25 tháng 4, 2009

Kinh tế và thị trường tài chính thế giới từ ngày 9-23/4/2009

1. Tình hình kinh tế thế giới

Trong 2 tuần qua, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương (NHTW) một số nước tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho các ngân hàng gặp khó khăn, đưa ra các gói hỗ trợ nền kinh tế:

* Đánh giá của một số tổ chức quốc tế:

- Ngày 20/4, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng kinh tế thế giới sẽ chạm đáy vào năm 2010 và sau đó sẽ tăng trưởng trở lại. Theo OECD, hàng nghìn tỷ USD được cam kết cho các gói kích thích kinh tế đang bắt đầu phát huy tác dụng thể hiện qua kinh tế của một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ đã có một số dấu hiệu tích cực, tuy nhiên chính phủ các nước phải tiếp tục nỗ lực mới giúp nền kinh tế thoát ra khỏi suy thoái.

- Theo báo cáo thị trường hàng tháng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa công bố, nhu cầu dầu thô của thế giới năm 2009 sẽ tiếp tục giảm do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. OPEC dự báo nhu cầu dầu thô của thế giới trong nửa đầu năm 2009 đạt trung bình 85,6 triệu thùng/ ngày, giảm khoảng 0,4% với cùng kỳ năm 2008.

- Ngày 22/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra và quá trình hồi phục sẽ lâu hơn do thị trường tài chính phải mất nhiều thời gian nữa mới ổn định. IMF điều chỉnh giảm dự báo kinh tế thế giới xuống mức -1,3% trong năm 2009 thay vì mức dự báo -0,5% tới -1% hồi tháng 3/2009, trong đó kinh tế Mỹ giảm 2,8%, khu vực đồng Euro giảm 4,2%, Nhật Bản giảm 6,2%. IMF cũng đánh giá tổng số thiệt hại do cuộc khủng hoảng tài chính tính đến cuối năm 2010 có thể lên tới 4.100 tỷ USD, trong đó, các tổ chức tài chính Mỹ thiệt hại khoảng 2.700 tỷ USD, cao hơn mức 2.200 tỷ USD và 1.400 tỷ USD được dự báo lần lượt tại thời điểm tháng 1/2009 và tháng 10/2008.

* Tại châu Mỹ:

- Ngày 14/4, Bộ Thương mại Mỹ công bố doanh thu bán lẻ của Mỹ trong tháng 3/2009 giảm 1,1% sau khi tăng trong hai tháng liên tiếp, chỉ số giá bán buôn cũng giảm 1,2% sau khi đã tăng 0,1% trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,4% ( các số liệu đều so với cùng kỳ năm 2008).

- Theo đánh giá của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, thì sự suy giảm của kinh tế nước này đang có dấu hiệu chậm lại với sự chuyển biến tích cực của doanh thu bán lẻ, mua nhà ở tại một số khu vực. Cục Dự trữ liên bang Mỹ và các cơ quan quản lý khác sẽ công khai cách thức kiểm tra bảng cân đối tài chính (stress test) đối với 19 ngân hàng lớn nhất nước này trước khi công bố kết quả của các cuộc kiểm tra, dự kiến hạn chót vào ngày 4/5/2009. Những cuộc kiểm tra này sẽ giúp các cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng Mỹ xác định được sự vững mạnh tài chính của các ngân hàng, đồng thời có cơ sở để yêu cầu các ngân hàng thiếu vốn phải bổ sung vốn. Cuộc kiểm tra dựa trên hai kịch bản của nền kinh tế Mỹ, kịch bản bình thường là kinh tế Mỹ suy giảm 2% trong năm 2009 và tăng trở lại 2,1% trong năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp là 8,4% trong năm 2009 và 8,8% trong năm 2010; kịch bản xấu hơn là kinh tế Mỹ suy giảm 3,3% trong năm 2009 và tăng trở lại 0,5% trong năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp là 8,9% trong năm 2009 và 10,3% trong năm 2010.

- Ngày 20/4, Tổng thống Mỹ Obama đề nghị Quốc hội tài trợ bổ sung 100 tỷ USD cho IMF để tăng cường các nguồn lực cho tổ chức này, đồng thời kêu gọi trao vai trò lớn hơn cho các nền kinh tế mới nổi trong IMF.

* Tại châu Âu:

- Ngày 9/4, NHTW Anh (BOE) quyết định giữ nguyên lãi suất chủ đạo ở mức 0,5% và cho biết sẽ tiếp tục cung ứng hàng tỷ Bảng Anh nhằm hỗ trợ kinh tế nước này ra khỏi suy thoái. Ủy ban chính sách tiền tệ của BOE cũng đã bỏ phiếu đồng ý tiếp tục chương trình mua vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp trị giá 75 tỷ Bảng Anh.

- Chính phủ Ba Lan cho biết nước này sẽ đề nghị IMF cấp khoản tín dụng trị giá 20,5 tỷ USD trong vòng một năm để tăng dự trữ ngoại tệ, ngăn chặn sự giảm giá của đồng Zloty. Kể từ tháng 7/2008, đồng Zloty đã bị mất giá 33% khi các nhà đầu tư bán tháo các tài sản tài chính của các nước mới nổi trong điều kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu.

- Theo Cục Thống kê liên bang Đức, ngành công nghiệp của nước này trong tháng 2/2009 tiếp tục suy giảm với doanh thu của lĩnh vực chế tạo giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2008, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1991. Do tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, doanh thu của ngành chế tạo và sản xuất linh kiện ô tô trong tháng 2/2009 đã giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2008; doanh thu của ngành sản xuất và chế biến thép giảm 29,9%, chế tạo máy giảm 22,3%; hóa chất giảm 25,8% (các số liệu so với cùng kỳ năm 2008).

- Ngày 14/4, Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết, lần đầu tiên trong vòng 10 năm, nước này cân nhắc phương án vay tiền từ các thị trường trái phiếu quốc tế trong năm 2010 để bù đắp thâm hụt ngân sách. Thông báo trên được đưa ra sau khi chính phủ dự báo ngân sách của Nga trong năm 2009 có nguy cơ bị thâm hụt tới 7,4% GDP, đánh dấu lần thâm hụt đầu tiên trong 1 thập kỷ qua, do bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giá dầu sụt giảm.

- Chính phủ Anh cho biết nước này sẽ vay 392 tỷ USD trong tháng 11/2009, đồng thời tăng thuế đối với người sử dụng mô tô, thuốc lá và người có thu nhập cao để bù đắp thâm hụt ngân sách. Chính phủ Anh cũng sẽ phát hành 220 tỷ bảng trái phiếu trong năm 2009, cao hơn 50% so với năm 2008.

* Tại châu Á:

- Ngày 12/4, NHTW Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ một cách hợp lý để đảm bảo tính liên tục và ổn định của chính sách tiền tệ. Ngày 16/4, Cơ quan Thống kê Trung Quốc công bố tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý I/2009 là 6,1%, mức thấp nhất trong 10 năm, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2008, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong tháng 3 giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2008.

- Ngày 14/4, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ, cho phép giảm giá đồng đôla Singapore để hỗ trợ xuất khẩu. GDP của Singapore trong quý I/2009 đã giảm 19,7% so với quý trước và Bộ Thương mại Singapore cho rằng kinh tế nước này có thể suy giảm từ 6-9% trong năm 2009.

- Ngày 16/4, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho biết Chính phủ nước này dự định phát hành khoảng 17.000 tỷ Yên (tương đương 154 tỷ USD) trái phiếu trong năm tài khóa để tài trợ cho các gói hỗ trợ kinh tế. Trước đó, ngày 10/4, Chính phủ Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế trị giá 15.400 tỷ Yên (tương đương 154 tỷ USD) để duy trì việc làm và đào tạo lại nghề nghiệp cho các công nhân bị mất việc, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp giữa lúc tín dụng ngân hàng đang bị đóng băng, cải cách y tế và chăm sóc trẻ em, sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường… Mức suy giảm xuất khẩu của Nhật Bản đã có dấu hiệu chậm lại trong tháng 3, kết thúc 4 tháng giảm mạnh do sự sụt giảm nhu cầu tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ và EU.

- Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia, GDP của nước này trong quý I/2009 có thể tăng trưởng 4,6% so với cùng kỳ năm 2008 do chi tiêu tiêu dùng tăng và một số chính sách như giảm giá nhiên liệu, tăng lương cho công chức nhà nước.

- Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Malaysia, GDP của nước này có thể sẽ suy giảm 2,2% trong năm 2009 với xuất khẩu có thể giảm tới 24%. Trong trường hợp tồi tệ nhất là các gói kích thích kinh tế thất bại, thì GDP của nước này có thể giảm tới 3,8%.

- Theo Cơ quan đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế S&P, mức xếp hạng tín dụng BBB+ của Thái Lan có thể bị điều chỉnh giảm do Chính phủ nước này đang gặp khó khăn trong giải quyết bạo động gia tăng của những người biểu tình cùng với xu hướng xấu đi của nền kinh tế. Theo Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, Chính phủ nước này sẽ điều chỉnh giảm dự báo suy thoái kinh tế 3% trong năm nay.

- Ngày 22/4, Cơ quan Thống kê của Australia công bố lạm phát quý I/2009 của nước này tăng chậm lại và ở mức thấp nhất trong vòng 18 tháng qua. Chỉ số giá tiêu dùng quý I/2009 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2008, thấp hơn mức tăng 3,7% của quý IV/2008.

- Thị trường chứng khoán thế giới từ ngày 8/4 đến 22/4: chỉ số công nghiệp Dow Jones (Mỹ) tăng 0,63% lên mức 7886,57 điểm; chỉ số FTSE 100 (Anh) tăng 2,68 % lên mức 4030,66 điểm; chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 1,54% lên mức 8727,30 điểm.

- Từ ngày 9/4 đến ngày 23/4, đồng USD tăng giá so với một số đồng tiền mạnh, tăng 0,77% so với EUR, tăng 0,62% so với GBP, giảm giá 2,1% so với JPY và ổn định so với CNY. Giá vàng thế giới tại thời điểm 16 giờ ngày 23/4 ở mức 892,75 USD/ounce, tăng 1,63% so với ngày 9/4. Giá dầu thô ngày 22/4 trên sàn NYMEX giao dịch ở mức khoảng 47,41 USD/thùng, giảm 3,97 % so với ngày 8/4.

- So với ngày 9/4, lãi suất đồng USD trên các thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm: Lãi suất Sibor kỳ hạn qua đêm đồng USD giảm từ mức 0,2725%/năm xuống mức 0,2325%/năm; lãi suất Libor kỳ hạn qua đêm của đồng USD giảm nhẹ từ mức 0,26%/năm xuống mức 0,20625%/năm, còn lãi suất Libor kỳ hạn qua đêm của đồng EURO tăng nhẹ từ mức 0,7725%/năm lên mức 0,84625%/năm.

2. Hoạt động ngân hàng và thị trường tiền tệ trong nước

- Hoạt động ngân hàng và thị trường tiền tệ trong nước ổn định; lãi suất cho vay ổn định so với tuần trước. Đến ngày 23/4/2009, lãi suất huy động bằng VND kỳ hạn 12 tháng của các NHTM nhà nước ở mức khoảng 7,74%/năm, của các NHTM cổ phần ở mức khoảng 7,95%/năm. Lãi suất cho vay bằng VND của khối NHTM Nhà nước phổ biến ở mức 8,5-10%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 10-10,5%/năm đối với cho vay trung và dài hạn, lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất là 4-6%/năm (riêng các doanh nghiệp xuất khẩu có cam kết bán lại ngoại tệ cho ngân hàng lãi suất chỉ còn 0,5-1,5%/năm); lãi suất cho vay bằng VND của khối NHTM cổ phần phổ biến ở mức 10-10,5%/năm, lãi suất cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và cho vay thông qua thẻ tín dụng phổ biến ở mức 12-15%/năm.

- Về kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất: Theo điện báo nhanh của các NHTM, số dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến ngày 23/4/2009 là 254.900 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay của NHTM nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 187.660 tỷ đồng; nhóm NHTM cổ phần là 55.245 tỷ đồng; nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 11.042 tỷ đồng; công ty tài chính là 953 tỷ đồng.

- Tỷ giá bán USD/VND của NHTM cổ phần Ngoại thương chiều ngày 23/4 ở mức 17.784 đồng, giảm 2 đồng so với ngày 9/4 và kịch trần. Giá vàng bán ra của Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 1,965 triệu đồng/chỉ, tăng 7.000 đồng/chỉ so với ngày 9/4.

3. Thị trường chứng khoán:

Từ ngày 8/4 đến 22/4, chỉ số VN-Index tăng 2,58% (8,10 điểm) lên mức 321,86 điểm; chỉ số Hastc-Index tăng 5,86% (6,38 điểm) lên mức 115,31 điểm. Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 13,42 triệu cổ phiếu tương đương 146,24 tỷ đồng và bán ròng lượng trái phiếu tương đương khoảng 51 tỷ đồng.

sbv

" Cung" của vàng trên thị trường

Sau khi xác định cầu của vàng, chúng ta cần biết nguồn cung của thị trường vàng thế giới, điều này giúp ích cho nhà đầu tư xác định nguyên nhân của hiện tượng " Sốt vàng" do tình trạng đầu cơ hay do Lượng cầu hay do Nguồn Cung gặp rắc rối. Đồng thời, chúng ta có thể dùng Nguồn Cung để tính chi phí "Thật" sản xuất ra vàng từ đó là cơ sở cho việc so sánh giá giữa Giá Thật của nhà sản xuất và Giá Ảo trên thị trường. Thông thường Giá Ảo do đầu cơ luôn có xu hướng vận động lên xuống xung quanh " Giá Thật" mà nhà sản suất có lợi Cộng thêm phần trăm tỷ lệ khan hiếm sai biệt giữa Cung và Cầu. Chủ yếu có các nguồn cung sau đây:

1. Sản xuất mỏ.

Vàng được sản xuất từ các mỏ trên khắp các châu lục ngoại trừ châu Đại Dương, nơi mà hoạt động khai thác mỏ bị cấm. Các hoạt động khai thác này diễn ra từ quy mô rất nhỏ đến rất lớn. Theo một con số được công bố gần đây, có khoảng 400 mỏ vàng trên thế giới. Ngày nay sản lượng khai khoáng mỏ của toàn cầu tương đối ổn định, trung bình khoảng 2.225 tấn mỗi năm nếu tính trong quãng thời gian 5 năm trở lại đây. Những mỏ mới đang trong quá trình triển khai mục đích là để giúp đảm bảo sản lượng hiện tại thay vì mở rộng phạm vi khai thác.

Để đưa một mỏ mới vào sản xuất ước tính mất một quãng thời gian tương đối dài- lên tới 10 năm, điều này có nghĩa rằng sản lượng khai khoáng được tương đối ít dao động và do đó khó có thể phản ứng nhanh chóng để có thể có ảnh hương lớn đến được một thay đổi nào đó trong dự đoán về giá cả.

2 Vàng vụn

Tuy nhiên, dù sản lượng của các mỏ vàng tương đối ít dao động, vàng tái chế ( hay còn gọi là vàng vụn) giúp đảm bảo nguồn cung thương mại khá dễ dàng khi cần thiết. Chính điều này góp phần ổn định giá vàng. Giá trị của vàng còn có ý nghĩa về mặt kinh tế vì nó có thể được khôi phục lại từ những hình thức sử dụng khác của nó bằng việc nung chảy, tinh chế và tái chế. Trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2007, vàng tái chế chiếm khoảng 26 % nguồn cung hàng năm của thế giới.

3. Ngân hàng trung ương

Ngân hàng trung ương và các tổ chức đa quốc gia ( như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế) hiện tại cất giữ khoảng 1/5 tổng lượng vàng dự trữ toàn cầu làm tài sản dự trữ (ước tính số lượng khoảng 29.000 tấn được cất trữ ở 110 tổ chức). Tính trung bình, vàng chiếm khoảng 10 % tài sản dự trữ của các chính phủ, cho dù tỷ lệ này có khác nhau giữa các nước.

Mặc dù một số các ngân hàng trung ương đã tăng lượng dự trữ vàng trong những thập niên gần đây, khu vực bán buôn mới chính là những đối tượng bán vàng thực tính từ năm 1989 trở lại đây, và đã góp phần đưa 520 tấn vàng vào nguồn cung hàng năm tính từ năm 2007. Từ năm 1999, Doanh số này được điều hành bởi hiệp hội điều phối vàng thuộc ngân hàng trung ương-CBGA (tổ chức giúp ổn định số lượng bán ra từ 15 nhà nắm giữ khối lượng vàng lớn nhất thế giới.). Doanh sô thực tế bán ra của ngân hàng trung ương ước chỉ đạt 500 tấn vào năm 2007.

Sản xuất vàng

Quy trình sản xuất vàng có thể được phân thành 6 giai đoạn chính: Tìm mỏ có quặng; xâm nhập mỏ quặng; tách quặng ra bằng khai thác và đào mỏ; vận chuyển các chất liệu tách được từ bề mặt mỏ đên nhà máy chế biến; chế biến; và tinh luyện.

Thay vì mua vàng sau đó lại bán ra thị trường, các nhà chế biến chủ yếu thu phí từ các nhà khai thác mỏ. Sau khi được tinh chế, vàng thỏi ( mức độ tinh chế khoảng 99,5 %) được bán cho các nhà kinh doanh vàng, sau đó những người này có thể bán lại cho các

nhà sản xuất trang sức, điện tử hoặc đầu tư. Thị trường kinh doanh vàng với vai trò ở trung tâm của vòng quay cung- cầu- thay vì các nhà khai thác mỏ và và nhà sản xuất trực tiếp ký hợp động với nhau, thị trường kinh doanh vàng làm cho sự vận hành của thị trường kim loại dễ dàng hơn và củng cố cơ chế tự do vận hành của thị trường.

Các nhà máy tinh luyện vàng được đặt chủ yếu gần các trung tâm khai thác lớn hoặc ở các trung tâm chế biến kim loại quý trên khắp thế giới. Tính theo công suất, trung tâm tinh luyện lớn nhất là Rand Refinery ở Germiston, Nam Phi. Tính theo sản lượng, thì trung tâm lớn nhất là Johnson Matthey ở thành phố Salt Lake, Hoa Kỳ.