16 tháng 8, 2009

Kinh tế Trung Hoa- "mong manh" và "dễ vỡ"

Một cảnh báo bất ngờ: Sự phục hồi của Trung Quốc sẽ bắt đầu loạng choạng vào tháng 10, sau đó là một vài “phát súng” tiền tệ trước khi toàn bộ nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu vào năm 2012.


Mức tăng trưởng cho vay của Trung Quốc đã giảm trong tháng Bảy trong khi xuất khẩu giảm 23% so với cùng kỳ năm 2008 sau 9 tháng liền người tiêu dùng phương Tây “thắt lưng buộc bụng”. Bài phân tích về việc này trên tờ Telegraph của Anh số ra ngày 11/8 khẳng định thắt chặt tiền tệ có nguy cơ biến Trung Quốc thành một hệ thống Ponzi khổng lồ. (Charles Ponzi là cha đẻ của lừa đảo đa cấp). Nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đổ vỡ và suy thoái.



Một cách riêng rẽ, chỉ số Baltic Dry – chỉ số giá vận tải đường biển đối với hàng hóa thô – đã quay đầu giảm điểm 25% từ cuối tháng Bảy. Các số liệu của ngành hàng hải đã khẳng định lại các báo cáo cho thấy Trung Quốc đã ngừng tích lũy kim loại thô và các loại hàng hóa khác sau một thời kỳ mua vào ồ ạt đầu mùa hè này.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết mức tăng trưởng cho vay đã giảm xuống còn 52 tỷ USD từ mức 248 tỷ USD hồi tháng trước. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định Bắc Kinh đã trở thành “nữ hoàng tín dụng” sau sự bùng nổ các khoản cho vay của ngân hàng trong nửa đầu năm nay.

Các số liệu cho vay nói trên đang được các nhà phân tích và các thương gia theo dõi chặt chẽ. Lượng tiền mặt quá lớn đổ vào lưu thông ở Trung Quốc đã trở thành động lực chính cho các thị trường toàn cầu kể từ khi kinh tế bắt đầu phục hồi vào tháng Ba.

Bắc Kinh đang đi trên dây khi cố bù đắp sự sụp đổ trong lĩnh vực xuất khẩu – gần 40% GDP – bằng việc đầu tư ồ ạt cho đường xá và công nghiệp thông qua các công ty nhà nước.

Nền kinh tế thực không thể hấp thụ tiền, và như vậy, tạo một lỗ hổng cho đầu cơ. Ngân hàng trung ương ước tính khoảng 20% lượng tín dụng mới đây đang nằm trong các thị trường chứng khoán. Chỉ số Thượng Hải đã tăng 80% trong năm nay trong khi lãi suất giảm gần 1/3. Bức tranh này phản ánh giai đoạn cuối quả bong bóng Nikkei ở Nhật Bản năm 1989.

Trung Quốc gây ra nguy cơ cực lớn đối với các thị trường trên thế giới”, ông Hans Redeker, hiện đang là Giám đốc ngân hàng BNP Paribas, khẳng định. “Các cổ phiếu Thượng Hải đã đạt đến điểm cực đại hồi cuối năm 2007. Trung Quốc sẽ phải giảm cho vay, và khi điều này xảy ra, thị trường chứng khoán Thượng Hải và hàng hóa sẽ phải lĩnh đủ. Chính điều này sẽ ngăn cản sự phục hồi của toàn cầu”.

Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, nhà cho vay lớn thứ hai của nước này, sẽ cắt giảm 70% các khoản vay trong nửa cuối năm nay. Giải thích cho quyết định này, ông Zhang Jianguo, chủ ngân hàng cho biết một số khoản vay không đi vào nền kinh tế thực, giá nhà đất vẫn tăng chóng mặt.

Về phần mình, ông Andy Xie, một cố vấn cấp cao, cho rằng quả bong bóng Trung Quốc là “một hệ thống lừa đảo đa cấp khổng lồ” sẽ gây ra “những hậu quả khủng khiếp” đối với đất nước này.

Theo ông Xie, thị trường chứng khoán lại rơi vào một sự điên cuồng. Hầu hết các nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu hiểu biết đang bị hút vào đà tăng này. Các cổ phiếu đang được định giá cao hơn từ 50 – 100% so với giá thực.

Ông Xie, tác giả luận án tiến sĩ về quả bong bóng của Nhật Bản những năm 1980, cho rằng tỷ lệ giá bất động sản ở Trung Quốc so với thu nhập hiện đang cao gấp 7 lần so với ở Mỹ. Mỗi mét vuông đất trị giá tương đương ba tháng lương – có thể nói là đắt nhất thế giới – dù rằng các tòa tháp chọc trời vẫn chẳng có ai ở.

Ông Xie cho rằng sự lên bổng xuống trầm của Trung Quốc diễn biến theo một nhịp độ chính trị. Có một niềm tin ăn sâu bám rễ rằng chính quyền có thể giữ cho trò chơi tiếp diễn và nước này sẽ không để sự phục hồi kinh tế bị “xì hơi” trước lễ kỷ niệm 60 năm ngày Quốc khánh 1/10. Niềm tin này chính nó đã phát huy hết tác dụng trong một thời gian.

Ông Xie dự báo sự phục hồi của Trung Quốc sẽ bắt đầu loạng choạng vào tháng 10, sau đó là một vài “phát súng” tiền tệ trước khi toàn bộ nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu vào năm 2012. “Giá bất động sản có thể giảm như ở Nhật Bản hai thập kỷ vừa qua, điều này sẽ phá hủy hệ thống ngân hàng”.

Theo ông Xie, quả bóng bất động sản Trung Quốc là mặt sau của đồng USD yếu. Các chương trình kích thích tiền tệ của Mỹ đã tác động tới Thái Bình Dương. Phá sản sẽ xảy ra khi đồng USD phục hồi, và rút bớt khỏi lưu thông. Nếu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ siết chặt chính sách tiền tệ như từng làm dưới thời ông Paul Volcker đầu những năm 1980, thì kết cục sẽ rất đau đớn đối với Trung Quốc.

Bắc Kinh xứng đáng được ca ngợi vì đã cố chuyển hướng khỏi xuất khẩu để tập trung vào kinh tế trong nước. Họ đã đạt được một số thành công. Bán lẻ tăng 15% so với năm ngoái. Nhưng Giáo sư Michael Pettis, thuộc trường Đại học Bắc Kinh, cho rằng rất khó để thuyết phục người Trung Quốc thay đổi thói quen tiêu dùng. Các rào cản văn hóa cần nhiều năm mới vượt qua được.

Thực vậy, các chính sách kích cầu đã cung cấp nhiều nguồn đầu tư cho công nghiệp, dẫn tới tăng sản lượng. Nếu GDP của Trung Quốc tiếp tục tăng gần 8% thì đó là nhờ sản lượng. Ở phương Tây, tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào tiêu dùng. Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.

Vấn đề cơ bản không thay đổi. Sự bất cân bằng Đông – Tây sau cuộc Đại suy thoái 2008-2009 đang ngày càng tệ hơn