11 tháng 9, 2009

Cuộc “tỉ thí” giữa Ấn Độ - Trung Quốc về kinh tế






Tờ “Vanguard” của Tây Ban Nha đưa tin, Trung Quốc và Ấn Độ là hai cường quốc về dân số, đang nhanh chóng trở thành hai người khổng lồ kinh tế đòi hỏi vị trí tương đương nhau trên vũ đài chính trị thế giới. Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những vai chính. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua cạnh tranh kinh tế này, Ấn Độ dường như đang yếu thế hơn so với Trung Quốc.
Xét về tổng quan kinh tế, hiện nay, New Delhi đang tạm thời ở sau người láng giềng của mình. Trung Quốc chỉ có 5% dân cư sống dưới mức nghèo khổ, còn tại Ấn Độ con số này là 29%. Thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc gần gấp đôi so với Ấn Độ. Bắc Kinh cũng tỏ ra thành công hơn New Delhi trong việc thu hút đầu tư. Theo số liệu chính thức, mặc dù trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng quốc gia Bắc Á đã thu hút được 48,3 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong 7 tháng đầu năm nay (từ tháng 1 - tháng 7).

Nguyên nhân một phần là do Hoa kiều tỏ ra tích cực hơn Ấn kiều trong các hoạt động đầu tư trong nước, mặc dù cộng đồng người Ấn xa tổ quốc cũng có nhiều doanh nhân thành đạt. Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Thế giới, tuy tích cực mở cửa cho đầu tư nước ngoài từ đầu những năm 1990, Ấn Độ chưa phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng: như điện, đường sá, hàng không... Nhiều vùng nông thôn hiện vẫn chưa có điện.

Mặt khác, mức đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp (tiếp tục chiếm 60% lực lượng lao động) cho GDP trên đà đi xuống. Các ngành công nghiệp của Ấn Độ thì chưa lặp lại được kỳ tích của lĩnh vực dịch vụ. 6 ngành công nghiệp chính: chế biến thực phẩm, dệt, may, gỗ, giấy và luyện kim đều phát triển chậm chạp trong 4 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, quốc gia Nam Á này cũng có lợi thế riêng của mình. Ấn Độ đã nỗ lực “vun trồng” một số công ty mạnh, có thể cạnh tranh ngang ngửa với những hãng lớn của Mỹ hay châu Âu. Những công ty Ấn này sử dụng công nghệ mới, thuộc các ngành dùng nhiều chất xám, như hãng phần mềm lừng danh Infosys, Wipro, các hãng dược phẩm nổi tiếng Ranbaxy, Dr Reddy"s Labs. Trong các thống kê của tạp chí Forbes về những công ty lớn nhất thế giới, số lượng công ty Ấn Độ góp mặt vào trong bảng xếp hạng thường nhiều hơn so với Trung Quốc.

Bên cạnh đó phát triển công nghệ thông tin là thế mạnh của Ấn Độ. Đây là một ngành đòi hỏi ít chi phí về cơ sở hạ tầng. Nhờ sự lớn mạnh của lĩnh vực này, tốc độ phát triển kinh tế của Ấn Độ không ngừng tăng mạnh.

Theo nhận định của một số chuyên gia, hệ thống dân chủ của quốc gia Nam Á, cùng những mối quan hệ thân thiện mới thiết lập với kiều dân, có thể đẩy nước này lên quỹ đạo tăng trưởng cao hơn so với nước láng giềng phía bắc. Hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ đã lựa chọn hai con đường khác nhau trong cuộc đua phát triển kinh tế. Trung Quốc mở rộng cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi Ấn Độ phát triển các doanh nghiệp trong nước. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh thêm rằng, Ấn Độ đang "hành động khôn ngoan" khi sử dụng nguồn lực bên trong, và cuối cùng có thể trở thành người chiến thắng trong cuộc tranh đua về kinh tế với nước láng giềng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét