12 tháng 9, 2009

Khủng hoảng tài chính qua những con số

Các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chi 10.000 USD tính trên mỗi người dân để chống khủng hoảng tài chính trong 1 năm qua.

Đây là một trong số những ước tính mà hãng tin BBC của Anh đưa ra nhân dịp 1 năm ngày ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ, châm ngòi cho sự lan rộng và leo thang của khủng hoảng tài chính trên toàn cầu, dẫn tới cuộc suy thoái tồi tệ nhất của kinh tế thế giới trong vòng hơn 6 thập kỷ qua.

10,8 nghìn tỷ USD chống khủng hoảng

Các tính toán của BBC được dựa trên số liệu mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp cho bộ trưởng bộ tài chính các nước G-20, cho thấy, các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chi tổng số 10,8 nghìn tỷ USD cho việc chống khủng hoảng.

Trong số này, khoản chi 9,2 nghìn tỷ USD thuộc về các nước giàu và 1,6 nghìn tỷ USD thuộc về Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi lớn khác.

Trong đó, Anh và Mỹ là hai quốc gia chi nhiều nhất cho công tác này. Tại Anh, số tiền chi ra để chống khủng hoảng là 2,4 nghìn tỷ USD, chiếm 94% GDP của nước này, bình quân 30.000 USD trên mỗi đầu người. Tại Mỹ, số tiền chống khủng hoảng là 3,6 nghìn tỷ USD chiếm 25% GDP, bình quân 10.000 USD/đầu người.

Còn lại, các nước giàu khác chi 3,2 nghìn tỷ USD để chống khủng hoảng.

Đương nhiên, phần lớn những khoản tiền cứu trợ trên được cung cấp dưới dạng bảo lãnh cho hệ thống ngân hàng, và khi hệ thống này thoát khỏi khủng hoảng, các chính phủ có thể thu hồi phần lớn số tiền đã tung ra.

Những con số trên đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính mà thế giới đang trải qua.

Tuy nhiên, thống kê về số tiền mà chính phủ các nước phải chi ra để chặn khủng hoảng mới chỉ là một phần của câu chuyện. Còn rất nhiều những thống kê khác cho thấy sự khốc liệt của cuộc khủng hoảng này trên các phương diện khác, đặc biệt tại các quốc gia giàu có như Anh và Mỹ, nơi có hệ thống tài chính phát triển mạnh.

Khối tài chính tư nhân lỗ 4 nghìn tỷ USD

Ước tính của BBC cho thấy, lĩnh vực tài chính tài chính tư nhân của thế giới đã chịu khoản thâm hụt tài sản lên tới 4 nghìn tỷ USD trong năm qua. Trong số này, khoảng 2/3 số thua lỗ thuộc về các ngân hàng quốc tế lớn như Citigroup của Mỹ hay RBS của Anh.

Các loại chứng khoán đảm bảo bằng nợ dưới chuẩn chiếm 1,8 nghìn tỷ USD, tức lần gần một nửa tổng số thua lỗ này. Tuy nhiên, khủng hoảng đã gây thiệt hại trên diện rộng cho nhiều loại tài sản khác của ngành ngân hàng, như các khoản vay địa ốc thương mại hay các khoản vay doanh nghiệp.

Mức lỗ 4 nghìn tỷ USD này đã xóa sạch lợi nhuận 10 năm của ngành ngân hàng thế giới, đồng thời khiến các ngân hàng gặp vô số khó khăn trong việc tăng vốn trở lại để đảm bảo an toàn cho hoạt động và nối lại việc cho vay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ phải mất hàng năm trời, thậm chí là hàng thập kỷ, để hoạt động cho vay của ngành ngân hàng thế giới nói chung trở lại mức trước khi khủng hoảng xảy ra. Cùng với sự sa sút nghiêm trọng niềm tin trên thị trường tài chính, việc các dòng vốn tín dụng suy giảm chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới sụt giảm.

Kinh tế thế giới co rút

GDP của thế giới được dự báo sẽ sụt giảm 2,3% trong năm nay, tương đương mức giảm gần 1 nghìn tỷ USD. Cùng với sự sụt giảm sản lượng kinh tế này là sự gia tăng của số lượng người thất nghiệp.

Nếu tính tới việc kinh tế toàn cầu thường tăng trưởng 2% mỗi năm, thì mức hao hụt sản lượng do suy thoái lần này phải lên tới gần 2 nghìn tỷ USD.

Tất nhiên, trong những năm tới, phần sản lượng mất mát này sẽ được bù đắp lại khi kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại. Tuy vậy, để đưa nền kinh tế trở lại với tăng trưởng, chính phủ các nước đã phải vay mượn những số tiền khổng lồ để chi cho các biện pháp kích thích kinh tế.

Trong vòng 5 năm tới, nợ chính phủ của Anh được dự báo sẽ tăng từ mức 600 tỷ Bảng hiện nay lên mức 1,4 nghìn tỷ Bảng. Cùng thời gian, nợ chính phủ Mỹ có thể tăng gấp đôi lên mức 10 nghìn tỷ USD.

Những khoản nợ này sẽ phải được thanh toán bằng tiền thuế của dân trong tương lai, đồng thời những khoản ngân sách mà chính phủ các nước dành cho các dịch vụ công như chăm sóc y tế và giáo dục vì thế cũng giảm xuống. Ước tính, tiền lãi của các khoản nợ chính phủ Anh vào năm 2014 có thể nhiều hơn tổng ngân sách giáo dục của nước này.

Người dân thế giới nghèo đi

Với sự sụt giảm giá trị tài sản do khủng hoảng và suy thoái, người dân khắp nơi trên thấy mình nghèo đi. Không chỉ giá trị ngôi nhà của họ giảm xuống, mà giá trị của các tài sản tài chính như cổ phiếu cũng suy giảm trong 12 tháng qua.

BBC ước tính, giá trị tài sản ròng của các cá nhân ở nước này đã giảm 815 tỷ Bảng trong năm 2008. Trong đó, giá trị tài sản bất động sản giảm 15%, còn giá trị các tài sản tài chính giảm 9%.

Tại Mỹ, báo cáo do Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ công bố ngày 10/9 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở nước này trong năm 2008 đã tăng lên mức 13,2%, cao nhất kể từ năm 1997. Theo báo cáo, trong năm ngoái, có 39,8 triệu người Mỹ sống dưới chuẩn nghèo của nước này là 22.025 USD/năm đối với một hộ gia đình 4 người. Số người nghèo này đã tăng 3,9% so với năm 2007.

Khủng hoảng làm những người giàu có thiệt hại nhiều hơn về mặt tài sản, nhưng cũng làm cho những người nghèo mất đi cơ hội tìm việc làm. Nhận thấy mình nghèo đi, người dân các nước chi tiêu ít hơn, khiến tăng trưởng kinh tế chịu thêm tác động bất lợi.

Số liệu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố ngày 8/9 cho thấy, tổng mức dư nợ tín dụng tiêu dùng tại nước này trong tháng 7 đã sụt giảm một khoản kỷ lục 21,6 tỷ USD so với tháng 6.

Đây được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy, chi tiêu dùng tại Mỹ sẽ khó đủ sức để vực dậy nền kinh tế lớn nhất thế giới này khỏi suy thoái.

Đằng sau giá vàng tăng

Trước việc giá vàng thế giới tăng lên đến hơn 1.000 USD/oz , tất cả giới tài chính và kinh doanh đều chú tâm quan sát và tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra với thứ kim loại quý hiếm này. Phải chăng do tâm lý lo ngại lạm phát hay vì nhu cầu vàng của Trung Quốc tăng cao hoặc do thị trường điều chỉnh ?

Tất cả các giới phân tích và kinh doanh đều ngỡ ngàng với mức giá cao ngất lần thứ ba trong năm 2009 và tìm cách đưa ra lời giải thích cho sự việc này. Lý do có thể là mối lo ngại về lạm phát gia tăng nên các ngân hàng và cá nhân mua vàng làm vật dự trữ, tiếp đó là nhu cầu vàng của Trung Quốc lớn và cuối cùng là nguyên nhân thị trường điều chỉnh.

Cty tư vấn về kim loại quý Gold Fields Minerals Service (GFMS) cho rằng Trung Quốc đang cố gắng đa dạng các hình thức dự trữ khối ngoại tệ khổng lồ của mình bằng cách mua vàng tuy nhiên từ chính nguồn khai thác vàng trong nước là chủ yếu. Đây là điều có thể hiểu được vì thời gian qua nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng cùng với giá trị USD bị suy giảm nghiêm trọng nên đã làm ảnh hưởng lớn tới dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cho rằng giá vàng tăng mạnh là phản ứng diễn ra vì tâm lý lo sợ lạm phát tăng trên phạm vi toàn thế giới khi các gói kích cầu của hầu hết các chính phủ được triển khai và bắt đầu có tác dụng. Ngoài ra, giá vàng tăng cũng là do sự điều chỉnh của thị trường trước sự biến đổi nhanh chóng của giá dầu theo hướng tăng lên và sự dễ thay đổi của giá trị USD so với gói ngoại tệ chính khác. Giá dầu thô đã trở lại mức 67 USD một thùng sau khi suy giảm từ mức đỉnh cao là 75 USD một thùng vào ngày 24/8/2009. Với sự biến đổi khó kiểm soát của giá dầu và các mặt hàng thiết yếu, căn bản khác thì việc dự trữ vàng là một hành động đầu tư khôn ngoan.

Theo chuyên gia tài chính Frank Holmes, nhà quản lý quỹ vốn hàng hóa của Cty đầu tư Mỹ toàn cầu, US Global Investor, nếu chỉ số giá trị USD so với rổ ngoại tệ mạnh khác tiếp tục giữ ở mức trên 78 và dưới 88-90 điểm như mức tháng 2/2009 (thời điểm giá vàng tăng qua 1.000 USD/oz) và thậm chí rơi xuống mức thấp như năm 2008 thì giá vàng có thể sẽ tăng đến 1.200 USD/oz. Bên cạnh đó có một nguyên nhân tuy nhỏ nhưng cũng cần lưu ý là sản lượng khai thác mỏ vàng đã tụt giảm với tỷ lệ 0,8% từ năm 1999 đến năm 2008, theo GFMS, và sự sụt giảm này còn kéo dài trong nhiều năm tới. Do vậy nó cũng góp phần nới rộng khoảng cách giữa khả năng đáp ứng vàng với nhu cầu của thế giới và vì thề làm tăng giá vàng.

Tất nhiên điều này không thể diễn ra sớm trong thời gian ngắn vì nó còn phụ thuộc vào sự phục hồi của các nền kinh tế lớn, giá trị USD, giá dầu trên thị trường. Tuy nhiên nếu ai lạc quan về việc giá vàng tiếp tục tăng thì giờ đây có thể mua vào vàng hoặc các cổ phiếu của những nhà sản xuất, kinh doanh vàng để kiếm lời.

Điều gì đã xảy ra nếu Lehman Brothers không sụp đổ?


Điều gì đã xảy ra nếu Lehman Brothers không sụp đổ?

Việc để Lehman Brothers sụp đổ là sự hy sinh cần thiết để cứu cả hệ thống tài chính. Nếu không "run sợ" với Lehman và AIG, Quốc hội Mỹ có thể không thông qua kế hoạch 700 tỷ USD.


Nếu Lehman không sụp đổ, khủng hoảng nhiều khả năng sẽ vẫn đến.

Tháng 8/2008, chuyên gia kinh tế học Kenneth Rogoff thuộc đại học Harvard khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chấn động khi đưa ra lời cảnh báo: “Trong vài tháng tới, chúng ta sẽ không chỉ chứng kiến những ngân hàng có quy mô trung bình sụp đổ, chúng ta sẽ thấy một ngân hàng hoặc một ngân hàng đầu tư lớn đi đến hồi cáo chung.”

Một tháng sau đó, khi ngày 15/09/2008 bắt đầu những thời khắc đầu tiên, ngân hàng Lehman Brothers nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Ông Harold James, chuyên gia kinh tế lịch sử tại đại học Princeton – Mỹ, nhận xét vụ việc ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ có điểm tương đồng với việc ngân hàng Creditanstalt – một ngân hàng lớn của Áo đóng cửa vào năm 1931. Áo và Đức khi đó vay tiền quá nhiều từ các chủ nợ nước ngoài, ngân hàng Creditanstalt đóng cửa, ảnh hưởng của Đại Khủng hoảng lúc đó trở nên trầm trọng hơn.

Vụ việc ngân hàng Lehman được coi như bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại, một yếu tố biến cuộc suy thoái thành một cuộc đại khủng hoảng mới.

Tuy nhiên ông Rogoff có quan điểm khác. Theo ông, từ trước khi ngân hàng Lehman sụp đổ, nước Mỹ đã tiềm ẩn đủ tiền đề dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính: những khoản nợ hàng nghìn tỷ USD đảm bảo bởi bong bóng tài sản.

Các ngân hàng thua lỗ tới hơn 500 tỷ USD chỉ trong tháng 8/2008. Nếu ngân hàng Lehman không bị các nhà hoạch định chính sách để sụp đổ, nhiều tổ chức khác hẳn đã có kết thúc tương tự.

Tuần trước khi ngân hàng Lehman sụp đổ, các chỉ số trên thị trường tương lai dự báo về khả năng giá nhà đất tại các khu vực đô thị của Mỹ hạ 15% trong khoảng thời gian 9 tháng tiếp theo dù trước đó giá nhà đất đã hạ tới 24%.

Từ đó đến nay, giá bất động sản đã hạ gần bằng mức đó. Kết hợp với với việc giá bất động sản thương mại giảm mạnh, một số ngân hàng đã bên bờ vực sụp đổ. Cùng tuần đó, thị trường phái sinh phát đi tín hiệu về khả năng ngân hàng tiết kiệm lớn Washington Mutual sẽ phải đóng cửa là 85%. Thực tế đúng như vậy

Nhiều tổ chức tài chính lớn đã nhận tiền giải cứu của chính phủ cùng thời điểm Lehman sụp đổ như AIG, ngân hàng UBS và Fortis tại châu Âu

Xét từ góc độ kinh tế thuần túy, vụ sụp đổ của Lehman đã gây ra nhiều hậu quả đau đớn. Thị trường thương phiếu, thị trường phái sinh và các thị trường vốn chấn động, khả năng thanh khoản của các ngân hàng sụt giảm nghiêm trọng. Dòng chảy vốn và thương mại sụp đổ. Thế giới rơi vào vòng xoáy tín dụng thắt chặt, tăng trưởng kinh tế đi xuống.

Tháng 7/2008, IMF dự báo kinh tế thế giới năm 2009 tăng trưởng 3,9%. Hiện nay, mức dự báo này điều chỉnh xuống còn âm 1,4%. Tháng 8/2008, Moody dự báo 2,9 triệu người vay thế chấp tại Mỹ sẽ mất khả năng trả nợ trong năm 2009, đến nay Moody dự báo con số đó sẽ chạm mức 3,8 triệu.

Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody, nhận xét một loạt sai lầm về chính sách và khủng hoảng tài chính đã tác động hết sức tiêu cực đến thị trường việc làm và thu nhập của người dân.

Nhìn từ góc độ chính trị, có thể thấy thật khó để ngăn những sai lầm này. Khi Bộ Tài chính và FED cứu ngân hàng Bear Stearns vào tháng 3/2008, họ đã chịu quá nhiều chỉ trích từ phía Quốc hội và nhiều chuyên gia về việc đã tạo ra mối rủi ro đạo đức mới.

Cùng thời gian đó, một loạt các động thái can thiệp vào các tổ chức tài chính khác trong đó có Lehman khiến những tổ chức này tin rằng nếu có điều gì xảy ra, họ sẽ được cứu.

Nếu Lehman được cứu, làn sóng chỉ trích sẽ dâng cao hơn, và các công ty sẽ còn tiếp tục kỳ vọng họ sẽ được cứu. Ông Rogoff cho rằng xét đến áp lực chính trị, có lẽ cần phải để một tổ chức lớn sụp đổ.

Theo những phân tích của ông, trong các cuộc khủng hoảng tài chính, thông thường người ra sẽ để cho tổ chức tài chính có quy mô lớn khoảng thứ 4 hoặc thứ 5 sụp đổ và còn lại sẽ cứu các tổ chức khác.

Nếu xét lại, giải pháp hợp lý sau khi sau khi chính phủ cứu ngân hàng Bear Stearns sẽ là đưa ra chương trình tổng thể để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng, ngoài ra đưa ra khung xử lý cụ thể cho những tổ chức có khả năng sụp đổ. Bộ Tài chính và FED thực tế đã có kế hoạch làm điều này nhưng lo ngại Quốc hội sẽ từ chối.

Lịch sử cho thấy việc chính phủ các nước cứu các ngân hàng không nhận được nhiều ủng hộ. Chính phủ Nhật chậm trễ tái cấp vốn các ngân hàng thời thập niên 1990 bởi sự hỗ trợ ban đầu của họ đã hứng chịu “búa rìu dư luận”. Một số chuyên gia kinh tế Mỹ người đã từng chỉ trích sai lầmNhật nay đã có thái độ thông cảm hơn. Ông Larry Summers, tư vấn kinh tế hàng đầu cho Tổng thống Obama, đầu năm nay đã nói với Financial Times: “Người ngoài sẽ dễ đưa ra những giải pháp phù hợp hơn người trong cuộc.”

Nếu ông Rogoff đúng và nếu có thêm tổ chức tài chính sụp đổ thì việc ngân hàng Lehman phải đóng cửa, dù có gây ra nhiều hậu quả đau đớn, có thể là cần thiết. Các đợt khủng hoảng hệ thống ngân hàng trước đây cuối cùng thường được giải quyết bằng cách bơm vào nhiều vốn.

Ngân hàng Lehman đóng cửa, các nhà hoạch định chính sách trở nên tỉnh táo hơn. Chỉ sau khi choáng váng với Lehman, với AIG, Quốc hội mới chịu thông qua kế hoạch 700 tỷ USD. Nhiều chính phủ các nước giàu có khác cũng đã tiến hành bảo đảm nợ ngân hàng, nâng mức bảo hiểm tiền gửi và bơm vốn trực tiếp vào các ngân hàng.

Khi ngân hàng Áo Creditanstalt sập tiệm vào năm 1931, áp lực chính trị lên quá cao cản trở sự hợp tác quốc tế. Phản ứng của thế giới đối với vụ việc Lehman lần này đã mang lại nhiều hiệu quả hơn. Bộ Tài chính sẵn sàng cứu AIG, nhiều đối tượng châu Âu khác cũng hưởng lợi.

Ông Rogoff cho rằng nếu FED và Bộ Tài chính đã có thể đưa ra các quyết định một cách thuận lợi, không chịu cản trở về chính trị, kết quả hẳn sẽ còn tốt hơn. Tuy nhiên khả năng đó không thể xảy ra, vụ sụp đổ của Lehman nhiều khả năng đã đẩy nhanh việc đưa ra những giải pháp ứng phó với khủng hoảng.

Theo Economist

Phố Wall một năm sau ngày ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ

Phố Wall một năm sau ngày ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ

Mặc dù một số cái tên lừng danh một thời đã biến mất hoặc chỉ còn là cái bóng của chính mình, phố Wall vẫn chưa thay đổi nhiều. Nó vẫn hoạt động trên nguyên tắc đặt lợi ích của mình lên trên hết, rồi đến các khách hàng lớn, cuối cùng mới đến xã hội.

Lời lớn, thưởng hậu, bất chấp những cố gắng hạn chế thu nhập của cơ quan điều tiết, lại trở thành chuyện bình thường. Việc làm ăn thuận buồm xuôi gió do nhu cầu dịch vụ huy động vốn lớn sau khi toàn thế giới đã mất hàng ngàn tỷ đô la trong hai năm vừa qua.

Tương lai của phố Wall xán lạn hơn nhiều so với những người dân thường đang cố vật lộn với danh mục chứng khoán thua lỗ. Đấy là còn chưa kể đến mất việc.

Giờ hãy nói đến những bài học. Thứ nhất, việc các cơ quan giám sát và ngân hàng trung ương không thể cứu vãn được Lehman cho thấy so với ngân hàng trung ương, thị trường vốn toàn cầu đang ngày càng trở nên hùng mạnh. Khó mà biết quyền lực nằm trong tay ai.

Bài học thứ hai là về cái gọi là “đóng cửa bảo nhau.” Sau khi suýt nữa nhấn chìm thế giới vì vụ Lehman, chính quyền Mỹ lại quyết tâm bảo vệ những định chế tài chính xuyên quốc gia còn lại hơn bao giờ hết..

Không cần biết họ nói với nhau những gì trước công chúng, nhưng cả chính phủ lẫn các tập đoàn lớn đều biết rằng, các tập đoàn sẽ đều được “nâng niu.”

Ví dụ như ở Mỹ, nhiều cơ quan chính phủ đã tiêu tốn hàng núi tiền để bảo vệ cho các định chế tài chính, từ bảo đảm nợ, cho vay vốn siêu rẻ và giúp gây dựng những thị trường béo bở cho phố Wall.

Không một chính trị gia hay quan chức có đầu óc nào lại liều lĩnh để xảy ra một Lehman II.

Tại sao lại là Lehman?

Vụ phá sản của Lehman diễn ra đầy bất ngờ vì Lehman lớn hơn nhiều so với Bear Stearns, ngân hàng đã được FED và Bộ Tài chính giải cứu 6 tháng trước đó do lo ngại có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền tới toàn bộ nền tài chính.

FED và Bộ Tài chính đã dàn xếp để J.P. Morgan Chase mua lại Bear, giải cứu cho các chủ nợ của Bear Stearns, trả 10 đô la cho mỗi cổ phiếu lúc đó đã vô giá trị và khiến người nộp thuế vướng vào 29 tỷ đô la tài sản mà Morgan coi là quá rủi ro.

Tại sao chính phủ lại giải cứu Bear Stearns trên danh nghĩa giải cứu hệ thống tài chính thế giới nhưng lại để Lehman sụp đổ 6 tháng sau đó?

“Không phải chính phủ Mỹ không muốn cứu Lehman; mà vì họ không đủ thẩm quyền để làm điều đó,” Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner nói.

"Người ta nghĩ rằng chính quyền để Lehman sụp đổ vì họ muốn dạy cho giới tài chính một bài học,” nhưng họ đã lầm. “Hạn chế cơ bản là khi ấy Bộ Tài chính không có quyền” bơm vốn cho Lehman, và “ngân hàng trung ương không thể lấp đầy lỗ hổng về vốn."

Thật kỳ quặc nếu cho rằng FED và Bộ Tài chính đã bị kiềm tỏa. Hãy nhớ lại xem họ đã sáng tạo thế nào để các ngân hàng đầu tư có thể tiếp cận với chương trình vay vốn dành riêng cho ngân hàng của FED không lâu sau khi Bear phá sản, rồi sau đó tìm ra hàng tá cách bơm tiền vào hệ thống tài chính.

Nhưng ông Geithner cũng nói rằng đã có một cuộc tháo chạy khủng khiếp tại Lehman. Không ai muốn ôm vào các khoản nợ của Lehman như Morgan đã làm với Bear, FED đáng lẽ đã có nguy cơ thua lỗ hàng trăm, hàng ngàn tỷ đô la vì Lehman không có đủ tiền ký quỹ để hoạt động đúng theo quy định.

Khi ấy, về bản chất, thực lực của FED thua sút hơn nhiều so với thị trường tài chính.

Hóa bùn

Ông Geithner nói chính phủ và các cơ quan giám sát đã dự đoán trước những điều tồi tệ sẽ đến sau khi Lehman sụp đổ, chỉ có điều họ không nghĩ mọi chuyện lại tệ đến thế.

Một trong những bất ngờ khó chịu nhất là vụ phá sản đầu tiên của một quỹ hỗ tương thị trường tiền tệ cỡ lớn như Reserve Primary Fund do trái phiếu của Lehman. Hàng triệu người hoảng sợ và chính phủ phải bảo đảm cho các tài khoản tiền gửi để tránh một cuộc tháo chạy có thể hủy diệt cả thị trường tài chính ngắn hạn.

Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng có nguy cơ sụp đổ khi các quỹ đầu cơ sử dụng nghiệp vụ “nhà môi giới chính” tại đây rút dần tài sản để tránh bị đóng băng tài sản như các khách hàng của Lehman.

Vì thế, FED phải để Goldman và Morgan chuyển đổi thành tập đoàn ngân hàng để có thể tiếp cận tối đa với hàng lọat các công cụ cho vay dành riêng cho ngân hàng. Thật đáng sợ nếu một trong hai ngân hàng đó sụp đổ.

Thực tế, nếu không rơi vào tình thế quá đặc biệt như thế, Lehman cũng thuộc hàng “quá lớn để đổ vỡ”. Đây giống như một cuộc thử nghiệm cho học thuyết “quá lớn để đổ vỡ,” và học thuyết đó đã được xác nhận.

Chính phủ Mỹ duy trì họat động của hệ thống tài chính với một cái giá khổng lồ cho người nộp thuế cả ở hiện tại và tương lai. Người ta nghĩ rằng phố Wall sẽ đẩy mạnh cho vay, tạo ra lợi nhuận và trợ giúp cho cả nền kinh tế. Như có một người thuộc giới tài chính đã châm biếm, “Chết vì tham, thoát được cũng nhờ tham."

Thay đổi vĩnh viễn? Quên chuyện đó đi. Phố Wall vẫn là phố Wall. Chính phủ và dân chúng phải chịu đựng họ vì chẳng còn con đường nào khác.

Giải pháp của ông Geithner là yêu cầu các công ty hàng đầu dự trữ thật nhiều vốn và cho phép chính phủ thanh lý chúng khi cần thiết. Nhưng có lẽ, cách duy nhất là tách các tập đoàn khổng lồ ra để đảm bảo không có công ty nào là quá lớn để sụp đổ.

Ký ức về một năm đầy hỗn loạn trên phạm vi toàn cầu cứ phai nhạt dần, còn đề xuất của ông Geithner thì cứ chìm dần vào quên lãng.

Theo WashingtonPost