21 tháng 3, 2011

Kinh tế Nhật Bản sau thảm họa: Mặt trời vẫn mọc

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang phải đối mặt với những thách thức to lớn sau thảm họa động đất và sóng thần hôm thứ sáu tuần qua. Tuy vậy, với những gì người Nhật đang có trong tay, không ai nghi ngờ rằng họ sẽ tiếp tục viết tiếp câu chuyện thần kỳ như đã từng làm sau Thế Chiến II 70 năm về trước.
Cùng với nhiệm vụ cấp thiết là giải quyết các vấn đề nhân đạo và khủng hoảng hạt nhân, người Nhật còn phải gánh vác một trọng trách không kém phần nặng nề, mà để hoàn thành nó có lẽ phải mất hàng năm trời: tái thiết nền kinh tế và, như thủ tướng Naoto Kan nhấn mạnh, xây dựng một "nước Nhật mới".
Đến thời điểm này vẫn chưa thể tổng hợp được chính xác thiệt hại mà trận động đất và sóng thần lớn nhất trong lịch sử gây ra cho nền kinh tế Nhật Bản, tuy nhiên, những thiệt hại tức thời có thể nhận thấy là hệ thống cơ sở hạ tầng bị phá hủy gần như hoàn toàn ở các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, và nền sản xuất công nghiệp trứ danh, sức bật của nền kinh tế Nhật, bị đình trệ lại. Gián đoạn sản xuất không chỉ diễn ra ở những vùng chịu thảm họa mà còn trên quy mô cả nước, do ảnh hưởng trực tiếp từ việc cắt nguồn cung cấp điện từ các nhà máy điện hạt nhân, vốn chiếm 30% lượng điện sản xuất của Nhật Bản.
Cùng với đó là một tâm lý sợ hãi bao trùm toàn bộ nền kinh tế. Hôm thứ ba vừa qua, chỉ số chứng khoán Nikkei, phong vũ biểu của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đã giảm tới hơn 14%, mức giảm sâu nhất kể từ hai năm qua, bất chấp một lượng tiền lớn chưa từng có được bơm ra từ ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) nhằm ổn định thị trường.
Chi phí cho công cuộc tái thiết cũng là một vấn đề lớn. Theo tính toán tạm thời của ngân hàng đầu tư Credit Suisse, chi phí để xây dựng lại cơ sở hạ tầng ít nhất là khoảng 180 tỉ USD, 3% GDP của Nhật Bản và gấp đôi số tiền tái thiết sau trận động đất ở Kobe 16 năm về trước. Sẽ không có chuyện dễ dàng tăng chi tiêu ngân sách cho chính phủ, khi mức nợ công của quốc gia này đã gấp đôi GDP, con số cao nhất trong các nước phát triển.
Cất cánh từ đống tro tàn
Sự đình trệ của nền kinh tế Nhật Bản là tất yếu, tuy vậy phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng nó sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, sự tăng lên của nhu cầu tái đầu tư cơ sở hạ tầng và chi tiêu cá nhân sau thảm họa sẽ là lực đẩy để cho kinh tế Nhật tăng trưởng trở lại sau hơn 20 năm trì trệ. Đây là một quy luật mang tính lịch sử: câu chuyện "thần kỳ Nhật Bản" sau Thế Chiến II bắt nguồn chủ yếu từ nhu cầu đầu tư và tiêu dùng nội địa.
Nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư và chi tiêu không phải là một vấn đề quá lớn với Nhật Bản. Các công ty đang kinh doanh ở nước ngoài của Nhật Bản được cho là sẽ rút một lượng tiền lớn để đầu tư ngược trở lại, vốn rất có thể sẽ nhận được nhiều ưu đãi từ chính phủ cũng như được lòng công chúng. Thêm vào đó, mức tiết kiệm cá nhân của người Nhật cũng rất cao, đạt 28% theo tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD), giúp cho việc mở rộng chi tiêu cá nhân sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Thảm họa động đất, sóng thần đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Nhật Bản. Ảnh: AP
Chính phủ Nhật Bản cũng có thể vay vốn trên thị trường quốc tế để tái đầu tư, với chi phí thấp do mức tín nhiệm của quốc gia này luôn ở mức cao nhất. Mặc dù lựa chọn này có thể khiến Nhật Bản lún sâu thêm vào vũng lầy thâm hụt ngân sách, nhưng rõ ràng nó vẫn là chấp nhận được trong thời gian ngắn hạn nếu cần thiết.
Thảm họa cũng sẽ là cơ hội để nước Nhật thay đổi lại cơ cấu kinh tế của mình, đặc biệt là cơ cấu ngành điện lực. Những vụ nổ từ các nhà máy hạt nhân ở bờ biển phía Tây chắc chắn sẽ thúc đẩy việc chuyển dịch nguồn cung điện của Nhật Bản về phía năng lượng tái tạo, như gió và mặt trời; vì rõ ràng người Nhật không bao giờ muốn, dù chỉ là có nguy cơ, trở thành nạn nhân lần thứ hai của thảm họa nguyên tử. Với những công ty đứng đầu thế giới về công nghệ và sáng tạo, người ta có quyền hi vọng một làn sóng "công nghệ sạch" mới sẽ bắt nguồn từ Nhật Bản, vốn sẽ không chỉ làm lợi cho quốc gia này mà còn cho cả cộng đồng thế giới nói chung.
Tác động nào cho nền kinh tế thế giới?
Với một nền kinh tế có GDP hơn 5.000 tỉ USD và tham gia sâu rộng vào hầu hết các sân chơi lớn, thảm họa ngày thứ sáu đen tối ở Nhật Bản tất yếu sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế thế giới, vốn đang rất mong manh sau khủng hoảng tài chính 2008.
Điều đó thể hiện trước tiên là việc thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh trong suốt tuần qua. Tuy vậy, ảnh hưởng của nó vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ không quá lớn, dù thời điểm này là quá sớm để đưa ra những con số tính toán chi tiết.
Tác động mạnh mẽ nhất có thể xảy ra là ở chuỗi cung ứng sản xuất hàng điện tử toàn cầu, mà Nhật Bản là một trong những mắt xích trọng yếu. Quốc gia này là nơi sản xuất hơn 40% chip điện tử cho điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng, và là nhà cung ứng chính cho các loại màn hình tinh thể lỏng dùng cho các sản phẩm điện tử.
Trong ngắn hạn, các quốc gia nhận nhiều vốn FDI và vốn hỗ trợ phát triển ODA của Nhật Bản, như Việt Nam, cũng không phải quá lo lắng về sự cắt giảm đột ngột nguồn vốn đầu tư, vì lượng tiền tái thiết sau thảm họa sẽ chủ yếu đến từ các nguồn có tính thanh khoản cao như lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như những nguồn vốn đầu tư ngắn hạn. Những sự thay đổi, nếu có, sẽ chỉ xảy ra trong dài hạn khi chính phủ và các doanh nghiệp Nhật có bất kỳ các chính sách phát triển nào mới.
Tuy vậy, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu không thể thiếu sự tham gia của Nhật Bản, quốc gia có khối lượng thương mại, FDI, và cả ODA hàng đầu trong các nền kinh tế. Cả thế giới vẫn rất cần và chờ đợi một nước Nhật hồi phục mạnh mẽ, tiếp tục đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế toàn cầu như đã từng làm trong nửa cuối thế kỷ trước và trong suốt thập niên qua.
Cảnh tượng chấn động của nước Nhật trong thảm họa. Ảnh: Gazeta Wyborcza
"Một nước Nhật mới"
Thiên nhiên tạo ra nỗi đau cho người Nhật, cũng như một cú đánh mạnh vào người khổng lồ đang ngủ. Nỗi đau có thể không bao giờ nguôi ngoai, nhưng nó sẽ là động lực để nước Nhật thức dậy sau hai mươi năm chìm đắm trong cơn mê dài.
Sự đồng cảm về mất mát đau thương sẽ giúp người Nhật sát lại gần nhau hơn, chấp nhận hi sinh lợi ích cá nhân và hăng say làm việc để tiếp tục bước tiếp. Bản lĩnh của một dân tộc cần cù, chịu khó, thông minh, cùng với tinh thần đoàn kết sắt đá sẽ tạo ra sức mạnh vô biên cho nước Nhật vượt qua thảm họa.
Đó là sức mạnh giúp nước Nhật từ một quốc gia tận đáy của đổ nát vươn lên thành siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới, thì sẽ cũng là sức mạnh đưa quốc gia này đi qua bất kỳ tai ương nào khác. Như thủ tướng Naoto Kan cuối tuần qua đã kêu gọi: "Động đất, sóng thần, và tình hình tại các lò phản ứng hạt nhân đã gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế Chiến II. Nhưng nếu cả quốc gia đồng lòng, chúng ta sẽ vượt qua tất cả."
"Để rồi một ngày nào đó khi nhìn lại thời khắc này, người Nhật sẽ thấy đây chính là thời điểm quyết định để xây dựng một nước Nhật hoàn toàn mới." Lời bình luận của tác giả Nassirine Azimi trên tờ New York Times cũng chính là niềm tin của thế giới dành cho quốc gia mặt trời mọc đáng tự hào này.
VNnet

19 tháng 3, 2011

Những 'huyền thoại' cảm động về người Nhật trên Internet

Có những con người bình dị, vô danh ở đất nước vừa hứng chịu trận động đất lịch sử đã trở thành "huyền thoại" trong mắt cư dân mạng vì cách ứng xử cao thượng của họ.
>Tại sao không có cướp bóc ở Nhật Bản

Cuộc sống hỗn loạn, giá cả tăng cao, nạn cướp bóc luôn là hậu quả khó tránh sau những thảm họa thiên nhiên. Tuy nhiên, người ta không hề nghe nói đến điều đó ở quốc gia mới trải qua trận động đất mạnh tới 9 độ Richter. Người dân ở đây luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, trật tự và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.
Kiên nhẫn xếp hàng lấy nước ở Sendai. Ảnh: OddStuff.
Kiên nhẫn xếp hàng lấy nước ở Sendai. Ảnh: OddStuff.
Chính bởi tinh thần tương trợ này, trên Internet những ngày qua đã xuất hiện một số bức thư được cho là được gửi từ Nhật về Việt Nam, khiến người đọc rơi nước mắt về cách ứng xử của người dân Nhật trong hoạn nạn.
Bức thư thứ nhất kể về một người đàn ông xa lạ đã không ngại dòng nước lũ giúp đỡ ba mẹ con trèo lên ban công an toàn. Tuy nhiên, khi người mẹ cố kéo ông này lên thì bất ngờ có một chiếc ôtô bị nước đẩy thẳng tới chỗ họ và ông đã quyết định giật tay ra, mặc nước cuốn đi để người mẹ kia không bị ngã theo. (Đọc lá thư)
Còn trong một bài viết trên trang blog của Nguyễn Đình Đăng, một người có tên Hà Minh Thành đã chia sẻ câu chuyện khiến bất cứ ai cũng phải khâm phục về suy nghĩ sâu sắc của một cậu bé 9 tuổi.
"Trong cái hàng rồng rắn tôi chú ý đến một đứa nhỏ trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chẳng còn thức ăn nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: 'Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói'. Thằng bé nhận túi lương khô, khom người cảm ơn. Tôi tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến nhưng không, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để vào thùng rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt, mới hỏi và nó trả lời: 'Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ'. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh", Hà Minh Thành chia sẻ và tin rằng một đất nước đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn chắc chắn sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu. (Xem chi tiết)
Chuyện về cậu bé lớp 3 này lập tức được lan truyền sang nhiều blog, mạng xã hội, diễn đàn và trên cả báo chí như một hình ảnh mẫu mực của nước Nhật trong khó khăn.
Hai người Nhật đứng nhìn cảnh hoang tàn sau động đất. Ảnh: AFP
Hai người Nhật đứng nhìn cảnh hoang tàn sau động đất. Ảnh: AFP.
Trong khi đó, cũng không ít bài viết ca ngợi 50 nhân viên nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima đã kiên cường không rời vị trí bất chấp nồng độ phóng xạ đã tới mức nguy hiểm cho tính mạng con người. Họ trở thành những "chú lính chì dũng cảm", những "cảm tử quân" trong mắt cư dân mạng. "Bố cháu nói sẽ chấp nhận số phận như một bản án tử hình. Cháu chưa bao giờ thấy mẹ mình khóc nhiều như vậy. Mong sao bố sẽ trở về an toàn", con gái của một nhân viên Fukushima 1 cho hay.
Một phụ nữ có nickname NamicoAoto chia sẻ trên Twitter: "Bố tôi xung phong trở lại nhà máy dù chỉ nửa năm nữa ông sẽ nghỉ hưu. Đôi mắt tôi như không còn thấy gì vì nước mắt đã dâng đầy. Ở nhà, bố có vẻ không giống với những người có thể giải quyết được việc lớn nhưng hôm nay tôi tự hào về ông". Còn trong e-mail gửi vợ, một nhân viên viết: "Sống tốt em nhé, anh không thể về nhà".
Trong các câu chuyện về những tấm gương quên mình vì nước hay những "người hùng" bình dị hy sinh vì đồng loại..., một số có thật, một số có thể được nâng lên thành huyền thoại nhưng không ai có thể phủ nhận tinh thần đoàn kết, quả cảm của người Nhật đang khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ và học tập.
Robert Bailey, giáo viên 27 tuổi người Anh đang công tác tại Nhật, cũng được ca ngợi như một anh hùng quên mình vì học sinh. Báo DailyMail viết: "Ông bà Bailey ở Lincolnshire đứng ngồi không yên bên điện thoại. Đã vài ngày qua, họ không biết đứa con trai của mình còn sống hay đã chết. Trong tin nhắn cuối cùng vào sáng 11/3, Robert cho hay anh đang đứng lớp ở một thị trấn ven biển Ofunato - một trong những vùng chịu hậu quả nặng nề nhất khi sóng thần quét qua chiều hôm đó.
Robert Bailey (trái) được truyền thông Anh gọi là "anh hùng". Ảnh: DailyMail.
Liên lạc được với người thân sau đó 4 ngày, Robert cho hay anh đã thực sự hoảng sợ nhìn ra cảng, nhưng chợt hiểu rằng anh không thể chỉ lo cho bản thân và nhiệm vụ của anh là phải ở bên học sinh. Dưới sự hướng dẫn của anh, cả lớp đã lên được vùng đất cao hơn và an toàn qua đợt sóng thần. Tuy nhiên, 137 học sinh ở những lớp khác khác vẫn đang mất tích.

18 tháng 3, 2011

Câu chuyện về 180 người anh hùng tại trung tâm hạt nhân của Nhật

Với nhiệm vụ cảm tử đang thực thi, họ được người dân Nhật tôn là những người anh hùng.
Trước nguy cơ rò rỉ phóng xạ ở mức độ cao, mới đây chính phủ Nhật đã quyết định sơ tán 800 công nhân ra khỏi khu vực nhà máy. Hôm 16/3, 180 công nhân đã dũng cảm quay trở lại nơi này để bơm nước làm mát cho các lò phản ứng đã cạn kiệt. Họ thay phiên nhau, mỗi ca 50 người để có thời gian nghỉ, khử nhiễm và cũng không ai có thể ở trong nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi đã bị phá hủy quá 15 phút.
Các công nhân này được gọi với cái tên "Fukushima 50" và họ là niềm hy vọng duy nhất của Nhật Bản để tránh một thảm họa nguyên tử giống như Chernobyl ở Ukraina năm 1986. Những người đàn ông ấy đang chiến đấu để cứu sống hàng triệu con người bất chấp một thực tế, nếu thành công, họ sẽ chết vì nhiễm một lượng phóng xạ chết người. Mặc dù được mặc đồ bảo hộ và đeo mặt nạ chống độc nhưng nguy cơ nhiễm phóng xạ vẫn rất cao. Hiện, chi tiết về những người anh hùng và công việc của họ rất sơ sài.
Do hệ thống làm lạnh chạy bằng điện của nhà máy này đã bị phá hủy sau vụ động đất, sóng thần tuần trước nên họ phải dùng máy bơm nước bằng tay để đưa nước biển vào làm mát các lò phản ứng. Nếu các thanh nhiên liệu không được làm mát kịp thời, chúng sẽ tan chảy và làm rò rỉ lượng phóng xạ chết người vào không khí.
Một nguồn tin liên lạc với nhóm thực thi nhiệm vụ khẩn cấp trên chia sẻ với hãng tin CBS rằng, các công nhân "không sợ chết" khi trở lại lò phản ứng để ngăn chặn tình trạng tan chảy ở các thanh nhiên liệu bởi trên vai họ lúc này là sự an toàn và cuộc sống người dân Nhật Bản.
Miêu tả nỗ lực của những người trên, tờ The New York Times đưa tin: "Họ trườn, bò qua đường dẫn của thiết bị trong bóng tối chỉ với những chiếc đèn pin. Các công nhân phải thở rất khó khăn qua chiếc mặt nạ phòng độc và cõng trên lưng bình oxy nặng trịch. Để tránh cơn mưa bức xạ vô hình lên cơ thể, họ còn mặc cả bộ áo liền quần màu trắng, đội mũ trùm đầu".
Trước tình thế cấp bách, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cuối cùng đã đề nghị một đội công nhân làm nhiệm vụ cảm tử. "Các bạn là những người duy nhất có thể giải quyết được cơn khủng hoảng này", nhà lãnh đạo cấp cao nói.
Chuyên gia an toàn nguyên tử David Lochbaum cho hay, những người đàn ông đó có thể đang phải thực thi một nhiệm vụ cảm tử. Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia, chuyên gia ấy nói rằng, mức độ phóng xạ ở một vài nơi trong các lò phản ứng đủ cao để gây chết người trong vòng 16 giây. Tiến sĩ Chandon Guha, chuyên gia phóng xạ tại Đại học Y Albert Einstein ở New York đã ca ngợi các công nhân đó là những người anh hùng.
TEPCO, công ty điện lực Tokyo, không cung cấp bất cứ thông tin nào về những công nhân này do đó hiện vẫn chưa rõ họ là ai. Nhà tư vấn năng lượng nguyên tử Arnold Gundersen làm việc tại nhà máy giống Fukushima ở Mỹ cho rằng những người này có thể là công nhân bình thường, những người đã nghỉ hưu hoặc công nhân ở nhiều nhà máy khác không bị ảnh hưởng từ thảm họa.
Trước sự dũng cảm đó, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã bày tỏ lòng tôn kính, cúi chào và khuyến khích những người anh hùng. Ngoài các công nhân trên, trực thăng cũng được huy động để tưới nước từ trên cao, tuy nhiên người đứng đầu nội các Nhật, ông Yukio Adeno, cảnh báo đây không phải là cách giải quyết tối ưu bởi nhiều vấn đề phát sinh có thể xảy ra từ phương pháp ấy. Mới đây, chính phủ Nhật đã phải huy động tới máy xúc ủi đất dọn đường để xe cứu hỏa có thể vào được gần hơn các lò phản ứng. Theo NewsMax, số người chết trong thảm họa kép hôm 11/3 có thể đã vượt quá con số 10.000 người. Hiện tại, giới chức Nhật mới công bố chính thức con số 4.000 người.
Theo Bình Minh
Ngôi Sao

15 tháng 3, 2011

Thương quá Nhật Bản ơi

14h46’ thứ Sáu 11/3, trận động đất mạnh 9 độ Richter chỉ kéo dài 2 phút đã khởi đầu cho tất cả. Hơn 6,000 người chết, có hàng nghìn người mất tích, 3 thành phố bị xóa sổ, hàng trăm nghìn người sơ tán vì nguy cơ hạt nhân. Nhưng vượt qua tất cả nổi đau người Nhật vẫn giữ được sự bình tĩnh, lịch sự và văn hóa. 
Ảnh hưởng của động đất tồi tệ hơn bao giờ hết. 3 lò phản ứng hạt nhân đã bị nổ, thanh nhiên liệu đang nóng chảy, nguy cơ nhiễm xạ được cảnh báo cho tất cả người dân dọc bờ biển. ( Nguy cơ ảnh hưởng cả khu vực Thái Bình Dương?).


Một bé gái 4 tháng tuổi được cứu sống một cách thần kỳ

Điện cắt luân phiên, thiếu thức ăn, nhà ở. Vô vàn khó khăn đang chờ đón người dân nơi đây. Vé máy bay từ Nhật ra nước ngoài đã bán hết sạch. Người nước ngoài đang rời nước Nhật. Còn người Nhật thì vẫn kiên cường chịu đựng. Họ chạy đâu nữa? Họ rất bình thản. Các cửa hiệu tại Tokyo vẫn bán hàng. Thức ăn, đồ dùng vẫn đầy ắp. Người bán hàng vẫn lễ phép cúi rạp người chào khách. Người tính tiền vẫn quay mặt đi không nhìn lúc khách hàng bấm mật mã sau khi quẹt thẻ tín dụng để trả tiền. Xem trên TV thấy một cụ già được quân lính cõng ra khỏi khu nhà đổ nát, vẫn mỉm cười trả lời phóng viên. Mấy phụ nữ nhận cơm nắm người ta phát trong căn nhà mất điện tối om, vẫn cúi lạy cảm ơn dưới ánh đèn pin. Cũng thấy có người khóc (cụ già và trẻ con). 

Trên truyền hình và báo chí thế giới vẫn đưa những hình ảnh những con sóng khổng lồ cuốn phăng nhà cửa và ô tô tàu thủy như những món đồ chơi nhỏ, hình ảnh đau khổ những người sống sót thất thần trước cảnh hoang tàn. 
Nhưng không có sự hỗn loạn, hoang mang hay hình ảnh cướp bóc, bạo lực. Ở những nơi cứu nạn, người ta ôm nhau để chia sẽ nỗi đau, người ta đốt lửa ngồi quanh để chia sẽ hơi ấm, lặng yên… bình yên.


Tâm của trận động đất mạnh 9.0 độ richter

Trên mạng xã hội, họ thông báo thông tin cho nhau, không chỉ thông tin về người thân, mà còn có cả thông tin về những người họ mới biết cách đó vài phút. Họ sẵn sàng tìm thông tin, chia sẽ thông tin về những người xa lạ trên mạng chỉ với cách nghĩ “sẽ giúp được ai đó”.

Hình ảnh một người lính ôm một bé gái 4 tháng tuổi được cứu thoát khỏi tử thần đó chính là sự tiêu biểu cho người Nhật: can trường.

Toàn bộ nội các Nhật Bản làm việc hầu như 24/24 từ thứ Sáu. Tất cả, từ thủ tướng, chánh văn phòng chính phủ, các bộ trưởng đều vận đồng phục bảo hộ lao động màu xanh nước biển khi xuất hiện trên truyền hình. Các nữ phát thanh viên ngày thường vốn đã xinh đẹp, bây giờ trông lại các tao nhã hơn bởi vẻ mặt nghiêm trang, áo ngoài đen màu áo tang, áo lót trắng, đọc tin rõ ràng, giọng không hề xúc động.

Một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự, giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong thảm hoạ có thể so với ngày tận thế là một đất nước thực sự vĩ đại.

 
 

Bất chấp những cảnh tượng kinh hoàng do động đất và sóng thần, nước Nhật sẽ bước ra khỏi cuộc khủng hoảng với uy tín lớn mạnh hơn bởi sự kiên cường của người Nhật đang được cả thế giới ca ngợi.


Truyền hình và báo chí khắp thế giới ngày ngày đưa hình ảnh những con sóng khổng lồ cuốn phăng nhà cửa và ô tô tàu thủy như những món đồ chơi nhỏ, hình ảnh những người sống sót thất thần trước cảnh hoang tàn.
Loạt tin và phóng sự cũng cho thấy một nước Nhật Bản khác - người Nhật bình tĩnh và kiên trì đi tìm những người thân hay trật tự chờ đợi đến lượt được nhận nhu yếu phẩm. Không hề có dấu hiệu cướp bóc hay bạo lực.
Một người đàn ông Nhật tìm thông tin về người thân ở tòa thị chính thành phố Natori, tỉnh Miyagi. Ảnh:AFP.
Vô số blog tiếng Anh trên thế giới mô tả những người Nhật là "khắc kỷ", và tự đặt câu hỏi nếu thảm họa như vậy xảy ra ở các nước phương Tây thì không hiểu mức độ thảm cảnh sẽ lên đến đâu.
Giáo sư đại học Havard Joseph Nye nhận xét rằng thảm họa này có thể khiến "quyền lực mềm" của nước Nhật tăng lên. Quyền lực mềm là thuật ngữ ông dùng để mô tả cách mà các quốc gia đạt được mục tiêu của mình bằng cách khiến nước khác ngưỡng mộ.
"Cho dù thảm họa này là to lớn, nó cho thấy một số nét tính cánh tuyệt vời của người Nhật, và sẽ giúp cho quyền lực mềm của họ", Nye viết.
"Họ cho thấy một xã hội ổn định, kỷ luật tốt và được chuẩn bị sẵn sàng cho những thảm họa, một quốc gia hiện đại. Họ đối phó với thảm họa một cách bình tĩnh và trật tự", ông bình luận.
Nhật Bản, một quốc gia với nền hòa bình được quy định trong hiến pháp, vốn từ lâu sử dụng viện trợ như một trong các chính sách đối ngoại quan trọng, nhiều khả năng sẽ phải xem xét lại các ngân khoản một khi họ bước vào giai đoạn tái tiết sau động đất, sóng thần.
Một em bé Nhật đang được soi để phát hiện xem có bị phơi nhiễm phóng xạ, sau các vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, hay không. Ảnh: AP.
Một em bé Nhật đang được soi để phát hiện xem có bị phơi nhiễm phóng xạ, sau các vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, hay không. Ảnh: AP.
Mỗi khi có thảm họa thiên nhiên, hầu như quốc gia nào cũng đều nhận được sự cảm thông và viện trợ từ cộng đồng quốc tế, nhưng hiếm khi nào được sự khâm phục và tăng uy tín như Nhật Bản.
Một số chuyên gia nhận định rằng kinh tế Nhật có thể thoát khỏi giai đoạn trì trệ sau thiên tai. "Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ dự đoán nào. Nhưng tôi nghĩ, cho đến nay, có vẻ như người Nhật đã thể hiện sự kiên cường trong khủng hoảng. Tôi cho là sẽ có nhiều điều để nói trong những ngày tới, tuần tới, về Nhật Bản", Nicholas Szechenyi, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Mỹ, nhận xét.
Báo chí thế giới cũng tràn ngập những lời ca ngợi dành cho người Nhật và công tác chuẩn bị đối phó thiên tai của nước này. Tờ National Post của Canada bình luận rằng tầm nhìn xa của Nhật Bản đã cứu "hàng chục nghìn mạng sống".
"Không như Haiti (2010), Pakistan (2005) hay Tứ Xuyên (2008), số người chết không lên cao vô lý như ở những nơi mà các tòa nhà to tướng đổ sập ngay lập tức lên đầu những người trú ngụ bên trong", báo này viết.
Tờ The Wall Street Journal trong phần xã luận viết: "Sau trận động đất kinh hoàng 300 năm mới có một lần, người Nhật đã giữ được bình tĩnh giữa tình trạng loạn lạc, thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn khổng lồ, và nhận được sự ngưỡng mộ của cả thế giới".
  - Tinh thần đoàn kết cộng đồng nổi tiếng của người dân Nhật Bản hiện hữu rất nhiều ngay cả trong những hoàn cảnh khốc liệt nhất, tại những trung tâm sơ tán chật cứng người địa phương lẫn người nước ngoài – những người may mắn sống sót nhưng vẫn chưa hết bàng hoàng. 


Cuộc đoàn tụ hiếm hoi ở một trung tâm sơ tán
Từ việc phân công nhau nhiệm vụ giữa những tình nguyện viên cho đến việc sắp xếp giày dép ngăn nắp bên ngoài những khu vực tạm trú, cuộc sống ở những trung tâm được dựng nên sau trận động đất/sóng thần kinh hoàng hôm 11/3 rất ngăn nắp và yên bình, trái ngược hẳn với khung cảnh tang thương bên ngoài sau cơn giận dữ của Mẹ Thiên nhiên.
“Tôi chưa từng trải qua thời khắc khủng khiếp nào như vậy, vì thế tôi không biết điều gì sẽ đến. Trong phim ảnh, bạn luôn thấy mọi người gây loạn và kêu la, nhưng ở trung tâm này, tôi thực sự thấy bình tĩnh trở lại”, Jouvon Evans một lưu học sinh người Canada cho hay.
Nhân dịp cuối tuần, cô sinh viên 24 tuổi đến từ Toronto và đang học ở Tokyo này đã đi tàu đến thành phố Sendai với 6 người bạn mà không thể lường trước được đây là khu vực bị ảnh hưởng khủng khiếp nhất của trận động đất 9,0 độ richter và sóng thần. “Vài người trong số chúng tôi nghĩ là tàu sẽ bị lật”, cô nhớ lại.
Kể từ khi may mắn thoát chết, cô đã lưu lại trung tâm cộng đồng ở Natori, bên ngoài thành phố Sendai cùng các bạn, trong đó có Alice Caffyn, 21 tuổi, đến từ London.
Caffyn đặc biệt ấn tượng về thái độ ân cần của những người lạ và sự phục vụ chu đáo ở khu vực do người dân tự thành lập ra các hoạt động khẩn cấp mà không có sự giúp đỡ nhiều từ các quan chức địa phương. “Rõ ràng họ đã giúp chúng tôi lấy lại bình tĩnh. Mọi người thực sự rất tốt với chúng tôi”, Caffyn nói với cánh nhà báo từ khu vực nằm trên vùng đất cao. Cô không quên nói thêm rằng thái độ đó có được từ những người đang đau đớn đến tận cùng với những mất mát không gì bù đắp được mà thiên nhiên vừa gây ra cho họ.
“Có một nhóm phụ nữ đứng tuổi luôn đến với chúng tôi. Họ sống ở khu vực này. Bất kỳ khi nào trở lại, họ đều mang đến những bữa ăn đã được chuẩn bị chu đáo”, cô nói trong cảm động.
Ở một trung tâm sơ tán khác tại Sendai, sân tập thể dục của một trường trung học đã được trưng dụng, nhưng tấm lòng và ý thức của mọi người thì vẫn thế. Các ông chủ doanh nghiệp địa phương tận tay trao các món tiếp tế, trong khi các tình nguyện viên phục vụ đồ uống.
Trên các đường phố, mọi người xếp hàng bình tĩnh chờ đến lượt mua từng lít xăng. Họ đứng đó, trật tự và rất ý thức, đối ngược với cảnh hoang tàn cách mình chỉ vài bước chân, giữa thành phố gần như chỉ còn là những đống đổ nát - nhà cửa bị phá hủy, ô tô bị lật úp, những cánh đồng hoàn toàn chìm trong nước sâu.
Caffyn nói cô, Evans và những người bạn đang có kế hoạch đi bộ để thoát khỏi khu vực thảm họa, nhưng sẽ không bao giờ quên được lòng mến khách mà họ đã nhận được từ nơi đây. “Dường như trong nhiều trung tâm khác, nguồn lương thực cũng rất hạn hẹp, nên chúng tôi nghĩ là mình đã rất may măn”, một lưu học sinh người Anh đang nghiên cứu tại Đại học Cơ đốc Quốc tế (International Christian University) ở thủ đô Tokyo nói. “Đây giống như thiên đường với chúng tôi. Thiên đường này nằm ngay tại nơi tan hoang nhất”.

  Trên khắp thế giới, các dấu hiệu về những bất ổn của con người - cảnh cướp bóc và tranh giành đồ ăn và dịch vụ - thường xảy ra sau các thảm họa. Nhưng dường như những điều đó lại hoàn toàn vắng bóng tại Nhật Bản.

Mọi người xếp hàng trước cửa một siêu thị ở Sendai, phía đông bắc Nhật Bản.
Quang cảnh nhiều khu vực ở phía bắc Nhật Bản trông giống như hậu quả thời Thế chiến II. Không một quốc gia công nghiệp phát triển nào kể từ đó lại chứng kiến số người chết vì thiên tai cao như vậy.
Theo dõi tin tức tại Nhật Bản thật khủng khiếp với 3 thảm họa liên tiếp - trận động đất mạnh kỷ lục, sóng thần và một nhà máy điện hạt nhân đang gặp sự cố. Nhưng có những thông tin tốt lành mà cả thế giới phải học tập.
Tại những nơi hàng hóa từ các tổ chức cứu trợ được đưa tới, mọi người xếp hàng đúng trật tự, lịch sự, bình tĩnh và không có thông tin về các cuộc ẩu đả, xô đẩy hay tranh giành. Các siêu thị Nhật đã giảm giá mạnh và các chủ sở hữu máy bán hàng tự động đã mở các máy bán hàng, phân phát nước uống miễn phí cho các nhân viên cứu trợ, nhân viên khẩn cấp và những người tình nguyện tham gia trợ giúp trong thảm họa.
Và đặc biệt nhất là bất chấp sự tàn phá và sự khan hiếm hàng hóa, không xảy ra cảnh cướp bóc. Sự vắng bóng của nạn cướp bóc tại Nhật Bản đã khiến nhiều người quan sát phương Tây bất ngờ. Đối lập với các thảm họa thiên nhiên gần đây trên khắp thế giới, người Nhật có vẻ như rất đoàn kết và cư xử có trật tự, thay vì tận dụng cuộc khủng hoảng để tư lợi cá nhân.
“Tinh thần đoàn kết đặc biệt cao tại Nhật Bản. Sức mạnh xã hội có thể còn ấn tượng hơn sức mạnh công nghệ của Nhật Bản”, nhà báo Ed West viết trên tờ Telegraph của Anh.
Nhìn trên khắp thế giới, cảnh cướp bóc không phải là hiếm sau các trận thiên tai gần đây. Sau siêu bão Katrina, người New Orlean đã chứng kiến nạn cướp bóc trên quy mô mà nhiều người Mỹ cũng phải bất ngờ. Sau trận động đất tại Chile hồi năm ngoái, nạn cướp bóc diễn ra nghiêm trọng tới nỗi quân đội phải can thiệp.
Nạn cướp bóc tràn lan đã xảy ra tại Haiti sau trận động đất hồi năm ngoái và trong trận lũ lụt tại Anh năm 2007. Tại New Zealand, nạn cướp bóc và hôi của cũng xảy ra sau trận động đất hồi tháng 3 năm ngoái.
“Tại sao một số nền văn hóa đối phó với thảm họa bằng cách biến của cải của người khác thành của chính mình nhưng các nền văn hóa khác, đặc biệt là người Nhật, lại chứng tỏ lòng vị tha thậm chí trong thảm họa?”, Ed West viết.
Trên thực tế, mọi thứ dường như đang trở nên tồi tệ hơn tại Nhật Bản. Lương thực, nhiên liệu, nước sạch và điện đều bị cắt giảm.
 
Các kệ hàng trống trơn tại một siêu thị ở Tokyo.
Một số gian hàng trong các siêu thị trống trơn. Tại khu vực đông dân cư Nerima của thủ đô Tokyo, các nhu yếu phẩm như gạo, bánh mì, mì ăn liền đều cháy hàng. Điện bị cắt để tiết kiệm điện năng.
 
“Khoảng 40-50 người đã xếp hàng bên ngoài khi chúng tôi mở cửa lúc 10 giờ sáng. Lượng thực phẩm dự kiến bán trong một ngày đã hết veo chỉ trong 1 giờ. Chúng tôi đã được chuyển đến một lượng thực thẩm tương tự khác vào buổi trưa nhưng cũng bán hết chỉ trong một giờ”, ông Toshiro Imai, một quản lý cửa hàng tại Tokyo, cho biết.
Hơn 100 tuyến tàu điện tại khu vực Tokyo hôm thứ Hai đã bị gián đoạn do cắt điện, khiến việc đi lại của hành khách bị ảnh hưởng khi mọi người trở lại làm việc sau ngày nghỉ cuối tuần.
Công ty điện Tokyo đã bắt đầu cắt điện luân phiên tại Tokyo và các thành phố lân cận để tiết kiệm điện giữa lúc xảy ra cuộc khủng hoảng tại các nhà máy điện hạt nhân ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.
Kênh truyền hình NHK đã chiếu hình ảnh quay được từ trên cao về tỉnh Ibaraki, phía bắc Tokyo, nơi quang cảnh là một màu đen kịt ngoại trừ vài đốm sáng từ những chiếc ô tô.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn, cách cư xử của người Nhật dường như ngày càng tốt hơn.
Một nhân chứng tại Miyagi, gần tâm chấn của động đất, cho hay: “Khí đốt và nước đã bị cắt tại Miyagi và thành phố Sendai. Ngoại trừ các trường hợp đặc biệt, điện cũng bị cắt. Nhưng không có sự hoảng sợ trên đường phố cũng như trong các cửa hàng”.
Những đức tính của người Nhật như lịch sự, trung thực, hành động có trật tự... vốn được nhiều người ngưỡng mộ.
Một người Brazil hoạt động trong lĩnh vực trang sức do mệt mỏi sau một chuyến bay dài đã để quên một hành lý không khóa chứa hàng nghìn USD tiền mặt và nhiều đá quý trên một tuyến tàu điện ở Tokyo. Chủ nhà trọ đã trò chuyện với anh này và dẫn anh tới nhà ga quản lý tàu điện. Tại đây, hành lý và toàn bộ tài sản bên trong đã đợi chủ nhân tại quầy đồ đạc thất lạc.
Những câu chuyện như vậy có thể tin được tại Nhật Bản nhưng lại khó tin ở New York, Paris hay London. Vì sao vậy?
Gregory Pflugfelder, giám đốc trung tâm Văn hóa Nhật Donald Keene tại Đại học Colombia (Mỹ), giải thích: “Người Nhật có ý thức rằng trước hết phải có trách nhiệm với cộng đồng”.

 

13 tháng 3, 2011

Tan thương Nước Nhật

 Nhìn vào những hình ảnh khủng khiếp mà người dân xứ sở hoa anh đào trải qua thì không ai không càm thương và xúc cảm trước nỗi mất mát quá lớn. Càng thấy con người quá nhỏ trước thiên nhiên hùng mạnh và tàn khốc.

Xin gửi toàn thể nhân dân nhật lời chia buồn sâu sắc và mong rằng " Sau màng đêm luôn là bình mình phía trước" - " mầm sống luôn nằm dưới lớp tro tàn". Hỡi nhân dân Nhật - Bình minh sẽ mọc trên xứ mặt trời. 

Xe hơi bay lên mái nhà, hàng trăm container nằm ngổn ngang, tàu hỏa bị phá tan là những hình ảnh cho thấy sức mạnh khủng khiếp của động đất và sóng thần tại Nhật Bản hôm 11/3.

Xe cộ và các đống đổ nát làm tắc nghẽn giao thông tại thành phố Kesennuma, tỉnh Miyagi. Ảnh: AP.
Hàng trăm container nằm ngổn ngang tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi hôm 12/3. Ảnh: AP.
Hàng chục ngôi nhà tại thành phố Yamada, tỉnh Iwate cháy liên tục trong hai ngày sau khi động đất xảy ra. Ảnh: AFP.
Xe hơi tựa vào cột điện sau khi sóng thần tràn qua thành phố Miyako, tỉnh Iwate hôm 11/3. Ảnh: AP.
Những toa tàu cũng bị sóng thần cuốn trôi tại thành phố Shinchi, tỉnh Fukushima. Ảnh: AP.
Những ngôi nhà và tàu xiêu vẹo vì sóng thần tại thành phố Kesennuma, tỉnh Miyagi. Ảnh: Pressphoto.
Xe tải bị sóng thần hất tung lên cao.
Xe tải làm gẫy cột điện khi bị sóng thần hất lên cao tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi. Ảnh: AP.
Tàu cá và xe hơi trôi nổi trên mặt biển gần cảng Onahama, thành phố Iwaki, tỉnh Fukushima sau trận sóng thần hôm 11/3. Ảnh: AFP.
Khói bốc lên từ những đám cháy tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi hôm 12/3. Ảnh: AP.
Xe hơi bị sóng thần đẩy lên mái nhà
Xe hơi bị sóng thần đẩy lên mái nhà ở thành phố Sendai, tỉnh Miyagai hôm 11/3. Ảnh: AP.


Đối với nhiều người dân Nhật Bản, cơn ác mộng còn kéo dài ngay trong cả lúc bình minh. Dưới ánh sáng ban ngày, thảm họa động đất sóng thần càng trở nên rõ nét. 
Nhiều người đã bị lâm vào cảnh “vô gia cư”. Hàng triệu hộ gia đình phải sống trong cảnh không điện, không nước, thiếu phương tiện giao thông công cộng.  Thậm chí, hàng trăm nghìn người còn phải tiếp tục sơ tán do nguy cơ cháy nổ của nhà máy điện hạt nhân. 


  
Người Nhật thức dậy trong cảnh hoang tàn


Động đất sóng thần đã tàn phá nhiều khu vực rộng lớn ở Nhật Bản. 


Thành phố Rikuzentakata bị tàn phá nặng nề.


Nhiều con tàu khổng lồ chuyên vượt đại dương cũng "bó tay" trước sự tàn phá của sóng thần.


Hầu như không có con đường nào trong khu vực không bị hư hại…


… nhiều cây cầu đã bị đổ sập.


Nhiều đoàn tàu đang chở khách bị hất khỏi đường ray và nhiều người đi trên tàu 
vẫn còn bị coi là mất tích.


Hệ thống cung cấp điện cũng không còn hoạt động.


Một số đám cháy vẫn chưa được dập tắt. 


Lực lượng cứu hỏa bị căng trải trên nhiều mặt trận và dường như đã bị quá tải. 


Các lực lượng cứu trợ đang đứng trước một khối lượng công việc khổng lồ. 
Công việc dọn dẹp sẽ còn kéo dài nhiều tháng và 
hậu quả còn đè nặng nhiều năm.


Máy bay quân sự cũng không tránh khỏi số phận bi thảm…


Thậm chí, một căn cứ quân sự quan trọng cũng bị san bằng. 


Do thiếu phương tiện, binh sĩ Nhật phải dùng đến phương tiện thô sơ 
để cứu những người đang bị mắc kẹt.


Một ngày sau trận siêu địa chấn và cơn đại hồng thủy ở Nhật, khắp nơi nhà cửa đổ nát, vẫn còn bốc cháy, trong khi xe hơi, tàu thuyền bị bắn tứ tung, nhiều vùng vẫn ngập nước. Một số thành phố gần như bị xóa sổ, với hàng chục ngàn người mất tích...


Lính cứu hỏa (ở dưới) dập lửa trong số hàng trăm chiếc xe bị sóng thần cuốn trôi và bắt lửa tại Hitachi, quận Ibaraki, đông bắc Tokyo sáng ngày 12/3, một ngày sau khi siêu động đất tấn công khu vực.


Một chiếc tàu đánh cá bị sóng thần đánh dạt nằm lật nghiêng trên đất ở gần một hải cảng tại Hachinohe, tỉnh Aomori.


Khói bốc lên từ những khu nhà vẫn đang cháy ở một khu công nghiệp tại Tagajo, tỉnh Miyagi, một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất bởi trận siêu động đất, sóng thần ngày hôm trước.


Một ngôi nhà bốc cháy giữa những ngôi nhà đã bị thiêu rụi khác ở Kesennuma, tỉnh Miyagi.


Một người đàn ông cầu khấn trước ngôi nhà bị sóng thần tàn phá ở Minami Soma, Fukushima, miền bắc Nhật.


Những chiếc xe cùng máy bay hạng nhé bị cuốn trôi, chìm nghỉm trong nước ở sân bay Sendai, thuộc tỉnh Miyagi, sau cơn đại hồng thủy.


Một nạn nhân được cứu từ mái của trường tiểu học ở Sendai.
Người mắc kẹt trên nóc một trường tiểu học ở Sendai.


Tàu bị sóng thần đánh bắn vào trong đất liền ở gần một cảng tại Kesennuma, Miyagi.


Một đường băng tại sân bay Sendai, thành phố cảng Sendai được “trải” xe hơi và bùn đất do sóng thần cuốn tới.

 Tàu thuyền bị sóng thần đánh vào đất liền tại Minami Soma, Fukushima.
Một chiếc máy bay hạng nhẹ “ngự” giữa đống đổ nát ở sân bay Sendai, tỉnh Miyagi.
Ảnh chụp từ trực thăng phơi bày cảnh tượng hoang tàn ở thành phố ven biển Rikuzentakata, thuộc tỉnh Iwate, với đổ nát khắp nơi, nhà cửa bị phá hủy. Gần như toàn bộ thành phố bị xóa sổ.


Nhân viên cứu hỏa trước một nhà máy bị sập tại Sukagawa, Fukushima.


Một chiếc thuyền bị sóng thần cuốn vào tận khu vực nội thành ở Kesennuma, Miyagi.

Các tòa nhà ở nhà máy phát điện Haramachi ở Minami Soma, Fukushima, bị tàn phá sau thảm họa động đất, sóng thần.
Xe cộ bị sóng thần đánh bật ở Ofunato, Iwate


Tàu bốc cháy ngoài khơi Kesennuma, Miyagi.


Thuyền đánh cá bị sóng thanafh đánh dạt ở Hachinohe, Aomori
Biểu tượng kêu cứu trên sân của một trường học tại Minami Sanrikucho, Miyagi


Người đợi được cứu trên mái của một tòa nhà bị đống đổ nát bủa vây ở Rikuzentakada, Iwate.


Người dân tìm đường qua những đống đổ nát ở Sendai.
Khói đen bốc lên bao phủ bầu trời ở Tagajo, Miyagi