6 tháng 6, 2009

Nhân Dân Tệ- thay thế đồng USD ở vị trí đồng tiền dự trữ của thế giới

Tôi có viết 2 bài về Nhân dân tệ trên Saga

Trong bài bình luận đăng trên tờ New York Times mới đây, giáo sư kinh tế Nouriel Roubini thuộc Trường Kinh doanh Stern (Đại học New York), đã phân tích khả năng đồng tiền của Trung Quốc thay thế đồng USD ở vị trí đồng tiền dự trữ của thế giới.

Ông nhận định, thế giới có thể đang bắt đầu bước vào thế kỷ của châu Á, thời kỳ mà Trung Quốc và đồng tiền của nước này ngự trị. Mặc dù vai trò của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ chính của thế giới sẽ không thể biến mất trong một sớm một chiều, nước Mỹ tới lúc này không còn có thể coi địa vị này là nghiễm nhiên nữa.

Từ quan điểm này, tác giả cho rằng, việc đồng USD bị thách thức bởi những đồng tiền khác, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, có thể xảy ra sớm hơn so với dự kiến của nước Mỹ. Nếu xảy ra, điều này có thể sẽ gây ra những tác động xấu với nước Mỹ, khi mà khả năng bù đắp cho thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại bằng tiền vay lãi suất thấp sẽ không còn nữa.


Sự vươn lên của Nhân dân tệ


Giáo sư Roubini lấy dẫn chứng từ lịch sử cho thấy, những đế chế sở hữu đồng tiền dự trữ của thế giới đồng thời thường là chủ nợ ròng nước ngoài. Đế quốc Anh suy yếu và đồng Bảng mất địa vị đồng tiền dự trữ của thế giới khi nước này trở thành một con nợ ròng trong Chiến tranh Thế giới 2.


Ngày nay, nước Mỹ đang ở trạng thái tương tự. Nước này đang chịu mức thâm hụt ngân sách và thương mại khổng lồ và phải dựa vào sự “hào phóng” của các chủ nợ nước ngoài, tức các nhà đầu tư trái phiếu kho bạc Mỹ, để bù đắp cho sự thiếu hụt này. Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư này đã bắt đầu cảm thấy lo lắng về việc tích trữ thêm tài sản bằng đồng USD. Sự xuống dốc của đồng USD xuất phát từ thực tế này có thể chỉ còn là vấn đề thời gian.

Câu hỏi đặt ra lúc này là đồng tiền nào sẽ thay thế đồng USD? Giáo sư Roubini chỉ ra rằng, đồng Bảng Anh, đồng Yên Nhật và đồng Franc Thụy Sỹ vẫn chỉ là những đồng tiền dự trữ nhỏ, do các quốc gia này không phải là những cường quốc lớn của thế giới. Vàng thì chỉ được đánh giá cao trong thời kỳ khủng hoảng và lạm phát cao. Đồng Euro thì chịu áp lực từ những lo ngại về khả năng tồn tại lâu dài của liên minh tiền tệ châu Âu. Như vậy, chỉ còn lại đồng Nhân dân tệ.


Trung Quốc là một quốc gia chủ nợ với thặng dư cán cân vãng lai ở mức cao, thâm hụt ngân sách thấp, tỷ lệ nợ công so với GDP thấp hơn nhiều so với Mỹ, và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã có những bước tiến nhằm thách thức địa vị thống lĩnh của đồng USD. Cách đây chưa lâu, Bắc Kinh đã kêu gọi dùng quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – một rổ gồm các đồng USD, Euro, Bảng và Yên Nhật – để làm đồng tiền dự trữ số một mới của thế giới.

Do đó, vị giáo sư này cho rằng, chẳng bao lâu nữa, Trung Quốc sẽ muốn đồng Nhân dân tệ của họ được đưa vào rổ tiền tệ này, cũng như đồng tiền này được sử dụng làm phương tiện thanh toán trong thương mại song phương.


Mặc dù vậy, theo quan điểm của Roubini, ở thời điểm hiện nay, đồng Nhân dân tệ còn chưa sẵn sàng để đạt tới vai trò đồng tiền dự trữ. Để đạt tới sự sẵn sàng này, Trung Quốc trước hết cần phải nới lỏng những hạn chế đối với các dòng tiền ra vào nước này, cho phép đồng Nhân dân tệ tự do chuyển đổi hoàn toàn trong các giao dịch ngoại hối, tiếp tục hoạt động cải cách tài chính trong nước, và tăng cường tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu.


Ông Roubini dự báo, đồng Nhân dân tệ sẽ mất nhiều thời gian để trở thành một đồng tiền dự trữ, nhưng điều này có thể xảy ra. Trung Quốc đã tăng cường vai trò đồng tiền của họ bằng cách thiết lập thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với nhiều quốc gia, trong đó có Argentina, BelarusIndonesia và cho phép các định chế tài chính ở Hồng Kông phát hành trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ. Đây là bước tiến đầu tiên tới việc thiết lập một thị trường sâu rộng ở cấp độ trong nước và quốc tế cho đồng tiền này.


Tác động đối với nước Mỹ


Về tác động của sự chuyển biến trên đối với nước Mỹ, bài viết cho rằng, nếu Trung Quốc và các quốc gia khác đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ của họ thay vì chỉ dự trữ đồng USD (chắc chắn điều này cuối cùng sẽ xảy ra), nước Mỹ sẽ chịu tác động bất lợi.

Quốc gia này đã gặt hái được những lợi ích lớn về mặt tài chính từ việc đồng USD là đồng tiền dự trữ. Đặc biệt, thị trường lớn mạnh cho đồng USD cho phép nước Mỹ vay nợ được với mức lãi suất có lợi hơn. Nhờ đó, nước Mỹ mới có thể bù đắp được những khoảng thâm hụt ngân sách lớn trong một thời gian dài hơn và với mức lãi suất thấp hơn, nhờ nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với trái phiếu kho bạc Mỹ giúp giữ lợi suất của loại tài sản ở mức thấp.


Nước Mỹ chỉ cần phát hành nợ bằng đồng tiền của chính mình, thay vì bằng một đồng tiền nước ngoài, do đó, mọi tổn thất từ sự xuống giá của đồng USD đều được dồn sang cho các chủ nợ mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Việc giá các loại hàng hóa được ấn định bằng đồng USD cũng đồng nghĩa với việc, sự mất giá của đồng USD không dẫn tới sự lên giá của hàng nhập khẩu vào Mỹ.


Tới đây, tác giả bài viết đặt câu hỏi: thử tưởng tượng một thế giới mà ở đó Trung Quốc có thể vay và cho vay trên thị trường quốc tế bằng đồng tiền của nước này? Đồng Nhân dân tệ, thay vì đồng USD, rốt cục trở thành phương tiện thanh toán trong thương mại và một đơn vị kế toán trong định giá các mặt hàng xuất nhập khẩu, cũng như một kênh lưu trữ giá trị cho tài sản của các nhà đầu tư quốc tế.


Nước Mỹ khi đó sẽ phải trả giá. Họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn để nhập khầu hàng hóa, lãi suất đánh vào các khoản nợ cả công lẫn tư cùng tăng. Phí vay nợ cá nhân cao hơn có thể dẫn tới sự suy yếu của tiêu dùng và đầu tư, rồi suy yếu tăng trưởng. Theo quan điểm của Giáo sư Roubini, có lẽ phải mất cả thập kỷ nữa đồng USD mới suy yếu tới mức đó, nhưng điều này có thể xảy ra sớm hơn nếu nước Mỹ không giải quyết được đống đổ nát tài chính hiện nay.


Tác giả khuyến cáo, điều mà người Mỹ và Chính phủ nước này cần làm là hạn chế vay mượn và chi tiêu, đồng thời theo đuối sự tăng trưởng không dựa trên những đợt bong bóng tài sản và tín dụng. Trong suốt hai thập kỷ qua, nước Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn những gì họ làm ra, khiến nợ nước ngoài ra tăng tới mức không bền vững. Một hệ thống mà ở đó đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới đã cho phép nước Mỹ kéo dài hoạt động vay nợ bất cẩn.


Cuối cùng, tác giả nhận định, giờ đây, địa vị của đồng USD không còn an toàn nữa, và nước Mỹ cần dịch chuyển ưu tiên của họ. Điều này đòi hỏi đầu tư vào cơ sở nâng cấp hạ tầng, những nguồn tài nguyên tái sinh và thay thế, nguồn nhân lực có năng suất lao động cao, thay vì kỳ vọng vào những khoản đầu tư trên thị trường địa ốc và những sản phẩm cho vay nhiều rủi ro trong ngành tài chính.


Tác giả bài viết khẳng định, đây sẽ là cách duy nhất để giảm tốc sự trượt dốc của đồng USD, và duy trì sức ảnh hưởng của nước Mỹ trên trường quốc tế.

Tình hình Kinh tế - Tài chính thế giới từ 28/5 - 4/6/2009


1. Tình hình kinh tế và thị trường tài chính thế giới

Trong tuần, Chính phủ và Ngân hàng trung ương (NHTW) các nước công bố các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho thấy xu hướng suy giảm kinh tế có xu hướng chậm lại ở một số nước, nhưng khả năng phục hồi kinh tế chậm do tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng cao:

* Tại Mỹ:

- Các chỉ số về hoạt động của ngành sản xuất và dịch vụ của Mỹ trong tháng 5/2009 cho thấy, hoạt động hai ngành này đang có xu hướng giảm chậm dần. Chỉ số của ngành sản xuất tăng lên mức 42,8 so với mức 40,1 của tháng 4/2009 do các đơn đặt hàng mới về ô tô, thiết bị điện tử và máy móc xây dựng tăng lên, chỉ số của ngành dịch vụ tăng lên mức 44 so với mức 43,7 của tháng 4/2009; thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên với số giao dịch mua nhà đã qua sử dụng tăng 6,7% trong tháng 4/2009 do giá nhà đang ở mức thấp thu hút người mua, đây là mức tăng cao nhất trong 7 năm qua. Tuy nhiên, dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong thời gian tới có thể tăng cao, hạn chế tiêu dùng của cá nhân, theo đó ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.

- Trong phiên điều trần trước Quốc hội ngày 3/6, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Bernanke cảnh báo thâm hụt ngân sách lớn của Mỹ sẽ đe doạ sự ổn định tài chính và Chính phủ nước này không thể tiếp tục đi vay ở mức hiện tại để bù đắp thâm hụt ngân sách.

- Trong nỗ lực đảm bảo sự lành mạnh của các ngân hàng lớn, ngày 1/6, Ban giám đốc điều hành Fed thông báo 19 ngân hàng lớn nhất của Mỹ phải chứng minh rằng họ có thể phát hành cổ phiếu mới để huy động vốn bổ sung trước khi trả lại tiền cứu trợ cho Chính phủ.

* Tại Châu Âu:

- Theo Phó chủ tịch NHTW châu Âu (ECB), ông Lucas Lapademos, các số liệu cho thấy suy giảm kinh tế ở khu vực đồng Euro đang chậm lại và nhiều khả năng khu vực này sẽ dần phục hồi trong năm 2010; chỉ số lòng tin về kinh tế của các nước châu Âu trong tháng 5/2009 tiếp tục tăng, mức suy giảm của các ngành sản xuất có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của các nước khu vực đồng Euro trong tháng 4/2009 đã tăng lên mức 9,2% so với mức 8,9% của tháng 3/2009, đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/1999 và cao hơn mức dự báo của các nhà kinh tế, có thể ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế của khu vực này.

- Lần đầu tiên sau 20 tháng, giá nhà đất tại Vương quốc Anh không giảm, mức giá bình quân 1 ngôi nhà trong tháng 5/2009 là 155.600 bảng Anh (tương đương 251.000 USD), bằng với mức giá trong tháng 4/2009.

* Tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương:

- Các số liệu mới nhất về kinh tế Australia cho thấy nước này đã không rơi vào suy thoái kinh tế với tăng trưởng GDP trong quý I/2009 đạt 0,4%, thị trường bất động sản đang ấm lên phản ánh qua số lượng nhà được cấp phép xây dựng mới, doanh số bán lẻ trong tháng 4/2009 tiếp tục tăng, mức suy giảm trong ngành sản xuất có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thị trường lao động và khu vực kinh doanh, thì kinh tế Australia vẫn còn nhiều khó khăn, lợi nhuận và đầu tư của các doanh nghiệp trong quý I/2009 giảm lần lượt là 7,2% và 8,9% so với quý IV/2008, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức 3,9% trong tháng 2/2008 lên mức 5,4% trong tháng 4/2009.

- Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang tiếp tục phục hồi. Chỉ số PMI (Purchasing Manager’s Index) trong tháng 5/2009 ở mức 53,1 cho thấy các ngành sản xuất của Trung Quốc tiếp tục được mở rộng. Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, sản lượng công nghiệp trong quý II/2009 có thể tăng 8%, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2009. Ngày 31/5, Cơ Quan quản lý ngân hàng và Bộ Tài chính Trung Quốc kêu gọi các ngân hàng giám sát chặt chẽ các khoản cho vay. Để hỗ trợ gói kích cầu, Chính phủ Trung Quốc đã dỡ bỏ mức trần cho vay và kêu gọi các ngân hàng cho vay ra khoảng 5.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 732 tỷ USD), trong 4 tháng đầu năm các ngân hàng đã cho vay vượt mức này vì thế có thể gia tăng rủi ro nợ xấu và bong bóng tài sản.

- Ngày 29/5, Quốc hội Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế thứ tư và lớn nhất từ trước đến nay có trị giá gần 144 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thoát khỏi khủng hoảng sau 6 tháng suy giảm liên tiếp. Gói kích thích này được dùng vào việc cắt giảm thuế, chi tiêu công, hỗ trợ người thất nghiệp, thúc đẩy sức tiêu thụ hàng điện tử và xe hơi.

- Theo Chính phủ Hàn Quốc, kinh tế nước này đang trong quá trình phục hồi và cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu chậm lại, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để lạc quan về triển vọng kinh tế do những bất ổn của thị trường thế giới, sự gia tăng của giá dầu và sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới.

- Thị trường chứng khoán thế giới từ ngày 27/03 đến 03/06: chỉ số công nghiệp Dow Jones (Mỹ) tăng 4,5% lên mức 8.675,24 điểm; chỉ số FTSE 100 (Anh) giảm -0,7% xuống mức 4.383,42 điểm; chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 3,2% lên mức 9.741,67 điểm.

- Từ ngày 28/5 đến ngày 4/6, đồng USD giảm giá 2,42% so với đồng EUR, giảm giá 2,45% so với đồng GBP và giảm 0,64% so với JPY. Giá vàng thế giới tại thời điểm 15 giờ ngày 4/6 ở mức 968,95 USD/ounce, tăng 2,15% so với ngày 28/5. Giá dầu thô ngày 3/6 trên sàn NYMEX giao dịch ở mức khoảng 66,14 USD/thùng, tăng 4,31 % so với ngày 27/5.

- Lãi suất đồng USD trên các thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm: So với ngày 28/5, lãi suất Libor kỳ hạn qua đêm đồng USD giảm từ mức 0,2625%/năm xuống mức 0,26125%/năm; lãi suất Sibor kỳ hạn qua đêm của đồng USD giảm từ mức 0,245%/năm xuống mức 0,235%/năm, lãi suất Libor kỳ hạn qua đêm của đồng EUR giảm nhẹ từ mức 0,9075%/năm xuống mức 0,4125%/năm.

2. Hoạt động ngân hàng và thị trường tiền tệ trong nước

- Hoạt động ngân hàng và thị trường tiền tệ trong nước ổn định; một số NHTM cổ phần điều chỉnh tăng khoảng 0,3-0,6%/năm lãi suất huy động VND, nhưng chưa tác động tăng mặt bằng lãi suất thị trường; lãi suất cho vay ổn định so với tuần trước. Đến ngày 4/6/2009, lãi suất huy động bằng VND kỳ hạn 12 tháng của các NHTM nhà nước ở mức khoảng 7,85 %/năm, của các NHTM cổ phần ở mức khoảng 8,14%/năm. Lãi suất cho vay bằng VND của khối NHTM Nhà nước phổ biến ở mức 8,5-10%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 10-10,5%/năm đối với cho vay trung và dài hạn, lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất là 4-6%/năm; lãi suất cho vay bằng VND của khối NHTM cổ phần phổ biến ở mức 10-10,5%/năm, lãi suất cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và cho vay thông qua thẻ tín dụng phổ biến ở mức 12-15%/năm.

- Ngày 29/5/2009, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng những tháng cuối năm 2009, các NHTM nhà nước và NHTM cổ phần Ngoại thương VN đã thống nhất điều chỉnh giảm lãi suất ngoại tệ, trong đó, lãi suất huy động bằng USD không quá 1,5%/năm, lãi suất cho vay bằng USD không quá 3%/năm và bắt đầu thực hiện từ 1/6/2009.

- Về kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất tính đến ngày 28/5/2009: Theo báo cáo nhanh của các NHTM, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng đồng Việt Nam đến ngày 28/5/2009 là 319.074,62 tỷ đồng, so với ngày 21/5/2009, số dư nợ cho vay đã tăng 16.759,95 tỷ đồng (tương đương tăng 5,5%). Dư nợ phân theo nhóm ngân hàng: Nhóm NHTM Nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 230.597,24 tỷ đồng; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 71.407,96 tỷ đồng; nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 15.067,81 tỷ đồng; công ty tài chính là 2.001,61 tỷ đồng.

- Tỷ giá bán USD/VND của NHTM cổ phần Ngoại thương chiều ngày 4/6 ở mức 17.789 đồng, tăng 5 đồng so với ngày 28/5 và sát trần. Giá vàng bán ra của Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 2,135 triệu đồng/chỉ, tăng 67.000 đồng/chỉ so với ngày 28/5.

3. Thị trường chứng khoán

Trong tuần, từ ngày 27/5 đến ngày 3/6, chỉ số VN-Index tăng 4,6% (19,62 điểm) lên mức 444,79 điểm, chỉ số Hastc-Index tăng 4,4% (6,58 điểm) lên mức 154,86 điểm. Về khối lượng giao dịch, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1,9 triệu cổ phiếu tương đương 171,8 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 9,55 triệu cổ phiếu tương đương 515,4 tỷ đồng) và mua ròng 2,6 triệu trái phiếu tương đương 268,76 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 4,5 triệu trái phiếu tương đương 460,48 tỷ đồng).

SBV