19 tháng 8, 2009

Tổng hợp tin 19-08

Trung Quốc hoàn tất thương vụ nước ngoài lớn nhất trong ngành năng lượng

Tập đoàn dầu mỏ hóa chất Sinopec ngày 18/8 tuyên bố, với số tiền 52,8 đô la Canada/cổ phiếu, tập đoàn đã mua lại thành công Công ty dầu mỏ Addax có trụ sở đặt tại Thụy Sỹ. Đây là thương vụ thành công lớn nhất trong ngành công nghiệp năng lượng của Trung Quốc từ trước tới nay.

Australia ký thỏa thuận xuất khẩu khí gas trị giá 41,2 tỷ USD với Trung Quốc

Theo trang tin của Radio Australia ngày 18/8 cho biết, chính phủ nước này đã ký kết thỏa thuận xuất khẩu khí gas trị giá 41,2 tỷ USD với hãng PetroChina, Trung Quốc trong vòng 20 năm.

IMF cảnh báo không nên rút bớt chính sách kích thích tài khóa quá sớm


Chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận xét kinh tế toàn cầu chỉ vừa mới hồi phục và cảnh báo chính phủ Mỹ về việc chấm dứt kích thích tài khóa sớm.

Thị trường nhà đất Mỹ đón tin tốt

Tháng 7/2009, các công ty xây dựng Mỹ tăng xây dựng nhà đơn lẻ đến tháng thứ năm liên tiếp trong bối cảnh ngành xây dựng ngày một ổn định hơn. Bộ Thương mại Mỹ công bố tháng 7/2009, tính theo trung bình năm, số lượng nhà đơn lẻ xây mới là 490 nghìn căn. Mức này cao hơn 1,7% so với tháng 6/2009 và là mức tăng mạnh nhất tính từ tháng 10/2008.

Rio Tinto đồng ý bán tài sản với giá 2 tỷ USD

Tập đoàn khai khoáng khổng lồ Anh- Austalia Rio Tinto đã đồng ý bán 4 công ty sản xuất bao bì cho tập đoàn Amcor (Úc) với giá 2 tỷ USD trong khi họ đang tìm cách để cắt bớt khoản nợ. RioTinto đã lâm vào tình trạng nợ nần sau khi mua công ty Alcan vào năm 2007 với giá 38 tỷ USD.

IMF: Kinh tế thế giới bắt đầu khôi phục từ suy thoái


Chinanews ngày 19/8 đưa tin, theo nguồn tin từ đài BBC, Anh, một chuyên gia kinh tế của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cho biết, cuộc khủng hoảng kinh tế lần này đã để lại một “vết sẹo sâu”, việc phục hồi “không phải là chuyện dễ dàng”.

General Motors lần đầu tuyển dụng nhân công từ sau khi xin phá sản


Lần đầu tiên từ sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản, General Motors đang tuyển dụng lại nhân công và tăng số giờ làm việc để đáp ưng nhu cầu ô tô và xe tải tăng cao. GM cho biết sẽ tuyển dụng 1.350 nhân công và tăng thêm giờ làm việc cho khoảng 10 nghìn lao động khác.

Khi nào kinh tế Mỹ phục hồi


Phục hồi kinh tế Mỹ: Nhanh? Chậm? Hay cả hai đều không đúng?
Kinh tế Mỹ đang dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng dài nhất và tồi tệ nhất trong lịch sử nước này kể từ sau cuộc Đại khủng hoảng năm 1929. Một số chuyên gia kinh tế đã hy vọng tới một sự phục hồi mạnh mẽ, số khác cho rằng quá trình phục hồi sẽ diễn ra chậm chạp và yên ắng. Thậm chí một số người còn tin rằng sự phục hồi kinh tế sẽ không theo chiều hướng nào của một trong hai hướng trên mà sẽ là: phục hồi nhanh để lại tiếp tục chìm vào suy thoái.

Nhiều nhà kinh tế cố gắng tìm kiếm đồ thị cho sự phục hồi bằng cách nhìn vào mối tương quan giữa cuộc suy thoái lần này với những cuộc suy thoái đã từng diễn ra trước đó trong lịch sử. Nhưng cuộc khủng hoảng lần này lại có rất nhiều điểm khác biệt so với những cuộc khủng hoảng trước đó.

Về mặt nào đó, sự giảm sâu của sản lượng kinh tế đầu ra trong cuộc khủng hoảng lần này cũng khá giống với những gì đã diễn ra đầu ra năm 1970, 1980. Cú sốc trên thị trường tín dụng cũng khiến nhiều người nhớ về sự đảo chiều của tín dụng đầu những năm 1990 để rồi kéo theo sau đó là một cuộc khủng hoảng ngắn và vài năm liền để kinh tế hồi phục trở lại.

Tuy nhiên, điều khiến cuộc khủng hoảng lần này khác biệt với hầu hết những cuộc khủng hoảng còn lại, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đó là những hệ lụy của nó có thể tác động tới nền kinh tế trong cả một thời gian dài sau khi đã hoàn toàn chấm dứt.

Tuy nhiên, cho dù nền kinh tế có phục hồi theo xu hướng nào chăng nữa, rất nhiều người dân Mỹ vẫn không nhận thấy sự thay đổi trong hoàn cảnh sống của bản thân họ. Số lượng người thất nghiệp quá lớn khiến cho tỷ lệ thất nghiệp sẽ vẫn bị giữ ở mức tương đối cao ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục. Điều đó tất yếu sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu nhập cũng như các khoản trợ cấp thất nghiệp trong xã hội. Và một khi họ tìm kiếm được việc làm mới, những khoản tiết kiệm vốn đã ít ỏi sẽ càng khiến họ thấy cuộc sống khó khăn hơn nếu như phải đối mặt với nguy cơ mất việc mới trong vòng vài năm tới.

Một số lĩnh vực của nền kinh tế có vẻ hòi phục nhanh hơn những khu vực còn lại, ví dụ như lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Tuy nhiên, mảng tài chính có vẻ như vẫn đang phải vật lộn với khó khăn bởi các ngân hàng vẫn đang phải tìm cách khôi phục lại bảng tổng kết tài sản của mình, một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của lĩnh vực này hiện vẫn ngoài tầm với.

Kinh tế Mỹ hiện là một bức tranh hòa trộn giữa cả sự lạc quan mạnh mẽ và sự cẩn trọng lo âu. Trong những tháng qua, các nhà đầu tư Mỹ dường như đã tự tin hơn với quá trình phục hồi của nền kinh tế và nhờ đó, thị trường chứng khoán toàn cầu được đẩy bật lên hơn 40% so với mức điểm hồi tháng ba. Các số liệu dự báo mới nhất từ bản khảo sát của phố Wall cho thấy, nền kinh tế đã bắt đầu tăng trưởng, tuy rằng tốc độ còn khá thấp, chỉ vào khoảng từ 2% tới 3% trong năm tới.

Sau giảm mạnh sẽ là phục hồi mạnh mẽ

Có một điểm chung giữa hầu hết các cuộc khủng hoảng từng diễn ra trong lịch sử, đó là sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau khi trượt theo đà suy giảm sâu.

Trong cuộc khủng hoảng của những năm 1970, 1980, các hoạt động của nền kinh tế đã nhanh chóng phục hồi và chỉ trong vòng vài tháng, tiền lương của người lao động đã khôi phục như trước khi khủng hoảng xảy ra. Dean Maki, chuyên gia kinh tế của Barclays Capital khẳng định: “Bạn sẽ không thể tìm thấy một cuộc khủng hoảng trầm trọng nào mà theo sau nó lại chỉ là sự phục hồi một cách chậm chạp trong lịch sử kinh tế.”

Những nhà dự báo ủng hộ quan điểm “khôi phục mạnh mẽ” tin rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt từ 3% tới 5% và đó sẽ là một động lực mạnh đối với sự phục hồi kinh tế trong dài hạn. Các doanh nghiệp sẽ bắt đầu tăng sản lượng sản xuất, thuê mướn nhân công cũng như đầu tư thêm vốn vào các thiết bị, tài sản cố định. Lòng tin của người tiêu dùng được cải thiện, nhờ đó nhu cầu chi tiêu cũng tăng lên.

Bên cạnh sự phục hồi tự nhiên đó là sự đóng góp không nhỏ của những chương trình kích thích kinh tế mà chính phủ đã đưa ra. Nó giúp duy trì sự ổn định của các hoạt động kinh tế từ giờ cho tới tận đầu năm 2010, tăng thêm lực đẩy cho nền kinh tế thoát ra hoàn toàn khỏi cuộc khủng hoảng.

Tăng trưởng chậm

Đây là quan điểm của phái thứ hai khi cho rằng kinh tế có thể phục hồi nhưng sẽ còn một vài rào cản khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Lòng tin của người tiêu dùng suy giảm cùng với việc tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao cho dù tốc độ gia tăng thất nghiệp trong tháng vừa qua đã chậm lại. Tiết kiệm của các hộ gia đình ở mức cao nhất trong cả thập kỷ qua kéo theo chi tiêu tiêu dùng giảm trong khi chi tiêu cá nhân mang lại tới 70% thu nhập cho các hoạt động của nền kinh tế.

Cú sốc tín dụng có vẻ vẫn gây nhiều tác động tới các doanh nghiệp cũng như người dân Mỹ, đặc biệt là trên thị trường bất động sản. Những chủ hộ ở Mỹ đang ngày càng cảm thấy khó khăn để tiếp cận được với những khoản vay mới cũng như những khó khăn trong việc chi trả các khoản vay cũ. Đây chính là một trong những lý do để “không nên hy vọng một sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế”, Nigel Gault, chuyên gia kinh tế thuộc Global Insight cho biết.

Các chuyên gia kinh tế ủng hộ quan điểm này tin rằng, tăng trưởng kinh tế từ giờ cho tới hết năm sau sẽ chỉ vào khoảng 1% tới 2%, thấp hơn khá nhiều so với con số 4% hoặc 5% cần thiết đủ để phục hồi thị trường lao động sau cú trượt sâu như hiện nay.

Phục hồi nhanh rồi tiếp tục chìm vào suy thoái

Nền kinh tế trong những tháng vừa qua đã cho thấy nhiều dấu hiệu hồi phục. Bên cạnh đó, các gói kích thích kinh tế của chính phủ có vẻ cũng là một chỗ dựa đảm bảo cho sự phục hồi kinh tế ít nhất là tới tận năm sau.

Nhưng sau đó mọi thứ sẽ ra sao?

Sự suy giảm kinh tế trong cuộc khủng hoảng vừa qua lớn đến nỗi người dân Mỹ sẽ không thể chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế đáng kể nào trong vài năm tới. Chính vì thế họ sẽ thay đổi thói quen chi tiêu trước đây. Thay vì dựa vào chiếc thẻ tín dụng, họ sẽ chỉ chi ra những khoảng chi cho những mặt hàng nhận được trợ giá của chính phủ, rồi sau đó họ lại khép chặt hầu bao của mình.

Các doanh nghiệp có thể sẽ vẫn phải duy trì sự cẩn trọng trong hoạt động kinh doanh của mình. Ngân hàng sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề đến từ những khoản nợ xấu và nguy cơ xiết tài sản thế chấp để trả nợ ngày một gia tăng. Khi chính phủ dần “rút lại” những biện pháp kích thích kinh tế, sự phục hồi kinh tế rõ ràng sẽ chậm lại bởi nguyên nhân sâu xa cho sự phục hồi hiện thời không phải nằm ở việc thị trường tự điều chỉnh mà là nhờ vào tác động tức thời của những biện pháp kích thích đó.

Một ví dụ điển hình cho khuynh hướng này là cuộc suy thoái kéo dài 6 tháng vào năm 1980 khi nền kinh tế sau khi phục hồi chưa đầy một năm đã lập tức rơi vào một cuộc suy thoái khác. Những năm 1940, 1950 chứng kiến sự quay trở lại của khủng hoảng chỉ ba năm sau khi cuộc suy thoái trước đó chấm dứt. Tất cả chỉ vì một ký do chung, đó là sự phục hồi sau khủng hoảng không bền vững.

Một mối lo ngại khác có tác động không nhỏ tới sự phục hồi của nền kinh tế hiện nay là chi tiêu chính phủ. Một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng thâm hụt ngân sách chính phủ sẽ dẫn tới việc Fed nâng cao lãi suất cho vay. Ron Heaton, giám đốc điều hành Ngân hàng trung ương Nam Utah cho biết: “Một điều mà không ai biết chắc là liệu những khoản chi tiêu chính phủ với với một lượng tiền lớn đang được đổ vào hệ thống tài chính liệu có gây ra lạm phát cho nền kinh tế hay không.”

Wallstress J