31 tháng 10, 2009

Đồng đôla mất giá gây nhiều xáo trộn tại những quốc gia áp dụng cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi.

Xét về mặt nào đó, đồng đô la suy yếu lại là tin tốt cho thế giới. Theo sau sự hồi phục kinh tế là sự trỗi dậy của các hoạt động đầu tư rủi ro cao như cổ phiếu hay trái phiếu doanh nghiệp.

Trong thời kỳ khủng hoảng, các nhà đầu tư chỉ tìm đến những tài sản an toàn và có tính thanh khoản lớn như trái phiếu chính phủ Mỹ.

Lượng cầu lớn đổ vào các tài sản an toàn đã đẩy đồng đô la tăng giá sau sự sụp đổ của Lehman Brothers tháng 9 năm ngoái.

Giờ đây, khi nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán đang bật lên thì đồng bạc xanh lại quay về xu hướng giảm giá, gây không ít khó khăn cho những quốc gia áp dụng tỷ giá thả nổi.

Họ có ba lựa chọn để phản ứng lại quá trình này: can thiệp trực tiếp ngăn không cho đồng nội tệ tăng giá, gián tiếp làm giảm giá bản tệ bằng các tuyên bố, hoặc là phải chấp nhận điều này.

Brazil đã chọn cách thứ nhất. Bị hấp dẫn bởi triển vọng tăng trưởng kinh tế và lãi suất ngắn hạn cao, các dòng vốn nước ngoài ào ạt đổ vào nước này, đẩy cổ phiếu trong nước và đồng real (bản tệ của Brazil) lên giá.

Để ngăn chặn làn sóng này, tuần qua chính phủ Brazil đã áp đặt lại thuế đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu và trái phiếu.

Dù còn nhiều nghi ngờ về kết quả dài hạn của biện pháp này, nhưng thực sự chúng đã có tác dụng tức thời: đồng real đã giảm 2% sau khi đã tăng hơn 1/3 giá trị kể từ tháng 3. Thị trường chứng khoán Brazil cũng giảm gần 3%.

Một số quốc gia khác sử dụng phương pháp gián tiếp.

Trong bản tuyên bố đưa ra sau hội nghị bàn về chính sách tiền tệ vào ngày 20/10, ngân hàng trung ương Canada cho rằng đồng đô la Canada quá mạnh sẽ cuốn phăng tất cả những tin tức tốt lành từ nền kinh tế trong ba tháng qua.

NHTW Canada lập luận rằng đồng nội tệ tăng giá sẽ gây áp lực làm giảm xuất khẩu và khiến lạm phát quay lại mục tiêu 2% muộn hơn dự tính.

Thị trường ngoại hối đã phản ứng nhanh chóng trước tuyên bố này: đồng đô la Canada giảm 2% so với đô la Mỹ.

Nỗ lực của châu Âu để kiềm chế đồng USD suy giảm lại tỏ ra ít tác dụng hơn.

Ông Henri Guaino, cố vấn của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, đã miêu tả tỷ giá 1,5 USD đổi 1 euro vừa được thiết lập tuần qua như là một “thảm họa”. Ngài Sarkozy cũng thường xuyên than vãn về khó khăn của những nhà xuất khẩu khi euro tăng giá.

Tuy nhiên, những quốc gia khác trong khu vực đồng euro tỏ ra ít lo lắng hơn.

Bộ trưởng tài chính Hà Lan Walter Bos nói đơn giản: ”Đồng euro lên giá phản ánh sức mạnh của nền kinh tế châu Âu”. Đối với các công ty của Đức, nước xuất khẩu hàng đầu châu Âu, thì mức 1 euro đối 1,5 USD vẫn nằm trong giới hạn chịu đựng.

Mặc dù đồng euro tăng đột ngột, nhưng những nhà xuất khẩu Đức vẫn làm ăn tốt nhờ lượng cầu về tư liệu sản xuất chuyên biệt từ khu vực châu Á và Trung Đông dường như không bị ảnh hưởng bởi giá cả.

Ngược lại, Pháp đang gặp nhiều khó khăn hơn. Bản báo cáo đầu năm nay của Ủy ban châu Âu cho thấy các nhà xuất khẩu của Pháp đã bị giảm thị phần trong thập niên ra đời đầu tiên của đồng euro.

Các quốc gia khác trong khu vực như Hy Lạp, Ireland, Italia hay Tây Ban Nha ít nhiều được hưởng lợi vì các khoản nợ phải trả giảm giá trị.

Nhưng dù vậy,vẫn còn đó nỗi lo ngại khi nguy cơ đồng đô la sụt giảm có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu ECB, ông Jean-Claude Trichet lặp đi lặp lại quan điểm của ông rằng những nhà hoạch định chính sách hai bờ Đại Tây Dương đều nhất trí một đồng đô la mạnh là vì lợi ích của nước Mỹ.

Điều này thể hiện quyết tâm chung trong việc ngăn chặn USD trượt giá. Nhưng trên thực tế, nước Mỹ cần đồng đô la suy yếu để vực dậy nền kinh tế và tái cấu trúc nó theo hướng xuất khẩu, tránh dựa vào tiêu dùng trong nước.

Trung Quốc và một số quốc gia châu Á đã chọn cách đi theo bước suy yếu của USD, vì thế gánh nặng điều chỉnh tỷ giá được dồn cả cho euro.

Các ủy viên hội đồng kinh tế EU, ông Trichet và ông Joaquin Almunia cùng với ngài Jean-Claude Juncker, chủ tịch hội đồng bộ trưởng tài chính các nước châu Âu, sẽ có chuyến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay để gây áp lực buộc đồng nhân dân tệ tăng giá.

Một số người nghĩ rằng giải pháp hoàn toàn nằm trong quyền hạn của ECB: nếu ECB hạ lãi suất thì đồng euro sẽ giảm giá so với USD.

Tuy nhiên, dù lãi suất cơ bản của ECB là 1%, cao hơn của Fed, nhưng cũng đã là quá nới lỏng, bởi các ngân hàng thừa thãi tiền từ những khoản vay dài hạn đã đẩy lãi suất trên thị trường xuống mức ngang bằng với các nước phát triển khác.

Stephen Jen, giám đốc quỹ đầu cơ BlueGold Capital, cho rằng một đồng euro mạnh thậm chí có thể có ích khi cho phép ECB duy trì chính sách nới lỏng lâu dài hơn.

Nhưng rốt cuộc ECB vẫn phải đối mặt với vấn đề cũng đang khiến các ngân hàng trung ương khác đau đầu: chừng nào Mỹ còn giữ lãi suất thấp thì những nỗ lực thắt chặt tiền tệ của họ (thậm chí cả những biện pháp vụng trộm để không làm tăng lãi suất chuẩn) đều khiến đồng nội tệ mạnh hơn.

Dường như đó cũng là cái giá mà ngân hàng trung ương Australia sẽ phải trả. Ngày 6/10, hội nghị bàn về chính sách của ngân hàng này đã quyết định tăng lãi suất cơ bản và bỏ qua vấn đề tỷ giá.

Những người ấn định lãi suất nước này quy cho việc đồng đô la Australia lên giá là do nền kinh tế vững vàng và hàng hóa cơ bản được giá.

Tương tự như vậy, thống đốc ngân hàng trung ương New Zealand Alan Bollard nói với các chính trị gia rằng đồng đô la kiwi lên giá sẽ không cản trở việc nâng lãi suất lên cao hơn.

Vào thời điểm kinh tế thế giới rơi tự do, tất cả các quốc gia đều tìm cách kích thích kinh tế trong nước. “Điều tưởng như là sự phối hợp đó lại là sự trùng hợp” – ông David Woo thuộc Barclays Capital nói.

Thế nhưng sự hồi phục lại không ngang bằng nhau giữa các quốc gia. Những nước có quan hệ chủ yếu với các nền kinh tế mới nổi châu Á như Australia vẫn lạc quan khi đồng bạc xanh mất giá, thậm chí ngay cả Nhật Bản cũng không quá lo lắng.

Tuy nhiên ở bất cứ nơi đâu thì đồng đô la suy yếu cũng sẽ đem lại nhiều thách thức hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét