5 tháng 10, 2009

"Bản Nhạc Buồn" cho kinh tế đang chơi trên "Xứ sở Hoa Anh Đào"

Nhiều năm qua, Nhật Bản đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày nền kinh tế của nước này bị kinh tế Trung Quốc vượt qua. Tuy nhiên, vì lần suy thoái toàn cầu này, với những khó khăn hiện nay của kinh tế Nhật Bản và sự nổi lên của kinh tế Trung Quốc, ngày Trung Quốc vượt Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đến sớm hơn dự báo.

Sự vượt lên của kinh tế Trung Quốc có thể làm tăng tốc quá trình đi xuống của kinh tế Nhật, vì nhiều thị trường xuất khẩu của Nhật sẽ bị Trung Quốc chiếm lĩnh. Thêm vào đó, những khoản nợ công khổng lồ và dân số lão hóa của nước này sẽ tạo ra một vòng xoáy kinh tế đi xuống.

“Tôi không thể tưởng tượng ra nổi Nhật sẽ đi về đâu trên bản đồ kinh tế thế giới trong 10-20 năm nữa”, ông Hideo Kumano, một nhà kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Dai-Ichi Life ở Tokyo, nhận xét.

Nhật Bản thành Thụy Sỹ thứ hai?

Cách đây chưa lâu, Nhật Bản được xem là “sự thần kỳ kinh tế”, thậm chí đe dọa vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngày nay, nhiều người đặt câu hỏi trong những năm tới đây, liệu Nhật Bản có trở thành một Thụy Sỹ thứ hai - một đất nước giàu có, nhưng không có tầm quan trọng lớn trên trường quốc tế, và cũng không giành được nhiều sự chú ý từ phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, thậm chí đến cả niềm hy vọng này cũng có thể vượt khỏi tầm tay của Nhật Bản, quốc gia với 127 triệu dân.

Sau khi tăng vượt Mỹ vào thời điểm cuối những năm 1980, GDP tính theo đầu người của Nhật Bản đã chững lại ở mức 34.700 USD vào năm 2007, thấp hơn khoảng 25% so với con số của nước Mỹ và chỉ đứng thứ 19 trên thế giới. Cùng lúc, tình trạng bất bình đẳng thu nhập và tỷ lệ đói nghèo tại Nhật đều đang gia tăng.

Sau khi đạt kỷ lục 5,7% vào tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật theo thống kê công bố ngày 2/10 này đã giảm về mức 5,5%. Tuy nhiên, tiền lương và giá cả đang đi xuống với tốc độ nhanh chóng. Trong 3 tháng đầu năm nay, kinh tế Nhật suy giảm với tốc độ 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trước khi tăng trưởng trở lại với tốc độ 2,3% trong quý 2 vừa qua.

Giới phân tích dự báo, kinh tế Nhật có thể suy giảm 3% trong năm nay, trước khi trở lại với tốc độ tăng trưởng yếu ớt 1% vào năm tới. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc có khả năng tăng 8% trong năm 2009 này.

Trong phần lớn thời gian của hai thập kỷ qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ 10% mỗi năm. Trong thời gian đó, kinh tế Nhật ở trong tình trạng đình trệ. Hàng loạt dự án công khổng lồ của nước này nhằm mục tiêu tái sinh nền kinh tế đã đi theo hướng bảo hộ cho những ngành công nghiệp yếu kém thay vì thúc đẩy những ngành công nghiệp mới, và do đó, không thể thành công trong việc đưa kinh tế Nhật thoát khỏi tình trạng yếu ớt, đồng thời lại tạo ra một gánh nặng nợ nần.

Những rắc rối mà kinh tế Nhật đương đầu càng trở nên nghiêm trọng khi lần suy thoái này nổ ra. Đây là lần suy thoái nặng nề nhất mà Nhật Bản rơi vào kể từ sau Chiến tranh Thế giới 2 tới nay. Do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường trên khắp thế giới sụt giảm, xuất khẩu của Nhật đã có thời điểm giảm tới 40% trong năm nay.

Thậm chí các doanh nghiệp Nhật cũng đang ngày càng đi xuống trên bản đồ toàn cầu. Vào năm 1988, khi Nomura Securities bắt đầu thực hiện một bảng xếp hạng thường niên các công ty trên thế giới theo giá trị vốn hóa trị trường, thì 8/10 công ty đứng đầu trong danh sách này là doanh nghiệp Nhật, đứng đầu là Nippon Telegraph & Telephone.

Tới ngày 31/7 năm nay, khi báo cáo xếp hạng các công ty năm 2009 của Nomura được công bố, đã không có một công ty nào trong top 10 là công ty của Nhật. Trái lại, bản danh sách là sự thống trị của các doanh nghiệp đặt trụ sở tại Trung Quốc và Mỹ. “Đại gia” công nghiệp Toyota của Nhật chỉ đứng ở vị trí thứ 22, với giá trị vốn hóa thị trường 144,5 tỷ USD. Chỉ có 5 công ty Nhật nằm trong top 100 của danh sách này.

Người giàu nhất Nhật Bản, doanh nhân ngành bán lẻ Tadashi Yanai hiện chỉ đứng thứ 76 trong danh sách các tỷ phú của thế giới do tạp chí Forbes bình chọn, sau hàng loạt các nhà tài phiệt đến từ các quốc gia như Mexico, Ấn Độ hay Cộng hòa Séc. Điều này khác xa những gì diễn ra vào cuối thập niên 1980, khi các nhà công nghiệp Nhật Bản như tỷ phú đường ray Yoshiaki Tsutsumi luôn nằm trong số những người giàu nhất thế giới.

Chính phủ mới của Nhật Bản nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ (DPJ) đã tuyên bố sẽ đưa nước này đi lên theo một hướng phát triển mới, theo đó giảm bớt sự phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu và tập trung hơn vào thị trường nội địa. Đồng thời, các nhà lãnh đạo mới này cũng cam kết sẽ tăng cường phúc lợi xã hội và phân chia của cải trong xã hội một cách bình đẳng hơn.

“Cú sốc tâm lý lớn đối với Nhật Bản”

GDP tính trên đầu người của Trung Quốc vẫn bằng chưa đầy 1/10 so với của Nhật Bản. Tuy nhiên, Trung Quốc từ lâu đã vượt Nhật ở nhiều phương diện kinh tế khác.

Về tổng sức mua, Trung Quốc đã vượt Nhật vào năm 1992 và có thể sẽ vượt Mỹ trước năm 2020. Trung Quốc cũng đã vượt Nhật khi đạt được thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối cao nhất thế giới, cũng như sản lượng thép lớn nhất thế giới. Và vào năm tới, Trung Quốc có thể vượt Nhật để trở thành quốc gia sản xuất nhiều ôtô nhất thế giới.

Ở một số góc nhìn, thì điều này phản ánh những yếu tố kinh tế cơ bản. Đó là khi các quốc gia trở nên phát triển, thì tăng trưởng kinh tế có chiều hướng chậm lại. Theo số liệu của Goldman Sachs, tăng trưởng GDP hàng năm ở Nhật đạt mức bình quân 10,4% trong thập niên 1960 và 5% trong thập niên 1970, nhưng chỉ đạt 4% trong thập niên 1980 và 1,8% trong thập niên 1990. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nhật thậm chí còn giảm nữa.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Nhật Bản không nhất thiết phải “ngại” Trung Quốc. Nước đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản vào năm 2006, và trong lần suy thoái này, xuất khẩu của Nhật sang Trung Quốc chính là một trong những mảng đầu tiên phát đi tín hiệu phục hồi. Trong bối cảnh thị trường ôtô toàn cầu xuống dốc, các hãng xe Nhật như Toyota và Nissan đang nỗ lực bám vào thị trường Trung Quốc để hạn chế sự suy giảm doanh số.

“Nhật Bản ở cạnh một thị trường đang phát triển nhanh chóng. Đó là một lợi thế lớn chứ không phải là một mối đe dọa. Vấn đề là liệu Nhật Bản có thể tận dụng được lợi thế đó hay không”, ông Nobuo Iizuka, chuyên gia kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, nhận xét.

Tuy nhiên, ông C. H. Kwan, một thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu thị trường vốn Nomura có trụ sở tại Tokyo thì cho rằng, việc kinh tế Nhật bị Trung Quốc qua mặt “là một cú sốc tâm lý lớn đối với Nhật Bản”.

Dựa trên tốc độ tăng trưởng hiện nay và những xu hướng trên thị trường tiền tệ, ông Kwan cho rằng, kinh tế Trung Quốc có thể vượt Mỹ vào năm 2039. Và nếu Trung Quốc để đồng Nhân dân tệ của nước này lên giá 2% mỗi năm, thì mục tiêu trên có thể đạt được vào năm 2026.

Mỹ thực thi giải pháp tăng cường trợ cấp thất nghiệp

Cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Alan Greenspan cho biết hôm Chủ Nhật, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong quý 3, song tình trạng thất nghiệp cũng sẽ tiếp tục tăng và chạm đỉnh 10%.

Theo đó, ông đã nâng mức dự báo tăng trưởng từ 2.5% trước đó lên 3% trong quý 3, thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, ông cho biết báo cáo tỷ lệ thất nghiệp Tháng 9 "khá tồi tệ" công bố hôm Thứ Sáu thể hiện tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao.

Greenspan lưu ý thêm, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ - hiện đang ở mức 9.8% - đang hướng đến đỉnh 10% trước khi quay đầu giảm xuống.

Dự báo này cũng phù hợp với nhận định trước đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các quan chức khác. Theo đó, tình trạng thất nghiệp là một chỉ số yếu ớt trong quá trình hồi phục kinh tế.

Trước thực trạng thất nghiệp leo thang, hôm Thứ Bảy, Chính quyền Obama cho biết sẽ tập trung vào các nỗ lực tạo công ăn việc làm, và Greenspan thể hiện sự đồng tình với phương pháp tiếp cận này. Tuy nhiên, Greenspan khẳng định còn quá sớm để xem xét đến các gói kích thích kinh tế hay bất kỳ kế hoạch chi tiêu khổng lồ nào khác.

Các tác động của gói kích thích

Theo ông Greenspan, chỉ 40% trong gói kích thích đầu tiên trị giá 787 tỷ USD của Obama được chi tiêu nhưng cũng đã tạo đà cho sự hồi phục kinh tế.

Bên cạnh đó, Greenspan đề ra một số biện pháp ngắn hạn nhằm cải thiện tình trạng thất nghiệp, bao gồm việc tăng cường trợ cấp cho người thất nghiệp.

Được biết, cả hai thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ tại bang New York Charles Schumer và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Cornyn thuộc bang Texas đã đồng ý thực thi hàng loạt các giải pháp cần thiết để giúp người dân nước này đối phó với tác động suy thoái kinh tế.

Theo đó, 2 thượng nghĩ sĩ đã kêu gọi tăng trợ cấp thất nghiệp, mở rộng phúc lợi y tế cho người thất nghiệp cũng như thúc đầy các khoản tín dụng nhà ở nhằm giúp người dân mua nhà mới.

Thượng nghị sĩ Schumer cho biết một dự luật tăng cường việc trợ cấp thất nghiệp sẽ được thảo luận cặn kẽ trước Thượng viện trong tuần tới và dự báo có thể được thông qua.

Tổng hợp tin thế giới 05-10





Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trấn an về việc tín dụng tăng trưởng nóng

Quan chức thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ông Yi Gang cho rằng không cần thiết phải lo ngại về việc tín dụng Trung Quốc tăng trưởng nóng, tín dụng sẽ sớm ổn định trở lại. Điều này cho thấy chính phủ Trung Quốc hết sức ngại ngần trong việc rút đi các kế hoạch kích thích kinh tế.

Hàn Quốc: Tốc độ hồi phục nhanh thứ 6 trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới

Ngày 4 tháng 10, Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc cho biết nền kinh tế này đã ghi nhận tốc độ hồi phục nhanh thứ 6 trong số các nền kinh tế thuộc nhóm G20 sau khi tăng trưởng 2,5% trong quý 2, cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình 2% của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Alan Greenspan phản đối việc đưa ra kế hoạch kích thích thứ hai cho kinh tế Mỹ

Cựu chủ tịch FED Alan Greenspan nhận xét chính phủ Mỹ không nên đưa ra một kế hoạch kích thích kinh tế mới ngay cả nếu tỷ lệ thất nghiệp vượt và duy trì ở mức 10%.

Lĩnh vực dịch vụ Mỹ nhiều khả năng đã ổn định hơn trong tháng 9

Lĩnh vực dịch vụ Mỹ, lĩnh vực đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, nhiều khả năng đã ổn định trong tháng 9/2009 sau khi suy giảm liên tiếp gần 1 năm.

Trung Quốc: nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế thế giới

Theo một báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế nước này đã đóng góp tới 19,2% cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2007, tăng từ 2,3% trong năm 1978.

Đô la Mỹ tăng lên mức cao nhất từ tháng Sáu


Đồng đô la Mỹ đã tăng lên mức cao nhất so với đồng euro trong bốn tháng do các viên chức chính quyền từ Thuỵ Điển cho đến Tokyo đều cho rằng một đồng đô la Mỹ mạnh là điều thiết yếu cho nền kinh tế toàn cầu.

Trong tuần này, đô la Mỹ đã tăng lên mức cao nhất so với đồng euro do những nhà lãnh đạo tài chính gặp gỡ tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ trong hội nghị nhóm G7 hôm thứ Bảy, 3-10, đã khuyến khích chính sách “đô la mạnh.” Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Timothy Geithner, đã cam kết hỗ trợ cho một chính sách như vậy và Chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet cho rằng đây là điều “cực kỳ quan trọng”.

Tuần trước đô la Mỹ đã tăng 0,8% lên 1,4576 đô la Mỹ ăn 1 euro tại sàn New York vào hôm 02-10, từ mức 1,4689 đô la Mỹ ăn 1 euro vào ngày 25-09. So với đồng yen Nhật, giá trị đồng đô la Mỹ không có biến động lớn, vẫn dao động ở mức thấp, trong khoảng 89,64-89,91 yen ăn 1 đô la. Nhưng đồng yen Nhật lại tăng giá so với đồng euro châu Âu; đầu tuần này 1 euro chỉ ăn được 130,9 yen, ít hơn mức 131,7 yen cuối tuần trước.

Đà tăng giá của đồng đô la Mỹ được hỗ trợ bởi báo cáo bảng lương của Mỹ cho thấy người sử dụng lao động đã cắt giảm nhiều việc làm hơn tháng trước. Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng Chín, họ đã có 263.000 việc làm bị mất đi, nhiều hơn mức 201.000 việc làm bị giảm trong tháng Tám và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã lên mức kỷ lục 9,8%.

Tình hình này khiến người ta tin rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất gần 0% cho cả năm tới.

Trong số các đồng tiền khác, đồng won của Hàn Quốc tiếp tục tăng giá so với đồng đô la Mỹ do các nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư vào tài sản ở châu Á vì dự đoán rằng các nền kinh tế ở đây sẽ phục hồi nhanh hơn Mỹ và khu vực châu Âu. Đồng won tăng 1% lên 1.174,3 won ăn 1 đô la Mỹ.

Người Mỹ tổn thất 200 tỷ USD vì kế hoạch TARP




Chinanews hôm 4/10 đưa tin, hôm 3/10 là tròn một năm từ ngày nước Mỹ chi ra 700 tỷ USD cho kế hoạch cứu trợ những tài sản có vấn đề (TARP).

Các chuyên gia phân tích cho rằng, một năm sau khi có kế hoạch này đã khiến cho những người dân Mỹ đóng thuế bị tổn thất từ 100 tỷ đến 200 tỷ USD.

Một năm trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra, Chính phủ của cựu Tổng thống Mỹ G.Bush cho rằng kế hoạch TARP có thể dùng để mua các tài sản xấu phát sinh từ nhữna vấn đề liên quan đến ngành ngân hàng, kế hoạch này có thể coi là một hạng mục đầu tư và thậm chí có thể mang lại lợi nhuận. Nhưng sau khi kế hoạch này ra đời và được sử dụng ở nhiều kế hoạch mà không liệt kê ở danh sách ban đầu, ví dụ như cứu trợ Tập đoàn bảo hiểm hàng đầu của Mỹ AIG, càng tăng thêm tính nguy hiểm cho TARP.

Theo như kế hoạch của bộ Tài chính Mỹ, ban đầu Chính phủ Mỹ dự kiến chi ra 22,3 tỷ USD cho kế hoạch này nhưng con số kích thích đã lên đến 50 tỷ USD, bộ Tài chính e ngại rằng sẽ không thể thu hồi lại được nguồn vốn ban đầu.

Những người đóng thuế Mỹ còn phải chi ra 83,5 tỷ USD cứu trợ ngành công nghiệp ô tô, nhưng hiện chỉ thu hồi được 2,1 tỷ USD. Với kế hoạch cứu trợ AIG của Chính phủ Mỹ là 182 tỷ USD, thì 70 tỷ USD là từ kế hoạch TARP. Cho đến hiện tại Bộ Tài chính Mỹ đã cung ứng cho AIG khoản vay là 44 tỷ USD, các nhà phân tích kinh tế cho rằng bộ Tài chính rất khó thu hồi lại nguồn đầu tư này.

Bộ Tài chính Mỹ còn cung ứng cho Citigroup 20 tỷ USD khoản cho vay khẩn dưới dạng cổ phiếu phổ thông. Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù giá cổ phiếu của Citi đã tăng 365% sau mức giảm thấp hồi tháng Ba, nhưng cuối tháng bảy bộ Tài chính Mỹ vẫn không chuyển các khoản cho vay thành những cổ phiếu phổ thông.

Theo như ước tính của các chuyên gia phân tích, những phương án trên có thể khiến cho những người dân Mỹ đóng thuế bị thua lỗ từ 100 tỷ đến 200 tỷ USD, có chuyên gia phân tích lại cho rằng TARP là cần thiết bởi kế hoạch này có thể tránh cho nền kinh tế rơi vào giai đoạn suy thoái lần hai, nhưng có ý kiến lại cho rằng, TARP chỉ kéo dài thời gian sụp đổ của ngành tiền tệ toàn cầu mà điển hình là nước Mỹ.

Ảnh hưởng nhóm G7 đang giảm sút




Báo cáo hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Chủ tịch Ngân hàng trung ương các nước nhóm G7 cho biết, kinh tế thế giới mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng viễn cảnh tăng trưởng vẫn còn yếu ớt và tỷ lệ thất nghiệp còn đang là mối đe dọa, gói kích thích kinh tế cần tiếp tục thực hiện.
Thận trọng về sự phục hồi kinh tế

Hội nghị Bộ trưởng và Chủ tịch Ngân hàng trung ương nhóm G7 diễn ra trong nửa ngày được tổ chức tại Istanbul, thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới mặc dù vượt hơn so với dự đoán, những vẫn có thể gặp trở ngại. Báo cáo còn cho rằng: “mấy tháng gần đây, chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy kinh tế thế giới phục hồi và thị trường tài chính đang có những dấu hiệu được cải thiện. Tuy nhiên, do viễn cảnh tăng trưởng vẫn yếu ớt, thị trường lao động vẫn chưa ngừng suy giảm, chúng ta không được phép tự mãn”.

Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Dominique Strauss-Kahn trước đó đã cảnh báo, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và ngành tài chính suy yếu là mối đe dọa chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2010, “chúng ta không thể nói khủng hoảng đã kết thúc”.

Khi bàn về các gói kích cầu hỗ trợ kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái, trong báo cáo của nhóm G7 đã cam kết sẽ tiếp tục thi hành những biện pháp này.

Ngoại hối là trọng điểm thảo luận

Từ tháng 3, tỷ giá đồng EUR/USD tăng mạnh. Một số chuyên gia cho rằng, chính phủ Mỹ có ý cho phép đồng USD mất giá là một trong những con đường để tăng cường sức cạnh tranh giá cả hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.

Các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone như Pháp và Canada mấy tuần qua đều lo lắng trước sự suy yếu của đồng USD, cho rằng, điều này có thể tổn hại đến xuất khẩu trong nước. Vì thế, Bộ Tài chính Mỹ Geithner gần đây liên tiếp nhấn mạnh, đồng USD mạnh đặc biệt “quan trọng” đối với kinh tế Mỹ.

Một quan chức dấu tên tiết lộ với Hãng Reuters rằng, các bên tham gia hội nghị đã “tranh luận mạnh mẽ” về vấn đề này. Tuy nhiên, báo cáo hội nghị cuối cùng lại không đưa ra một tổng kết mới nào.

Ảnh hưởng của G7 đang dần suy yếu

Trước khi tổ chức Hội nghị G7, G20 đã được “nâng cấp” thành Diễn đàn hợp tác quốc tế chủ yếu. Theo Reuters, “quyền lực” của nhóm G7 thống trị kinh tế thế giới hơn 30 năm qua đang “giảm sút”.

“G7 vẫn chưa hoàn toàn suy thoái, nhưng nó đang mất dần tính tương quan của nó”. Giám đốc IMF bày tỏ với tạp chí “Kinh tế mới nổi” rằng, “nó đang trên con đường diệt vong”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Bộ trưởng Lao động Pháp cho biết, G7 sẽ tiếp tục tồn tại, nói đến sự “diệt vong” bây giờ là quá sớm, “sự tồn tại của G7 là hoàn toàn hợp lý. Nó vẫn quan trọng với việc hoạch định các chính sách kinh tế và tài chính của chúng ta”.

Giá vàng và nông sản đang dần phục hồi




Theo công ty nghiên cứu về cổ phiếu RBC Wealth Management, hàng hóa nông nghiệp và vàng đang dần phục hồi và mở rộng giá trị tương đối tốt.
Dữ liệu từ Standard & Poors và Goldman Sachs chỉ ra rằng, giá ngũ cốc từng đứng ở mức thấp nhất trong 30 năm đã bước ra khỏi đáy.

Nhà chiến lược đầu tư Peter Lucas dự đoán, vàng sẽ phá vỡ mức cao lịch sử 1.032 USD/ounce trong một tương lai không xa. Ông còn nói, cả nông nghiệp và vàng sẽ “trúng quả” trong năm 2009 này.

Thông tin cập nhật hồi tháng 8, RBC đã hạ thấp vốn cổ phần từ mức cao xuống “trung lập”. Kể từ tháng 8, chỉ số MSCI ghi nhận mức phục hồi 5%, mặc dù giá dầu đã giảm gần 10%.

Ngày 23/9, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ dự định sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp trong tương lai trung hạn. Những thông tin này khiến các trái phiếu và vốn cổ phần phục hồi và đẩy đồng Mỹ kim sụt giảm.

Nhiều nhà đầu tư thừa nhận hầu hết kim loại quý đều phục hồi mạnh mẽ do đồng đôla Mỹ trượt giá. Đồng bạc xanh có sức lôi cuốn đối với các tài sản có mức độ rủi ro cao hơn gồm nhiều thị trường mới nổi.

Bên cạnh đó, viễn cảnh dài hạn của đồng đôla sẽ vẫn chịu những tác động từ thâm hụt ngân sách Mỹ. Biện pháp giảm bớt gánh nặng nợ sẽ tạo điều kiện cho lạm phát tăng, hỗ trợ thị trường vàng.

Vàng càng thêm cuốn hút nhờ chỉ số giá tiêu dùng suy yếu, giới đầu tư tìm kiếm kim loại vàng như một phương tiện tích trữ hiệu quả để chống đỡ với suy thoái kinh tế.

Châu Á bắt đầu thắt chặt tín dụng





Một chuyên gia kinh tế cấp cao của Công ty chứng khoán châu Á Nomura đã đưa ra một bản báo cáo nghiên cứu cho biết, một số Ngân hàng trung ương châu Á đã bắt đầu nâng lãi suất để thi hành chính sách thắt chặt tín dụng.
Cùng với những thông tin lạc quan, chính sách tái chính vĩ mô nới lỏng và nguyên tắc cơ bản kinh tế tốt đẹp đã tạo môi trường thuận lợi cho sự tăng giá liên tục của tài sản. Không giống với khu vực khác, châu Á tăng trưởng mạnh mẽ hơn, không những thế mặt cơ bản kinh tế cũng tốt hơn. Đây dường như đang thu hút ngày một nhiều vốn hơn, từng bước gia tăng áp lực cho tiền tệ châu Á. Tuy nhiên, trong khi các nền kinh tế phát triển chưa dám chắc có thể duy trì quỹ đạo phục hồi còn đang le lói này hay không, thi châu Á lại đang lo lắng việc tiền tệ châu Á tăng giá quá nhanh có thể sẽ ăn mòn khả năng cạnh tranh xuất khẩu của khu vực này. Do đó, các ngân hàng trung ương châu Á đang sắp xếp lại chính sách can thiệp ngoại tệ quen dùng của mình. Nhưng, việc hạn chế tiền tệ tăng giá sẽ khiến Ngân hàng trung ương các nước châu Á đương đầu với nguy cơ mất đi tính độc lập của chính sách tiền tệ.

Sắp tới đây, một số Ngân hàng trung ương châu Á sẽ tiếp tục áp dụng nhiều hơn các biện pháp thận trọng mang tính phản chu kỳ hoặc các chính sách thu thuế, những biện pháp mới cần quan tâm bao gồm giảm lãi suất cho vay tín dụng, thắt chặt tỷ lệ vốn ngân hàng và các yêu cầu cung cấp các khoản nợ xấu, nâng cao lãi suất vốn dự trữ theo quy định của ngân hàng, đồng thời nâng thuế hoa hồng và thuế thu nhập từ việc bán tài sản và lợi nhuận vốn.

Cùng với việc phục hồi kinh tế có thể tăng nhanh, các ngân hàng trung ương các nước châu Á có thể sẽ bắt đầu đi vào quá trình bình thường hóa lãi suất sớm hơn dự định của thị trường: Hàn Quốc có thể sẽ tăng lãi suất vào tháng 11, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines sẽ tăng lãi suất vào quý I/2010.

Trung Quốc: nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế thế giới




Theo một báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế nước này đã đóng góp tới 19,2% cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2007, tăng từ 2,3% trong năm 1978.

Báo cáo cho biết Trung Quốc đứng đầu thế giới trong việc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đây là bản báo cáo thứ 18 của Cục Thống kê cho thấy vị thế quốc tế đang cải thiện dần và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc mới qua nhiều năm phát triển.

Theo Cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đạt 30 tỉ USD trong năm 1952, tăng hơn gấp đôi vào năm 1960 và đạt tới 3,86 nghìn tỉ USD vào năm 2008.

Trung Quốc cũng đã trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong năm 2008 với tổng sản phẩm quốc nội chiếm 6,4% GDP toàn cầu.

Trong khi đó, tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người đã bắt nhịp dần với mức trung bình thế giới. GNI theo đầu người của Trung Quốc đạt 10,1% mức trung bình thế giới năm 1978, và tăng lên tới 32,3% trong năm 2008.

Theo thống kê xếp hạng tổng thu nhập quốc dân theo mỗi đầu người, năm 2008, Trung Quốc đứng thứ 130/209 nước và khu vực thuộc Ngân hàng Thế giới với 2.770 USD, tăng 15 hạng so với mức 750 USD năm 1997.