27 tháng 5, 2009

Tình hình kinh tế - tài chính thế giới từ 14-21/5/2009


1. Tình hình kinh tế và thị trường tài chính thế giới

- Trong tuần, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước công bố các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho thấy xu hướng suy giảm kinh tế tiếp tục diễn ra ở khu vực châu Âu nhưng có dấu hiệu chậm lại tại Mỹ và một số nước châu Á:

+ Cơ quan Thống kê châu Âu công bố GDP của khu vực đồng EURO trong quý I/2009 giảm 2,5% so với quý IV/2008, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1995 khi số liệu này được tổng hợp, trong đó Đức giảm 3,8%, Pháp giảm 1,2%, Italia giảm 2,4%; chỉ số giá tiêu dùng khu vực đồng EURO tháng 4/2009 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2008, không thay đổi so với mức tăng trong tháng 3/2009. Sản lượng công nghiệp trong tháng 4 của Nga giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2008, GDP của nước này giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2008, mức suy giảm lớn nhất trong vòng 15 năm qua, dự báo của Bộ Kinh tế Nga cho thấy GDP nước này có thể suy giảm tới 8% trong năm 2009.

+ Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama nhận định kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu trở lại bình thường, việc phát triển các loại năng lượng mới cùng với việc kích thích xuất khẩu là những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế trong tương lai. Các số liệu kinh tế trong tháng 4 cho thấy có một số dấu hiệu tích cực như: Sản lượng công nghiệp trong tháng 4 giảm 0,5%, thấp hơn mức giảm 1,7% của tháng 3; chỉ số giá tiêu dùng không tăng so với mức giảm 0,1% trong tháng 3. Tuy nhiên thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự phục hồi, số nhà xây dựng mới giảm 13% và số nhà được cấp phép xây dựng giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2008.

+ Cơ quan Thống kê Nhật Bản công bố GDP trong quý I/2009 của nước này giảm 15,2% so với quý trước, cao hơn mức suy giảm 14,4% của quý IV/2008; Bộ Thương mại Singapore công bố GDP quý I/2009 của nước này giảm 14,6% so với quý trước, thấp hơn so với mức giảm 16,4% của quý IV/2008; Chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông công bố GDP quý I/2009 của khu vực này giảm 4,3% so với quý IV/2009 và dự báo kinh tế Hồng Kông có thể giảm khoảng 6,5% trong năm 2009, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1962; Bộ trưởng Tài chính Thái Lan ước tính GDP quý I/2009 của nước này giảm 6% so với cùng kỳ năm 2008 và dự báo GDP của Thái Lan có thể giảm khoảng 3%; Chính phủ Malaysia dự báo kinh tế nước này nhiều khả năng suy giảm, nếu tăng thì cũng chỉ ở mức khoảng 1% trong năm 2009, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Malaysia trong quý I/2009 giảm 79% so với cùng kỳ 2008; Cơ quan Thống kê Indonesia công bố tăng trưởng GDP quý I/2009 của nước này tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2008.

- Nhận định của một số tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế, thị trường tài chính quốc tế năm 2009:

+ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra dự báo mới nhất về kinh tế Mỹ năm 2009 với mức suy giảm lớn hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với mức dự báo công bố trong tháng 1, theo đó tăng trưởng kinh tế giảm khoảng 1,3%-2%, tỷ lệ thất nghiệp khoảng 9,2%-9,6%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 0,6%-0,9%; năm 2010, tăng trưởng kinh tế có thể đạt từ 2%-3%.

+ Ông John Lipsky- Phó giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ quốc tế- nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2010, tuy nhiên sự phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn so với các cuộc suy thoái kinh tế trước đây.

+ Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định vẫn sớm để cho rằng kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi vì đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp so với chi tiêu của chính phủ. Theo quan điểm của WB, đầu tư của khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tạo thêm công ăn việc làm, nếu đầu tư của khu vực tư nhân chưa ở mức cao thì Trung Quốc khó đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững.

- Điều hành chính sách tiền tệ của một số NHTW và diễn biến thị trường tài chính quốc tế:

+ Trong tuần từ 7/5 đến 14/5, Fed đã cung ứng thêm 116,6 tỷ USD ra thị trường chủ yếu thông qua hoạt động mua trái phiếu chính phủ và các chứng khoản có bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp.

+ Hội đồng điều hành NHTW châu Âu cho biết sẽ thảo luận về kế hoạch mua tài sản để cung ứng vốn cho các tổ chức tài chính trị giá khoảng 170 tỷ USD trong tháng 5/2009, gấp đôi mức đã đạt được sự thống nhất trước đó.

+ Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) nhận định các NHTW cần được trao thêm quyền giám sát đối với các công ty tài chính vì các công ty này có thể mang đến nguy cơ bất ổn đối với hệ thống tài chính.

+ Ngân hàng Bank of America Corp cho biết sẽ phát hành thêm khoảng 1,25 tỷ cổ phiếu phổ thông để huy động thêm khoảng 13,5 tỷ USD để tăng năng lực tài chính cũng như dự phòng trong trường hợp cuộc suy thoái tiếp tục kéo dài.

+ Thị trường chứng khoán thế giới từ ngày 14/5/09 đến ngày 20/5/2009 tăng, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ tăng 1,66% lên mức 8.422,04 điểm, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 3,16% lên mức 4.468,41 điểm, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 0,44% xuống mức 9.344,64 điểm.

+ Từ ngày 14/5 đến ngày 21/5, đồng USD giảm giá so với một số đồng tiền mạnh như giảm 1,62% so với EUR, giảm 4,28% so với GBP; giảm 0,66% so với JPY và ổn định so với CNY. Giá vàng thế giới tại thời điểm 15 giờ ngày 21/5 ở mức 940,5 USD/ounce, tăng 1,98 % so với ngày 14/5. Giá dầu thô ngày 21/5 trên sàn NYMEX giao dịch ở mức khoảng 61,45 USD/thùng, tăng 5,95 % so với ngày 14/5.

+ So với ngày 14/5, lãi suất đồng USD trên các thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm: Lãi suất Sibor kỳ hạn qua đêm đồng USD giảm từ mức 0,2275%/năm xuống mức 0,22667%/năm; lãi suất Libor kỳ hạn qua đêm của đồng USD giảm từ mức 0,2225%/năm xuống mức 0,22125%/năm, còn lãi suất Libor kỳ hạn qua đêm của đồng EURO tăng nhẹ từ mức 0,59125%/năm lên mức 0,83625%/năm.

2. Hoạt động ngân hàng và thị trường tiền tệ trong nước

- Hoạt động ngân hàng và thị trường tiền tệ trong nước ổn định; lãi suất cho vay ổn định so với tuần trước. Đến ngày 21/5/2009, lãi suất huy động bằng VND kỳ hạn 12 tháng của các NHTM nhà nước ở mức khoảng 7,85 %/năm, của các NHTM cổ phần ở mức khoảng 8,04%/năm. Lãi suất cho vay bằng VND của khối NHTM Nhà nước phổ biến ở mức 8,5-10%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 10-10,5%/năm đối với cho vay trung và dài hạn, lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất là 4-6%/năm; lãi suất cho vay bằng VND của khối NHTM cổ phần phổ biến ở mức 10-10,5%/năm, lãi suất cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và cho vay thông qua thẻ tín dụng phổ biến ở mức 12-15%/năm.

- Về kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất tính đến ngày 21/5/2009: Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng đồng Việt Nam đến ngày 21/5/2009 là 301.381,77 tỷ đồng, so với ngày 14/5/2009, số dư nợ cho vay đã tăng 9.495,53 tỷ đồng (tương đương tăng 3,25%). Dư nợ phân theo nhóm ngân hàng: Nhóm NHTM Nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 218.472,42 tỷ đồng; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 67.476,45 tỷ đồng; nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 13.767,58 tỷ đồng; công ty tài chính là 1.665,32 tỷ đồng. Dư nợ phân theo đối tượng khách hàng vay vốn: Doanh nghiệp Nhà nước là 64.797,09 tỷ đồng; doanh nghiệp ngoài nhà nước (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài …) là 178.327,59 tỷ đồng; hợp tác xã là 1.808,29 tỷ đồng; hộ gia đình, cá nhân là 51.867,8 tỷ đồng; tổ chức khác là 4.581 tỷ đồng.

- Tỷ giá bán USD/VND của NHTM cổ phần Ngoại thương chiều ngày 21/5 ở mức 17.782 đồng, giảm 5 đồng so với ngày 14/5 và kịch trần. Giá vàng bán ra của Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 2,036 triệu đồng/chỉ, tăng 21.000 đồng/chỉ so với ngày 14/5.

3. Thị trường chứng khoán:

Trong tuần, từ ngày 14/5 đến ngày 20/5, chỉ số VN-Index tăng 8,49% (32,13 điểm) lên mức 410,38 điểm, chỉ số Hastc-Index tăng 8,72% (11,49 điểm) lên mức 142,66 điểm. Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 8,35 triệu cổ phiếu tương đương 199,78 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 8,11 triệu cổ phiếu tương đương 356 tỷ đồng) và bán ròng 77,5 triệu trái phiếu, tương đương 2,84 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 2,45 triệu trái phiếu tương đương 153 tỷ đồng).

SBV

21 tháng 5, 2009

Relax360

Cố ra vẻ chỉ chốt thêm phiền muộn

Ngoài bầu trời này còn nơi khác cao hơn.

********************************

Dẫu phú quí cũng chẳng bằng mạnh khỏe,

Sống lạc quan vui vẻ đến già.

Lòng thanh thản, chẳng so đo hơn thiệt,

Độ lượng khoan dung, mệng luôn nở nụ cười

Lắm kẻ thù, sao bằng nhiều bè bạn.

Nhường nhịn mọi người, trời đất rộng bao la.

**********************************

Có lòng tốt rồi mọi người sẽ hiểu,

Đâu cần vội vàng để người khác biết mình.

Chuyện gì chuyện có lòng thành mới thấy tình bạn quí.

********************************

Trải đắng cay mới biết rõ ngọt bùi,

Bảo người ngốc e là còn quá sớm.

Ai tốt bụng rồi sẽ gặp điều hay,

Đời người ta là cần nhất điều gì: "Là lạc quan, là vui vẻ với những gì mình có".

13 tháng 5, 2009

Kinh tế toàn cầu le lói "ánh sáng cuối đường hầm"….xa..xa….

Sau đây, là một số nhận định của các tổ chức kinh tế quốc tế về viễn cảnh của kinh tế toàn cầu:

Theo ADB

Mới đây nhất, ngày 5/5, phát biểu với báo giới sau khi kết thúc Hội nghị thường niên lần thứ 42 tại Bali (Indonexia) của Ban lãnh đạo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chủ tịch ADB Haruhiko kuroda cho rằng, kinh tế Trung Quốc đã “chạm đáy” suy thoái và bắt đầu phục hồi. Ông cũng khẳng định đã có những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy, các nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc đã phục hồi sau nhiều tháng tăng trưởng âm. Song người đứng đầu ADB nhấn mạnh sự phục hồi kinh tế của châu Á sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của khu vực tài chính châu Âu và Mỹ.

Thông qua những chỉ số kinh tế từ nhiều khu vực trên thế giới, một số nhà kinh tế đồng ý rằng, sự xuống dốc của nền kinh tế đang chậm lại và le lói ánh sáng “cuối đường hầm”. Rõ nét nhất là hoạt động công nghiệp toàn cầu giảm chậm hơn, thị trường nhà đất ở Mỹ và Anh đã có tín hiệu của sự sống nhờ vào lãi suất cho vay, cầm cố giảm và giá nhà rẻ hơn. Niềm tin tại nhiều thị trường khởi sắc.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)

Từ tháng 10/2008, đến nay, tình hình rõ ràng đã được cải thiện và có lý do để tin rằng thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng có thể đang bước qua giai đoạn “ tệ hại nhất”. Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế không hề lạc quan và cho rằng, điều đó không có nghĩa là nguy cơ đột biến xấu không còn nữa và IMF vẫn thúc ép các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các quốc gia phải duy trì các gói kích cầu cho đến hết năm 2010. Bởi những con số thống kê hiện vẫn cảnh báo có thể mang đến sự rủi ro sụt giảm sâu hơn nền kinh tế thế giới là rất lớn.

Trong khi đó, Tổng giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn nhấn mạnh, dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới chỉ có chiều hướng lắng dịu song ông nói: “Quan điểm của chúng tôi là phải xem xét chiến lược thoát ra càng sớm càng tốt”. Trước đó ông còn cho rằng, năm 2009 sẽ vẫn “gần như chắc chắn là một năm hết sức khó khăn”. Ngay cả những nước đang phát triển có chính sách kinh tế vĩ mô và điều hành tốt cũng bị tác động, trong đó phần nhiều là do xuất khẩu bị giảm đột ngột. Trung Quốc tuy vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều so với tỷ lệ 11-12% của nhiều năm trước. Tính chung, cuộc khủng hoảng này sẽ khiến khoảng 200 triệu người rơi vào cảnh nghèo khó – đây là một trong những gánh nặng kéo dài thêm giai đoạn phục hồi kinh tế sau khủng hoảng.

Như vậy, cuộc khủng hoảng toàn cầu có lạc quan cho rằng đang “chạm đáy” hay ở “cuối đường hầm” thì vẫn cần một phản ứng trên phạm vi toàn thế giới, mà trách nhiệm thực hiện vẫn phụ thuộc vào từng quốc gia. Mỗi nước sẽ phải cố gắng thiết kế gói kích cầu kinh tế để mang lại lợi ích tối đa cho người dân nước đó. Tuy nhiên, do các gói kích cầu của từng nước chủ yếu là nhỏ và thiết kế kém hơn mức độ cần thiết, bởi vậy, mỗi gói kích cầu phối hợp toàn cầu là rất quan trọng.

Từ những mầm mống tích cực của sự phát triển, Tổng giám đốc IMF Strauss-Kahn khuyến cáo, các Chính phủ cần phải duy trì gói kích thích chi tiêu cho đến năm 2010 tránh để cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời Tổng giám đốc IMF còn thúc giục các nước chuẩn bị thoát ra khỏi các chính sách hiện hành khi sự phục hồi kinh tế đã trở nên vững chắc.

Tiếng nói từ các ngân hàng trung ưng

Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bemanke còn cho rằng, với việc các thị trường chứng khoán toàn cầu đã dần hồi phục trong tháng 3 vừa qua, nên các nhà hoạch định chính sách hiện đang ở vào tình thế “lưỡng nan” vì nếu họ không quan tâm nhiều đến kinh tế thì có thể làm xói mòn niềm tin vốn đang tăng cao gần đây, nhưng nếu lưu tâm quá đến hỗ trợ thì họ sẽ khó có thể đòi hỏi thêm công quỹ. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 15/3, ông Ben Bernanke đã nói về “những chồi xanh” của phục hồi kinh tế - một cụm từ đã trở thành phổ biến trong giới phân tích và đầu tư, những người tỏ ra lạc quan rằng suy thoái đang lui dần. Nhưng chỉ mấy ngày sau đó, Ủy ban Hoạch định Chính sách của FED đã khiến các thị trường ngạc nhiên bằng cách bỏ phiếu thông qua việc mua lại tài sản dài hạn trị giá 1, 15 nghìn tỷ USD để tìm cách thúc đẩy kinh tế.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh cũng bắt đầu mua lại tài sản, trong đó có nợ của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương châu Âu đang xem xét các biện pháp đặc biệt tương tự nhằm giảm bớt tình trạng cạn kiệt tín dụng.

Mối lo ngại chính trên thế giới hiện nay vẫn là giải quyết số tài sản “xấu” từ bảng kết toán tài sản. Các quan chức ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản nhấn mạnh rằng, việc ổn định hệ thống ngân hàng là điều kiện tiên quyết để hồi phục tăng trưởng kinh tế. Ngày 17/4, Chủ tịch Eurogroup, Jean - Claude Juncker, khẳng định: “Chúng ta cần giải quyết vấn đề tài sản xấu và tôi cho rằng chúng ta nên làm điều này theo nhiều cách thức khác nhau”. Các nhà điều phối Mỹ đang thẩm tra 19 ngân hàng lớn nhất để quyết định xem các ngân hàng này có đủ tài lực ứng phó với một cuộc suy thoái ngày càng sâu sắc hay không.

Còn theo Giáo sư Kenneth Rogoff của Đại học Harvard - một nhà kinh tế cao cấp kỳ cựu của IMF, lịch sử cho thấy, ngay cả khi các Chính phủ tuân theo tất cả mọi quy định bắt buộc, thì cũng phải mất nhiều năm, kinh tế mới quay trở lại các mức tăng trưởng thời kỳ tiền khủng hoảng. Ông dự đoán Mỹ sẽ phải trải qua 5-7 năm tăng trưởng đi kèm với nguy cơ tăng trưởng thấp khiến một cơn sốc kinh tế nhỏ cũng đủ làm chệch hướng tăng trưởng.

Và chắc chắn tác động tàn phá của cuộc khủng hoảng này là cực kỳ lớn không thể lạc quan bởi mới chỉ nhen nhóm một vài sự kiện tích cực có thể coi tình hình kinh tế toàn cầu mới chỉ le lói tia sáng “cuối đường hầm”còn bóng dáng của sự phục hồi vẫn chưa xuất hiện.

7 tháng 5, 2009

Phân tích kỹ thuật xu hướng EURUSD và GPBUSD trong dài hạn

Euro / US Dollar

các cây nến xanh xuất hiện trong tháng 3, báo hiệu tiềm năng lực mua trở lại thị trường. vào tháng 4, mức độ trade trong 700 pip nhưng đóng cửa chỉ tăng 17pip . Đây là mô hình bullish trong dài hạn của EURUSD

British Pound / US Dollar

Ngôi sao ban mai đã xuất hiện trong tháng 3 đối với GBP, và tiếp tục củng cố trong tháng 4. xu hướng GBPUSD sẽ tăng trong tháng 5.

5 tháng 5, 2009

Phân tích kỹ thuật cũng cần kỹ thuật phân tích

Mới đây một chuyên gia phân tích tiền tệ của DailyFX.com, ông David Rodriguez, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về tính chính xác và hiệu quả của phân tích kỹ thuật. Kết quả thật hết sức thú vị.

“Ngôi sao ban mai” và “ngôi sao ban chiều”


Phân tích kỹ thuật sử dụng rất nhiều mẫu đồ thị khác nhau để biểu diễn biến động giá cả, trong đó có đồ thị nến (candlestick chart). Đồ thị nến do người Nhật sáng tạo ra, họ sử dụng một một mẫu hình có dạng gần giống như cây nến để thể hiện các thông số của một khoảng thời gian biến động giá.


Giá cao nhất (thấp nhất) là mức giá mà tài sản (chứng khoán, ngoại tệ, vàng) có thể đạt đến trong một khoảng thời gian (phút, giờ, ngày, tuần...), giá mở cửa (đóng cửa) là mức giá lúc bắt đầu và kết thúc khoảng thời gian mà nhà đầu tư xem xét. Nói tóm lại, một “cây nến” sẽ cho các nhà đầu tư thấy được mức độ và xu hướng biến động giá của tài sản trong một khoản thời gian nhất định. Nhiều “cây nến” ghép lại sẽ hình thành các mẫu hình nến (candlestick pattern) và các mẫu hình nến này là dấu hiệu chỉ báo cho nhà đầu tư biết trong tương lai xu hướng giá cả có thể tiếp tục tăng/giảm hoặc sẽ đảo chiều, thậm chí là mức độ tăng/giảm, đảo chiều mạnh hay nhẹ. Theo thời gian, dựa trên kinh nghiệm và quan sát, người ta đưa ra hàng trăm mẫu hình nến, rất đa dạng, mỗi mẫu hình có ý nghĩa và nội dung khác nhau về chỉ báo xu hướng giá. Tuy nhiên, mẫu hình “ngôi sao ban mai” (morning star) và “ngôi sao ban chiều” (evening star) là khá quan trọng và được sử dụng rất phổ biến. Do đó, hai mẫu hình này được chọn để kiểm định về tính chính xác và hiệu quả của phân tích kỹ thuật.


Trên đồ thị, khi giá cả đang giảm mạnh nếu “ngôi sao ban mai” xuất hiện thì cho thấy khả năng thị trường sẽ đảo chiều theo xu hướng đầu cơ giá lên (bullish). Mẫu hình này bao gồm một cây nến đỏ (giá giảm) thân dài, cho thấy giá cả đang giảm mạnh, nối tiếp theo là một cây nến đỏ thân rất ngắn có giá mở cửa bằng hoặc thấp hơn giá đóng cửa của cây nến thứ nhất, cho thấy giá tiếp tục giảm nhưng mức độ giảm đã yếu hẳn, cuối cùng là một cây nến xanh (giá tăng) thân dài cho thấy giá đã đảo chiều tăng mạnh. Mẫu hình này cho thấy các nhà đầu cơ giá xuống (bearish) đã không thể áp đảo các nhà đầu cơ giá lên để đẩy giá tiếp tục giảm, do đó trong tương lai giá sẽ tăng . Trái ngược với “ngôi sao ban mai”, “ngôi sao ban chiều” là dấu hiệu thị trường sẽ đảo chiều theo xu hướng giá giảm mạnh, cách lý giải tương tự như “ngôi sao ban mai” nhưng ngược lại.


Kết quả kiểm định


Quá trình kiểm định được thực hiện bằng cách dựa trên chuỗi số liệu biến động tỷ giá hối đoái của các cặp đồng tiền chủ yếu bắt đầu từ ngày 1-1-2000 (thời điểm đồng euro ra đời) cho đến ngày 15-11-2007. Chiến lược kinh doanh đưa ra là khi dấu hiệu “ngôi sao ban mai” xuất hiện thì đặt lệnh mua và ngược lại, thực hiện bán khống khi thấy mẫu hình “ngôi sao ban chiều”.


Kết quả thực nghiệm đầu tiên dựa trên nghiệp vụ mua, bán khống mà không có các lệnh dừng lỗ (stop-loss) và giới hạn lợi nhuận (profit limit).


Kết quả trên bảng 1 phân tích kỹ thuật sử dụng mẫu hình “ngôi sao ban mai - ban chiều” khá chính xác trong các chiến lược kinh doanh đối với các cặp đồng tiền chủ yếu. Ngoài ra, còn một điều quan trọng và thú vị hơn là các kết quả lợi nhuận sẽ được cải thiện đáng kể nếu áp dụng các mức dừng lỗ và giới hạn lợi nhuận khi mở vị thế mua/bán. Điều này được chứng minh qua kết quả kinh doanh cặp đồng tiền EUR/USD.


Thay lời kết


Rõ ràng trong kết quả kinh doanh dựa trên phân tích kỹ thuật biến động tỷ giá hối đoái của cặp đồng tiền EUR/USD, các mức lợi nhuận ròng được cải thiện đáng kể nếu thêm vào các mức dừng lỗ và giới hạn lợi nhuận hợp lý. Mức dừng lỗ càng thấp sẽ càng làm tăng lợi nhuận vì nó giới hạn khoản thua lỗ mà nhà đầu tư chịu nếu họ dự báo giá sai, tuy nhiên số giao dịch thất bại cũng tăng lên. Một điều thú vị là chúng ta thấy nhà đầu tư sẽ đạt lợi nhuận tối đa nếu đặt mức giới hạn lợi nhuận ở $12.000.


Như vậy, kiểm định thực tế cho thấy, phân tích kỹ thuật trong nhiều trường hợp là khá chính xác trong việc dự báo biến động giá cả. Mặc dù, mẫu hình “ngôi sao ban mai - ban chiều” có khi đưa ra những dự báo đúng, có khi sai. Do đó, không loại trừ những trường hợp nhà đầu tư bị thua lỗ nếu hoàn toàn chỉ dựa vào phân tích kỹ thuật để ra quyết định. Nhưng thật ra, phân tích kỹ thuật không chỉ có các mẫu hình nến, mà còn có rất nhiều các chỉ số khác như đường RSI, đường MA, MACD, dải băng Bollinger, sóng Elliot... Vì vậy, nếu “người sử dụng” biết cách kết hợp nhiều dấu hiệu với nhau, cộng với việc đặt các mức dừng lỗ và giới hạn lợi nhuận hợp lý thì sẽ phát huy được tác dụng của phân tích kỹ thuật một cách hữu hiệu nhất. Vậy phân tích kỹ thuật có chính xác hay không là còn tùy thuộc vào người phân tích sử dụng nó như thế nào. Thậm chí, có người còn nói phân tích kỹ thuật là cả một nghệ thuật.