6 tháng 10, 2009

Tổng hợp tin thế giới 06-10

Trung Quốc phát triển tập đoàn truyền thông

Bắc Kinh có kế hoạch đầu tư hàng tỉ USD trong vài năm tới để phát triển các công ty truyền thông và giải trí thành những tập đoàn hùng mạnh, đủ sức cạnh tranh với các đại gia quốc tế.

Thị trường Mỹ tăng điểm trở lại

Goldman Sachs nâng xếp hạng đối với cổ phiếu ngân hàng lớn, lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng. Giá vàng, dầu tăng.

Mỹ: Hàng cũ lên ngôi thời suy thoái

Cơn bão suy thoái đã càn quét qua các chuỗi cửa hàng bán lẻ quy mô lớn tại Mỹ nhưng lại mang đến cơ hội kinh doanh vô cùng quý giá với thị trường hàng hóa đã qua sử dụng do mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng tại Mỹ lúc này là làm sao có thể mặc cả, kỳ kèo bớt một thêm hai hoặc mua được hàng hóa với giá hời.

Mỹ: Bank of America sẽ bổ nhiệm CEO tạm thời trong tuần này

Theo thông tin đăng tải trên tờ Wall Street Journal, tập đoàn ngân hàng Bank of America sẽ bổ nhiệm giám đốc điều hành tạm thời trong tuần này nếu như CEO đương nhiệm là ông Ken Lewis buộc phải ra đi vào cuối năm nay vì các vấn đề về pháp lý.

Sản xuất, dịch vụ châu Âu tháng 9 tăng trưởng tốt

Lĩnh vực sản xuất và dịch vụ châu Âu tháng 9/2009 tăng trưởng cao hơn dự báo của các chuyên gia. Thêm nhiều dấu hiệu về sự phục hồi của nền kinh tế.

Nguồn cung mía đường trên thế giới eo hẹp do sụt giảm sản lượng tại Brazil

Không giống như tình hình hạn hán tại Ấn Độ gây nên mất mùa cho nông dân, tại Brazil, sản lượng mưa lại cao hơn mức trung bình hàng năm. Tuy nhiên điều này cũng gây ra sự thất thu cho mùa vụ thu hoạch mía đường của quốc gia Nam Mỹ này.

Iceland ký thoả thuận vay 217 triệu USD từ Ba Lan

Một động thái thể hiện sự đoàn kết của Ba Lan và (Ai xơ len) Iceland trong nỗ lực đối phó với khủng hoảng đã diễn ra sau khi 2 nước đạt được thoả thuận về gói hỗ trợ trị giá hàng triệu USD từ Ba Lan. Đây là gói hỗ trợ dưới dạng một khoản vay dài hạn cùng với những ưu đãi về lãi suất.

Nhật Bản cung cấp thêm khoản vay cho IMF

Chinanews tại Bắc Kinh hôm 5/10 đưa tin, trong phiên họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, bộ trưởng Tài chính Nhật Bản ông Hirohisa Fujii cho hay, Nhật Bản sẽ tiếp tục cung ứng các khoản vay khẩn cấp đối với các nước nghèo.

Mỹ không đưa ra gói kích thích kinh tế thứ hai

Ngày 5/10 người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cho biết Tổng thống Barack Obama không có kế hoạch theo đuổi gói kích thích kinh tế thứ hai, nhưng các cố vấn kinh tế của ông đang xem xét một loạt chương trình để tạo công ăn việc làm.

Thống kê của Bộ Lao động Mỹ công bố cuối tuần trước cho biết trong tháng 9 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã lên tới 9,8% với 263.000 lao động bị mất việc, tăng mạnh so với 201.000 trường hợp của tháng 8.

Phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng nói rằng đội ngũ cố vấn kinh tế đang xem xét và xây dựng các chương trình tạo thêm việc làm.

Những biện pháp này bao gồm mở rộng chi trả thất nghiệp và các lợi ích bảo hiểm y tế Cobra đối với những người thất nghiệp, đồng thời tiếp tục chương trình cho vay tín dụng trị giá 8 nghìn USD đối với những người mua nhà lần đầu.

Ông Gibbs nhấn mạnh Nhà Trắng không coi những biện pháp trên là kế hoạch kích thích kinh tế thứ hai. Ông nói: "Đây chỉ là các chương trình được thiết kế để giúp những người bị mất việc làm".

Đồng thời, ông Gibbs cho biết hiện nay chính quyền Mỹ vẫn đang tập trung thực hiện gói kích thích kinh tế đầu tiên, do cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn nhiều so với dự đoán của hầu hết các nhà kinh tế.

Liên quan đến tình trạng việc làm trên toàn thế giới, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn phát biểu tại một cuộc họp báo trước các hội nghị hàng năm của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, rằng tình trạng thất nghiệp trên thế giới sẽ không đạt tới đỉnh điểm trong vòng ít nhất 8-12 tháng tới.

Ông cảnh báo rằng tình trạng thất nghiệp đã làm chậm quá trình phục hồi kinh tế và dự kiến sẽ không giảm nhanh chóng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ thời Đại Khủng hoảng.

Ông Strauss-Kahn cho biết vấn đề làm thế nào để giải quyết tình trạng thất nghiệp sẽ đứng hàng đầu trong chương trình nghị sự của cuộc họp được tổ chức bởi Ủy ban Phát triển, bao gồm đại diện của tất cả 186 thành viên của IMF và WB.

Tổng Giám đốc IMF cũng kêu gọi các thành viên tăng các nguồn lực của WB để có thể hỗ trợ các nước nghèo cũng như các nước đang phát triển đối phó với tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Đô la Mỹ lại giảm giá

Đồng đô la Mỹ hôm nay (thứ Ba 6-10) lại giảm giá do nhiều nguyên nhân khác nhau, bất chấp những cam kết duy trì "đồng tiền mạnh" mà Mỹ đưa ra tại hội nghị G7 cuối tuần qua.

Nguyên nhân đầu tiên có lẽ do một bản tin đăng trên báo Independent (Anh Quốc) ra sáng nay, theo đó các nước xuất khẩu dầu mỏ ở vùng Vịnh Ba Tư cùng với Nhật Bản và Trung Quốc sẽ chuyển sang định giá dầu bằng một rổ ngoại tệ thay vì chỉ dựa vào đồng đô la Mỹ như hiện nay.

Đồng yen Nhật tăng giá mạnh so với đô la Mỹ sau khi bộ trưởng tài chính Nhật tuyên bố tại hội nghị nhóm G7 rằng Nhật “không muốn” theo đuổi chính sách đồng tiền yếu, và không có ý định phá giá đồng bạc. Trong vòng một năm qua, đồng yen Nhật đã tăng giá 14% so với đô la Mỹ, gây thiệt hại về thu nhập cho các công ty chuyên về xuất khẩu của Nhật.

Đồng euro châu Âu cũng tăng giá so với đô la Mỹ sau khi có những báo cáo cho thấy đơn đặt hàng cho các nhà máy ở Đức đã tăng sáu tháng liên tiếp, chứng tỏ nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phục hồi mạnh mẽ. Báo cáo của Bộ Kinh tế Đức tại Berlin, sẽ công bố chính thức vào ngày mai, dự báo số đơn hàng công nghiệp của Đức tăng 1,1% trong tháng Tám sau khi tăng mạnh 3,5% trong tháng Bảy. Sáng nay đồng euro cũng tăng giá so với 13 trong 16 đồng tiền quốc tế.

Tại Úc, đồng đô la Úc tăng giá sau khi ngân hàng trung ương nước này quyết định nâng lãi suất cơ bản. Sáng nay đồng đô la Úc tăng thêm 0,5%, lên mức 1 đô la Úc ăn 88,22 xu Mỹ. Lãi suất cơ bản của Úc cũng tăng từ 3%/năm – mức thấp nhất trong 49 năm qua – lên 3,25%/năm có hiệu lực từ đầu giờ sáng hôm nay.

Tính chung, đô la Mỹ đã giảm giá so với 14 trong 16 đồng tiền mạnh, có tính chất quốc tế. Lúc 12 giờ trưa nay, 1 đô la Mỹ chỉ còn ăn được 89,11 yen Nhật, giảm so với mức 89,53 yen hôm qua. Đồng euro đã tăng từ 1 euro ăn 1,4648 đô la Mỹ hôm qua lên 1,4710 đô la Mỹ hôm nay. Đồng euro cũng giảm nhẹ so với yen Nhật, 1 euro ăn 131,05 yen, giảm 0,1 yen so với hôm qua.

Chỉ số đô la Mỹ (dollar index) – đo lường giá trị của đồng đô la Mỹ so với đồng tiền của 6 nền kinh tế lớn - cũng đã giảm sang ngày thứ ba liên tiếp; sáng nay giảm 0,3%, còn 76,478 điểm.

Ông Lee Wai Tuck, nhà kinh doanh tiền tệ của Công ty Forecast Pte ở Singapore nhận xét: “Động thái của các nước Ả-rập chuyển sang dùng một rổ ngoại tệ, bao gồm cả đồng yen, đồng euro, đồng nhân dân tệ và vàng để thanh toán các hợp đồng mua bán dầu mỏ chắc chắn sẽ là điều tích cực cho các đồng tiền này. Nó sẽ kích thích việc mua vào đồng tiền của Nhật và châu Âu, đồng thời bán ra đồng đô la Mỹ”.

“Đồng đô la có thể sẽ yếu thêm nữa, đó là xu thế thấy rõ trong vài tuần gần đây. Đà tăng giá cổ phiếu cũng củng cố thêm xu thế đó”, ông Greg Gibbs, nhà phân tích tiền tệ của Ngân hàng RBS tại Sydney, nhận xét.