9 tháng 10, 2009

Dầu lửa làm "rợn gáy" đô la

“Nước Mỹ sẽ nhầm lẫn nếu cho rằng vị trí của đồng đô la sẽ mãi là đồng tiền dự trữ chủ đạo của thế giới. Nếu nhìn xa hơn, chúng ta sẽ thấy có ngày càng nhiều lựa chọn khác thay cho đồng đô la.” Robert B. Zoellick, chủ tịch Ngân hàng thế giới đã nói như thế trong bài phát biểu tại trường Nghiên cứu Quốc tế chuyên sâu tại Johns Hopkins.

Thực tế đã có một cơn gió lạnh thổi qua nước Mỹ khiến người ta nghĩ nhiều hơn tới lời nói này.

Bung xung về một cuộc họp kín

Trong cuộc suy thoái này, có vẻ, nhận định của Zoellick lại càng tỏ ra đúng hơn. Không thể phủ nhận được một châu Á đang lên, hay một đồng euro ngày càng có vị trí tốt. Vai trò của đồng đô la giờ đây thực sự đang bị thách thức.

Một tờ báo của Anh đã đưa ra thông tin về một cuộc họp kín giữa các quốc gia vùng Vịnh với các nước Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản và Nga để bàn về việc thay thế đồng tiền tính giá và thanh toán các giao dịch dầu lửa bằng một nhóm tiền tệ, gồm yên Nhật, nhân dân tệ, euro, vàng và đồng tiền chung có thể sẽ được ra mắt của các thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh. Và kế hoạch chuyển giao này sẽ kéo dài trong 9 năm.

Những cuộc họp bí mật được tổ chức giữa những bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Brazil để bàn bạc về kế hoạch này. Một đại diện ngân hàng Trung Quốc nói: “Những kế hoạch này sẽ thay đổi bộ mặt của giao dịch tài chính quốc tế.” Dầu mỏ là vấn đề trọng tâm trong quan hệ giữa các cường quốc với các quốc gia vùng Vịnh. Một cuộc họp như thế sẽ chỉ làm sâu sắc thêm cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và làm xấu đi mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh trung thành như Pháp và Nhật Bản.

Tờ báo còn cho hay, cả Ấn Độ và Braxin cũng quan thâm tới ý tưởng trên. Trong đó, Trung Quốc tỏ ra háo hức nhất trong số những cường quốc tài chính tham gia cuộc họp này.

Bài báo này thực sự gây sốc đối với nước Mỹ. Riêng chỉ nghĩ tới việc 2 nghìn tỷ đô la mỗi năm giao dịch dầu khí cũng đã khiến nước này tiếc ngẩn người. Còn ảnh hưởng sâu xa hơn, chắc chắn còn đáng sợ gấp bội. Giá trị của đồng đô la sẽ giảm xuống chưa từng có, lạm phát sau đó cũng tăng cao, và nhiều giao dịch hàng hóa khác cũng theo đuôi, không sử dụng đồng đô la nữa.

Tuy nhiên, người Mỹ ít nhất cũng được thở phào một cái ở thời điểm này khi biết được ý kiến của quan chức các nước được cho là đã tham gia.

Người “bỗng dưng” trong cuộc

Cuộc họp trên thực tế có vẻ đã không diễn ra khi các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới hôm thứ 3 đã phủ nhận thông tin của bài báo. Bài báo này trên tờ The Independent do một nhà báo ở Trung Đông viết và trích ra những nguồn không xác định từ các nhà nước Ả rập và nguồn từ hệ thống ngân hàng Trung Quốc ở Hồng Kông.

Các quan chức cấp cao của Ả rập xê út và Nga phát biểu bên lề hội nghị của Quỹ tiền tệ quốc tế tại Istanbul, đã phủ nhận những cuộc đàm phán đó. Khi được hỏi về câu chuyện của bài báo đó, thống đốc ngân hàng trung ương Ả rập Xê út nói: “Điều đó hoàn toàn không đúng".

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Dmitry Pankin cũng nói: ”Chúng tôi không hề thảo luận vấn đề này".

Điều được tập trung thảo luận trong cuộc gặp giữa các quan chức tài chính toàn cầu tại Istanbul là việc làm giảm sự mất cân bằng quá lớn, khiến nền kinh tế thế giới mất ổn định.

Vậy là ít nhất cũng có hai quan chức cấp cao là “thành viên” của cuộc họp đã hoàn toàn bác bỏ những thảo luận liên quan đến những giao dịch dầu mỏ bằng đồng đô la hay bằng bất cứ đồng tiền nào khác. Nhưng, chỉ những thông tin như thế trong giây lát đã có những ảnh hưởng nhất định.

Những dư âm

Đồng đô la đã mất giá ngay sau khi bài báo trên được đăng, trong khi đồng euro lại tăng giá, và tỷ giá giá EUR/USD giao dịch tại châu Âu của đã tăng lên 1,4749 từ mức 1,4662 trước đó.

Và sau khi các quan chức Nga và Ả rập Xê út đưa ra ý kiến của mình, tỷ giá này xuống giá ở mức 1,4701, nhưng sau đó lại tăng trở lại do thị trường thế giới vẫn lo ngại về xu hướng xấu đi của đồng đô la.

Cuộc họp của tương lai?

Nga đã từng đưa ra ý tưởng tách thương mại dầu lửa khỏi đồng đô la, bởi đồng tiền này không còn đủ mạnh, và không ổn định, lại thêm những khoản thâm hụt thương mại và ngân sách của Mỹ ngày một tăng.

Trung Quốc, dù nước nắm nhiều dự trữ ngoại tệ nhất thế giới và chắc chắn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nếu có bất cứ biết động mạnh nào từ đồng đô la, cũng cho rằng trong dài hạn, đồng tiền này sẽ mất đi vai trò là đồng tiền dự trữ hàng đầu trên toàn cầu. Nước này cũng nhập khẩu tới 60% lượng dầu mỏ phục vụ nhu cầu trong nước, vì thế nếu như càng nhiều giao dịch dù là dầu mỏ hay bất cứ hàng hóa nào trên thế giới bằng đồng nhân dân tệ thì chắc chắn nước này cũng sẽ rất chào mừng.

Việc có một đồng tiền làm thước đo chung cho hàng hóa thế giới cũng là một điều tốt, nhưng khi đồng tiền đó có vẻ đang suy yếu đi thì liệu sẽ có thể có sự thay thế nào cho cương vị này hay không? Châu Âu có thể sẽ nhân cơ hội tốt này để vươn ra khỏi tầm ảnh hưởng của đồng đô la nhiều năm sau chiến tranh, và củng cố đồng tiền chung của nhóm này. Còn các nước xuất khẩu dầu mỏ thì vẫn nung nấu cho ra đời một đồng tiền chung cho các nước này từ lâu, và có thể, đồng tiền này sẽ xuất hiện ngay trong năm 2010.

Như thế, xu hướng về một sự thay thế nào đó trong dài hạn rất có thể sẽ diễn ra. Nhưng trước mắt, điều này có thể sẽ còn gặp phải một số khó khăn, và đây có thể sẽ còn là một quá trình quanh co.

Các nhà phân tích cho hay, từng quốc gia riêng lẻ có thể tương đối dễ dàng ngừng sử dụng đồng đô la khi thanh toán thương mại liên quan đến dầu lửa, như Iran đã làm. Theo nhà phân tích hàng hóa tại Ngân hàng Australia Commonwealth, David Moore, việc có thể đưa ra những quyết định thống nhất trong những cuộc thảo luận như thế là rất khó, ngay cả khi đồng đô la yếu hơn thì điều đó cũng không có nghĩa rằng hàng hóa sẽ mất đi giá trị. Và khi đồng đô la yếu hơn thì giá cả hàng hóa cũng sẽ tăng với tỷ lệ cao hơn. Bất cứ nhóm quốc gia nào khi đàm phán một thỏa thuận thay thế tiền tệ như thế cũng đều phải tính đến điều này.

Bên cạnh những quan hệ chính trị chặt chẽ giữa Vùng Vịnh với Mỹ thì việc thiếu sự chuyển đổi giữa nhiều đồng tiền khu vực này hay với đồng nhân dân tệ cũng là rào cản thực tế với việc tạo nên chuyển đổi đó. “Trước hết, họ sẽ cần phải lựa chọn ra những loại tiền tệ và giải quyết vấn đề: những đồng tiền nào sẽ được lựa chọn, và tỷ lệ sử dụng là bao nhiêu,” Victor Shum, nhà phân tích năng lượng tại công ty tư vấn Purvin & Gertz của Singapore nói.

Cũng nên chỉ ra rằng người cuối cùng giao dịch dầu lửa bằng đồng euro thay vì đô la là Saddam Hussein; Iraq bị tấn công vài tháng sau đó. Iran cũng vừa tuyên bố sẽ bắt đầu bán dầu bằng đồng euro, cùng lúc đó, Obama và Liên hợp quốc gia tăng áp lực lên chương trình hạt nhân của nước này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét