13 tháng 5, 2009

Kinh tế toàn cầu le lói "ánh sáng cuối đường hầm"….xa..xa….

Sau đây, là một số nhận định của các tổ chức kinh tế quốc tế về viễn cảnh của kinh tế toàn cầu:

Theo ADB

Mới đây nhất, ngày 5/5, phát biểu với báo giới sau khi kết thúc Hội nghị thường niên lần thứ 42 tại Bali (Indonexia) của Ban lãnh đạo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chủ tịch ADB Haruhiko kuroda cho rằng, kinh tế Trung Quốc đã “chạm đáy” suy thoái và bắt đầu phục hồi. Ông cũng khẳng định đã có những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy, các nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc đã phục hồi sau nhiều tháng tăng trưởng âm. Song người đứng đầu ADB nhấn mạnh sự phục hồi kinh tế của châu Á sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của khu vực tài chính châu Âu và Mỹ.

Thông qua những chỉ số kinh tế từ nhiều khu vực trên thế giới, một số nhà kinh tế đồng ý rằng, sự xuống dốc của nền kinh tế đang chậm lại và le lói ánh sáng “cuối đường hầm”. Rõ nét nhất là hoạt động công nghiệp toàn cầu giảm chậm hơn, thị trường nhà đất ở Mỹ và Anh đã có tín hiệu của sự sống nhờ vào lãi suất cho vay, cầm cố giảm và giá nhà rẻ hơn. Niềm tin tại nhiều thị trường khởi sắc.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)

Từ tháng 10/2008, đến nay, tình hình rõ ràng đã được cải thiện và có lý do để tin rằng thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng có thể đang bước qua giai đoạn “ tệ hại nhất”. Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế không hề lạc quan và cho rằng, điều đó không có nghĩa là nguy cơ đột biến xấu không còn nữa và IMF vẫn thúc ép các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các quốc gia phải duy trì các gói kích cầu cho đến hết năm 2010. Bởi những con số thống kê hiện vẫn cảnh báo có thể mang đến sự rủi ro sụt giảm sâu hơn nền kinh tế thế giới là rất lớn.

Trong khi đó, Tổng giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn nhấn mạnh, dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới chỉ có chiều hướng lắng dịu song ông nói: “Quan điểm của chúng tôi là phải xem xét chiến lược thoát ra càng sớm càng tốt”. Trước đó ông còn cho rằng, năm 2009 sẽ vẫn “gần như chắc chắn là một năm hết sức khó khăn”. Ngay cả những nước đang phát triển có chính sách kinh tế vĩ mô và điều hành tốt cũng bị tác động, trong đó phần nhiều là do xuất khẩu bị giảm đột ngột. Trung Quốc tuy vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều so với tỷ lệ 11-12% của nhiều năm trước. Tính chung, cuộc khủng hoảng này sẽ khiến khoảng 200 triệu người rơi vào cảnh nghèo khó – đây là một trong những gánh nặng kéo dài thêm giai đoạn phục hồi kinh tế sau khủng hoảng.

Như vậy, cuộc khủng hoảng toàn cầu có lạc quan cho rằng đang “chạm đáy” hay ở “cuối đường hầm” thì vẫn cần một phản ứng trên phạm vi toàn thế giới, mà trách nhiệm thực hiện vẫn phụ thuộc vào từng quốc gia. Mỗi nước sẽ phải cố gắng thiết kế gói kích cầu kinh tế để mang lại lợi ích tối đa cho người dân nước đó. Tuy nhiên, do các gói kích cầu của từng nước chủ yếu là nhỏ và thiết kế kém hơn mức độ cần thiết, bởi vậy, mỗi gói kích cầu phối hợp toàn cầu là rất quan trọng.

Từ những mầm mống tích cực của sự phát triển, Tổng giám đốc IMF Strauss-Kahn khuyến cáo, các Chính phủ cần phải duy trì gói kích thích chi tiêu cho đến năm 2010 tránh để cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời Tổng giám đốc IMF còn thúc giục các nước chuẩn bị thoát ra khỏi các chính sách hiện hành khi sự phục hồi kinh tế đã trở nên vững chắc.

Tiếng nói từ các ngân hàng trung ưng

Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bemanke còn cho rằng, với việc các thị trường chứng khoán toàn cầu đã dần hồi phục trong tháng 3 vừa qua, nên các nhà hoạch định chính sách hiện đang ở vào tình thế “lưỡng nan” vì nếu họ không quan tâm nhiều đến kinh tế thì có thể làm xói mòn niềm tin vốn đang tăng cao gần đây, nhưng nếu lưu tâm quá đến hỗ trợ thì họ sẽ khó có thể đòi hỏi thêm công quỹ. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 15/3, ông Ben Bernanke đã nói về “những chồi xanh” của phục hồi kinh tế - một cụm từ đã trở thành phổ biến trong giới phân tích và đầu tư, những người tỏ ra lạc quan rằng suy thoái đang lui dần. Nhưng chỉ mấy ngày sau đó, Ủy ban Hoạch định Chính sách của FED đã khiến các thị trường ngạc nhiên bằng cách bỏ phiếu thông qua việc mua lại tài sản dài hạn trị giá 1, 15 nghìn tỷ USD để tìm cách thúc đẩy kinh tế.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh cũng bắt đầu mua lại tài sản, trong đó có nợ của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương châu Âu đang xem xét các biện pháp đặc biệt tương tự nhằm giảm bớt tình trạng cạn kiệt tín dụng.

Mối lo ngại chính trên thế giới hiện nay vẫn là giải quyết số tài sản “xấu” từ bảng kết toán tài sản. Các quan chức ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản nhấn mạnh rằng, việc ổn định hệ thống ngân hàng là điều kiện tiên quyết để hồi phục tăng trưởng kinh tế. Ngày 17/4, Chủ tịch Eurogroup, Jean - Claude Juncker, khẳng định: “Chúng ta cần giải quyết vấn đề tài sản xấu và tôi cho rằng chúng ta nên làm điều này theo nhiều cách thức khác nhau”. Các nhà điều phối Mỹ đang thẩm tra 19 ngân hàng lớn nhất để quyết định xem các ngân hàng này có đủ tài lực ứng phó với một cuộc suy thoái ngày càng sâu sắc hay không.

Còn theo Giáo sư Kenneth Rogoff của Đại học Harvard - một nhà kinh tế cao cấp kỳ cựu của IMF, lịch sử cho thấy, ngay cả khi các Chính phủ tuân theo tất cả mọi quy định bắt buộc, thì cũng phải mất nhiều năm, kinh tế mới quay trở lại các mức tăng trưởng thời kỳ tiền khủng hoảng. Ông dự đoán Mỹ sẽ phải trải qua 5-7 năm tăng trưởng đi kèm với nguy cơ tăng trưởng thấp khiến một cơn sốc kinh tế nhỏ cũng đủ làm chệch hướng tăng trưởng.

Và chắc chắn tác động tàn phá của cuộc khủng hoảng này là cực kỳ lớn không thể lạc quan bởi mới chỉ nhen nhóm một vài sự kiện tích cực có thể coi tình hình kinh tế toàn cầu mới chỉ le lói tia sáng “cuối đường hầm”còn bóng dáng của sự phục hồi vẫn chưa xuất hiện.