24 tháng 10, 2009

Mỹ: Vấn đề hạn chế tiền lương có thể gây "chảy máu chất xám"

Sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố kế hoạch mới về cắt giảm tiền lương hôm 22/10, mũi nhọn của kế hoạch là hướng vào mức lương của những nhà điều hành cấp cao của bảy doanh nghiệp lớn mà nhận cứu trợ của chính phủ hồi năm ngoái. Trong đó, tổng mức lương của họ sẽ cắt giảm một nửa, và mức lương bằng tiền mặt sẽ cắt giảm 90%.
Sau khi thông tin này được tung ra, cũng có những niềm vui, nhưng những nỗi lo về việc Chính phủ Mỹ đã can thiệp sâu vào các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu rộ lên. Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm lương có thể lan đến các doanh nghiệp khác dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám.

Những quy định mới về tiền lương của Tổng thống Barack Obama chủ yếu hướng vào các đối tượng là CEO lớn và những người có mức lương cao của bảy doanh nghiệp nhận được cứu trợ từ chính phủ.

Ông Kenneth Feinberg quan chức Mỹ phụ trách vấn đề lương bổng tại các công ty nhận tiền cứu trợ của chính phủ Mỹ nhấn mạnh, những quy định mới về lương có quan hệ mật thiết và lâu dài đối với nghiệp vụ kinh doanh lâu dài của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, kế hoạch giảm lương không gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ nhận được cứu trợ. Theo như quy định, trong bảy doanh nghiệp trên, bất cứ một giám đốc điều hành của doanh nghiệp nào mà muốn có một máy bay cá nhân trị giá 25000 USD đều cần phải có sự đồng ý của Chính phủ. Đứng trước sự vệc này Goldman Sachs và JP Morgan Chase đã tuyên bố sẽ trả lại những khoản cứu trợ của Chính phủ. Từ đầu năm nay, tổng cộng mức lương mà Goldman Sachs trả cho nhân viên là 16,7 tỷ USD, mỗi nhân viên nhận được 500 nghìn USD.

Những công ty này nhận được khoản cứu trợ hơn 50 tỷ USD của Chính phủ, trong khi mức lương của quan chức cấp cao là 5,5 triệu USD, trong đó còn có khoản tiền thưởng là 2,2 triệu USD.

Tổng thống Obama đã bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch này của bộ Tài chính, kêu gọi Quốc Hội thông qua pháp luật để tăng quyền phát ngôn cho những đối tượng có mức lương cao. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tỏ ra lo lắng rằng, việc Chính phủ can dự sâu vào các doanh nghiệp tư nhân nó có tạo thành một làn sóng lan truyền vào các doanh nghiệp khác khiến cho vấn đề chảy máu chất xám trở nên nghiêm trọng hơn tại thời điểm "nhạy cảm" với kinh tế Mỹ.

Nguồn tin: nguồn 1

Nhật - Mỹ tranh cãi về áp lực nợ nần

Hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới Mỹ và Nhật Bản đang đứng một vấn đề nan giải: đó chính là áp lực nợ nần. Hiện tại, các chuyên gia và giới báo chí hai nước đang bắt đầu tranh cãi về việc ai cõng nhiều nợ hơn.
“Nhật Báo Triều Tiên” của Hàn Quốc ngày 22/10 đưa tin, số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD cho biết, năm 2009, nợ của Nhật Bản đã chiếm tới 187% GDP, sẽ rất nhanh để đạt tới con số 200%, dự đoán sẽ chạm ngưỡng 10000 tỷ USD, vượt hơn tổng số GDP cộng lại của ba nước Anh – Pháp – Đức. Để chấn hưng nền kinh tế, nhiều năm qua, Nhật Bản đã cho xây dựng các công trình công cộng như thủy điện, đường sá và bến cảng với quy mô lớn, chi phí khổng lồ. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Hirohisa Fujii ngày 20/10 công khai cho biết, chính phủ sẽ tái phát hành thêm hơn 50000 tỷ trái phiếu chính phủ, lập kỷ lục với lượng phát hành trái phiếu lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản. Hãng truyền hình “Fuji Sankei” đưa tin, trước đó, năm phát hành trái phiếu cao nhất của Nhật Bản là năm 1999, tổng số phát hành trái phiếu chính phủ trong năm đó là 37000 tỷ USD. Vì thế, Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi khi đó đã từng tự gọi Nhật Bản là “ông vua vay nợ đầu tiên thế giới”.

Ngược lại, trái phiếu chính phủ Mỹ chỉ chiếm khoảng 98% tổng số GDP, lợi tức nợ chỉ chiếm khoảng 1/10 ngân sách. Còn Nhật Bản, chỉ riêng trả lãi ngân hàng cũng đã tiêu tốn mất 1/5 ngân sách. Cho dù như vậy, có quan chức Nhật Bản kiên quyết cho rằng, ở mức độ nào đó, tình hình Nhật Bản vẫn ổn hơn so với Mỹ. Lý do là, nợ của Mỹ đạt 46% là vay nợ nước ngoài từ Trung Quốc và Nhật Bản, còn Nhật Bản chỉ có chưa đầy 10% nợ là vay từ nước ngoài, một nửa là do các doanh nghiệp quốc doanh sở hữu, tiền tiết kiệm và tài sản đầu tư cá nhân của công chúng Nhật Bản cũng cao hơn Mỹ, vì thế trên thị trường không thể đột nhiên xuất hiện tình trạng bán tháo trái phiếu chính phủ Nhật Bản. Một cựu quan chức cao cấp của Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết: “chính phủ chỉ là dốc tiền từ túi này sang túi khác, mặc dù nợ có vẻ rất đáng sợ, nhưng thực sự vẫn là thứ an toàn”.

Về việc này, các chuyên gia Mỹ lại có quan điểm khác nhau. David Einhorn, sáng lập viên của quỹ phòng hộ Greenlight Capital cho biết, khoản nợ mà Nhật Bản phải gánh nặng hơn so với Mỹ. Trước hết, tình trạng dân số già của Nhật Bản tăng tốc nhanh hơn so với Mỹ, chi phí y tế và lương nghỉ hưu mà chính phủ chi trả tăng cao hơn, nợ sẽ chồng chất thêm. Số người trên 65 tuổi ở Nhật chiếm tới 22% dân số toàn quốc, trong khi đó Mỹ chỉ chiếm khoảng 13%. Tăng lãi suất sẽ là mối đe dọa lớn. Lãi suất quốc trái hiện tại chưa tới 2%, nếu tăng đến 5%, sẽ tác động khá lớn tới chính phủ Nhật Bản, nâng cao nguy cơ phá sản. Tình huống tồi tệ nhất chính là, nếu Nhật Bản in quá nhiều tiền, lợi dụng lạm phát để giảm số nợ phải gánh, đồng Yên sẽ mất giá mạnh. Đây là điều mà các nhà đầu tư sợ nhìn thấy nhất. Chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty High Frequency Economics cho biết: “Chi tiêu công của Nhật Bản đang nhanh chóng rơi vào tình trạng mất kiểm soát, chúng tôi tin rằng cuộc khủng hoảng tài chính sắp xảy ra”. Nhà phân tích của Credit Suisse tại Tokyo cho rằng: “Trong năm nay và năm sau, Nhật Bản sẽ phát hành nhiều hơn trái phiếu chính phủ, nhưng chỉ trong 3 – 5 năm sau sẽ mất tác dụng”.

Nguồn tin: nguồn 1

Châu Á: Trái phiếu bùng nổ

Khủng hoảng tín dụng toàn cầu là một cuộc kiểm tra tốt đối với các thị trường trái phiếu tiền tệ của các quốc gia Châu Á vốn đang trong giai đoạn đâm chồi nảy lộc và dường như chúng đã qua được thử thách.

Một thập kỷ trước, do hậu quả của khủng hoảng tài chính Châu Á, ngân hàng phát triển Châu Á – ADB đã nhấn mạnh đến việc mở rộng thị trường trái phiếu tiền tệ ở các nước trong khu vực vì nhờ đó phần nào các công ty có thể tránh được cạm bẫy của việc phụ thuộc vào những khoản vay nước ngoài và tiền vay ngân hàng. Kể từ đó, thị trường trái phiếu của các tập đoàn trong vùng đã tăng trưởng đều đặn tới một điểm mà ở đó, tính tổng số phát hành trái phiếu trong Châu Á (không kể Nhật Bản) tăng gấp 9 lần so với sự phát hành tương tự đối với ba loại tiền tệ là USD, eur và Yên Nhật.

Khủng hoảng tín dụng toàn cầu đã làm cho những thành viên tham gia thị trường trái phiếu nhận ra mức độ liên quan của họ trong việc cung cấp cho các Cty thêm một quỹ vốn chung trong thời gian bấp bênh. Khủng hoảng tài chính đã làm giới đầu tư tăng sự chú ý tới các thị trường tiền tệ nội địa các nước. Ví dụ, tháng 3/2009, hãng San Miguel của Philippines đã tăng vốn bằng cách phát hành 38,8 tỷ Peso (bằng 800 triệu USD) trái phiếu với thời hạn 3 năm, 5 năm và 10 năm. Đây là kỷ lục về số lượng vốn tăng lên nhờ phát hành trái phiếu của một Cty ở Philippines. Thị trường trái phiếu của các tập đoàn Hàn Quốc cũng phát triển tốt với giá trị trái phiếu phát hành ra là 25,9 tỷ USD, tăng một phần ba so với năm trước.

Hệ thống Ngân hàng Châu Á đã đứng vững trong suốt khủng hoảng tín dụng toàn cầu trong khi nhiều ngân hàng nơi khác bị cuốn trôi bởi cơn sóng mất khả năng thanh toán bằng tiền mặt. Ngoại trừ Hàn Quốc, các Ngân hàng Châu Á nắm giữ nhiều tiền gửi hơn các khoản tiền cho vay vì thế có khả năng tiếp tục cho vay và mua khoản nợ của các tập đoàn trong suốt thời kỳ khủng hoảng toàn cầu. Trong nhiều trường hợp, các nhà đầu tư của các nước Châu Á không nắm giữ nhiều tài sản bán trong khủng hoảng và điều đó giúp bình ổn trên thị trường. Chính phủ các quốc gia Châu Á cũng tham gia việc tạo nên sự tiến bộ bằng việc bãi bỏ các quy định của thị trường tài chính nhằm khuyến khích chúng tăng trưởng. Lấy ví dụ Hàn Quốc, đầu năm 2009 đã loại bỏ thuế áp vào các trái phiếu không kỳ hạn, bao gồm các những trái phiếu phát hành bằng tiền Won và điều đó sẽ thu hút đầu tư của nước ngoài. Hàn Quốc cũng thành lập quỹ lương hưu của Chính phủ để mua các loại trái phiếu.

Mỗi thị trường trái phiếu tập đoàn trong khu vực đang phát triển với một cách thức khác nhau và tốc độ tăng trưởng không giống nhau, phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng và kích cỡ của nền kinh tế, sự cân đối giữa trái phiếu phát ra của chính phủ và mức độ thành lập quỹ của các nhà đầu tư, ví dụ như quỹ lương hưu. Tất nhiên còn rất nhiều thách thức phía trước với thị trường trái phiếu tiền tệ Châu Á như chúng chưa được cấu trúc hoàn chỉnh, còn có thiếu sót. Tuy vậy các số liệu cho thấy điều rõ ràng là các thị trường trái phiếu tiền tệ Châu Á đã hình thành và phát triển mạnh mẽ giúp cho các quốc gia châu lục này chống đỡ hiệu quả với khủng hoảng tài chính thế giới.

Moody cảnh báo Mỹ có nguy cơ tụt hạng tín dụng AAA

Hãng xếp hạng tín dụng Moody cho biết Mỹ có thể đánh mất mức xếp hạng tín dụng AAA nếu không giảm được khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ trong vòng 3-4 năm tới.

Được biết, trong năm tài khóa vừa kết thúc ngày 30/09/2009, thâm hụt ngân sách Mỹ lên tới 1.42 nghìn tỷ USD. Cuộc suy thoái sâu cũng như các gói giải cứu ngân hàng chính là nguyên nhân dẫn đến hệ quả nguồn tài chính công bị thâm hụt nghiêm trọng.

Nhà Trắng dự báo thâm hụt ngân sách trong năm tài chính 2011 sẽ vào khoảng hơn 1 nghìn tỷ USD.

Steven Hess, chuyên gia phân tích hàng đầu của Moody, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Reuters, cho biết “Mức xếp hạng tín dụng AAA của Mỹ không chắc chắn. Vì thế nếu chính phủ không có biện pháp giảm thâm hụt xuống về mức ổn định trong vòng 3-4 năm tới, thì Mỹ có thể phải đối mặt với nguy cơ tụt hạng.”

Còn tại thời điểm hiện nay, Moody nhận định rằng triển vọng xếp hạng tín dụng của Mỹ khá vững chắc, qua đó cho thấy trong vòng 18 tháng tới Mỹ sẽ giữ nguyên được vị trí AAA này.

Hồi đầu năm nay, thị trường tài chính hoang mang bởi lo ngại rằng Mỹ có nguy cơ đánh mất mức xếp hạng tín dụng cao nhất sau khi Hãng Tư vấn Standard & Poor's quyết định hạ triển vọng tín dụng của Anh từ “ổn định” sang “tiêu cực”.

Theo ông Hess, việc giảm thâm hụt ngân sách sẽ là một thách thức lớn đối với Mỹ.

“Việc tăng thuế không phải là một kế sách hay và sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn về mặt chính trị vì vậy chúng ta phải chờ xem Chính phủ có thể thực hiện được điều đó hay là tiến hành biện pháp cắt giảm chi tiêu.” Tuy nhiên ông nhấn mạnh thêm cắt giảm chi tiêu lại là một việc làm hết sức khó khăn.

Nên làm gì khi đồng USD mất giá?


Mối quan ngại về sự trượt giá của đồng USD trên toàn cầu leo thang đến mức giới kinh doanh tiền tệ tự hỏi đến khi nào các Chính phủ mới có thể đưa ra biện pháp giải quyết tình trạng này.

Hiện tại, bất kỳ nỗ lực nào nhẳm ổn định tỷ giá đồng USD đều còn bỏ ngỏ. Trên thực tế, biện pháp can thiệp thị trường của các ngân hàng trung ương đều chưa chắc chắn, đặc biệt là nếu Trung Quốc không thay đổi chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, với việc đồng USD sụt giảm so với đồng EUR, đồng JPY và hàng loạt các đồng tiền khác, các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đang bày tỏ mối quan ngại rằng đồng USD yếu sẽ kìm hãm đà phục hồi kinh tế vốn còn khá bấp bênh. Hơn nữa, đồng USD yếu cũng gây khó khăn hơn cho các nước xuất khẩu trong việc bán sản phẩm sang Mỹ.

Chưa hết, sự suy yếu của đồng USD còn làm tăng chi phí của hàng hóa như dầu mỏ.

Cho đến nay, giới kinh doanh tiền tệ phớt lờ sự khuếch đại của các quan chức chính phủ. Họ đã kích đồng EUR trên 1.50 USD/EUR vào ngày Thứ Tư lần đầu tiên trong 14 tháng và dao động quanh mức này trong suốt phiên giao dịch ngày Thứ Năm.

Từ trước đến nay, đồng USD luôn được xem là kênh đầu tư an toàn và là nơi trú bão khi thị trường chứng khoán sụt giảm. Hiện tại, thị trường chứng khoán đang thăng hoa, dòng tiền đầu tư vào đồng USD chảy trở lại vào cổ phiếu hoặc các đồng tiền của những thị trường mới nổi.Vì vậy, sự phục hồi hơn nữa của thị trường chứng khoán có thể kéo USD tiếp tục suy yếu

Đến nay, mùa công bố báo cáo tài chính quý 3 của các doanh nghiệp Mỹ khá khả quan với khoảng 75% công ty có kết quả kinh doanh vượt mong đợi.

Khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ gây sức ép nặng nề lên đồng USD, đồng thời Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, như việc áp dụng mức lãi suất thấp và mở rộng nguồn cung tiền.

Trên một phương diện nào đó, các Chính phủ có thể xem xét can thiệp thông qua việc mua USD để làm tăng tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể áp dụng các biện pháp mạnh hơn nữa đối với thị trường.

Sự trượt giá hiện tại của đồng USD gợi nhớ lại sự phối hợp trong các biện pháp can thiệp hồi Tháng 9/2000. Khi đó, FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Canada đã phối hợp nhằm ngăn chặn đà sụt giảm lên đến mức báo động của đồng EUR, vốn được xem là yếu tố đe dọa đến khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ. Sau đó, các ngân hàng trung ương đã liều lĩnh mua lại hàng tỷ USD, EUR và JPY nhằm ngăn chặn đà sụt giảm của đồng EUR.

Mỹ bất lực nếu Trung Quốc quá cứng nhắc

Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, các nhà phân tích cho rằng bất kỳ sự can thiệp nào đối với việc mất giá của đồng USD không chỉ đòi hỏi sự trợ giúp của chính quyền Mỹ mà còn liên quan đến Trung Quốc, quốc gia đang cố gắng giữ đồng NDT thấp hơn giá trị thực so với đồng USD. Điều này giúp Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ bất chấp các cam kết nới lỏng sách lược tiền tệ của quốc gia này.

Song điều đó có thể thay đổi nếu Trung Quốc bắt đầu quan ngại về lạm phát. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phát biểu tại cuộc họp Nội các hôm Thứ Tư rằng chính sách này sẽ tập trung cân bằng tăng trưởng kinh tế song song với kiểm soát lạm phát. Theo giới phân tích, động thái này có nghĩa là chính quyền Trung Quốc có thể cho phép đồng NDT tăng so với đồng USD. Điều này góp phần làm giảm chi phí nhập khẩu và giảm lạm phát.

Nói cách khác, điều này có thể xoa dịu một số áp lực đối với đồng EUR xuất phát từ sự điều chỉnh của đồng USD, một động thái mà tự nó có thể làm giảm bớt sự can thiệp từ các ngân hàng trung ương phương Tây.

Và điều này cũng sẽ giúp cắt giảm khoản thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc với Mỹ, vốn đã trở thành mục tiêu chính của Nhóm G20 trong thời gian qua.

Phạm vi phối hợp hành động có thể trở thành nội dung chính trong cuộc họp các bộ trưởng tài chính G-20 tại St. Andrews, Scotland vào đầu Tháng 11 tới.

Ông Jane Foley, Giám đốc nghiên cứu tại Forex.com cho biết: “Tỷ giá hối đoái của Trung Quốc được dự đoán là chủ đề thu hút sự chú ý cao trong cuộc họp sắp tới của G-20.”

Tính hai mặt trong sự suy yếu của đồng USD

Một số bộ trưởng tài chính có thể bàn luận nhiều về sự thất sủng của đồng USD và những tác động lên nền kinh tế. Được biết, trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Canađa Jim Flaherty đã bày tỏ quan ngại đồng USD có thể làm trật đà phục hồi kinh tế của nước mình. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega công bố áp dụng 2% thuế giao dịch tài chính đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, nhằm góp phần kìm chế sự gia tăng giá trị của đồng Brazil (BRL) so với đồng USD.

Về phía châu Âu, các nước này bắt đầu bộc lộ quan ngại về giá trị của đồng USD. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet đã cảnh báo rằng tỷ giá hối đoái biến động quá mạnh có thể hủy hoại sự ổn định của ngành tài chính và nền kinh tế.

Tuy nhiên, khi Mỹ đã đồng ý can thiệp vào các chính sách tiền tệ thì việc khôi phục đồng USD cũng cần phải có lộ trình. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn đồng USD mạnh, song trên thực tế đồng USD yếu sẽ có lợi cho ngành xuất khẩu và đà phục hồi kinh tế của Mỹ.

Ông Neil Mellor, chiến lược gia tiền tệ tại Ngân hàng New York Mellon cho biết: "Trừ khi đồng USD sụp đổ, nước Mỹ dường như không cần phải điều chỉnh chính sách đòn bẩy.”

Còn theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Sung Won Sohn tại Trường Đại học Kinh tế Smith (California), các quan chức châu Âu nhiều khả năng thảo luận về sự cần thiết trong việc ngăn chặn đà suy giảm của đồng USD mà không can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Theo ông, chính quyền Obama luôn khẳng định rằng đồng USD mạnh sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho Mỹ, nhưng lại án binh bất động trước sự suy giảm giá trị của đồng USD.

"Chúng ta đều biết Mỹ đang ủng hộ chính sách đồng USD mạnh nhưng chính quyền Mỹ lại không tỏ ra quá lo lắng và tìm ra các biện pháp để nâng cao giá trị của đồng USD. Đồng USD yếu sẽ tạo ra công ăn việc làm cho nước Mỹ thông qua việc thúc đẩy xuất khẩu và nhất là trong thời điểm chúng ta đang muốn thoát khỏi suy thoái kinh tế như hiện nay. Chúng ta cần phải tạo ra nhiều việc làm hơn nữa.”, ông kết luận.

Tình hình KT - TC thế giới từ ngày 15/10 - 22/10/2009

1. Tình hình kinh tế thế giới:

Trong tuần, Chính phủ và Ngân hàng trung ương (NHTW) các nước công bố các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho thấy kinh tế các nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực; thị trường chứng khoán Mỹ giảm, chứng khoán Anh, Nhật Bản tăng:

- Kinh tế Mỹ: chỉ số giá tiêu dùng, sản lượng công nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9/2009 tiếp tục tăng, thêm một ngân hàng phải đóng cửa, quỹ bảo hiểm của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ đang suy giảm nhanh:

+ Trong tháng 9/2009, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 0,2%, sản lượng công nghiệp tăng 0,7%, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 9,8%, số lượng nhà mới xây tăng 0,5%- thấp hơn dự báo đưa ra trước đó.

+ Tuần từ ngày 15- 22/10/2009, các nhà chức trách Mỹ làm thủ tục sáp nhập, giải thể thêm 1 ngân hàng, nâng tổng số ngân hàng bị giải thể ở nước này từ đầu năm 2009 tới nay lên tới 99 ngân hàng. Ngân hàng phải đóng cửa trong tuần này là ngân hàng San Joaquin tại bang California.

+ Trong phiên điều trần ngày 14/10/2009 trước Uỷ ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang cho biết quỹ bảo hiểm đang gặp khó khăn và đứng trước nguy cơ vỡ nợ trong vòng 2 năm tới do số lượng các ngân hàng bị phá sản tăng mạnh.

+ Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết một số biện pháp trong chương trình giải trừ tài sản xấu (TARP) đã thành công và Chính phủ sẽ bắt đầu thu hẹp dần chương trình này, nhưng vẫn đảm bảo hỗ trợ cho những lĩnh vực khó tiếp cận tín dụng như nhóm doanh nghiệp nhỏ và thị trường nhà đất.

+ Theo khảo sát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, kinh tế nước này có một số dấu hiệu tích cực nhưng không đáng kể do lĩnh vực nhà đất và sản xuất nhìn chung đã ổn định nhưng khu vực ngân hàng và thị trường lao động vẫn chưa có nhiều cải thiện .

- Tại châu Âu:Chỉ số giá tiêu dùng của các nước khu vực đồng Euro giảm, NHTW châu Âu dự báo lạm phát tại khu vực này sẽ ở mức 0,4% trong năm 2009 và 1,2% năm 2010:

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2009 của khu vực đồng Euro giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2008 do giá năng lượng giảm, các công ty cắt giảm việc làm và chi phí. Lạm phát cơ bản tháng 9/2009 của khu vực này cũng giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2008. NHTW Châu Âu (ECB) dự báo lạm phát tại khu vực đồng tiền chung sẽ ở mức khoảng 0,4% năm 2009 và 1,2% năm 2010. Mục tiêu của ECB trong trung hạn là giữ lạm phát ở mức dưới 2%.

- Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Xuất khẩu của Nhật Bản giảm với tốc độ chậm lại, chính phủ Hàn Quốc lên kế hoạch hỗ trợ các công ty đầu tư vào nhà máy và tạo công ăn việc làm, kinh tế Trung Quốc trong quý III/2009 tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 1 năm qua:

+ Theo Bộ Thương mại Nhật Bản, xuất khẩu của nước này trong tháng 9/2009 giảm 30,7% so với cùng kỳ năm 2008, thấp hơn mức giảm 36% của tháng 8/2009. Cầu về dịch vụ tháng 8/2009 tại Nhật Bản tiếp tục tăng .

+ Chính phủ Hàn Quốc lo ngại về số việc làm giảm trong ngành công nghiệp chế tạo và bán lẻ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi của quốc gia này và đang lên kế hoạch hỗ trợ các công ty để đầu tư vào nhà máy cũng như tạo thêm việc làm. Tính đến cuối tháng 9/2009, số người mất việc tại Hàn Quốc tăng 826 nghìn người so với cùng kỳ năm 2008.

+ Trong quý III/2009, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 1 năm qua nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ và tín dụng tăng kỷ lục. Theo Cơ quan Thống kê Trung Quốc, GDP quý III/2009 của nước này tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2008. Chính phủ Trung Quốc cho biết vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp kích thích tài khoá và tiền tệ sau khi kinh tế nước này tăng vượt dự báo trong 9 tháng đầu năm 2009.

2. Diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới:

- Thị trường chứng khoán thế giới từ ngày 14/10 đến ngày 21/10 thay đổi nhẹ: Chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ giảm 0,66% xuống 9.949,36 điểm, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,03% lên 5.257,85 điểm, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,28% lên 10.267,17 điểm.

- Đồng USD giảm giá so với một số đồng tiền mạnh, vàng giảm giá nhẹ: Từ ngày 14/10 đến ngày 22/10, đồng USD giảm giá 0,36% so với đồng EUR, giảm 2,53% so với đồng GBP và tăng 1,97% so với JPY. Giá vàng thế giới tại thời điểm 15 giờ ngày 22/10 ở mức 1.057,9 USD/ounce, giảm 0,05% so với ngày 15/10. Giá dầu thô ngày 21/10 trên sàn NYMEX giao dịch ở mức khoảng 81,03 USD/thùng, tăng 7,75% so với ngày 15/10.

- Lãi suất đồng USD trên các thị trường liên ngân hàng giảm: So với ngày 15/10, lãi suất Libor kỳ hạn qua đêm đồng USD giảm từ mức 0,18875%/năm xuống mức 0,18688%/năm; lãi suất Sibor kỳ hạn qua đêm của đồng USD giảm từ mức 0,2025%/năm xuống mức 0,1975%/năm. Lãi suất Libor kỳ hạn qua đêm của đồng EUR tăng từ mức 0,27625%/năm lên mức 0,27875%/năm.