Muốn làm giàu bền vững, đừng có cho “lũ châu chấu” Mỹ, Anh hay Hy Lạp vay tiền, vì thế nào rồi cuối cùng cũng mất.
Mọi người dân phương Tây đều biết đến câu chuyện ngụ ngôn “Châu chấu và Kiến”. Châu chấu lười nhác ca hát suốt mùa hè trong khi đàn kiến tích trữ lương thực cho mùa đông.
Khi giá lạnh tràn về, châu chấu tìm đến kiến xin ăn. Kiến từ chối và châu chấu chết đói. Bài học của câu chuyện này là gì? Túng thiếu là kết quả của biếng nhác.
Dù vậy cuộc đời phức tạp hơn nhiều so với câu chuyện ngụ ngôn của Aesop (Ê-dốp). Ngày nay, “kiến” là Đức, Trung Quốc và Nhật Bản trong khi “châu chấu” là Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ai len và Tây Ban Nha.
Đàn kiến làm ra những hàng hóa hấp dẫn mà châu chấu muốn mua. Châu chấu hỏi kiến có muốn nhận lại cái gì không. “Không,” kiến trả lời.
“Anh chẳng có thứ gì chúng tôi muốn, trừ một chỗ phơi nắng bên bãi biển. Chúng tôi sẽ cho anh vay tiền. Nhờ thế, anh vẫn mua hàng và chúng tôi vẫn tích trữ.”
Kiến và châu chấu đều hạnh phúc. Cẩn trọng và căn cơ, kiến gửi số thu nhập thặng dư của mình vào những ngân hàng được cho là an toàn, còn những ngân hàng này cho châu chấu vay lại.
Tới lượt mình, châu chấu chẳng cần kiếm ăn nữa vì kiến đã cho nó ăn với cái giá rẻ mạt. Nhưng kiến không bán cho châu chấu nhà cửa, trung tâm mua sắm hay văn phòng. Vì thế châu chấu phải tự làm cho mình.
Thậm chí chúng còn nhờ kiến tới làm giúp những việc này. Châu chấu thấy tiền cứ đổ vào như nước và giá nhà cứ tăng lên. Thế nên chúng lại vay nhiều hơn, xây nhiều hơn và tiêu nhiều hơn.
Kiến thấy đàn đàn châu chấu thật giàu có bèn nói với ngân hàng rằng: “Cho họ vay nhiều hơn nữa đi, vì kiến chúng tôi chẳng muốn vay mượn gì đâu.” Khả năng sản xuất ra sản phẩm thực của kiến tốt hơn nhiều so với năng lực tài chính của chúng.
Vì thế châu chấu nghĩ ra mánh đóng gói các khoản vay của mình lại thành những tài sản hấp dẫn rồi bán cho ngân hàng của kiến.
“Tổ kiến” Đức nay lại rất gần với lãnh địa của một số đàn châu chấu nhỏ. “Kiến” Đức nói: “Chúng tôi muốn kết bạn. Tại sao chúng ta không dùng chung một đồng tiền nhỉ? Nhưng, đầu tiên anh phải hứa cư xử giống kiến mãi mãi.”
Vì thế châu chấu phải vượt qua bài kiểm tra này bằng cách cư xử thật giống kiến. Châu chấu giả đò vài năm và được phép lưu hành đồng tiền chung Châu Âu.
Ai ai cũng hạnh phúc, ít nhất cũng được một thời gian.
“Kiến” Đức nhìn những khoản vay cho châu chấu và thấy mình thật giàu có. Ở lãnh địa châu chấu, chính phủ của họ cũng nhìn vài cán cân thanh toán lành mạnh của mình mà nói: “Nhìn xem này, chúng tôi tuân thủ kỷ luật tài khóa còn tốt hơn cả kiến.”
Kiến thấy thật xấu hổ nên nó lờ đi chuyện giá và lương ở các đàn châu chấu đang tăng nhanh, khiến hàng hóa của chúng đắt đỏ hơn. Trong khi đó lãi suất thực giảm khuyến khích cho vay và xây dựng nhiều hơn.
Những “kiến” Đức thông thái lắc đầu, “chẳng có gì tăng mãi”. Giá nhà đất của đàn châu chấu cuối cùng cũng lên tới đỉnh.
\Ngân hàng của kiến lo lắng bèn đòi lại tiền của mình. Con nợ châu chấu buộc phải bán những gì mình có làm nên một vụ phá sản dây chuyền.
Việc xây dựng cũng như tiêu thụ hàng hóa từ kiến của đàn châu chấu cũng vì thế mà ngừng lại. Việc làm biến mất ở cả tổ kiến lẫn đàn châu chấu, thâm hụt ngân sách gia tăng, đặc biệt với đàn châu chấu.
“Kiến” Đức nhận ra rằng kho dự trữ của mình chẳng đáng là bao vì châu chấu chẳng thể mang lại những gì chúng muốn, trừ những căn nhà giá rẻ dưới ánh mặt trời.
Ngân hàng kiến hoặc phải ghi nhận các khoản nợ xấu hoặc phải thuyết phục chính phủ kiến phải cho đàn châu chấu vay thêm nhiều, nhiều tiền hơn nữa.
Chính phủ kiến ngại phải thú nhận rằng mình đã để ngân hàng ném tiền của kiến qua cửa sổ. Vì thế họ chọn phương án cho vay thêm và gọi nó là “gói giải cứu”.
Trong khi đó, họ ra lệnh cho chính phủ châu chấu tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Giờ đây, “châu chấu phải xử sự y hệt như kiến”, họ nói.
Đàn châu chấu rơi vào đại suy thoái. Nhưng châu chấu vẫn chẳng biết phải làm sao để làm ra cái kiến cần. Châu chấu cũng chẳng thế đi vay để mua hàng hóa từ kiến được nữa nên nó chết đói.
“Kiến” Đức cuối cùng cũng phải ghi nhận số tiền cho châu chấu vay là nợ xấu. Nhưng chúng chẳng học được gì nhiều từ bài học này và vẫn cứ tiếp tục “bán chịu” hàng hóa cho những côn trùng khác.
Thế giới thực còn có nhiều “tổ kiến” khác, đặc biệt là ở Châu Á.
Ngoài Đức còn có một “tổ kiến” giàu có nữa là Nhật Bản. Có một “tổ” khổng lồ tuy dự trữ có ít hơn là Trung Quốc.
Họ cũng muốn làm giàu nhờ bán hàng hóa cho châu chấu với giá rẻ và tích trữ các khoản nợ của đàn châu chấu. “Tổ” Trung Quốc thậm chí còn neo giá đồng tiền của mình để đảm bảo hàng hóa của mình sẽ “siêu rẻ”.
May cho người Á Châu là có một đàn châu chấu cực lớn và vô cùng chăm chỉ có tên Hoa Kỳ. Thực tế, tất cả những gì cần biết về đàn châu chấu này là câu khẩu hiệu: “Chúng ta tin tưởng vào mua sắm” (In shopping we trust).
Những “tổ kiến” Á Đông xây dựng quan hệ với Mỹ cũng y như cái cách Đức đối xử với những người hàng xóm của mình. Đàn kiến Á Đông tích trữ nợ của châu chấu rồi tự cảm thấy thế là mình giàu.
Dù vậy cũng có một điểm khác biệt.
Khi Hoa Kỳ suy thoái, hộ gia đình ngừng vay mượn và chi tiêu còn thâm hụt ngân sách bùng nổ, chính phủ châu chấu không tự nói với mình rằng: “Nguy hiểm thật, cắt giảm chi tiêu thôi.”
Thực tế, họ nói: “Phải tiêu nhiều hơn nữa để làm nóng nền kinh tế.” Vì thế thâm hụt ngân sách trở nên khổng lồ.
Châu Á lo lắng. “Kiến chúa” Trung Quốc nói với Mỹ: “Chủ nợ chúng tôi muốn các anh ngừng vay mượn y như châu chấu Châu Âu ấy.”
“Châu chấu chúa” Mỹ cười lớn: “Tôi chẳng cầu xin các anh cho vay tiền. Chúng tôi còn nói thẳng, có điên mới đi làm vậy. Chúng tôi sẽ đảm bảo con châu chấu Mỹ nào cũng có việc làm. Không muốn cho vay thì các anh cứ nâng giá đồng tiền của mình lên. Rồi thì chúng tôi sẽ làm những gì chúng tôi đã mua còn anh cũng chẳng cần phải đưa tiền cho chúng tôi làm gì cả.”
Mỹ đã dạy cho chủ nợ của mình một bài học: “Bạn nợ ngân hàng 100 đôla, đó là vấn đề của bạn, còn bạn nợ ngân hàng 100 triệu đôla, giờ vấn đề là của ngân hàng.”
“Kiến chúa” Trung Quốc chẳng muốn thừa nhận rằng kho tích trữ nợ của Mỹ sẽ chẳng đáng giá như lúc mới “tha về”. Vậy là rút cục Trung Quốc quyết định còn cho Mỹ vay nhiều hơn nữa.
Nhưng vài thập kỷ sau, Trung Quốc nói với Mỹ: “Giờ chúng tôi muốn anh trả nợ bằng hàng hóa.” Châu chấu Mỹ cười và ngay lập tức giảm giá trị các khoản nợ của mình. Số “lương thực” kiến tích trữ được mất giá và một số “kiến” chết vì đói.
Bài học của câu chuyện ngụ ngôn này là gì? Nếu muốn làm giàu bền vững, đừng có cho lũ châu chấu vay tiền.
Minh Tuấn
Theo FT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét