19 tháng 9, 2009

IMF đã đồng thuận bán ra 403 tấn vàng



Ảnh minh họa

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho biết ban giám đốc điều hành quỹ này vừa chấp thuận việc bán ra 403 tấn vàng, trị giá ước tính là 13 tỉ USD, để đẩy mạnh nguồn vốn giải ngân cho vay các nước nghèo.
Trong một thông cáo, IMF cho biết việc bán ra 403,3 tấn vàng sẽ tuân theo các phương thức an toàn để tránh tình trạng phá vỡ thị trường vàng. IMF cho hay quyết định này là yếu tố trung tâm của mô hình thu nhập mới cho quỹ này và đã được ban giám đốc điều hành chấp thuận thông qua hồi tháng 4 năm 2008.

Nhóm các nước phát triển và đang phát triển G20 đã quyết định tại hồi nghị tháng 4 ở London rằng khoản tiền thu được từ việc bán vàng sẽ cho phép IMF đưa ra các điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân vốn vay với các nước nghèo trên thế giới.

IMF nói rằng: "Mô hình thu nhập mới được thiết kế nhằm cung cấp vốn với các nguồn thu nhập phong phú hơn phù hợp hơn với các chức năng đa dạng của quỹ."

Theo IMF, số vàng bán ra cũng sẽ tăng các nguồn vốn cho vay của quỹ này đối với các quốc gia có thu nhập thấp, và chiến lược này đã giành được sự ủng hộ của ban giám đốc quỹ trong tháng 7 vừa qua.

Lượng vàng bán ra chiếm 1/8 số vàng hiện nay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - một trong số các quỹ sở hữu kim loại quý lớn nhất trên thế giới.

Giám đốc điều hành IMF, ông Dominique Strauss-Kahn, khẳng định: "Đợt bán ra này sẽ được thực hiện theo phương thức có trách nhiệm và minh bạch nhằm tránh tình trạng phá vỡ thị trường vàng."

Quỹ này cũng được yêu cầu bán ra số vàng với giá thị trường và bán trực tiếp cho các nhà đầu tư chính thức. IMF không công bố giá trị của số vàng được bán tuy nhiên dựa trên giá thị trường hiện nay đối với mặt hàng này, số vàng ước tính có giá khoảng 13 tỉ USD. Theo kế hoạch này, IMF sẽ bán trực tiếp số vàng cho các ngân hàng trung ương hoặc các nhà đầu tư nắm giữ vàng chính thức nếu các tổ chức này có quan tâm.

Trước đó, kế hoạch bán vàng của IMF đã được công bố từ sau cuộc họp hồi tháng 4 năm nay với nhiều bàn cãi và tranh luận về tác động của nó đối với thị trường vàng.

Hồi tháng 7, Reza Moghadam, giám đốc chiến lược của IMF cho biết: "Chúng tôi coi việc bán vàng là một cách thức thu nhập mới, nếu được thực hiện trên các thị trường, chúng tôi sẽ thực hiện qua cơ chế bán vàng của ngân hàng Trung ương."

87% người Mỹ cho rằng khủng hoảng chưa kết thúc




Giới truyền thông Mỹ hôm 17/9 nhận định, mặc dù các quan chức nước này cho rằng, kinh tế Mỹ đang bước ra khỏi suy thoái nhưng 87% những người Mỹ khi được hỏi thì khẳng định nền kinh tế lớn này vẫn còn ngấp ngoải trong những khó khăn chồng chất.
Theo Chủ tịch của cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) – Ben Bernanke, từ góc độ kỹ thuật có thể nói suy thoái kinh tế Mỹ đã kết thúc. Tuy nhiên, theo cuộc thăm dò gần đây của CNN, chỉ có 13% những người được hỏi thừa nhận phán đoán này của ông Bernanke, 83% những người được hỏi cho rằng kinh tế Mỹ chưa thoát ra khỏi tình cảnh suy thoái.

Theo nhận định của chuyên gia phân tích thuộc CNN, nói chung, đối với những phán đoán về suy thoái kinh tế có thể kết thúc hay không, các chuyên gia phân tích đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Thời kỳ đầu những năm 90 của thế kỷ trước là một ví dụ điển hình, suy thoái kinh tế đã chính thức kết thúc từ năm 1991, nhưng nhiều người Mỹ lại cho rằng suy thoái kinh tế Mỹ phải đến cuối năm 1993 mới hết suy thoái.

Theo kết quả thăm dò, chỉ có 9% những người được hỏi cho rằng, trong năm qua tình hình tài chính của gia đình họ đã được cải thiện, 39% số người được hỏi cho rằng tình hình tài chính của họ tiếp tục xấu đi, còn phần trăm những người còn lại cho rằng tình hình tài chính của họ không có bất cứ một thay đổi nào.

Theo cuộc khảo sát trước đây thì hoạt động kinh tế tại hầu hết các khu vực trên toàn nước Mỹ đang bình ổn hoặc đang được cải thiện mặc dù thị trường lao động vẫn yếu và doanh số bán lẻ chưa tăng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khẳng định, đây là bằng chứng cho thấy suy thoái kinh tế Mỹ, được đánh giá là tồi tệ nhất trong vòng 7 thập kỷ qua, đã kết thúc.