27 tháng 5, 2009

Tình hình kinh tế - tài chính thế giới từ 14-21/5/2009


1. Tình hình kinh tế và thị trường tài chính thế giới

- Trong tuần, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước công bố các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho thấy xu hướng suy giảm kinh tế tiếp tục diễn ra ở khu vực châu Âu nhưng có dấu hiệu chậm lại tại Mỹ và một số nước châu Á:

+ Cơ quan Thống kê châu Âu công bố GDP của khu vực đồng EURO trong quý I/2009 giảm 2,5% so với quý IV/2008, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1995 khi số liệu này được tổng hợp, trong đó Đức giảm 3,8%, Pháp giảm 1,2%, Italia giảm 2,4%; chỉ số giá tiêu dùng khu vực đồng EURO tháng 4/2009 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2008, không thay đổi so với mức tăng trong tháng 3/2009. Sản lượng công nghiệp trong tháng 4 của Nga giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2008, GDP của nước này giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2008, mức suy giảm lớn nhất trong vòng 15 năm qua, dự báo của Bộ Kinh tế Nga cho thấy GDP nước này có thể suy giảm tới 8% trong năm 2009.

+ Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama nhận định kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu trở lại bình thường, việc phát triển các loại năng lượng mới cùng với việc kích thích xuất khẩu là những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế trong tương lai. Các số liệu kinh tế trong tháng 4 cho thấy có một số dấu hiệu tích cực như: Sản lượng công nghiệp trong tháng 4 giảm 0,5%, thấp hơn mức giảm 1,7% của tháng 3; chỉ số giá tiêu dùng không tăng so với mức giảm 0,1% trong tháng 3. Tuy nhiên thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự phục hồi, số nhà xây dựng mới giảm 13% và số nhà được cấp phép xây dựng giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2008.

+ Cơ quan Thống kê Nhật Bản công bố GDP trong quý I/2009 của nước này giảm 15,2% so với quý trước, cao hơn mức suy giảm 14,4% của quý IV/2008; Bộ Thương mại Singapore công bố GDP quý I/2009 của nước này giảm 14,6% so với quý trước, thấp hơn so với mức giảm 16,4% của quý IV/2008; Chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông công bố GDP quý I/2009 của khu vực này giảm 4,3% so với quý IV/2009 và dự báo kinh tế Hồng Kông có thể giảm khoảng 6,5% trong năm 2009, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1962; Bộ trưởng Tài chính Thái Lan ước tính GDP quý I/2009 của nước này giảm 6% so với cùng kỳ năm 2008 và dự báo GDP của Thái Lan có thể giảm khoảng 3%; Chính phủ Malaysia dự báo kinh tế nước này nhiều khả năng suy giảm, nếu tăng thì cũng chỉ ở mức khoảng 1% trong năm 2009, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Malaysia trong quý I/2009 giảm 79% so với cùng kỳ 2008; Cơ quan Thống kê Indonesia công bố tăng trưởng GDP quý I/2009 của nước này tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2008.

- Nhận định của một số tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế, thị trường tài chính quốc tế năm 2009:

+ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra dự báo mới nhất về kinh tế Mỹ năm 2009 với mức suy giảm lớn hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với mức dự báo công bố trong tháng 1, theo đó tăng trưởng kinh tế giảm khoảng 1,3%-2%, tỷ lệ thất nghiệp khoảng 9,2%-9,6%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 0,6%-0,9%; năm 2010, tăng trưởng kinh tế có thể đạt từ 2%-3%.

+ Ông John Lipsky- Phó giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ quốc tế- nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2010, tuy nhiên sự phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn so với các cuộc suy thoái kinh tế trước đây.

+ Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định vẫn sớm để cho rằng kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi vì đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp so với chi tiêu của chính phủ. Theo quan điểm của WB, đầu tư của khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tạo thêm công ăn việc làm, nếu đầu tư của khu vực tư nhân chưa ở mức cao thì Trung Quốc khó đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững.

- Điều hành chính sách tiền tệ của một số NHTW và diễn biến thị trường tài chính quốc tế:

+ Trong tuần từ 7/5 đến 14/5, Fed đã cung ứng thêm 116,6 tỷ USD ra thị trường chủ yếu thông qua hoạt động mua trái phiếu chính phủ và các chứng khoản có bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp.

+ Hội đồng điều hành NHTW châu Âu cho biết sẽ thảo luận về kế hoạch mua tài sản để cung ứng vốn cho các tổ chức tài chính trị giá khoảng 170 tỷ USD trong tháng 5/2009, gấp đôi mức đã đạt được sự thống nhất trước đó.

+ Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) nhận định các NHTW cần được trao thêm quyền giám sát đối với các công ty tài chính vì các công ty này có thể mang đến nguy cơ bất ổn đối với hệ thống tài chính.

+ Ngân hàng Bank of America Corp cho biết sẽ phát hành thêm khoảng 1,25 tỷ cổ phiếu phổ thông để huy động thêm khoảng 13,5 tỷ USD để tăng năng lực tài chính cũng như dự phòng trong trường hợp cuộc suy thoái tiếp tục kéo dài.

+ Thị trường chứng khoán thế giới từ ngày 14/5/09 đến ngày 20/5/2009 tăng, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ tăng 1,66% lên mức 8.422,04 điểm, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 3,16% lên mức 4.468,41 điểm, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 0,44% xuống mức 9.344,64 điểm.

+ Từ ngày 14/5 đến ngày 21/5, đồng USD giảm giá so với một số đồng tiền mạnh như giảm 1,62% so với EUR, giảm 4,28% so với GBP; giảm 0,66% so với JPY và ổn định so với CNY. Giá vàng thế giới tại thời điểm 15 giờ ngày 21/5 ở mức 940,5 USD/ounce, tăng 1,98 % so với ngày 14/5. Giá dầu thô ngày 21/5 trên sàn NYMEX giao dịch ở mức khoảng 61,45 USD/thùng, tăng 5,95 % so với ngày 14/5.

+ So với ngày 14/5, lãi suất đồng USD trên các thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm: Lãi suất Sibor kỳ hạn qua đêm đồng USD giảm từ mức 0,2275%/năm xuống mức 0,22667%/năm; lãi suất Libor kỳ hạn qua đêm của đồng USD giảm từ mức 0,2225%/năm xuống mức 0,22125%/năm, còn lãi suất Libor kỳ hạn qua đêm của đồng EURO tăng nhẹ từ mức 0,59125%/năm lên mức 0,83625%/năm.

2. Hoạt động ngân hàng và thị trường tiền tệ trong nước

- Hoạt động ngân hàng và thị trường tiền tệ trong nước ổn định; lãi suất cho vay ổn định so với tuần trước. Đến ngày 21/5/2009, lãi suất huy động bằng VND kỳ hạn 12 tháng của các NHTM nhà nước ở mức khoảng 7,85 %/năm, của các NHTM cổ phần ở mức khoảng 8,04%/năm. Lãi suất cho vay bằng VND của khối NHTM Nhà nước phổ biến ở mức 8,5-10%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 10-10,5%/năm đối với cho vay trung và dài hạn, lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất là 4-6%/năm; lãi suất cho vay bằng VND của khối NHTM cổ phần phổ biến ở mức 10-10,5%/năm, lãi suất cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và cho vay thông qua thẻ tín dụng phổ biến ở mức 12-15%/năm.

- Về kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất tính đến ngày 21/5/2009: Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng đồng Việt Nam đến ngày 21/5/2009 là 301.381,77 tỷ đồng, so với ngày 14/5/2009, số dư nợ cho vay đã tăng 9.495,53 tỷ đồng (tương đương tăng 3,25%). Dư nợ phân theo nhóm ngân hàng: Nhóm NHTM Nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 218.472,42 tỷ đồng; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 67.476,45 tỷ đồng; nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 13.767,58 tỷ đồng; công ty tài chính là 1.665,32 tỷ đồng. Dư nợ phân theo đối tượng khách hàng vay vốn: Doanh nghiệp Nhà nước là 64.797,09 tỷ đồng; doanh nghiệp ngoài nhà nước (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài …) là 178.327,59 tỷ đồng; hợp tác xã là 1.808,29 tỷ đồng; hộ gia đình, cá nhân là 51.867,8 tỷ đồng; tổ chức khác là 4.581 tỷ đồng.

- Tỷ giá bán USD/VND của NHTM cổ phần Ngoại thương chiều ngày 21/5 ở mức 17.782 đồng, giảm 5 đồng so với ngày 14/5 và kịch trần. Giá vàng bán ra của Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 2,036 triệu đồng/chỉ, tăng 21.000 đồng/chỉ so với ngày 14/5.

3. Thị trường chứng khoán:

Trong tuần, từ ngày 14/5 đến ngày 20/5, chỉ số VN-Index tăng 8,49% (32,13 điểm) lên mức 410,38 điểm, chỉ số Hastc-Index tăng 8,72% (11,49 điểm) lên mức 142,66 điểm. Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 8,35 triệu cổ phiếu tương đương 199,78 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 8,11 triệu cổ phiếu tương đương 356 tỷ đồng) và bán ròng 77,5 triệu trái phiếu, tương đương 2,84 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 2,45 triệu trái phiếu tương đương 153 tỷ đồng).

SBV