2 tháng 3, 2011

Bí mật kho dự trữ vàng Fort Knox của Mỹ

“An toàn như Fort Knox” từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hoá Mỹ giống như bóng rổ, xúc xích và bánh nhân táo. Fort Knox, khu dự trữ vàng quốc gia của Hợp chủng quốc Hoa Kì, đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh kinh tế và tiềm năng của đất nước này.

Fort Knox được xây dựng trong thời kì nước Mỹ lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng, ảnh hưởng đến mọi mặt về đời sống cũng như xã hội. Nằm trong kế hoạch khôi phục kinh tế, Chính phủ Mỹ đã quyết định và nỗ lực thực hiện một dự án đầy tham vọng là tập hợp hầu hết trữ lượng vàng của nước này vào một khu dự trữ có độ an toàn đặc biệt cao.

Mô tả ảnh.
Fort Knox, lựa chọn hợp lý để cất giữ vàng quốc gia (Ảnh: Davidpride.com)

Mục đích của việc tập hợp và lưu trữ gần như toàn bộ lượng vàng của đất nước vào một khu an toàn được coi là một giải pháp tối ưu về an ninh cho vàng, trở thành một trong những ngân sách dự phòng của Mỹ.

Khởi nguyên

Nằm cách khoảng 45 dặm về phía nam của Louisville, tiểu bang Kentucky, Fort Knox là một địa điểm có tầm chiến lược quân sự phục vụ cho kế hoạch đánh nhanh dọc theo sông Ohio.

Sau khi tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn trong khu vực vào năm 1903, Chính phủ Mỹ bắt đầu thấy rằng khu vực Fort Knox có thể dùng làm một bưu trạm quân đội. Tuy nhiên, mãi cho đến khi nước Mỹ nhận thấy mình bị sa lầy trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, Fort Knox mới thực sự trở thành một căn cứ quân sự.

Vào tháng 1/1918, một trung tâm đào tạo pháo binh được thành lập và được đặt theo tên của tướng Henry Knox, Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước này.

Việc xây dựng căn cứ được tiến hành từ tháng 7/1918, nhưng sự kiện ngừng chiến vào tháng 11/1918 đã làm gián đoạn công việc. Bưu trạm này bị đóng cửa vào năm 1922, nhưng vẫn tiếp tục phục vụ đến năm 1932 với vai trò trung tâm huấn luyện và đào tạo lực lượng sĩ quan bảo vệ đất nước.

Năm 1925, căn cứ nhận được tước hiệu “Doanh trại quốc gia Henry Knox”. Danh hiệu này được giữ cho đến năm 1928.

Bóng đen suy thoái

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 đã phủ bóng đen lên nền kinh tế Mỹ, đẩy nước này và thế giới vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng.

Một trong những biện pháp cứu vãn hiệu quả được tiến hành khi đó là vào ngày 16/3/1933, lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Mỹ có thể không được phép cất giữ hay sử dụng vàng nữa.

Mô tả ảnh.
Vàng thu về được đúc thành thỏi (Ảnh: Fort-knox-usa.com)

Vào ngày đặc biệt này, Tổng thống Franklin D. Roosevelt ban hành mệnh lệnh số 610, qui định tất cả các công dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ phải nộp toàn bộ số vàng của họ cho Chính phủ. Các công dân sẽ được trả lại bằng tiền giấy dù muốn hay không. Ai không nộp vàng sẽ bị phạt 10.000USD hoặc bị phạt 10 năm tù giam.

Người dân Mỹ nộp vàng được đền bù với giá 20,67 USD/ounce (giá vàng chính thức năm 1929). Nhờ vào sự thu hồi này, đồng đôla tăng giá 40% và giá vàng tăng lên 35 USD/ounce (1 ounce = 28,35g). Hàng triệu miếng vàng thường và hiếm đã được nung chảy và đúc thành thỏi.

Tuy nhiên, việc thu hồi vàng trên toàn đất nước đã nảy sinh một vấn đề. Đó là cần có một nơi cất giữ bảo đảm an toàn cao, không để bọn trộm cắp có thể nhòm ngó tới. Vàng phải được cất giữ ở “một nơi nào đó”. Và nơi đó không ngoài Fort Knox.

Đến năm 1936, Cục quản lý tiền tệ Mỹ bắt đầu tiến hành xây dựng khu dự trữ vàng ở Fort Knox.

Fort Knox được xây xong vào tháng 12/1936. Chính phủ Mỹ đã tiêu tốn 560.000 USD cho 160.000 khối đá granite, 4.200 khối bê tông, 750 tấn thép gia cố và 670 tấn thép xây dựng. Số vàng đầu tiên được vận chuyển bằng đường sắt đến khu dự trữ vào tháng 1/1937. Tiếp sau đó là hàng loạt các chuyến tàu chở vàng kéo dài đến tháng 6/1937. Tổng cộng có khoảng 500 chuyến được thực hiện trong thời gian này.

Bảo mật là số một

Đây là khu dự trữ vàng lớn nhất của Mỹ, chiếm khoảng 80% trữ lượng vàng quốc gia này. Ngoài Fort Knox, nước Mỹ còn một số kho dự trữ khác đặt ở Denver, West Point và San Francisco.

Bên cạnh chức năng cất giữ vàng, Fort Knox còn là một khu liên hợp với cơ sở hạ tầng đủ để phục vụ cho hơn 20.000 sĩ quan và binh lính, những người chịu trách nhiệm bảo vệ kho vàng.

lib-verycd-com.jpg
Sự thực về quy mô kho chứa vàng đến nay vẫn là điều bí ẩn (Ảnh: Lib.verycd.com)

Có rất ít thông tin về quy mô của kho chứa. Tuy nhiên, theo một số tài liệu cá nhân được công bố hồi năm 1974, khu chứa là một toà nhà hai tầng gồm rất nhiều tiểu khu. Tất cả đều được cách li bằng những bức tường bê tông cốt thép kiên cố.

Bên trong toà nhà là khu hầm bê tông với hai tầng thép và được chia thành 2 ngăn. Cửa tầng hầm nặng hơn 20 tấn. Tầng hầm được bọc thép, rầm chữ I, buộc bằng các vòng thép hình trụ dẹt và được bao bọc bằng bê tông. Mái hầm có kết cấu tương tự nhưng tách biệt với mái của khu dự trữ. Bức tường phía ngoài của khu dự trữ được làm từ đá granit.

Ngay từ khi được xây dựng, toà nhà đã được trang bị những phương tiện bảo vệ mới và hiện đại nhất và được nâng cấp theo thời gian, để bảo đảm an toàn cao nhất cho Fort Knox.

Với hệ thống bảo vệ này thì việc đột nhập thành công vào khu dự trữ chỉ có thể xảy ra khi có một người chỉ huy tài ba với một lực lượng lính đánh thuê được trang bị đầy đủ vũ khí, nhưng, đưa được vàng ra khỏi khu dự trữ là điều không thể.

Một nhà lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từng nói rằng, Fort Knox chắc chắn là nơi an toàn nhất trên thế giới để lưu trữ những đồ vật quí giá. Điều này lí giải tại sao có rất nhiều người tin tưởng gửi gắm vào đây những vật dụng vô giá.

Ở mỗi góc bên ngoài toà nhà liên kết với 4 trạm bảo vệ. Các chòi gác được đặt ở cửa ra vào. Xung quanh tòa nhà được bọc lớp hàng rào thép gai chắc chắn, và một hệ thống súng ống hiện đại được bố trí dọc theo đường xe chạy. Khu dự trữ còn được trang bị máy phát điện khẩn cấp, hệ thống nước và các thiết bị khác. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ luôn luôn túc trực ở tất cả các cửa.

Cửa vào của toà nhà có kích thước là 32 x 34m. Trên cửa khắc dòng chữ “Khu dự trữ vàng Mỹ” có con dấu của Cục Quản lí Tiền tệ bằng vàng. Phía sau toà nhà cũng có một cửa khác dùng để nhận và cung cấp vàng. Đứng đầu khu dự trữ là một quan chức chịu trách nhiệm trước Chính phủ về độ an toàn của vàng. Lực lượng bảo vệ bao gồm những người được lựa chọn từ các cơ quan Chính phủ hoặc tuyển từ danh sách các cơ quan Nhà nước.

Nhân viên làm việc tại đây đều có thẻ nhận dạng cá nhân riêng để ra vào. Không khách tham quan nào được phép vào khu dự trữ. Du khách tới Fort Knox chỉ được chụp ảnh bên ngoài cổng. Qui định này được ban hành ngay từ những ngày đầu thành lập khu dự trữ, và đến nay vẫn được tuân thủ nghiêm ngặt.

Ngoài mái chống trộm và hệ thống an ninh lắp đặt bên trong, khu dự trữ còn được đặt dưới sự bảo vệ của một doanh trại quân đội. Vì lí do an toàn mà chi tiết kết cấu của hệ thống bảo vệ cũng như số lượng vàng được sắp đặt như thế nào trong khu dự trữ được giữ bí mật. Ngay cả thực đơn cho lực lượng quân đội đóng tại Fort Knox cũng không được tiết lộ.

Không chỉ có vàng

Mặc dù giá trị của đồng đôla Mỹ gần như không được định giá bằng giá của vàng, nhưng khu dự trữ vàng Kentucky chưa bao giờ đánh mất vai trò của nó kể từ khi ra đời. Nó giúp cho các nhà đầu tư yên tâm hơn rất nhiều.

Việc quy đổi đôla ra vàng cũng vì thế mà dễ dàng hơn khi mà điều này đã trở nên khó khăn ở thời đại bây giờ - thời đại nhiều tiền nhưng không đủ vàng.

sidereus-org.jpg
Fort Knox không chỉ chứa vàng (Ảnh: Sidereus.org)

Vàng được cất giữ trong khu dự trữ ở dạng thỏi hầu hết là vàng nguyên chất hoặc từ việc nung chảy các đồng tiền vàng. Những thỏi này có kích thước nhỏ hơn một chút so với một viên gạch xây bình thường, vào khoảng 7 x 3-5/8 x 1-3/4inch và chứa xấp xỉ 400 troy ounce vàng. Mỗi thỏi nặng khoảng 27-1/2 pao, trị giá khoảng 17.000 đôla Mỹ.

Phải rất cẩn thận khi xử lý các thỏi vàng để tránh bị ăn mòn bởi các kim loại mềm. Tổng số vàng hiện đang được cất giữ ở khu dự trữ vàng Fort Knox vào khoảng 147,3 triệu ounce (tương đương với 4.570 tấn vàng) với tổng trị giá hơn 6 tỉ đôla Mỹ. Vào ngày 31/12/1941, lượng vàng cất giữ tại đây lên tới 649,6 triệu ounce, nhiều nhất từ trước đến nay.

Chỉ có những lần vận chuyển vàng với số lượng rất nhỏ mới được kiểm tra độ nguyên chất của vàng. Trừ trường hợp này, còn trong nhiều năm qua không một lượng vàng nào được chuyển tới hoặc chuyển đi từ khu dự trữ.Trong suốt giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ 2, đã có nhiều chuyến tàu chở vàng tới Fort Knox.

Ngoài vàng của nước Mỹ, kho chứa ở Fort Knox cũng được dùng để bảo vệ các trang sức của vua nước Anh và hiến pháp, cùng với vàng dự trữ của một vài quốc gia ở Châu Âu…

Cuối năm 1941, trước những lo sợ về khả năng bị phá hoại và nguy cơ gián điệp vào nước Mỹ, Bản Tuyên ngôn độc lập, dự luật về các quyền và hiến pháp, cùng với các hồ sơ mật đã được đưa đến cất giữ ở đây. Đến năm 1944, sau khi các nhà lãnh đạo quân sự đảm bảo với Nghị viện Mỹ rằng nguy cơ bị kẻ thù tấn công không còn nữa, các tài liệu mới được trả lại đúng vị trí của chúng.

Fort Knox cũng là nơi từng lưu giữ vương miện, kiếm, triện của nhà vua Hungary trước khi chúng được trả lại cho chính phủ nước này vào năm 1978.

Cho đến nay, khu dự trữ này đã tồn tại được hơn 2/3 thế kỉ và chưa có một vụ trộm nào được ghi nhận ở đây.

Với tiềm lực và nhu cầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới thì việc duy trì khu dự trữ này chắc chắn sẽ còn lâu dài, nhất là trong tình huống vàng ngày càng khan hiếm và trở thành một trong những kim loại quý giá nhất trên thế giới.

Việc dự trữ một lượng vàng ổn định cho quốc gia còn giúp cho nền kinh tế bình ổn với sự tin tưởng của các nhà kinh doanh. Vì thế khu dự trữ vàng quốc gia sẽ luôn đóng vai trò quan trọng, một trong những biểu tượng về sức mạnh kinh tế Mỹ.

  • (Tổng hợp)