1 tháng 1, 2011

Tài chính toàn cầu: Khép năm cũ "đầy sóng gió"; chờ năm mới "nhiều suy tư"

Năm 2010 là năm thành công ngoài mong đợi của nền kinh tế thế giới xét trên phương diện vĩ mô. Đã có nhiều sóng gió tưởng chừng đánh đắm con thuyền kinh tế, song những gì mà người ta lo sợ nhất cuối cùng đã không (hoặc chưa) xảy ra.

Nền kinh tế mới nổi - Đầu tàu lướt sóng 2010
Theo Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD), thương mại toàn cầu tăng 12,3% trong năm qua và sẽ tiếp tục tăng 8,3% trong năm tới, nhất là ở các nước châu Á và Braxin. Điều này cho thấy cuộc suy thoái đã không làm sống lại những “thây ma chủ nghĩa bảo hộ thương mại” như nhiều người từng lo sợ.

Cuộc suy thoái kinh tế vừa qua cũng không để lại hậu quả khốc liệt đối với lĩnh vực việc làm. Một điểm khá ngạc nhiên là tình trạng thất nghiệp ở Đức liên tục giảm xuống trong suốt thời gian xảy ra suy thoái.

Thậm chí tháng 10/2010, số người thất nghiệp ở nước này lần đầu tiên trong 18 năm qua còn giảm xuống dưới 3 triệu người. Tại các nền kinh tế lớn khác của EU, tốc độ gia tăng của đội quân thất nghiệp cũng thấp hơn nhiều so với tốc độ suy giảm GDP.

Đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng GDP thế giới trong năm 2010 là nhóm các nền kinh tế đang nổi. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nếu như tốc độ tăng GDP ước tính toàn cầu là 3,3% thì nhóm các nước đang phát triển đạt 6,2%, trong đó Trung Quốc đạt 9,6%. Điều này chứng tỏ các nền kinh tế đang phát triển không còn hoàn toàn lệ thuộc vào người tiêu dùng ở các nước phát triển như trước nữa.

Ngoài ra, thực tế trên còn phản ánh một sự thay đổi lớn về vai trò và vị trí tương quan giữa các nền kinh tế trên thế giới. Nhóm các cường quốc G7 đã không thể hiện được vai trò dẫn dắt trong việc xử lý những vấn đề mang tính toàn cầu như trước.

Thay vào đó họ cần tới các thành viên còn lại trong Nhóm G20 – tập hợp các nền kinh tế phát triển và mới nổi – để cùng bàn bạc, trao đổi và phối hợp trong các chính sách đối phó với khủng hoảng.

Đặc biệt trong nhóm các nền kinh tế đang phát triển ghi nhận sự ảnh hưởng lớn lao của khối BRIC (bao gồm các nước đang trỗi dậy mạnh mẽ là Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) và tiếp đến là khối CIVET (bao gồm các ngôi sao đang lên là Côlômbia, Inđônêxia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi).

Ngôi sao Trung Quốc - Tỏa sáng bấu trời Châu Á

Mới đây, Conference Board, một tổ chức nghiên cứu doanh nghiệp, dự báo Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2012 nếu tính trên cơ sở sức mua tương đương (PPP).

Do các nhà kinh tế vẫn còn bất đồng về cách tính PPP, nên kinh tế Trung Quốc chỉ vượt qua Mỹ khi GDP được tính bằng đồng USD và quy đổi theo tỷ giá thị trường. Nếu tính theo cách đó và với tình hình thực tế hiện nay, GDP của Trung Quốc mới chỉ bằng 2/5 GDP của Mỹ.

Chỉ có điều, thời điểm Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đến gần. Khi lần đầu tiên đưa ra những dự báo về các nền kinh tế BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) hồi năm 2003, Goldman Sachs dự báo Trung Quốc có thể vượt Mỹ về kinh tế vào năm 2041. Tuy nhiên, đến nay, Goldman Sachs dự báo lại là vào năm 2027. Tháng 11/2010, Standard Chartered dự báo điều này có thể xảy ra vào năm 2020.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng nếu GDP thực của Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tăng với mức trung bình của 10 năm qua là 10,5% và 1,7% và không có điều gì thay đổi, GDP của Trung Quốc sẽ vượt GDP của Mỹ vào năm 2022.

Tuy nhiên, chỉ dùng quá khứ để dự báo tương lai là không hoàn toàn chính xác. Hồi giữa thập niên 1980, nhiều người cũng dự báo Nhật Bản sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại trong những năm tới vì dân số trong độ tuổi lao động sẽ bắt đầu giảm và tốc độ tăng năng lực sản xuất cũng chậm lại.

Bên cạnh đó, GDP (tính bằng USD) của Trung Quốc và Mỹ không chỉ phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng thực, mà còn phụ thuộc vào làm phát và tỷ giá hối đoái giữa đồng NDT và USD. Ở các nền kinh tế đang nổi có tốc độ tăng năng lực sản xuất nhanh, tỷ giá hối đoái thực có thể tăng trước thông qua lạm phát cao hoặc tỷ giá hối đoái danh nghĩa tăng. Suốt thập niên qua, lạm phát hàng năm của Trung Quốc trung bình là 3,8%, so với 2,2% của Mỹ. Và kể từ khi Trung Quốc bỏ việc neo chặt đồng NDT vào đồng USD năm 2005, đồng NDT đã tăng trung bình 4,2%/năm so với đồng USD.

Do vậy, nếu tăng trưởng GDP thực hàng năm trong thập kỷ tới của Trung Quốc đạt mức trung bình 7,5% so với 2,5% của Mỹ, lạm phát của Trung Quốc là 4% và của Mỹ là 1,5% và đồng NDT trung bình mỗi năm tăng 3% thì đến năm 2019, Trung Quốc có thể vượt Mỹ thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu tốc độ tăng trưởng trung bình của Trung Quốc giảm xuống mức 5% thì phải đợi đến năm 2022, Trung Quốc mới chiếm được vị trí số một.

Chỉ có điều, đến khi đó thì người Mỹ vẫn giàu hơn người Trung Quốc rất nhiều vì GDP tính theo đầu người của Mỹ vẫn gấp bốn lần so với của Trung Quốc.

Tỏ mặt anh tài
Năm nay, GDP toàn cầu đã tăng trở lại và tăng gần 4%, cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới trong 3 thập niên vừa qua (GDP toàn cầu tăng trung bình 3,5% trong giai đoạn 1980-2009). Nhưng khác hẳn với giai đoạn tiền khủng hoảng (trước 2008), động lực chính thúc đẩy con tàu kinh tế thế giới không còn là Mỹ, châu Âu hay hay Nhật Bản mà là các quốc gia đang trỗi dậy, đứng đầu là Trung Quốc và Brazil.

Với trên 2600 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, Trung Quốc dư thừa phương tiện để cứu nguy nhiều tập đoàn của châu Âu và Mỹ đang lâm nạn. Chỉ riêng đối với ngành công nghiệp xe hơi, năm nay, hai “con chim đầu đàn” của Âu-Mỹ là Volvo và Ford đều đã mở rộng cửa đón các nhà đầu tư Trung Quốc. Không những thế, Trung Quốc lại tung tiền mua công trái của Nhật Bản (trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc mua 15 tỷ euro công trái Nhật Bản) và vẫn tăng trưởng xấp xỉ 10%. Trong lúc Mỹ và châu Âu đau đầu vì vấn đề nhập siêu, thì Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nội trong tháng 11 vừa qua, cán cân thương mại Trung Quốc thặng dư gần 23 tỷ USD.

Về phần “người khổng lồ của châu Mỹ Latinh” Brazil, nền kinh tế đang vươn lên này tạo thêm 2,5 triệu việc làm trong 10 tháng đầu năm, một thành tích đáng ghen tị trong nhóm G20. Song song với thành quả kinh tế, Brazil còn là một trong những quốc gia hiếm có trên thế giới có thể tự hào là đã đưa 20 triệu dân ra khỏi cảnh bần cùng trong vỏn vẹn chưa đầy một thập niên.

Kinh tế Ấn Độ đã phát triển nhanh: từ 6,7% trong năm tài chính 2008-2009 lên 7,4% trong tài khóa 2009-2010, nhờ tăng tiêu dùng trong nước và chính sách kích thích kinh tế. Báo cáo kinh tế giữa kỳ của Bộ Tài chính ở New Delhi dự báo kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng 9% trong tài khóa 2010-2011 (bắt đầu từ 1/4/2010). Thủ tướng Manmohan Singh hy vọng kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 9-10% trong vòng 25 năm tới. Trong báo cáo tháng 11/2010, ngân hàng Standard Chartered cho rằng Ấn Độ có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế nhanh hơn Trung Quốc ngay từ năm 2012 và trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với GDP 30.000 tỷ USD vào năm 2030.

Kinh tế Nga cũng đã bình ổn trở lại và dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng 4% trong năm 2010, sau khi trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua với GDP giảm 7,9% trong năm 2009. Đợt hạn hán trong mùa hè qua đã ảnh hưởng đến nông dân tại 43 khu vực ở Nga. Để khắc phục tình hình này, Chính phủ Nga đã cấm xuất khẩu ngũ cốc từ ngày 15.8.2010 đến ngày 1.7.2011. Nhìn chung kinh tế Nga đã ra khỏi khủng hoảng, song thách thức chủ yếu hiện nay vẫn là tình trạng trì trệ.

Hoàng hôn bên "trời Tây"
Năm 2007, khi toàn cảnh kinh tế thế giới còn rất tươi sáng và tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu đạt đỉnh cao 5%, cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất đã bùng phát. Tiếp theo đó đến tháng 9/2008, thị trường tài chính lớn nhất thế giới Wall Street đã trải qua một trận đại hồng thủy với vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers và từ đó đến nay thì cụm từ “khủng hoảng” gần như được gắn liền với các bài phân tích về kinh tế.
Năm nay, GDP toàn cầu đã tăng trở lại và tăng gần 4%, cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới trong 3 thập niên vừa qua (GDP toàn cầu tăng trung bình 3,5% trong giai đoạn 1980-2009). Nhưng khác hẳn với giai đoạn tiền khủng hoảng (trước 2008), động lực chính thúc đẩy con tàu kinh tế thế giới không còn là Mỹ, châu Âu hay hay Nhật Bản mà là các quốc gia đang trỗi dậy, đứng đầu là Trung Quốc và Brazil.

Trong báo cáo sơ bộ "Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới năm 2011" được công bố hồi đầu tháng 12, Liên hợp quốc (LHQ) hy vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3,1% trong năm 2011 và 3,5% trong năm 2012, thấp hơn dự báo tăng trưởng 3,6% của năm 2010 và còn lâu mới đủ để khôi phục số việc làm đã bị mất trong khủng hoảng kinh tế. Báo cáo nêu rõ: "Đà phục hồi kinh tế thế giới đã bắt đầu hụt hơi kể từ giữa năm 2010. Mọi chỉ số cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại". Bản báo cáo đầy đủ, trong đó nêu cụ thể viễn cảnh tăng trưởng của từng khu vực, dự kiến sẽ được công bố trong tháng 1/2011.

Cũng theo báo cáo này, việc các nước không phối hợp tốt chính sách tiền tệ sẽ khiến các thị trường trở nên bất ổn hơn. Ông Rob Vos, tác giả chính của báo cáo, nói: "Thế giới vẫn chưa thoát khỏi thời điểm khó khăn. Nhiều rủi ro lớn vẫn còn tiềm ẩn phía trước và con đường phục hồi vẫn còn khá dài và đầy rẫy chông gai".

Theo LHQ, tình trạng thiếu việc làm là "trở ngại lớn nhất" cho quá trình phục hồi kinh tế và biến động thị trường tiền tệ cũng đang khiến các nền kinh tế phát triển trở nên bất ổn hơn. LHQ nhấn mạnh trong báo cáo: "Tinh thần hợp tác của các nền kinh tế lớn đang giảm sút, làm giảm hiệu quả của các biện pháp đối phó khủng hoảng. Những phản ứng rời rạc của các nước trong chính sách tiền tệ... là nguyên nhân gây ra rối loạn trong các thị trường tài chính. Tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu có thể vấp phải nhiều trở ngại hơn nếu một số nguy cơ tiềm ẩn trở thành hiện thực. Trong trường hợp đó, châu Âu, Nhật Bản và Mỹ có thể phải đối mặt với suy thoái kép". Có nguy cơ giá nhà ở Mỹ sẽ tiếp tục giảm, căng thẳng trên các thị trường ngoại hối tái diễn lại xuất hiện và có thể dẫn tới những biện pháp bảo hộ mới.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế của 33 nước thành viên OECD này sẽ tăng trưởng bình quân 2,8% trong năm 2010, sau khi giảm 3,4% trong năm 2009, và 2,3% trong năm 2011 (thấp hơn mức dự báo 2,8% mà OECD dự báo hồi tháng 6/2010). OECD cho rằng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu - trong đó có nợ công khổng lồ của số nước châu Âu, mất cân bằng thương mại ngày càng gia tăng có thể dẫn đến nhiều biện pháp bảo hộ thương mại.

Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh mẽ ở các nước ngoài OECD sẽ góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Trung Quốc ở gần 10% trong năm 2010 và 2011. Trong năm 2011, Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng 8,4%, Nga 4,3% và Brazil 4,1%. Bốn nước thuộc nhóm BRIC này sẽ đóng góp đáng kể cho sự phục hồi kinh tế thế giới.

Theo OECD, thương mại toàn cầu tiếp tục phục hồi, tăng 12,3% năm 2010 trước khi giảm xuống còn 8,3% vào năm 2011 và 8,1% vào năm 2012. Tăng trưởng thương mại sẽ đặc biệt mạnh tại nhiều nước châu Á và Brazil. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của các nước OECD sẽ vẫn ở mức hơn 8% trong năm 2010 và 2011, trước khi giảm xuống còn 7,5% trong năm 2012. OECD cũng kêu gọi các nước châu Âu tiến hành cải tổ thị trường lao ðộng.
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các nền kinh tế Ðông Á - trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore - sẽ tăng trưởng 8,8% trong năm 2010 và giảm xuống còn 7,3% vào năm 2011 do viễn cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu và các chương trình kích thích kinh tế dần bị thu hẹp. Theo ADB, tăng trưởng của khu vực Đông Á cũng vấp phải một số trở ngại, trong đó có lạm phát leo cao ở một số nước.

Tại Mỹ, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang (FED) tỏ ra bi quan hơn về viễn cảnh kinh tế Mỹ năm 2011 và đã hạ dự báo tăng trưởng. Theo FED, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 2,4%-2,5% trong năm 2010, giảm mạnh so với dự báo tăng trưởng 3%-3,5% đưa ra trước đây. Năm 2011, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3%-3,6% - thấp hơn nhiều so với dự báo đưa ra hồi tháng 6/2010. FED dự đoán giá cả sẽ vẫn trong tầm kiểm soát. Lạm phát được cho là sẽ tăng từ mức 1,1% trong nă, 2010 lên 1,7% trong năm 2011 - hầu như không thay đổi so với dự báo trước đó là 1,1% và 1,6%. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến vẫn ở mức gần 10% cho đến đầu năm 2011, sau đó giảm nhẹ xuống còn 9,2% vào cuối năm 2011. Một trong những quan ngại lớn nhất của các nhà dự báo kinh tế là thâm hụt liên bang. Họ dự đoán thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ sẽ chỉ giảm khoảng 100 tỷ USD, xuống còn 1,2 nghìn tỷ USD trong năm tới.

Tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), Ủy ban châu Âu (EC) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của 16 nước thành viên Eurozone bất chấp khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, EC cho rằng thâm hụt ngân sách của i các nước như Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha sẽ cao hơn dự kiến. Trong báo cáo mới nhất hồi cuối tháng 11, EC cho biết tăng trưởng kinh tế của Eurozone năm 2010 sẽ là 1,7%, gần gấp đôi dự đoán được đưa ra hồi đầu năm (0,9%). Tăng trưởng của Eurozone được cho là sẽ giảm đôi chút trong năm 2011, xuống còn 1,5% do tốc độ tăng trưởng toàn cầu giảm và ảnh hưởng của các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà khu vực này áp dụng. Tuy nhiên, trong năm 2012, Eurozone sẽ tăng trưởng 1,8%. Theo EC, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - là nước có mức tăng trưởng giảm mạnh nhất trong năm 2011, giảm từ 3,7% trong năm 2010 xuống mức trên trung bình 2,2%.

Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 1,6% trong hai năm 2010 và 2011. Các nước mang công mắc nợ nhiều nhất sẽ tiếp tục lao đao khi chính phủ hạn chế chi tiêu và tăng thuế. Bồ Ðào Nha - nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất sau Hy Lạp và Ireland – được cho là sẽ lại rơi vào suy thoái trong năm 2011 và dự báo tăng trưởng giảm khoảng 1% sau khi tăng 1,3% trong năm 2010.

Tãng trưởng của Hy Lạp - nền kinh tế đã được giải cứu hồi tháng 5/2010 nhờ gói cứu trợ khẩn cấp 110 tỷ euro - được cho là sẽ lại giảm trong năm 2011, nhưng thấp hơn năm 2010. EC dự đoán kinh tế Hy Lạp sẽ giảm 3% năm 2011, thấp hơn mức giảm 4,2% trong năm 2010.

IMF cho rằng kinh tế Trung Ðông và Bắc Phi sẽ vẫn tãng trưởng mạnh và sự phụ thuộc vào ngành dầu mỏ sẽ khiến khu vực này dễ bị tổn thương, một khi giá dầu thô giảm mạnh. IMF dự báo tãng trưởng của khu vực này sẽ là 4,1% năm 2010 và 5,1% năm 2011, so với mức 2% của năm 2009.

Theo LHQ, tại khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe, hoạt động xuất khẩu mạnh và giá hàng hóa cao đang "tiếp sức" cho tăng trưởng kinh tế nhanh hơn mong đợi. Dự kiến, tăng trưởng của khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribê năm 2011 vẫn tương đối mạnh, ở mức 4%, mặc dù không mạnh bằng mức tăng trưởng 5,6% trong năm 2010.
Brazil, "đầu tàu" tăng trưởng của khu vực, sẽ tiếp tục duy trì nhu cầu mạnh mẽ ở trong nước để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của các nước láng giềng. Khu vực này cũng được lợi nhờ các mối quan hệ kinh tế ngày càng mạnh mẽ với các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á.

10 sự kiện kinh tế thế giới năm 2010 

1. Lục địa già "oằn mình" trong bão nợ

Cuộc khủng hoảng nợ công bùng nổ vào cuối năm 2009 tại Hy Lạp đã lan sang các nước khác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu trong năm 2010. Sau Hy Lạp và Ireland, các nước Tây Ban Nha, Bỉ, Bồ Đào Nha và Italia được dự báo có thể là những nạn nhân tiếp theo. Nhiều quốc gia châu Âu đã phải tiến hành các biện pháp "thắt lưng buộc bụng," gây ra làn sóng bất bình trong dân chúng.

Các quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang bị đẩy vào tình trạng hỗn loạn do sự tháo chạy ồ ạt của các nhà đầu tư. Đã có nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về sự tồn vong của đồng tiền này. Trong khi đó, lợi suất các món nợ chính phủ của các nước lân cận khu vực đồng Euro đang leo cao chót vót do các nhà đầu tư thực sự không hiểu rõ sự rủi ro.

2. Gió đông thổi bạt gió tây

Trái ngược lại với tình cảnh bi đát ở châu Âu, các thị trường mới nổi, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã có một năm tăng trưởng ngoạn mục và trở thành động lực của sự tăng trưởng toàn cầu. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh.

Ngân hàng Thế giới tăng quyền bỏ phiếu tại thể chế này cho các nền kinh tế mới nổi thêm 3,13%, lên 47,19%. Trong khi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế tiến hành một số cải tổ mang tính lịch sử, theo đó đến năm 2012 sẽ chuyển 6% quyền bỏ phiếu trong cơ quan này của các nền kinh tế phát triển sang cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

3. Trung Quốc soán ngôi Nhật Bản

Hôm 16/8, Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố, GDP quý 2 của xứ sở mặt trời mọc chỉ đạt 1,29 tỷ USD, thấp hơn khá nhiều so với mức 1,34 tỷ USD theo thống kê được công bố trước đó của Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc đã chính thức soán ngôi của Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Các con số tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc cho thấy, nước này đang thay đổi toàn diện, từ sức mạnh quân sự tới tài chính trên toàn cầu. Trung Quốc đã là nhà nước xuất khẩu lớn nhất, nhà sản xuất thép lớn nhất và ảnh hưởng trên toàn cầu ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, Trung Quốc vẫn chỉ là nước “đang phát triển” về kinh tế và việc vượt qua Nhật Bản “chỉ mang tính biểu tượng mà thôi”.

4. Mỹ tiếp tục in tiền

Nền kinh tế đầu tàu thế giới suýt rơi vào suy thoái kép trong năm 2010, nhưng may mắn thoát khỏi nguy cơ này. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi kinh tế vẫn yếu ớt, chưa đủ sức giảm bớt tình trạng thất nghiệp đang ở mức cao ngất ngưởng.

Để hỗ trợ kinh tế, Mỹ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tín dụng, lãi suất thấp kỷ lục và bơm thêm tiền vào thị trường. Hôm 2/11, Mỹ đã công bố gói nới lỏng định lượng lần thứ 2, với giá trị 600 tỷ USD. Kế hoạch này của Mỹ đã bị cộng đồng quốc tế, trong đó đứng đầu là Trung Quốc và Đức, lên án gay gắt tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Seoul.

5. Tranh cãi tiền tệ nóng bỏng

Cuộc tranh cãi khắp toàn cầu về có hay không một cuộc chiến tiền tệ khởi nguồn từ tuyên bố mạnh miệng của Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil Guido Mantega hôm 27/9. Theo ông Mantega, cuộc chiến tiền tệ quốc tế đã nổ ra bởi chính phủ nhiều nước trên toàn cầu đua nhau hạ tỷ giá giúp tăng tính cạnh tranh.

Ông Mantega đã thừa nhận điều mà các nhà hoạch định chính sách đã nói riêng với nhau: Ngày càng nhiều quốc gia coi tỷ giá đồng tiền thấp như là một cách giúp vực dậy kinh tế nước họ. Việc nhiều nước cố gắng hạ tỷ giá đã khiến sự hợp tác trong các diễn đàn kinh tế toàn cầu trở nên khó khăn hơn.

6. Giá vàng "sóng sau dồn sóng trước"

Sau khi tạo sóng lớn vào cuối tháng 11/2009, vàng thế giới lặng lẽ một thời gian khá dài. Tuy nhiên, hàng loạt lý do khó cưỡng khác từ nửa cuối năm 2010 đã khiến sóng vàng liên tục dồn ép và đua nhau phá hết kỷ lục này tới kỷ lục khác. Hôm 6/12, giá vàng giao ngay đã bất thần vọt lên mức cao kỷ lục mọi thời đại 1.429,4 USD/ounce, còn vàng kỳ hạn giao tháng 2/2011 chạm mức 1.425,7 USD/ounce.

Giá vàng đang hướng tới năm tăng thứ 10 liên tiếp, do việc chính phủ các nước dành hàng nghìn tỷ USD để giữ lãi suất ở mức thấp, nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng. Theo giới phân tích, giá vàng trên thế giới sẽ còn cơ hội tăng tiếp trong năm 2011. Mức giá có thể lên ngưỡng 1.700 - 2.000 USD/ounce.

7. Lạm phát nghiêm trọng ở khắp nơi

Từ cuối năm 2010, tình trạng lạm phát đã trở nên nghiêm trọng ở các nước đang nổi, như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và một số quốc gia khác. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 11/2010 đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2009, mức tăng cao nhất trong vòng 28 tháng qua.

Không thua kém gì Trung Quốc, chỉ số CPI của Ấn Độ trong tháng 10/2010 cũng tăng 7,5%. Cùng thời điểm này, tại Nga là 9,8% và của Hàn Quốc là 4,1%, cao nhất trong 20 tháng qua. Riêng Brazil, chỉ số CPI trong năm 2010 dự đoán tăng tới 5,5%.

8. Hàng không thế giới lao đao

Hàng không thế giới đã có một năm lao đao, đặc biệt là vào tháng 4 năm nay, khi một ngọn núi lửa Eyjafjallajokull ở miền Nam Iceland phun trào, đã đẩy hàng tấn tro bụi vào không khí, khiến hàng không trên toàn châu Âu và các khu vực khác trên thế giới có đường bay tới châu lục này bị tê liệt, gây ra cảnh ùn tắc hỗn loạn ở nhiều sân bay quốc tế lớn.

Chỉ tính riêng tại châu Âu, hơn 100.000 chuyến bay đã bị hủy, ảnh hưởng tới hơn 10 triệu hành khách. Nhiều sân bay đã phải đóng cửa trong nhiều giờ hoặc cả ngày. Đây là vụ đóng cửa hàng không lớn nhất ở châu Âu kể từ chiến tranh thế giới thứ hai tới nay.

9. Bão thu hồi xe lan rộng toàn cầu

Năm 2010, hàng loạt hãng xe tên tuổi trên thế giới đua nhau thu hồi sản phẩm để sửa chữa. Cơn cuồng phong này đã điểm mặt gần như toàn bộ những thương hiệu xe hàng đầu thế giới, từ các hiệu xe Mỹ General Motors, Ford, Chrysler cho tới các hãng xe Nhật Bản Toyota, Honda, Nissan...

Trong đó, đáng chú ý nhất là vụ thu hồi đình đám của Toyota trên khắp toàn cầu. Hãng này cũng phải nộp phạt số tiền kỷ lục 48,8 triệu USD cho các nhà chức trách Mỹ để dàn xếp các cuộc điều tra về việc Toyota cố tình thông báo chậm lỗi chân ga, vốn bị xem là nguyên nhân khiến hàng chục người thiệt mạng.

10. Những vụ IPO "khủng"

Năm 2010, trong số những yếu tố kinh tế tích cực, có lẽ không thể bỏ sót những vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với mức thu về kỷ lục. Đầu tiên phải kể đến là vụ IPO của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc thu về 22,1 tỷ USD hồi tháng 7. Nhiều nhà phân tích đã coi vụ IPO của ngân hàng này là một thước đo đối với niềm tin vào triển vọng kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, vị trí quán quân IPO năm 2010 lại thuộc về hãng xe hơi General Motors. Với số tiền thu về 23,1 tỷ USD hồi tháng 11, đợt phát hành lần đầu cổ phiếu ra công chúng của General Motors đã trở thành vụ IPO lớn nhất trong lịch sử chứng khoán thế giới. Sự kiện cũng đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của thương hiệu xe Mỹ nổi tiếng này, sau một thời gian khá dài phải tái cấu trúc.

10 Câu hỏi chờ lới đáp trong 2011
Kinh tế thế giới hồi phục không bền vững?
Liệu nước Mỹ có phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ vào năm 2011? Hay nước Mỹ sẽ chuyển nguy cơ ấy ra “nước ngoài”?

Bên cạnh đó là sự bất ổn của thị trường tài chính quốc tế và thiếu thống nhất của các chính sách tiền tệ đã tạo nên bóng mây u ám phủ lên viễn cảnh phục hồi của kinh tế thế giới. Nguy cơ một cuộc “khủng hoảng lần 2” là mối lo treo lơ lửng trên đầu mỗi quốc gia.

Mặt khác, các nước đang phát triển với đại diện là những nền kinh tế mới nổi đã trở thành lực lượng đi đầu, dẫn dắt tiến trình phục hồi của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia này cũng không tránh khỏi những khó khăn phát sinh trong và ngoài nước. Những khó khăn trong nước như: các gói kích thích kinh tế đã hết phát huy tác dụng và đang phải dừng lại, trong khi mối đe dọa của lạm phát cứ ngày một lớn dần lên. Những khó khăn bên ngoài như: nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia phát triển giảm mạnh, ngoài ra còn phải đối mặt với bong bóng kinh tế và những rủi ro về đồng vốn. Một khi thị trường mới nổi có biến động, kinh tế toàn cầu sẽ càng khó phục hồi.

Liệu 2011 có là năm mà “phương Tây u ám, phương Đông sáng sủa”, và là năm đầu tiên của quá trình phục hồi không bền vững?

G20 tái thiết lập trật tự tài chính quốc tế?
Năm 2011, tại Pháp sẽ diễn ra hội nghị cấp cao lần thứ 6 của Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới G20. Các nước đã xích lại gần nhau trong một diễn đàn chung khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu phủ bóng mây u ám lên tương lai phát triển của mọi quốc gia, và hội nghị lần này tiếp tục được mong chờ sẽ tạo ra bước ngoặt. Bởi vì, nước chủ nhà năm tới là Pháp, quốc gia luôn đi đầu cổ súy cải cách trật tự tài chính toàn cầu.

Tổng thống Pháp Sarkozy đã chuẩn bị hết sức chu đáo cho hội nghị lần này. Ông từng phát biểu đầy tự tin rằng: nước Pháp với vai trò chủ tịch luân phiên của G20, cam kết hội nghị diễn ra vào năm tới sẽ hoàn thành 3 mục tiêu: cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế, hệ thống hóa giá cả thị trường nguyên vật liệu và thúc đẩy quá trình cơ cấu hóa G20.

Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng.

G20 có thể đi bao xa trên con đường cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế, vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Trong khi đó, rất có thể tại hội nghị lần này một cuộc xung đột mới sẽ diễn ra giữa các lực lượng đối lập.

Cục diện mới nào cho bán đảo Triều Tiên?
Bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên kéo dài suốt năm 2009 đến hết năm 2010. Ngày 20 tháng 12, Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật trên đảo Yeonpyeong. Thị trường cổ phiếu của Trung Quốc ngay lập tức có phản ứng mạnh mẽ. Giới phân tích Trung Quốc bình luận sự kiện này như sau: bán đảo Triều Tiên cách chúng ta gần hơn chúng ta tưởng.

Dưới sự tác động đa phương, cục diện trên báo đảo Triều Tiên trong năm 2011 sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?

Năm 2011, Mỹ và Liên Bang Nga sẽ tham gia hội nghị cấp cao Đông Á, an ninh quốc gia liệu có được đẩy lên thành chủ đề chính của hội nghị lần này? Đông Á luôn đề cao tính thống nhất khu vực, nhưng với sự tham gia của Ấn Độ, Liên Bang Nga và Mỹ, liệu thiên hướng đó có bị “lệch lạc”?

Khu vực đồng Euro sẽ có thêm nhiều “Hy Lạp” mới?
2010 là “năm cứu trợ” của Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Đằng sau Hy Lạp và Iceland vẫn còn một hàng dài danh sách các quốc gia có nguy cơ rơi vào khủng hoảng như: Bồ Đào Nha, Latvija, Lithuania, Tây Ban Nha, và thậm chí cả quốc gia hùng mạnh là Pháp.

Năm 2011 sẽ có thêm nhiều “Hy Lạp” vỡ nợ? Sau khi đã vắt kiệt sức để chống đỡ cho Hy Lạp và Iceland, liệu châu Âu có còn đủ lực để tiếp tục hành động cứu trợ mới? Tỷ giá đồng Euro quy đổi sang USD sẽ chuyển biến ra sao? Và điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế toàn cầu và tình hình chính trị quốc tế?

Sau khi Mỹ rút quân, Afghanistan sẽ ra sao? 
Theo kế hoạch, tháng 7 năm 2011, Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, quá trình này có thể kéo dài đến tận năm 2014. Trong khoảng thời gian đó, sẽ xảy ra không ít biến động, tiêu biểu là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2012.

Còn về Afghanistan, liệu tình hình ở quốc gia này có được cải thiện hơn vào năm 2011? Mặc dù sức mạnh an ninh quốc phòng của Afghanistan không ngừng được củng cố, nhưng liên tiếp các vụ khủng bố đẫm máu khiến người ta không thể lạc quan về một cục diện an ninh mới cho quốc gia Hồi giáo này.

Đối với việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, có người cho rằng đó là biểu hiện của sự suy thoái sức mạnh quân sự và chủ nghĩa bá quyền Mỹ tại khu vực này. Nhưng cũng có người cho rằng, đó chẳng qua là một hình thức dịch chuyển quân sự, rút lực lượng ở nơi này về để chuẩn bị cho chiến lược quan trọng hơn ở khu vực khác của Nhà Trắng. Cũng có ý kiến nhận định, quân đội Mỹ đang chuyển hóa cấu trúc từ một đội quân tác chiến quy mô lớn, phụ thuộc vào hệ thống vũ trang cồng kềnh và quân dụng tốn kém sang một phương thức tác chiến giản tiện hơn, linh hoạt và cơ động hơn.

Dù là với mục đích gì, những thay đổi trong chiến lược quân sự của Mỹ đều rất đáng quan tâm. Bởi vì những động thái của Mỹ tại Afghanistan có thể sẽ được nhân rộng khắp vùng Trung Đông và thậm chí cả khu vực Đông Á.

Kỉ niệm 10 năm sự kiện 11-9, ngọn cờ chống khủng bố nào sẽ ra sao?
Ngày 11 tháng 9 năm 2011, tại tòa nhà trung tâm thương mại thế giới ở New York, nước Mỹ sẽ tổ chức lễ kỉ niệm 10 năm xảy ra sự kiện 11-9.

10 năm qua, cuộc chiến chống khủng bố của nước Mỹ đã làm lung lay mạng lưới khủng bố quốc tế, khiến cho các tổ chức khủng bố khó có thể phát động những cuộc tấn công quy mô lớn như cuộc tấn công ngày 11-9 và 11-3.

Nhưng chúng ta không nên vì vậy mà thiếu cảnh giác với chủ nghĩa khủng bố. Bên cạnh đó, nạn cướp biển vẫn sẽ là những thông tin làm nóng các phương tiện truyền thông trong năm 2011. Nước Mỹ sẽ áp dụng chiến lược chống khủng bố nào? Hợp tác toàn cầu chống khủng bố có thể từng bước thay thế hành động đơn phương hay không?

Giá dầu thô sẽ lập kỷ lục 100 USD/thùng?
Cuối năm 2010, giá dầu thô trên thị trường quốc tế đã vượt ngưỡng 90 USD/thùng. Liệu sang năm 2011, giá dầu có lập kỷ lục 100 USD/ thùng và trở thành đề tài nóng hổi của thị trường năng lượng quốc tế? Các mỏ dầu đang dần cạn kiệt, vì vậy, giá dầu chạm đỉnh sẽ là nỗi ám ảnh thường trực của con người.

Nhưng cũng có chuyên gia cho rằng, sẽ có đủ dầu thô cho thị trường thế giới trong năm 2011.

Giá cả ảnh hưởng đến chi tiêu. Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo có thể tiếp tục phát triển, các quốc gia trên thế giới đang ra sức điều chỉnh cơ cấu năng lượng, Trung Đông cũng không ngoại lệ. Giá dầu thô tăng cao có tác dụng hướng nhu cầu đến với nguồn năng lượng sạch.

Khủng hoảng lương thực?
Cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 chưa kịp lắng xuống, thì nửa cuối năm 2010, giá lương thực quốc tế đã tăng phi mã. Liệu sang năm 2011, cuộc khủng hoảng lương thực tương tự năm 2008 có tái diễn?

Cũng giống như 2 năm trước, lương thực tăng giá trong năm nay do nhiều nhân tố tác động như: giá năng lượng tăng, nhu cầu nhiên liệu sinh vật tăng, USD mất giá và sản xuất giảm do thiên tai. Điều khác biệt là, giá lương thực năm 2010 tăng cao trong bối cảnh sản xuất lương thực dồi dào, dự trữ đầy đủ và cung cầu về cơ bản là cân bằng.

“Nghị định thư Kyoto” đạt được đồng thuận? 
Sau những sóng gió tại Copenhagen, Đan Mạch, con thuyền hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lại tiếp tục giong buồm ra khơi tại Cancun, Mexico. Nhưng sau khi hội nghị kết thúc, người ta vẫn thấp thỏm chờ đợi những diễn biến tiếp theo trong năm 2011.

Tại Cancun, có thể nói cuộc chiến bảo vệ “Nghị định thư Kyoto” đã gặt hái được những thành công mang tính giai đoạn. Nhưng, đối mặt với năm 2012 sắp đến gần, số phận của Nghị định thư này sẽ càng trở nên mong manh, mờ mịt. Năm 2011, tại Nam Phi, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ quyết định tiếp tục hay chấm dứt Nghị định thư này. Có thể thấy, vấn đề được đề cập và thảo luận trong hội nghị đã vượt xa nội dung khoa học đơn thuần của biến đổi khí hậu, thay vào đó là màu sắc chính trị và tranh chấp quốc tế ngày một đậm nét. Liệu hội nghị năm 2011 có đạt được sự đồng thuận?

Gói kích thích “4000 tỷ” của Trung Quốc dành cho công nghệ mới và năng lượng sạch?
Năm 2010, Quốc vụ viện Trung Quốc chính thức công bố 7 ngành sản xuất mới chiến lược thuộc các lĩnh vực: tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin thế hệ mới và năng lượng mới.

Có người đã so sách kế hoạch này với gói kích thích “4000 tỷ”.
Liệu Trung Quốc có thể sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong dân để phát triển ngành sản xuất mới hay không? Và chính phủ nước này làm thế nào để không lặp lại những sai lầm trong quá trình thực hiện gói kích thích “4000 tỷ” trước đó? Chúng ta sẽ có được câu trả lời vào năm tới.