9 tháng 10, 2009

Tình hình KT-TC thế giới từ ngày 01/10 - 08/10/2009

1.1. Về tình hình kinh tế:

Trong tuần, Chính phủ và Ngân hàng trung ương (NHTW) các nước công bố các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho thấy kinh tế các nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực; thị trường chứng khoán Mỹ tăng nhẹ, của Anh, Nhật Bản đều giảm:

- Kinh tế Mỹ: Ngân sách năm 2009 bị thâm hụt ở mức cao, ngành dịch vụ bắt đầu tăng trưởng trở lại, tỷ lệ thất nghiệp năm 2010 dự báo có thể vẫn trên 9%:

Theo Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ, thâm hụt ngân sách nước này năm 2009 (kết thúc vào ngày 30/9) là 1,4 nghìn tỷ USD tương đương với 9,9% GDP; ngành dịch vụ của Mỹ trong tháng 9/2009 đã tăng trưởng trở lại sau 1 năm suy giảm với chỉ số ngành dịch vụ tăng lên 50,9 điểm từ mức 48,4 điểm của tháng 8/2009; Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhận định tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ năm 2010 vẫn ở mức trên 9% do tăng trưởng kinh tế có thể không đủ mạnh để cải thiện đáng kể tỷ lệ này; nguyên Chủ tịch Fed, ông Alan Greenspan nhận định Mỹ có thể gặp phải nguy cơ lạm phát nếu duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng quá lâu; Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết Chính phủ Mỹ không có kế hoạch theo đuổi gói kích thích kinh tế thứ hai, nhưng đang xem xét các chương trình để tạo thêm công ăn việc làm;

- Tại châu Âu, ngành sản xuất và dịch vụ tăng, sản lượng ngành công nghiệp chế tạo tại Anh giảm, dự báo kinh tế Đức tăng trưởng:

+ Ngành sản xuất và dịch vụ của khu vực đồng Euro trong tháng 9/2009 đã tăng trưởng cao hơn so với mức dự tính với chỉ số tổng hợp của hai ngành này tăng từ mức 50,4 điểm lên 51,1 điểm; tỷ lệ thất nghiệp khu vực đồng Euro tháng 8/2009 tăng lên mức 9,6%, mức cao nhất kể từ năm 1999.

+ Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Anh, trong tháng 8/2009, sản lượng ngành công nghiệp chế tạo tại nước này giảm 1,9% so với tháng 7/2009. NHTW Anh đánh giá sự thắt chặt các điều kiện tín dụng cùng với cầu trong và ngoài nước yếu sẽ ngăn cản sự phục hồi kinh tế.

- Theo dự báo của NHTW Đức, trong quý III/2009, kinh tế nước này có nhiều khả năng tăng trưởng 0,75% so với quý II/2009.

- Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kinh tế Nhật Bản tiếp tục có những dấu hiệu phục hồi, lạm phát ở Ấn Độ ở mức cao có thể buộc NHTW tăng lãi suất, NHTW Australia điều chỉnh tăng lãi suất chủ đạo:

+ Số các doanh nghiệp giải thể, phá sản của Nhật Bản trong tháng 9/2009 giảm tới 18% so với cùng kỳ năm 2008 do khả năng tiếp cận các nguồn vốn được cải thiện và kinh tế Nhật Bản đang dần phục hồi; theo Cơ quan Thống kê Nhật Bản, trong tháng 8/2009, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này giảm xuống còn 5,5%, chi tiêu của hộ gia đình tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2008.

+ Thống đốc NHTW Ấn Độ thừa nhận đang gặp khó khăn trong việc xác định thời điểm điều chỉnh tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát trong khi nền kinh tế phục hồi chậm. Chỉ số giá tiêu dùng tại Ấn Độ đang ở mức trên 10% và có thể tiếp tục tăng do lượng mưa giảm mạnh làm thiếu lương thực trong thời gian tới.

+ Ngày 6/10, NHTW Australia điều chỉnh tăng lãi suất chủ đạo từ mức 3%/năm lên mức 3,25%/năm. Đây là quốc gia đầu tiên trong nhóm G20 quyết định tăng lãi suất chủ đạo do nền kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực thể hiện qua số việc làm, doanh số bán lẻ, giá nhà, giá cổ phiếu tăng lên, cộng với niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng cải thiện.

- Nhóm G7 trong tuyên bố mới nhất về kinh tế thế giới nhận định dù có dấu hiệu hồi phục nhưng kinh tế thế giới vẫn chưa ổn định và thị trường lao động chưa hồi phục.

1.2. Diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới:

- Thị trường chứng khoán thế giới từ ngày 30/9 đến ngày 07/10: Chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ tăng 0,14% lên 9725,58 điểm, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,49% xuống còn 5108,9 điểm, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 3,29% xuống còn 9799,6 điểm.

- Đồng USD giảm giá so với một số đồng tiền mạnh, vàng tăng giá: Từ ngày 1/10 đến ngày 8/10, đồng USD giảm giá 1,15% so với đồng EUR, giảm 0,35% so với đồng GBP và giảm 1,81% so với JPY. Giá vàng thế giới tại thời điểm 10 giờ ngày 8/10 ở mức 1.049,75 USD/ounce, tăng 4,22% so với ngày 1/10. Giá dầu thô ngày 7/10 trên sàn NYMEX giao dịch ở mức khoảng 69,57 USD/thùng, giảm 1,26% so với ngày 30/9.

- Lãi suất đồng USD trên các thị trường liên ngân hàng giảm: So với ngày 30/9, lãi suất Libor kỳ hạn qua đêm đồng USD giảm từ mức 0,21125%/năm xuống mức 0,19625%/năm; lãi suất Sibor kỳ hạn qua đêm của đồng USD giảm từ mức 0,22333%/năm xuống mức 0,2125%/năm. Lãi suất Libor kỳ hạn qua đêm của đồng EUR giảm từ mức 0,45625%/năm xuống mức 0,27075%/năm.

Vàng 09-10

USD phục hoi trong thang 10 như các dự báo trứoc dó
Vàng kết thức xu hướng tăng sẽ điều chỉng giảm tai Wave 5

Giá vàng trượt giảm trước tuyên bố của Chủ tịch FED

Giá vàng thế giới chấm dứt chuỗi 3 ngày liên tiếp lập kỷ lục khi giảm khá mạnh trong buổi sáng nay, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, FED đã sẵn sàng cho việc tăng lãi suất đồng USD.

Giá vàng thế giới xuống thang

Đồng USD thị trường quốc tế sáng nay đã quay đầu phục hồi sau nhiều ngày trượt giá gần như không nghỉ so với các đồng tiền chủ chốt khác. Tỷ giá “bạc xanh” được đẩy lên sau khi Chủ tịch FED Ben Bernanke có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị của Hội đồng Thống đốc diễn ra tại Washington vào đêm ngày 8/10 theo giờ Mỹ, tức sáng nay 9/10 theo giờ Việt Nam.

Trong bài phát biểu này, ông Bernanke tiếp tục khẳng định lập trường của FED rằng chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay của Mỹ sẽ còn được “duy trì trong một thời gian nữa”. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố: “Ở một thời điểm nào đó, khi sự phục hồi kinh tế đã vững chắc, FED sẽ cần phải tăng lãi suất USD để ngăn chặn vấn đề lạm phát”.

Mặc dù vậy, trong bài phát biểu này, ông Bernanke đã không bình luận gì về tình hình kinh tế Mỹ hiện nay, mà chỉ điểm lại những biện pháp chống khủng hoảng của FED như hạ lãi suất, cho vay khẩn cấp, mua vào các loại chứng khoán trên thị trường mở…

Tuyên bố của ông Bernanke về vấn đề lãi suất USD đã đẩy tỷ giá USD so với Euro lên mức trên 1,47 USD tương đương 1 Euro, từ mức gần 1,48 USD đổi được 1 Euro chốt phiên đêm qua tại thị trường New York.

Không ngoài dự báo, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hôm qua đã giữ nguyên lãi suất Euro và đồng Bảng ở các mức thấp kỷ lục lần lượt là 1% và 0,5%. Cả ECB và BoE đều tỏ thái độ thận trọng với vấn đề tăng lãi suất vì lo ngại triển vọng phục hồi kinh tế còn yếu ớt.

Sau khi lập kỷ lục mới tại thị trường New York trong đêm qua, giá vàng sáng nay đã điều chỉnh giảm trở lại do sự mạnh lên của đồng USD.

Kết thúc phiên giao dịch tại Mỹ đêm qua, giá vàng giao ngay tăng 10,3 USD/oz (1%) so với giá chốt phiên trước, đạt 1.055,9 USD/oz. Trước đó, đã có lúc giá vàng lên tới 1.062,4 USD/oz, cao chưa từng có từ trước tới nay.

Ở thời điểm 9h50 sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tạm đứng ở mức 1.047,5 USD/oz, giảm 8,4 USD/oz so với giá đóng cửa đêm qua tại New York. Ngoài sự mạnh lên của USD, hoạt động chốt lời của giới đầu tư là một lý do khác khiến giá vàng giảm trở lại.

Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế cho rằng, khả năng còn tăng tiếp của giá vàng là rất lớn, vì đồng USD vẫn đứng trước nguy cơ mất giá thêm. Chính phủ Mỹ đã bơm một lượng USD khổng lồ vào nền kinh tế để chống khủng hoảng và suy thoái, trong khi mức lãi suất hiện tại 0-0,25% của USD chưa thể được tăng trở lại trong một sớm một chiều.

Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, trong một hội thảo về thị trường hàng hóa cơ bản diễn ra tại London trong ngày 8/10, các nhà phân tích dự báo, giá vàng có thể lên tới mức 1.150 USD/oz trong thời gian từ nay tới cuối năm.

“Hiện tại, đồng USD yếu đang là nguồn lực lớn nhất đẩy giá vàng lên. Sau đó, giá vàng sẽ được hỗ trợ bởi xu hướng lên giá trên thị trường hàng hóa cơ bản. Đó sẽ là ‘siêu chu kỳ’ của thị trường hàng hóa và nỗi sợ lạm phát”, ông Francisco Blanch, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa của Bank of America, trao đổi với Bloomberg.

Châu Á hợp tác vực dậy đồng USD

Ngân hàng Trung ương nhiều nước châu Á đã tiến hành can thiệp mạnh tay vào thị trường tiền tệ để ngăn đồng nội tệ của họ tiếp tục tăng giá so với USD bởi lo ngại hàng xuất khẩu của họ sẽ mất khả năng cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Ngân hàng Trung ương một số nước khu vực Đông Nam Á buộc phải hỗ trợ tính cạnh tranh của đồng nội tệ nước họ sau khi Trung Quốc tiếp tục chế độ neo đồng nhân dân tệ vào đồng USD từ tháng 7/2008.

Ông Simon Derrick, chuyên gia kinh tế thuộc Bank of New York Mellon tại London, nhận xét: “Một số Ngân hàng Trung ương châu Á (không tính đến Trung Quốc) đang cố gắng bảo vệ cho đồng nội tệ của họ, giữ lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh USD ngày một suy yếu”.

Những Ngân hàng Trung ương được xếp vào nhóm tiềm năng mua USD bao gồm Ngân hàng Trung ương Thái Lan, Malaysia và Đài Loan. Ngân hàng Trung ương Hồng Kông và Singapore cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự.

Các chuyên gia nhận định việc can thiệp của các Ngân hàng Trung ương có mục tiêu vào việc kiểm soát tốc độ đi xuống của đồng USD chứ không chỉ đơn giản là ngăn các đồng nội tệ châu Á tăng giá.

Từ giữa năm 2005 sau khi cho đồng nhân dân tệ tăng giá khoảng 20% so với đồng USD, khi xuất khẩu suy giảm, Trung Quốc lại áp dụng chế độ neo đồng nhân dân tệ vào đồng USD.

Đồng USD rơi xuống mức thấp nhất trong 1 năm so với đồng nội tệ châu Á. Chỉ số USD, chỉ số đo biến động của USD so với 1 số loại tiền tệ lớn khác, rơi xuống mức thấp nhất trong 14 tháng.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo về sự đi xuống của đồng USD và nhấn mạnh các bên nên hợp tác để giải quyết.

Dầu lửa làm "rợn gáy" đô la

“Nước Mỹ sẽ nhầm lẫn nếu cho rằng vị trí của đồng đô la sẽ mãi là đồng tiền dự trữ chủ đạo của thế giới. Nếu nhìn xa hơn, chúng ta sẽ thấy có ngày càng nhiều lựa chọn khác thay cho đồng đô la.” Robert B. Zoellick, chủ tịch Ngân hàng thế giới đã nói như thế trong bài phát biểu tại trường Nghiên cứu Quốc tế chuyên sâu tại Johns Hopkins.

Thực tế đã có một cơn gió lạnh thổi qua nước Mỹ khiến người ta nghĩ nhiều hơn tới lời nói này.

Bung xung về một cuộc họp kín

Trong cuộc suy thoái này, có vẻ, nhận định của Zoellick lại càng tỏ ra đúng hơn. Không thể phủ nhận được một châu Á đang lên, hay một đồng euro ngày càng có vị trí tốt. Vai trò của đồng đô la giờ đây thực sự đang bị thách thức.

Một tờ báo của Anh đã đưa ra thông tin về một cuộc họp kín giữa các quốc gia vùng Vịnh với các nước Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản và Nga để bàn về việc thay thế đồng tiền tính giá và thanh toán các giao dịch dầu lửa bằng một nhóm tiền tệ, gồm yên Nhật, nhân dân tệ, euro, vàng và đồng tiền chung có thể sẽ được ra mắt của các thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh. Và kế hoạch chuyển giao này sẽ kéo dài trong 9 năm.

Những cuộc họp bí mật được tổ chức giữa những bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Brazil để bàn bạc về kế hoạch này. Một đại diện ngân hàng Trung Quốc nói: “Những kế hoạch này sẽ thay đổi bộ mặt của giao dịch tài chính quốc tế.” Dầu mỏ là vấn đề trọng tâm trong quan hệ giữa các cường quốc với các quốc gia vùng Vịnh. Một cuộc họp như thế sẽ chỉ làm sâu sắc thêm cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và làm xấu đi mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh trung thành như Pháp và Nhật Bản.

Tờ báo còn cho hay, cả Ấn Độ và Braxin cũng quan thâm tới ý tưởng trên. Trong đó, Trung Quốc tỏ ra háo hức nhất trong số những cường quốc tài chính tham gia cuộc họp này.

Bài báo này thực sự gây sốc đối với nước Mỹ. Riêng chỉ nghĩ tới việc 2 nghìn tỷ đô la mỗi năm giao dịch dầu khí cũng đã khiến nước này tiếc ngẩn người. Còn ảnh hưởng sâu xa hơn, chắc chắn còn đáng sợ gấp bội. Giá trị của đồng đô la sẽ giảm xuống chưa từng có, lạm phát sau đó cũng tăng cao, và nhiều giao dịch hàng hóa khác cũng theo đuôi, không sử dụng đồng đô la nữa.

Tuy nhiên, người Mỹ ít nhất cũng được thở phào một cái ở thời điểm này khi biết được ý kiến của quan chức các nước được cho là đã tham gia.

Người “bỗng dưng” trong cuộc

Cuộc họp trên thực tế có vẻ đã không diễn ra khi các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới hôm thứ 3 đã phủ nhận thông tin của bài báo. Bài báo này trên tờ The Independent do một nhà báo ở Trung Đông viết và trích ra những nguồn không xác định từ các nhà nước Ả rập và nguồn từ hệ thống ngân hàng Trung Quốc ở Hồng Kông.

Các quan chức cấp cao của Ả rập xê út và Nga phát biểu bên lề hội nghị của Quỹ tiền tệ quốc tế tại Istanbul, đã phủ nhận những cuộc đàm phán đó. Khi được hỏi về câu chuyện của bài báo đó, thống đốc ngân hàng trung ương Ả rập Xê út nói: “Điều đó hoàn toàn không đúng".

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Dmitry Pankin cũng nói: ”Chúng tôi không hề thảo luận vấn đề này".

Điều được tập trung thảo luận trong cuộc gặp giữa các quan chức tài chính toàn cầu tại Istanbul là việc làm giảm sự mất cân bằng quá lớn, khiến nền kinh tế thế giới mất ổn định.

Vậy là ít nhất cũng có hai quan chức cấp cao là “thành viên” của cuộc họp đã hoàn toàn bác bỏ những thảo luận liên quan đến những giao dịch dầu mỏ bằng đồng đô la hay bằng bất cứ đồng tiền nào khác. Nhưng, chỉ những thông tin như thế trong giây lát đã có những ảnh hưởng nhất định.

Những dư âm

Đồng đô la đã mất giá ngay sau khi bài báo trên được đăng, trong khi đồng euro lại tăng giá, và tỷ giá giá EUR/USD giao dịch tại châu Âu của đã tăng lên 1,4749 từ mức 1,4662 trước đó.

Và sau khi các quan chức Nga và Ả rập Xê út đưa ra ý kiến của mình, tỷ giá này xuống giá ở mức 1,4701, nhưng sau đó lại tăng trở lại do thị trường thế giới vẫn lo ngại về xu hướng xấu đi của đồng đô la.

Cuộc họp của tương lai?

Nga đã từng đưa ra ý tưởng tách thương mại dầu lửa khỏi đồng đô la, bởi đồng tiền này không còn đủ mạnh, và không ổn định, lại thêm những khoản thâm hụt thương mại và ngân sách của Mỹ ngày một tăng.

Trung Quốc, dù nước nắm nhiều dự trữ ngoại tệ nhất thế giới và chắc chắn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nếu có bất cứ biết động mạnh nào từ đồng đô la, cũng cho rằng trong dài hạn, đồng tiền này sẽ mất đi vai trò là đồng tiền dự trữ hàng đầu trên toàn cầu. Nước này cũng nhập khẩu tới 60% lượng dầu mỏ phục vụ nhu cầu trong nước, vì thế nếu như càng nhiều giao dịch dù là dầu mỏ hay bất cứ hàng hóa nào trên thế giới bằng đồng nhân dân tệ thì chắc chắn nước này cũng sẽ rất chào mừng.

Việc có một đồng tiền làm thước đo chung cho hàng hóa thế giới cũng là một điều tốt, nhưng khi đồng tiền đó có vẻ đang suy yếu đi thì liệu sẽ có thể có sự thay thế nào cho cương vị này hay không? Châu Âu có thể sẽ nhân cơ hội tốt này để vươn ra khỏi tầm ảnh hưởng của đồng đô la nhiều năm sau chiến tranh, và củng cố đồng tiền chung của nhóm này. Còn các nước xuất khẩu dầu mỏ thì vẫn nung nấu cho ra đời một đồng tiền chung cho các nước này từ lâu, và có thể, đồng tiền này sẽ xuất hiện ngay trong năm 2010.

Như thế, xu hướng về một sự thay thế nào đó trong dài hạn rất có thể sẽ diễn ra. Nhưng trước mắt, điều này có thể sẽ còn gặp phải một số khó khăn, và đây có thể sẽ còn là một quá trình quanh co.

Các nhà phân tích cho hay, từng quốc gia riêng lẻ có thể tương đối dễ dàng ngừng sử dụng đồng đô la khi thanh toán thương mại liên quan đến dầu lửa, như Iran đã làm. Theo nhà phân tích hàng hóa tại Ngân hàng Australia Commonwealth, David Moore, việc có thể đưa ra những quyết định thống nhất trong những cuộc thảo luận như thế là rất khó, ngay cả khi đồng đô la yếu hơn thì điều đó cũng không có nghĩa rằng hàng hóa sẽ mất đi giá trị. Và khi đồng đô la yếu hơn thì giá cả hàng hóa cũng sẽ tăng với tỷ lệ cao hơn. Bất cứ nhóm quốc gia nào khi đàm phán một thỏa thuận thay thế tiền tệ như thế cũng đều phải tính đến điều này.

Bên cạnh những quan hệ chính trị chặt chẽ giữa Vùng Vịnh với Mỹ thì việc thiếu sự chuyển đổi giữa nhiều đồng tiền khu vực này hay với đồng nhân dân tệ cũng là rào cản thực tế với việc tạo nên chuyển đổi đó. “Trước hết, họ sẽ cần phải lựa chọn ra những loại tiền tệ và giải quyết vấn đề: những đồng tiền nào sẽ được lựa chọn, và tỷ lệ sử dụng là bao nhiêu,” Victor Shum, nhà phân tích năng lượng tại công ty tư vấn Purvin & Gertz của Singapore nói.

Cũng nên chỉ ra rằng người cuối cùng giao dịch dầu lửa bằng đồng euro thay vì đô la là Saddam Hussein; Iraq bị tấn công vài tháng sau đó. Iran cũng vừa tuyên bố sẽ bắt đầu bán dầu bằng đồng euro, cùng lúc đó, Obama và Liên hợp quốc gia tăng áp lực lên chương trình hạt nhân của nước này.

Giá vàng tăng vụt khi thế giới đổ xô mua vàng


Giá vàng xác lập mức cao mới.

Giá vàng hôm qua (08/10) lại thiết lập thêm đỉnh mới sau ba ngày tăng liên tiếp, còn giá dầu mỏ cũng tăng tốc do viễn cảnh ảm đạm của đồng bạc xanh thôi thúc giới đầu cơ đầu tư vào cả hai mặt hàng kim loại quý và “vàng đen này”.
Hôm qua, nhiều nhà đầu tư tìm kiếm vàng như một hàng rào chống đỡ với thâm hụt trong các tài sản của Mỹ, đã góp phần đẩy giá kim loại quý này lên kỷ lục 1061,40 USD/ounce.

Tuy nhiên, cùng thời điểm này, đồng đôla Mỹ tiếp tục đi xuống, duy trì ở mức thấp so với đồng EURO và kim loại quý sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Anh (Bank of England) giữ lãi suất ở mức không đổi.

Kim loại quý tăng chống lại sự xuống giá của đồng Mỹ kim và đứng ở mức 1.609 USD, tăng khoảng 0,7% vào giữa phiên giao dịch. Đồng tiền chung của 16 nước EURO tăng lên 1.4755 USD tại New York, tăng từ 1.4666 vào cuối ngày 07/10, rớt nhẹ khỏi mức cao nhất trong 12 tháng – 1.4803 USD.

Trong khi đó, dầu mỏ niêm yết bằng đồng đôla tăng 2,03 USD lên 71,60 USD/thùng mở màn phiên giao dịch trước khi quay trở lại 70,97 USD trên sàn New York Mercantile Exchange. Giá dầu vẫn dao động thất thường kể từ năm 2008, khi dầu thô lập kỷ lục 150 USD/thùng trước khi sụp đổ do nỗi lo suy thoái kinh tế. Bất chấp lượng thặng dư dầu mỏ khổng lồ, nhiều nhà đầu tư hôm qua vẫn hết sức lạc quan và giành nhiều ưu thế trong bối cảnh đồng đôla mất giá.

Cách đây không lâu, nhiều người đồn rằng các quốc gia gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Pháp đã đối thoại để loại bỏ đồng bạc xanh ra khỏi các giao dịch dầu mỏ.

Nhiều nhà đầu tư thường mua vàng như một phương thức chống lại khó khăn kinh tế, rối loạn chính trị và lạm phát leo thang, mặc dù dầu mỏ năm ngoái đã chiếm chỗ vàng, trở thành thước đo những căng thẳng trong nền kinh tế thế giới.