Mới đây một chuyên gia phân tích tiền tệ của DailyFX.com, ông David Rodriguez, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về tính chính xác và hiệu quả của phân tích kỹ thuật. Kết quả thật hết sức thú vị.
“Ngôi sao ban mai” và “ngôi sao ban chiều”
Phân tích kỹ thuật sử dụng rất nhiều mẫu đồ thị khác nhau để biểu diễn biến động giá cả, trong đó có đồ thị nến (candlestick chart). Đồ thị nến do người Nhật sáng tạo ra, họ sử dụng một một mẫu hình có dạng gần giống như cây nến để thể hiện các thông số của một khoảng thời gian biến động giá.
Giá cao nhất (thấp nhất) là mức giá mà tài sản (chứng khoán, ngoại tệ, vàng) có thể đạt đến trong một khoảng thời gian (phút, giờ, ngày, tuần...), giá mở cửa (đóng cửa) là mức giá lúc bắt đầu và kết thúc khoảng thời gian mà nhà đầu tư xem xét. Nói tóm lại, một “cây nến” sẽ cho các nhà đầu tư thấy được mức độ và xu hướng biến động giá của tài sản trong một khoản thời gian nhất định. Nhiều “cây nến” ghép lại sẽ hình thành các mẫu hình nến (candlestick pattern) và các mẫu hình nến này là dấu hiệu chỉ báo cho nhà đầu tư biết trong tương lai xu hướng giá cả có thể tiếp tục tăng/giảm hoặc sẽ đảo chiều, thậm chí là mức độ tăng/giảm, đảo chiều mạnh hay nhẹ. Theo thời gian, dựa trên kinh nghiệm và quan sát, người ta đưa ra hàng trăm mẫu hình nến, rất đa dạng, mỗi mẫu hình có ý nghĩa và nội dung khác nhau về chỉ báo xu hướng giá. Tuy nhiên, mẫu hình “ngôi sao ban mai” (morning star) và “ngôi sao ban chiều” (evening star) là khá quan trọng và được sử dụng rất phổ biến. Do đó, hai mẫu hình này được chọn để kiểm định về tính chính xác và hiệu quả của phân tích kỹ thuật.
Trên đồ thị, khi giá cả đang giảm mạnh nếu “ngôi sao ban mai” xuất hiện thì cho thấy khả năng thị trường sẽ đảo chiều theo xu hướng đầu cơ giá lên (bullish). Mẫu hình này bao gồm một cây nến đỏ (giá giảm) thân dài, cho thấy giá cả đang giảm mạnh, nối tiếp theo là một cây nến đỏ thân rất ngắn có giá mở cửa bằng hoặc thấp hơn giá đóng cửa của cây nến thứ nhất, cho thấy giá tiếp tục giảm nhưng mức độ giảm đã yếu hẳn, cuối cùng là một cây nến xanh (giá tăng) thân dài cho thấy giá đã đảo chiều tăng mạnh. Mẫu hình này cho thấy các nhà đầu cơ giá xuống (bearish) đã không thể áp đảo các nhà đầu cơ giá lên để đẩy giá tiếp tục giảm, do đó trong tương lai giá sẽ tăng . Trái ngược với “ngôi sao ban mai”, “ngôi sao ban chiều” là dấu hiệu thị trường sẽ đảo chiều theo xu hướng giá giảm mạnh, cách lý giải tương tự như “ngôi sao ban mai” nhưng ngược lại.
Kết quả kiểm định
Quá trình kiểm định được thực hiện bằng cách dựa trên chuỗi số liệu biến động tỷ giá hối đoái của các cặp đồng tiền chủ yếu bắt đầu từ ngày 1-1-2000 (thời điểm đồng euro ra đời) cho đến ngày 15-11-2007. Chiến lược kinh doanh đưa ra là khi dấu hiệu “ngôi sao ban mai” xuất hiện thì đặt lệnh mua và ngược lại, thực hiện bán khống khi thấy mẫu hình “ngôi sao ban chiều”.
Kết quả thực nghiệm đầu tiên dựa trên nghiệp vụ mua, bán khống mà không có các lệnh dừng lỗ (stop-loss) và giới hạn lợi nhuận (profit limit).
Kết quả trên bảng 1 phân tích kỹ thuật sử dụng mẫu hình “ngôi sao ban mai - ban chiều” khá chính xác trong các chiến lược kinh doanh đối với các cặp đồng tiền chủ yếu. Ngoài ra, còn một điều quan trọng và thú vị hơn là các kết quả lợi nhuận sẽ được cải thiện đáng kể nếu áp dụng các mức dừng lỗ và giới hạn lợi nhuận khi mở vị thế mua/bán. Điều này được chứng minh qua kết quả kinh doanh cặp đồng tiền EUR/USD.
Thay lời kết
Rõ ràng trong kết quả kinh doanh dựa trên phân tích kỹ thuật biến động tỷ giá hối đoái của cặp đồng tiền EUR/USD, các mức lợi nhuận ròng được cải thiện đáng kể nếu thêm vào các mức dừng lỗ và giới hạn lợi nhuận hợp lý. Mức dừng lỗ càng thấp sẽ càng làm tăng lợi nhuận vì nó giới hạn khoản thua lỗ mà nhà đầu tư chịu nếu họ dự báo giá sai, tuy nhiên số giao dịch thất bại cũng tăng lên. Một điều thú vị là chúng ta thấy nhà đầu tư sẽ đạt lợi nhuận tối đa nếu đặt mức giới hạn lợi nhuận ở $12.000.
Như vậy, kiểm định thực tế cho thấy, phân tích kỹ thuật trong nhiều trường hợp là khá chính xác trong việc dự báo biến động giá cả. Mặc dù, mẫu hình “ngôi sao ban mai - ban chiều” có khi đưa ra những dự báo đúng, có khi sai. Do đó, không loại trừ những trường hợp nhà đầu tư bị thua lỗ nếu hoàn toàn chỉ dựa vào phân tích kỹ thuật để ra quyết định. Nhưng thật ra, phân tích kỹ thuật không chỉ có các mẫu hình nến, mà còn có rất nhiều các chỉ số khác như đường RSI, đường MA, MACD, dải băng Bollinger, sóng Elliot... Vì vậy, nếu “người sử dụng” biết cách kết hợp nhiều dấu hiệu với nhau, cộng với việc đặt các mức dừng lỗ và giới hạn lợi nhuận hợp lý thì sẽ phát huy được tác dụng của phân tích kỹ thuật một cách hữu hiệu nhất. Vậy phân tích kỹ thuật có chính xác hay không là còn tùy thuộc vào người phân tích sử dụng nó như thế nào. Thậm chí, có người còn nói phân tích kỹ thuật là cả một nghệ thuật.