12 tháng 9, 2009

Phố Wall một năm sau ngày ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ

Phố Wall một năm sau ngày ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ

Mặc dù một số cái tên lừng danh một thời đã biến mất hoặc chỉ còn là cái bóng của chính mình, phố Wall vẫn chưa thay đổi nhiều. Nó vẫn hoạt động trên nguyên tắc đặt lợi ích của mình lên trên hết, rồi đến các khách hàng lớn, cuối cùng mới đến xã hội.

Lời lớn, thưởng hậu, bất chấp những cố gắng hạn chế thu nhập của cơ quan điều tiết, lại trở thành chuyện bình thường. Việc làm ăn thuận buồm xuôi gió do nhu cầu dịch vụ huy động vốn lớn sau khi toàn thế giới đã mất hàng ngàn tỷ đô la trong hai năm vừa qua.

Tương lai của phố Wall xán lạn hơn nhiều so với những người dân thường đang cố vật lộn với danh mục chứng khoán thua lỗ. Đấy là còn chưa kể đến mất việc.

Giờ hãy nói đến những bài học. Thứ nhất, việc các cơ quan giám sát và ngân hàng trung ương không thể cứu vãn được Lehman cho thấy so với ngân hàng trung ương, thị trường vốn toàn cầu đang ngày càng trở nên hùng mạnh. Khó mà biết quyền lực nằm trong tay ai.

Bài học thứ hai là về cái gọi là “đóng cửa bảo nhau.” Sau khi suýt nữa nhấn chìm thế giới vì vụ Lehman, chính quyền Mỹ lại quyết tâm bảo vệ những định chế tài chính xuyên quốc gia còn lại hơn bao giờ hết..

Không cần biết họ nói với nhau những gì trước công chúng, nhưng cả chính phủ lẫn các tập đoàn lớn đều biết rằng, các tập đoàn sẽ đều được “nâng niu.”

Ví dụ như ở Mỹ, nhiều cơ quan chính phủ đã tiêu tốn hàng núi tiền để bảo vệ cho các định chế tài chính, từ bảo đảm nợ, cho vay vốn siêu rẻ và giúp gây dựng những thị trường béo bở cho phố Wall.

Không một chính trị gia hay quan chức có đầu óc nào lại liều lĩnh để xảy ra một Lehman II.

Tại sao lại là Lehman?

Vụ phá sản của Lehman diễn ra đầy bất ngờ vì Lehman lớn hơn nhiều so với Bear Stearns, ngân hàng đã được FED và Bộ Tài chính giải cứu 6 tháng trước đó do lo ngại có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền tới toàn bộ nền tài chính.

FED và Bộ Tài chính đã dàn xếp để J.P. Morgan Chase mua lại Bear, giải cứu cho các chủ nợ của Bear Stearns, trả 10 đô la cho mỗi cổ phiếu lúc đó đã vô giá trị và khiến người nộp thuế vướng vào 29 tỷ đô la tài sản mà Morgan coi là quá rủi ro.

Tại sao chính phủ lại giải cứu Bear Stearns trên danh nghĩa giải cứu hệ thống tài chính thế giới nhưng lại để Lehman sụp đổ 6 tháng sau đó?

“Không phải chính phủ Mỹ không muốn cứu Lehman; mà vì họ không đủ thẩm quyền để làm điều đó,” Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner nói.

"Người ta nghĩ rằng chính quyền để Lehman sụp đổ vì họ muốn dạy cho giới tài chính một bài học,” nhưng họ đã lầm. “Hạn chế cơ bản là khi ấy Bộ Tài chính không có quyền” bơm vốn cho Lehman, và “ngân hàng trung ương không thể lấp đầy lỗ hổng về vốn."

Thật kỳ quặc nếu cho rằng FED và Bộ Tài chính đã bị kiềm tỏa. Hãy nhớ lại xem họ đã sáng tạo thế nào để các ngân hàng đầu tư có thể tiếp cận với chương trình vay vốn dành riêng cho ngân hàng của FED không lâu sau khi Bear phá sản, rồi sau đó tìm ra hàng tá cách bơm tiền vào hệ thống tài chính.

Nhưng ông Geithner cũng nói rằng đã có một cuộc tháo chạy khủng khiếp tại Lehman. Không ai muốn ôm vào các khoản nợ của Lehman như Morgan đã làm với Bear, FED đáng lẽ đã có nguy cơ thua lỗ hàng trăm, hàng ngàn tỷ đô la vì Lehman không có đủ tiền ký quỹ để hoạt động đúng theo quy định.

Khi ấy, về bản chất, thực lực của FED thua sút hơn nhiều so với thị trường tài chính.

Hóa bùn

Ông Geithner nói chính phủ và các cơ quan giám sát đã dự đoán trước những điều tồi tệ sẽ đến sau khi Lehman sụp đổ, chỉ có điều họ không nghĩ mọi chuyện lại tệ đến thế.

Một trong những bất ngờ khó chịu nhất là vụ phá sản đầu tiên của một quỹ hỗ tương thị trường tiền tệ cỡ lớn như Reserve Primary Fund do trái phiếu của Lehman. Hàng triệu người hoảng sợ và chính phủ phải bảo đảm cho các tài khoản tiền gửi để tránh một cuộc tháo chạy có thể hủy diệt cả thị trường tài chính ngắn hạn.

Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng có nguy cơ sụp đổ khi các quỹ đầu cơ sử dụng nghiệp vụ “nhà môi giới chính” tại đây rút dần tài sản để tránh bị đóng băng tài sản như các khách hàng của Lehman.

Vì thế, FED phải để Goldman và Morgan chuyển đổi thành tập đoàn ngân hàng để có thể tiếp cận tối đa với hàng lọat các công cụ cho vay dành riêng cho ngân hàng. Thật đáng sợ nếu một trong hai ngân hàng đó sụp đổ.

Thực tế, nếu không rơi vào tình thế quá đặc biệt như thế, Lehman cũng thuộc hàng “quá lớn để đổ vỡ”. Đây giống như một cuộc thử nghiệm cho học thuyết “quá lớn để đổ vỡ,” và học thuyết đó đã được xác nhận.

Chính phủ Mỹ duy trì họat động của hệ thống tài chính với một cái giá khổng lồ cho người nộp thuế cả ở hiện tại và tương lai. Người ta nghĩ rằng phố Wall sẽ đẩy mạnh cho vay, tạo ra lợi nhuận và trợ giúp cho cả nền kinh tế. Như có một người thuộc giới tài chính đã châm biếm, “Chết vì tham, thoát được cũng nhờ tham."

Thay đổi vĩnh viễn? Quên chuyện đó đi. Phố Wall vẫn là phố Wall. Chính phủ và dân chúng phải chịu đựng họ vì chẳng còn con đường nào khác.

Giải pháp của ông Geithner là yêu cầu các công ty hàng đầu dự trữ thật nhiều vốn và cho phép chính phủ thanh lý chúng khi cần thiết. Nhưng có lẽ, cách duy nhất là tách các tập đoàn khổng lồ ra để đảm bảo không có công ty nào là quá lớn để sụp đổ.

Ký ức về một năm đầy hỗn loạn trên phạm vi toàn cầu cứ phai nhạt dần, còn đề xuất của ông Geithner thì cứ chìm dần vào quên lãng.

Theo WashingtonPost

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét