyến bay dài đã để quên một hành lý không khóa chứa hàng nghìn USD tiền mặt và nhiều đá quý trên một tuyến tàu điện ở Tokyo. Chủ nhà trọ đã trò chuyện với anh này và dẫn anh tới nhà ga quản lý tàu điện. Tại đây, hành lý và toàn bộ tài sản bên trong đã đợi chủ nhân tại quầy đồ đạc thất lạc.
Những câu chuyện như vậy có thể tin được tại Nhật Bản nhưng lại khó tin ở New York, Paris hay London. Vì sao vậy?
Gregory Pflugfelder, giám đốc trung tâm Văn hóa Nhật Donald Keene tại Đại học Colombia (Mỹ), giải thích: “Người Nhật có ý thức rằng trước hết phải có trách nhiệm với cộng đồng”.