H4
Daily
HỌC HỎI PHƯƠNG TÂY, ĐUỔI KỊP PHƯƠNG TÂY, VƯỢT QUA PHƯƠNG TÂY
Phố Wall ra sao khi các gói kích cầu đi qua?
Mặc dù nền kinh tế Mỹ bắt đầu tăng trưởng trở lại nhưng giới đầu tư chứng khoán vẫn đối mặt với nhiều bất ổn trong tuần tới khi dõi theo nhận định từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và bản báo cáo việc làm quan trọng.
Báo cáo chính sách hàng tháng của FED có thể cho thấy ngân hàng trung ương sẽ rút lại bớt các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Trong khi đó, bản báo cáo việc làm lĩnh vực dịch vụ và khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) sẽ cung cấp một số dấu hiệu ban đầu về tình hình nền kinh tế trong quý 4.
Mối quan ngại hiện nay của giới đầu tư là việc các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ có thể bị thu hồi quá sớm.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày Thứ Sáu do phản ứng quá nhạy cảm của nhà đầu tư trước các dấu hiệu yếu kém từ nền kinh tế. Chỉ số S&P 500 ghi nhận tháng giảm điểm đầu tiên trong vòng 8 tháng qua do nhà đầu tư vẫn còn khá hoài nghi về mức độ bền vững của đợt phục hồi.
Bên cạnh đó, vào ngày Thứ Tư, các thị trường tài chính cũng kỳ vọng vào sự thay đổi trong bản thông báo sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) với việc lãi suất cơ bản có thể được nâng lên vào cuối năm 2010.
Thông báo của FOMC, cùng với việc FED có thể bắt đầu thu hồi một số biện pháp gia tăng thanh khoản thông qua việc mua trái phiếu trước đó, sẽ gây tác động không nhỏ lên thị trường chứng khoán.
Theo dự đoán, số việc làm cắt giảm trong Tháng 10 có phần suy giảm. Tuy nhiên, nếu có bất ngờ tiêu cực nào xảy ra tương tự như tháng trước khi tỷ lệ thất nghiệp leo thang lên mức cao 26 năm, thì niềm tin vào đà hồi phục kinh tế sẽ bị lung lay và đẩy chứng khoán lao dốc.
Theo dự đoán từ các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Reuters, giới tuyển dụng Mỹ đã cắt giảm khoảng 175,000 việc làm trong Tháng 10, giảm mạnh so với con số việc làm bị cắt giảm trong Tháng 9 là 263,000 việc làm.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong Tháng 10 ước tăng lên mức 9.9% so với con số 9.8% trong Tháng 9.
Được biết, bản báo cáo việc làm trong lĩnh vực dịch vụ và tỷ lệ thất nghiệp sẽ được công bố vào Thứ Sáu tới.
Liên quan đến mùa kết quả kinh doanh quý 3, lợi nhuận và triển vọng của Ford, nhà sản xuất ô tô duy nhất của Mỹ tránh được nguy cơ phá sản, sẽ là một chỉ báo quan trọng cho biết tình hình doanh số bán ô tô trong bối cảnh không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào của Chính phủ.
Theo đó, báo cáo của Ford sẽ được đưa ra vào Thứ Hai, một ngày trước khi số liệu doanh số ô tô của Mỹ được công bố. Giới phân tích và các giám đốc điều hành kỳ vọng doanh số bán xe của Mỹ tăng từ 9.2 triệu đơn vị trong Tháng 9 lên 9.8 triệu đơn vị trong Tháng 10.
Được biết, doanh số ô tô Tháng 8 tại Mỹ đã tăng nhanh đến chóng mặt sau khi chương trình “Đổi xe cũ lấy tiền” trị giá 3 tỷ USD của Chính phủ liên bang kích nhu cầu mua xe tăng mạnh.
Lĩnh vực nhà đất và những con số
Pulte Homes, công ty xây dựng nhà lớn nhất nước Mỹ sau khi sáp nhập với Tập đoàn Centex vào mùa hè vừa qua, sẽ báo cáo lợi nhuận vào ngày Thứ Tư. Nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao những nhận định và đánh giá về phương pháp quản lý của công ty này để tìm kiếm thêm các dấu hiệu phục hồi vững chắc của thị trường nhà đất Mỹ.
Doanh số nhà chờ bán Tháng 9 công bố ngày Thứ Hai được dự báo không đổi sau khi tăng vọt 6.4% trong Tháng 8.
Bàn về kế hoạch kết thúc chương tình tín thuế trị giá 8,000 USD cho người mua nhà lần đầu tiên, vốn là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho thị trường nhà đất trong suốt thời gian qua, có thể làm xáo động giới đầu tư. Chương trình tín thuế này chính thức hết hiệu lực vào ngày 30/11.
Được biết, Quốc hội đang xem xét đề xuất kéo dài chương trình này, nhưng trước khi hết hiệu lực hoàn toàn, chương trình này sẽ tiếp tục là yếu tố tác có tác động lên các thị trường tài chính.
Chống bảo hộ để giảm tác động của khủng hoảng
Tại cuộc thảo luận về buôn bán quốc tế và phát triển trong nền kinh tế vĩ mô ngày 30/10, các nước thành viên Liên hợp quốc nhấn mạnh cộng đồng quốc tế phải kiên quyết chống bảo hộ mậu dịch và kết thúc Vòng đàm phán Doha về tự do thương mại để giảm nhẹ tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, đặc biệt đối với người nghèo.
Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về buôn bán và phát triển (UNCTAD) Supachai Panitchpakdi và đại diện nhiều cơ quan chuyên môn về kinh tế của Liên hợp quốc đã cảnh báo những biện pháp đơn phương chống các nước đang phát triển trong buôn bán quốc tế.
Các đại biểu đề nghị sửa đổi toàn diện hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế, tăng cường giám sát các thị trường tài chính ở tầm vi mô và vĩ mô, đồng thời coi chống biến đổi khí hậu là nhiệm vụ song hành với phát triển.
Đại diện các khối nước hoặc các khu vực như Nhóm 77 gồm các nước đang phát triển, Liên minh châu Âu, Cộng đồng Caribe kêu gọi nhanh chóng kết thúc Vòng đàm phán Doha về tự do thương mại vì khủng hoảng tài chính đã làm giảm nhu cầu toàn cầu trong khi khủng hoảng năng lượng và lương thực làm giảm nguồn cung toàn cầu.
Các nước đề nghị cần có không gian chính sách tin cậy nhằm định hướng thị trường, đặc biệt phải thận trọng đối với các thử nghiệm kinh tế để tránh tác động dài hạn.
Trước đó, phúc trình hôm 29/10 của Ủy ban Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc đặc trách châu Á-Thái Bình Dương nhận định các nền kinh tế châu Á sẽ phát triển trở lại trong năm 2010, thương mại khu vực được thúc đẩy.
Trong thời kỳ khủng hoảng, các nhà đầu tư chỉ tìm đến những tài sản an toàn và có tính thanh khoản lớn như trái phiếu chính phủ Mỹ.
Lượng cầu lớn đổ vào các tài sản an toàn đã đẩy đồng đô la tăng giá sau sự sụp đổ của Lehman Brothers tháng 9 năm ngoái.
Giờ đây, khi nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán đang bật lên thì đồng bạc xanh lại quay về xu hướng giảm giá, gây không ít khó khăn cho những quốc gia áp dụng tỷ giá thả nổi.
Họ có ba lựa chọn để phản ứng lại quá trình này: can thiệp trực tiếp ngăn không cho đồng nội tệ tăng giá, gián tiếp làm giảm giá bản tệ bằng các tuyên bố, hoặc là phải chấp nhận điều này.
Brazil đã chọn cách thứ nhất. Bị hấp dẫn bởi triển vọng tăng trưởng kinh tế và lãi suất ngắn hạn cao, các dòng vốn nước ngoài ào ạt đổ vào nước này, đẩy cổ phiếu trong nước và đồng real (bản tệ của Brazil) lên giá.
Để ngăn chặn làn sóng này, tuần qua chính phủ Brazil đã áp đặt lại thuế đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu và trái phiếu.
Dù còn nhiều nghi ngờ về kết quả dài hạn của biện pháp này, nhưng thực sự chúng đã có tác dụng tức thời: đồng real đã giảm 2% sau khi đã tăng hơn 1/3 giá trị kể từ tháng 3. Thị trường chứng khoán Brazil cũng giảm gần 3%.
Một số quốc gia khác sử dụng phương pháp gián tiếp.
Trong bản tuyên bố đưa ra sau hội nghị bàn về chính sách tiền tệ vào ngày 20/10, ngân hàng trung ương Canada cho rằng đồng đô la Canada quá mạnh sẽ cuốn phăng tất cả những tin tức tốt lành từ nền kinh tế trong ba tháng qua.
NHTW Canada lập luận rằng đồng nội tệ tăng giá sẽ gây áp lực làm giảm xuất khẩu và khiến lạm phát quay lại mục tiêu 2% muộn hơn dự tính.
Thị trường ngoại hối đã phản ứng nhanh chóng trước tuyên bố này: đồng đô la Canada giảm 2% so với đô la Mỹ.
Nỗ lực của châu Âu để kiềm chế đồng USD suy giảm lại tỏ ra ít tác dụng hơn.
Ông Henri Guaino, cố vấn của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, đã miêu tả tỷ giá 1,5 USD đổi 1 euro vừa được thiết lập tuần qua như là một “thảm họa”. Ngài Sarkozy cũng thường xuyên than vãn về khó khăn của những nhà xuất khẩu khi euro tăng giá.
Tuy nhiên, những quốc gia khác trong khu vực đồng euro tỏ ra ít lo lắng hơn.
Bộ trưởng tài chính Hà Lan Walter Bos nói đơn giản: ”Đồng euro lên giá phản ánh sức mạnh của nền kinh tế châu Âu”. Đối với các công ty của Đức, nước xuất khẩu hàng đầu châu Âu, thì mức 1 euro đối 1,5 USD vẫn nằm trong giới hạn chịu đựng.
Mặc dù đồng euro tăng đột ngột, nhưng những nhà xuất khẩu Đức vẫn làm ăn tốt nhờ lượng cầu về tư liệu sản xuất chuyên biệt từ khu vực châu Á và Trung Đông dường như không bị ảnh hưởng bởi giá cả.
Ngược lại, Pháp đang gặp nhiều khó khăn hơn. Bản báo cáo đầu năm nay của Ủy ban châu Âu cho thấy các nhà xuất khẩu của Pháp đã bị giảm thị phần trong thập niên ra đời đầu tiên của đồng euro.
Các quốc gia khác trong khu vực như Hy Lạp, Ireland, Italia hay Tây Ban Nha ít nhiều được hưởng lợi vì các khoản nợ phải trả giảm giá trị.
Nhưng dù vậy,vẫn còn đó nỗi lo ngại khi nguy cơ đồng đô la sụt giảm có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu ECB, ông Jean-Claude Trichet lặp đi lặp lại quan điểm của ông rằng những nhà hoạch định chính sách hai bờ Đại Tây Dương đều nhất trí một đồng đô la mạnh là vì lợi ích của nước Mỹ.
Điều này thể hiện quyết tâm chung trong việc ngăn chặn USD trượt giá. Nhưng trên thực tế, nước Mỹ cần đồng đô la suy yếu để vực dậy nền kinh tế và tái cấu trúc nó theo hướng xuất khẩu, tránh dựa vào tiêu dùng trong nước.
Trung Quốc và một số quốc gia châu Á đã chọn cách đi theo bước suy yếu của USD, vì thế gánh nặng điều chỉnh tỷ giá được dồn cả cho euro.
Các ủy viên hội đồng kinh tế EU, ông Trichet và ông Joaquin Almunia cùng với ngài Jean-Claude Juncker, chủ tịch hội đồng bộ trưởng tài chính các nước châu Âu, sẽ có chuyến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay để gây áp lực buộc đồng nhân dân tệ tăng giá.
Một số người nghĩ rằng giải pháp hoàn toàn nằm trong quyền hạn của ECB: nếu ECB hạ lãi suất thì đồng euro sẽ giảm giá so với USD.
Tuy nhiên, dù lãi suất cơ bản của ECB là 1%, cao hơn của Fed, nhưng cũng đã là quá nới lỏng, bởi các ngân hàng thừa thãi tiền từ những khoản vay dài hạn đã đẩy lãi suất trên thị trường xuống mức ngang bằng với các nước phát triển khác.
Stephen Jen, giám đốc quỹ đầu cơ BlueGold Capital, cho rằng một đồng euro mạnh thậm chí có thể có ích khi cho phép ECB duy trì chính sách nới lỏng lâu dài hơn.
Nhưng rốt cuộc ECB vẫn phải đối mặt với vấn đề cũng đang khiến các ngân hàng trung ương khác đau đầu: chừng nào Mỹ còn giữ lãi suất thấp thì những nỗ lực thắt chặt tiền tệ của họ (thậm chí cả những biện pháp vụng trộm để không làm tăng lãi suất chuẩn) đều khiến đồng nội tệ mạnh hơn.
Dường như đó cũng là cái giá mà ngân hàng trung ương Australia sẽ phải trả. Ngày 6/10, hội nghị bàn về chính sách của ngân hàng này đã quyết định tăng lãi suất cơ bản và bỏ qua vấn đề tỷ giá.
Những người ấn định lãi suất nước này quy cho việc đồng đô la Australia lên giá là do nền kinh tế vững vàng và hàng hóa cơ bản được giá.
Tương tự như vậy, thống đốc ngân hàng trung ương New Zealand Alan Bollard nói với các chính trị gia rằng đồng đô la kiwi lên giá sẽ không cản trở việc nâng lãi suất lên cao hơn.
Vào thời điểm kinh tế thế giới rơi tự do, tất cả các quốc gia đều tìm cách kích thích kinh tế trong nước. “Điều tưởng như là sự phối hợp đó lại là sự trùng hợp” – ông David Woo thuộc Barclays Capital nói.
Thế nhưng sự hồi phục lại không ngang bằng nhau giữa các quốc gia. Những nước có quan hệ chủ yếu với các nền kinh tế mới nổi châu Á như Australia vẫn lạc quan khi đồng bạc xanh mất giá, thậm chí ngay cả Nhật Bản cũng không quá lo lắng.
Tuy nhiên ở bất cứ nơi đâu thì đồng đô la suy yếu cũng sẽ đem lại nhiều thách thức hơn.