13 tháng 6, 2010

Truyện ngụ ngôn hiện đại về Châu chấu và Kiến (Phần 2)

Thay vì cho các nước phát triển vay hay xây nên những kho dự trữ ngoại hối khổng lồ, hãy hướng luồng vốn nhàn rỗi tới các quốc gia đang phát triển.
Đời sống đi vào những câu chuyện ngụ ngôn. Câu chuyện “Kiến và Châu chấu” trong kỳ trước đã tả lại một cách giản lược nền kinh tế của thế giới này.


Bài viết này sẽ bàn về hai vấn đề: ai được lợi từ dòng chu chuyển thương mại giữa châu chấu nhập siêu và kiến xuất siêu? Liệu cả hai có thể cùng tồn tại?


Thứ nhất, lợi lộc về tay ai? Ông Robin Harding nêu lên câu hỏi này sau khi đọc lời khuyên trong bài trước rằng: “Nếu muốn làm giàu bền vững, đừng có cho lũ châu chấu vay tiền.” Ông hỏi: thế còn lợi lộc của châu chấu thì sao?


Câu trả lời truyền thống sẽ là cả hai cùng hưởng lợi từ bất kỳ trao đổi tự nguyện nào, bao gồm cả các “giao dịch trả sau” theo đó kiến giao hàng ngay cho châu chấu nhưng lại nhận tiền sau.


Dù vậy điều này dựa trên giả định các quyết định đều có đầy đủ thông tin, thị trường linh hoạt và hợp đồng được tuân thủ. Chẳng có giả định nào trong số đó hợp lý cả.


Có độc giả cho rằng một lý do khiến người ta không đưa ra được các quyết định hợp lý là vì lũ “châu chấu hoang” (giới tư bản tài chính) đã đánh lừa cả kiến lẫn châu chấu.


Các vấn đề về thông tin và môi giới trên thị trường tài chính khiến kiến và châu chấu khó mà hiểu nổi cái gì đang diễn ra. Tệ hơn, “châu chấu hoang” dùng tới tri thức và sự giàu có của mình để sắp đặt cuộc chơi sao cho có lợi về mình.


Thị trường tài chính chắc chắn sẽ phải trải qua những chu kỳ sôi động hay hoảng loạn mà trong đó thị trường bất động sản đóng một vai trò quan trọng.


Mọi chuyện còn tốt đẹp khi giá đất còn tăng, còn có vật thế chấp mà vay tiền và còn có động lực để chấp nhận rủi ro. Giông tố đến khi giá nhà đất sụp đổ kéo theo phá sản hàng loạt đánh gục những định chế tài chính dùng nhiều đòn bẩy.


Một số nhà kinh tế đặt câu hỏi rằng liệu lợi ích của thương mại hàng hóa dịch vụ có giống như lợi ích của giao dịch tài chính hay không.


Ông Jagdish Bhagwati từ ĐH Columbia đã viết một bài báo nổi tiếng về chủ đề này sau khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-98. Trong đó, ông đã công khai lên án cái gọi là “tổ hợp Phố Wall-Bộ Tài chính Mỹ”.


Tóm lại, không thể giả định rằng tài chính xuyên biên giới cho phép kiến và châu chấu đưa ra quyết định sáng suốt về thời gian cho vay và chi tiêu.


Kiến có khả năng sẽ phát hiện ra rằng tiền của mình đã bị đầu tư vào sản xuất các tài sản không mua bán quốc tế được, ví dụ như nhà đất. Thực tế kiến cũng thấy khó mà đòi được tiền của đàn châu chấu.


Trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu (eurozone), các đàn kiến hùng mạnh có thể kiểm soát các quốc gia đang gặp vấn đề, nhưng đó chỉ là các nước nhỏ mà thôi. Không thể có chuyện tương tự với Mỹ, con nợ ròng lớn nhất thế giới.


Dường như ít nhất châu chấu cũng hưởng lợi từ dòng tài nguyên miễn phí chảy vào lãnh thổ mình. Nhưng giả thuyết trên không còn đúng nếu kết quả lại là tiêu dùng không bền vững và thiếu đầu tư cho năng lực sản xuất các hàng hóa dịch vụ có thể mua bán quốc tế.


Khi dòng vốn vào ngừng lại, nền kinh tế sẽ sụp đổ đau đớn, và thậm chí còn hơn thế nữa nếu cơ chế tỷ giá cổ định (hay liên minh tiền tệ) đỏi hỏi phải có một thời kỳ giá và lương cùng giảm.


Điều đó tới lượt mình lại có xu hướng làm tăng giá trị các khoản nợ, làm tình cảnh của đàn châu chấu đang ngập trong nợ nần càng thêm khó khăn.


Nói chung, dòng vốn khổng lồ kiến đã cấp cho châu chấu có vẻ như chẳng mang lại lợi lộc cho bất kỳ ai.


Đúng là kiến đã nâng cao được năng lực sản xuất của mình. Nhưng chúng cũng tích trữ ca những tài sản xấu và trở nên phụ thuộc vào nhu cầu thiếu bền vững của châu chấu.


Nền kinh tế của đàn châu chấu tới lượt mình lại dựa vào dòng vốn không bền vững và tiêu dùng quá mức. Khi bữa tiệc xa hoa đi đến hồi kết, cả hai bên đều không thiếu chuyện để đau đầu.


Điều đó dẫn tới câu hỏi thứ hai rằng: liệu có cách nào để kiến và châu chấu cùng sống hòa hợp?


Câu trả lời một phần phải là giảm tính bất định của thị trường tài chính, tức phải tập trung vào cuộc tranh luận về điều tiết thị trường.


Có hai điểm cần lưu ý như sau: thứ nhất, giảm các trạng thái cực đoan trong thị trường bất động sản bằng cách đánh thuế thu nhập từ cho thuê nhà; thứ hai, dỡ bỏ động cơ dùng đòn bẩy trong các quy định về thuế.


Dù vậy vấn đề lớn nhất đối với hệ thống toàn cầu là nỗ lực “cung cấp tài chính tự động” của kiến cho châu chấu. Rút cục, cả kiến và châu chấu đều thất vọng.


Tốt hơn đàn kiến nên sử dụng số tiết kiệm thặng dư của mình để cho lũ kiến trẻ hơn vay. Vì thế tiền sẽ chảy tới các quốc gia mới nổi, đặc biệt là đầu tư cố định tại các nước này.


Đó cũng là cơ hội đầu tư mới tốt nhất có thể và khoản nợ cũng có nhiều khả năng được hoàn trả từ năng lực sản xuất mới được tạo ra.


Đó là một đề xuất sáng suốt nếu không vấp phải hai thách thức lớn.


Thứ nhất, mọi cố gắng hướng luồng vốn ròng tới các quốc gia mới nổi trong ba thập niên trở lại đây đều kết thúc bằng một cuộc khủng hoảng.


Thứ hai, các nước mới nổi quyết định duy trì tài khoản vãng lai thặng dư và biến số thặng dư này thành dự trữ ngoại hối. Ví dụ như theo IMF thặng dư tài khoản vãng lai của các quốc gia mới nổi năm 2010 là 420 tỷ đôla, tổng tích lũy cho dự trữ là 630 tỷ đôla.


Do đó, tính tổng lại thì các quốc gia mới nổi đang biến thặng dư tài khoản vãng lai cộng thêm dòng vốn tư nhân ròng thành dự trữ. Gần như toàn bộ thặng dư là của các nước Châu Á mới nổi nói chung và Trung Quốc nói riêng, mặc dù các nước này đang có những cơ hội đầu tư tốt nhất.


Khi nào điều này còn diễn ra, những đàn châu chấu từ các nước phát triển sẽ còn là người tiếp nhận vốn ròng và chắc chắn chúng sẽ tiếp tục lãng phí số vốn ấy.


Dù vậy, dưới áp lực của chính cuộc khủng hoảng, nhiều đàn châu chấu xưa kia đang bị buộc phải cư xử “giống kiến hơn”. Nếu những tổ kiến giàu có hiện nay không thay đổi cách ứng xử của mình, thặng dư tiềm năng sẽ là khổng lồ.


Hoặc là toàn bộ các nước mới nổi thu hút số vốn này cho các tổ kiến “đang phát triển” giàu tiềm năng, hoặc là toàn thế giới sẽ mắc kẹt trong “cái bẫy sức cầu” khi mà ai ai cũng cố đạt thặng dư xuất khẩu.


Dòng chu chuyển vốn từ các tổ kiến dựa vào xuất khẩu sang các đàn châu chấu tiên tiến kết thúc trong nước mắt. Dòng vốn từ các tổ kiến đã trưởng thành tới các tổ kiến trẻ hơn vẫn chưa được khơi thông.


Nếu không tìm ra cách nào khắc phục những thiếu sót trên, ngay cả chính nền kinh tế tự do trao đổi cũng có thể biến mất.


Minh Tuấn
Theo FT

Truyện ngụ ngôn hiện đại về Châu chấu và Kiến (Phần 1)

Muốn làm giàu bền vững, đừng có cho “lũ châu chấu” Mỹ, Anh hay Hy Lạp vay tiền, vì thế nào rồi cuối cùng cũng mất.
Mọi người dân phương Tây đều biết đến câu chuyện ngụ ngôn “Châu chấu và Kiến”. Châu chấu lười nhác ca hát suốt mùa hè trong khi đàn kiến tích trữ lương thực cho mùa đông.


Khi giá lạnh tràn về, châu chấu tìm đến kiến xin ăn. Kiến từ chối và châu chấu chết đói. Bài học của câu chuyện này là gì? Túng thiếu là kết quả của biếng nhác.


Dù vậy cuộc đời phức tạp hơn nhiều so với câu chuyện ngụ ngôn của Aesop (Ê-dốp). Ngày nay, “kiến” là Đức, Trung Quốc và Nhật Bản trong khi “châu chấu” là Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ai len và Tây Ban Nha.


Đàn kiến làm ra những hàng hóa hấp dẫn mà châu chấu muốn mua. Châu chấu hỏi kiến có muốn nhận lại cái gì không. “Không,” kiến trả lời.


“Anh chẳng có thứ gì chúng tôi muốn, trừ một chỗ phơi nắng bên bãi biển. Chúng tôi sẽ cho anh vay tiền. Nhờ thế, anh vẫn mua hàng và chúng tôi vẫn tích trữ.”


Kiến và châu chấu đều hạnh phúc. Cẩn trọng và căn cơ, kiến gửi số thu nhập thặng dư của mình vào những ngân hàng được cho là an toàn, còn những ngân hàng này cho châu chấu vay lại.


Tới lượt mình, châu chấu chẳng cần kiếm ăn nữa vì kiến đã cho nó ăn với cái giá rẻ mạt. Nhưng kiến không bán cho châu chấu nhà cửa, trung tâm mua sắm hay văn phòng. Vì thế châu chấu phải tự làm cho mình.


Thậm chí chúng còn nhờ kiến tới làm giúp những việc này. Châu chấu thấy tiền cứ đổ vào như nước và giá nhà cứ tăng lên. Thế nên chúng lại vay nhiều hơn, xây nhiều hơn và tiêu nhiều hơn.


Kiến thấy đàn đàn châu chấu thật giàu có bèn nói với ngân hàng rằng: “Cho họ vay nhiều hơn nữa đi, vì kiến chúng tôi chẳng muốn vay mượn gì đâu.” Khả năng sản xuất ra sản phẩm thực của kiến tốt hơn nhiều so với năng lực tài chính của chúng.


Vì thế châu chấu nghĩ ra mánh đóng gói các khoản vay của mình lại thành những tài sản hấp dẫn rồi bán cho ngân hàng của kiến.


“Tổ kiến” Đức nay lại rất gần với lãnh địa của một số đàn châu chấu nhỏ. “Kiến” Đức nói: “Chúng tôi muốn kết bạn. Tại sao chúng ta không dùng chung một đồng tiền nhỉ? Nhưng, đầu tiên anh phải hứa cư xử giống kiến mãi mãi.”


Vì thế châu chấu phải vượt qua bài kiểm tra này bằng cách cư xử thật giống kiến. Châu chấu giả đò vài năm và được phép lưu hành đồng tiền chung Châu Âu.


Ai ai cũng hạnh phúc, ít nhất cũng được một thời gian.


“Kiến” Đức nhìn những khoản vay cho châu chấu và thấy mình thật giàu có. Ở lãnh địa châu chấu, chính phủ của họ cũng nhìn vài cán cân thanh toán lành mạnh của mình mà nói: “Nhìn xem này, chúng tôi tuân thủ kỷ luật tài khóa còn tốt hơn cả kiến.”


Kiến thấy thật xấu hổ nên nó lờ đi chuyện giá và lương ở các đàn châu chấu đang tăng nhanh, khiến hàng hóa của chúng đắt đỏ hơn. Trong khi đó lãi suất thực giảm khuyến khích cho vay và xây dựng nhiều hơn.


Những “kiến” Đức thông thái lắc đầu, “chẳng có gì tăng mãi”. Giá nhà đất của đàn châu chấu cuối cùng cũng lên tới đỉnh.


\Ngân hàng của kiến lo lắng bèn đòi lại tiền của mình. Con nợ châu chấu buộc phải bán những gì mình có làm nên một vụ phá sản dây chuyền.


Việc xây dựng cũng như tiêu thụ hàng hóa từ kiến của đàn châu chấu cũng vì thế mà ngừng lại. Việc làm biến mất ở cả tổ kiến lẫn đàn châu chấu, thâm hụt ngân sách gia tăng, đặc biệt với đàn châu chấu.


“Kiến” Đức nhận ra rằng kho dự trữ của mình chẳng đáng là bao vì châu chấu chẳng thể mang lại những gì chúng muốn, trừ những căn nhà giá rẻ dưới ánh mặt trời.


Ngân hàng kiến hoặc phải ghi nhận các khoản nợ xấu hoặc phải thuyết phục chính phủ kiến phải cho đàn châu chấu vay thêm nhiều, nhiều tiền hơn nữa.


Chính phủ kiến ngại phải thú nhận rằng mình đã để ngân hàng ném tiền của kiến qua cửa sổ. Vì thế họ chọn phương án cho vay thêm và gọi nó là “gói giải cứu”.


Trong khi đó, họ ra lệnh cho chính phủ châu chấu tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Giờ đây, “châu chấu phải xử sự y hệt như kiến”, họ nói.


Đàn châu chấu rơi vào đại suy thoái. Nhưng châu chấu vẫn chẳng biết phải làm sao để làm ra cái kiến cần. Châu chấu cũng chẳng thế đi vay để mua hàng hóa từ kiến được nữa nên nó chết đói.


“Kiến” Đức cuối cùng cũng phải ghi nhận số tiền cho châu chấu vay là nợ xấu. Nhưng chúng chẳng học được gì nhiều từ bài học này và vẫn cứ tiếp tục “bán chịu” hàng hóa cho những côn trùng khác.


Thế giới thực còn có nhiều “tổ kiến” khác, đặc biệt là ở Châu Á.


Ngoài Đức còn có một “tổ kiến” giàu có nữa là Nhật Bản. Có một “tổ” khổng lồ tuy dự trữ có ít hơn là Trung Quốc.


Họ cũng muốn làm giàu nhờ bán hàng hóa cho châu chấu với giá rẻ và tích trữ các khoản nợ của đàn châu chấu. “Tổ” Trung Quốc thậm chí còn neo giá đồng tiền của mình để đảm bảo hàng hóa của mình sẽ “siêu rẻ”.


May cho người Á Châu là có một đàn châu chấu cực lớn và vô cùng chăm chỉ có tên Hoa Kỳ. Thực tế, tất cả những gì cần biết về đàn châu chấu này là câu khẩu hiệu: “Chúng ta tin tưởng vào mua sắm” (In shopping we trust).


Những “tổ kiến” Á Đông xây dựng quan hệ với Mỹ cũng y như cái cách Đức đối xử với những người hàng xóm của mình. Đàn kiến Á Đông tích trữ nợ của châu chấu rồi tự cảm thấy thế là mình giàu.


Dù vậy cũng có một điểm khác biệt.


Khi Hoa Kỳ suy thoái, hộ gia đình ngừng vay mượn và chi tiêu còn thâm hụt ngân sách bùng nổ, chính phủ châu chấu không tự nói với mình rằng: “Nguy hiểm thật, cắt giảm chi tiêu thôi.”


Thực tế, họ nói: “Phải tiêu nhiều hơn nữa để làm nóng nền kinh tế.” Vì thế thâm hụt ngân sách trở nên khổng lồ.


Châu Á lo lắng. “Kiến chúa” Trung Quốc nói với Mỹ: “Chủ nợ chúng tôi muốn các anh ngừng vay mượn y như châu chấu Châu Âu ấy.”


“Châu chấu chúa” Mỹ cười lớn: “Tôi chẳng cầu xin các anh cho vay tiền. Chúng tôi còn nói thẳng, có điên mới đi làm vậy. Chúng tôi sẽ đảm bảo con châu chấu Mỹ nào cũng có việc làm. Không muốn cho vay thì các anh cứ nâng giá đồng tiền của mình lên. Rồi thì chúng tôi sẽ làm những gì chúng tôi đã mua còn anh cũng chẳng cần phải đưa tiền cho chúng tôi làm gì cả.”


Mỹ đã dạy cho chủ nợ của mình một bài học: “Bạn nợ ngân hàng 100 đôla, đó là vấn đề của bạn, còn bạn nợ ngân hàng 100 triệu đôla, giờ vấn đề là của ngân hàng.”


“Kiến chúa” Trung Quốc chẳng muốn thừa nhận rằng kho tích trữ nợ của Mỹ sẽ chẳng đáng giá như lúc mới “tha về”. Vậy là rút cục Trung Quốc quyết định còn cho Mỹ vay nhiều hơn nữa.


Nhưng vài thập kỷ sau, Trung Quốc nói với Mỹ: “Giờ chúng tôi muốn anh trả nợ bằng hàng hóa.” Châu chấu Mỹ cười và ngay lập tức giảm giá trị các khoản nợ của mình. Số “lương thực” kiến tích trữ được mất giá và một số “kiến” chết vì đói.


Bài học của câu chuyện ngụ ngôn này là gì? Nếu muốn làm giàu bền vững, đừng có cho lũ châu chấu vay tiền.


Minh Tuấn
Theo FT