22 tháng 10, 2009

Nhật Bản rơi vào hố đen nợ nần chồng chất


Đối với một quốc gia phát triển, sau khi khủng hoảng tài chính đi qua gánh nặng nợ nần sẽ là bao nhiêu? Với con số nợ năm 2014 chiếm 246% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nước này không phải là nguồn gốc gây ra khủng hoảng – nước Mỹ mà là nước vừa mới đưa ra quyết định phát hành 50.000 tỷ trái phiếu bằng đồng Yên – Nhật Bản.

Ác mộng vì con số nợ

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Hirohisa Fujii hôm thứ Ba tuyên bố, Chính phủ Nhật sẽ thông qua việc phát hành trái phiếu để ứng phó với việc doanh thu Chính phủ giảm sút. Năm 2009, Nhật Bản phát hành trái phiếu với trị giá lên đến 50.000 tỷ Yên, mức cao nhất trong lịch sử.

Theo như dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong các nước phát triển, con số nợ nần của Nhật Bản là cao nhất, con số nợ của Nhật Bản từ mức chiếm 188% GDP năm 2007 sẽ tăng lên 246% GDP của năm 2014.

Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Mỹ với con số thâm hụt ngân sách tăng vọt đã khiến cho những khoản nợ nần của Mỹ chiếm tỷ trọng là 98% trong tổng GDP. Tuy nhiên so với Mỹ, các khoản nợ của Nhật Bản còn để lại những tác động vào nền kinh tế ở mức độ lớn hơn.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã chi nhiều vốn để xây dựng đập nước và các công trình quốc lộ, khiến cho con số nợ của Chính phủ Nhật lên đến 5000 tỷ USD.

Bất luận là Nhật Bản hay Mỹ, vấn đề về những khoản nợ nần chồng chất đang là rào cản cho khôi phục kinh tế. Con số nợ khổng lổ và đang tiếp tục tăng lên của Nhật Bản như là con ác mộng đối với các nhà đầu tư, những khoản nợ này của Nhật có thể gây ramột cuộc khủng hoảng mới và đồng Yên có thể sẽ phải đối mặt với nhiều nhân tố bất ổn định.

Trung Quốc sẽ siết lại thị trường tiền tệ

Trung Quốc hôm qua cảnh báo các ngân hàng phải thận trọng hơn với những khoản vay nguy hiểm, đồng thời yêu cầu họ chuẩn bị cho những thay đổi về chính sách tiền tệ, hãng Reuters đưa tin hôm qua.

Đây được coi là chỉ dấu mới nhất cho thấy chính phủ có thể xiết chặt trở lại thị trường tiền tệ vốn được nới lỏng hết mức thời gian qua.

Các ngân hàng Trung Quốc phải cân nhắc kỹ và giám sát chặt sự gia tăng các khoản nợ xấu, Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát của Ngân hàng trung ương Trung Quốc Liu Mingkang nói.

Những cảnh báo này đang rộ lên vài tháng nay sau những ghi nhận về sự gia tăng các khoản vay “chưa có tiền lệ” trong nửa đầu năm 2009.

Trong một văn bản, ông Liu yêu cầu các ngân hàng “nhanh chóng thiết lập hay nâng cấp hệ thống kiểm soát rủi ro trong thanh khoản, đặc biệt chú ý sự lưu thông của các dòng vốn có yếu tố quốc tế, xu hướng kinh tế vĩ mô và các điều chỉnh trong chính sách tiền tệ quốc gia”.

Những phát biểu của ông Liu Mingkang xuất hiện một tuần sau khi Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Zhou Xiaochuan nói rằng một chính sách tiền tệ nới lỏng mà Trung Quốc áp dụng thời gian qua là điều kiện cần thiết để đối đầu với khủng hoảng tài chính toàn cầu và giờ là lúc phải thay đổi.

Trung Quốc củng cố sự thống trị trong thương mại toàn cầu

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến cho người tiêu dùng và doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn tới giá cả, Trung Quốc đã nhanh tay tóm lấy thị phần từ các đối thủ cạnh tranh, củng cố vị thế thống trị trong thương mại thế giới mà nhiều nhà kinh doanh cho rằng có thể tồn tại lâu dài sau khi nền kinh tế hồi phục.

Trung Quốc năm nay đã vượt qua Đức, trở thành nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Theo giới phân tích, Trung Quốc đang giành miếng bánh ngày càng lớn của chiếc bánh đang teo lại. Mặc dù thương mại thế giới đang suy giảm vì khủng hoảng kinh tế, người tiêu dùng vẫn có nhu cầu mua hàng giá rẻ, và Bắc Kinh, quyết định giữ cho guồng máy xuất khẩu chạy đều, đã tìm cách đáp ứng nhu cầu đó.

Nỗ lực giành thị trường

Các nhà máy trên toàn Trung Quốc đang ra sức giảm giá sản phẩm, từ đó mở rộng thị phần ở các thị trường cũ và thâm nhập các thị trường mới. Vì Trung Quốc sản xuất các sản phẩm đa dạng nhưng rẻ tiền và thiết yếu, các nhà phân tích cho rằng xuất khẩu của nước này có thể trụ tốt giữa cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Thắng lợi ấn tượng nhất đến từ thị trường Mỹ, nơi Trung Quốc đã thay thế Canada trở thành nước cung ứng nhiều hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ nhất. Trong bảy tháng đầu năm 2008, chưa đầy 15% hàng nhập khẩu vào Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng bảy tháng đầu năm nay, Trung Quốc chiếm tới 19% trong lúc hàng Canada đã giảm xuống còn 14,5% từ mức gần 17% năm ngoái.

Ngoài việc gia tăng thị phần trên nhiều thị trường, Trung Quốc còn gia tăng giá trị xuất khẩu, tính theo giá trị tuyệt đối, ở một số ngành hàng. Ví dụ như ở mặt hàng đồ len, hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã tăng 10% trong bảy tháng đầu năm nay, trong khi hàng len nhập khẩu từ Mexico, Honduras, Guatemala và El Salvador đã giảm từ 19% đến 24% mỗi nước, theo thống kê của Trung tâm Thông tin Thương mại Toàn cầu.

Hôm thứ Tư 14/10, Trung Quốc công bố hoạt động xuất khẩu của họ chỉ giảm nhẹ trong tháng 9, khoảng 15%, cải thiện rất nhiều so với đà sụt giảm trong tháng 8. Các nhà kinh tế nói rằng đó là dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang được cải thiện và sức mạnh của các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã được phục hồi.

Doanh nghiệp linh hoạt, chính quyền hỗ trợ

Lý do dẫn tới sự cải thiện này là các nhà sản xuất Trung Quốc có khả năng nhanh chóng hạ giá sản phẩm qua việc giảm lương công nhân và các chi phí khác ở những khu công nghiệp thường dựa vào lực lượng công nhân nhập cư. Các nhà quản lý ở đây nói rằng người mua hàng yêu cầu họ làm như vậy. “Người mua ngày càng quyết liệt đòi giá thấp hơn, nhất là các thương gia Mỹ” - bà Liêu Nguyên (Liao Yuan), trưởng bộ phận kinh doanh quốc tế của Công ty may Changrun Garment cho biết. Công ty này nằm ở miền nam Trung Quốc, chuyên xuất khẩu quần jean sang Mỹ và châu Âu. “Họ trả 2,85 đô la Mỹ một chiếc quần jean mà giá đúng phải là 7 đô la một chiếc” - bà Liêu than thở. Rất ít quốc gia có thể cạnh tranh với cái gọi là “giá Trung Quốc” như thế. Ông Nicholas R. Lardy, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Kinh tế Thế giới Peterson tại Washington, nhận định: “Trung Quốc có thể nhanh chóng điều chỉnh theo các thay đổi của thị trường. Thị trường lao động của họ hết sức linh hoạt. Và khi người tiêu dùng hạ thấp yêu cầu về chất lượng hàng hóa thì Trung Quốc có lợi lớn”.

Các chính sách hỗ trợ xuất khẩu của Chính phủ Trung Quốc cũng có tầm quan trọng không kém, từ chính sách giữ cho đồng Nhân dân tệ luôn yếu hơn nhiều so với các ngoại tệ mạnh cho đến những quyết định trợ cấp xuất khẩu qua việc giảm thuế và buộc các ngân hàng quốc doanh phải cho doanh nghiệp vay hàng tỷ đô la Mỹ với lãi suất thấp. Và kết quả hết sức đáng kinh ngạc. Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất khẩu 521 tỷ đô la Mỹ quần áo, đồ chơi, đồ điện tử, ngũ cốc và các loại hàng hóa khác đến tất cả các nước còn lại trên thế giới. Mặc dù con số này đã giảm 22% so với nửa đầu năm 2008, thì so với các quốc gia xuất khẩu khác, vẫn còn tốt hơn nhiều. Cùng thời gian này, xuất khẩu của Đức giảm 34%, của Nhật giảm 37% và của Mỹ giảm 24%.

Trung Quốc được thì thế giới mất

Sự gia tăng thị phần của Trung Quốc đi kèm với thiệt hại của các nước xuất khẩu khác như Nhật, Ý, Canada, Mexico và Trung Mỹ - ở các ngành công nghiệp mà lâu nay Trung Quốc vẫn tìm cách chiếm lĩnh. Trong vòng một năm qua, tỷ lệ đồ gỗ nội thất Trung Quốc trong tổng giá trị đồ gỗ nhập khẩu vào thị trường Mỹ đã tăng từ 50% lên 54%; còn đồ gỗ nhập khẩu từ Canada và Ý đã giảm tới 40% so với cách đây một năm. Ở châu Âu, hàng dệt, vải vóc và áo quần từ Trung Quốc đã tăng thị phần ở các thị trường chính, sau khi hạn ngạch nhập khẩu hết hiệu lực hồi tháng 1/2009. Trước đó chưa lâu, Rumania là nước cung cấp phần lớn giày dép cho Ý, bây giờ thì Trung Quốc chiếm phần lớn lượng giày nhập khẩu vào Ý. Nhật Bản đã một thời dựa vào việc xuất khẩu hàng điện tử sang Mỹ, nhưng trong suốt thập niên qua năm nào Nhật cũng mất thị phần vào tay Trung Quốc. Năm nay cũng vậy. Nếu như năm 1999, hàng điện tử Nhật Bản nhập vào Mỹ chiếm 18% tổng nhập khẩu hàng điện tử của Mỹ thì năm nay con số này chỉ còn 7%. Thị phần hàng điện tử Trung Quốc nhập vào Mỹ đã tăng từ 10% lên 20% chỉ trong một năm.

Tính chung lại, việc gia tăng thị phần đã giúp Trung Quốc duy trì thặng dư thương mại lớn so với hầu hết các nước khác trên thế giới, làm dấy lên nỗi lo lắng về sự mất cân bằng của thương mại toàn cầu - và một lần nữa khiến người ta chú ý tới đồng tiền Trung Quốc, đồng nhân dân tệ.

Sau khi để cho đồng tiền của mình tăng giá so với đồng đô la Mỹ từ tháng Bảy năm 2005, Trung Quốc đã lại một lần nữa gắn chặt đồng tiền vào đồng đô la từ đầu năm ngoái. Khi đồng đô la Mỹ giảm giá mạnh so với các đồng tiền chính khác như đồng euro - đô la Mỹ giảm giá khoảng 15% so với đồng euro trong vòng một năm qua - thì đồng nhân dân tệ Trung Quốc cũng giảm theo và hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn và ngày càng cạnh tranh mạnh hơn.

Nhu cầu tái cân bằng nền kinh tế

Giờ đây thị phần mà Trung Quốc giành được đang đe dọa làm gia tăng va chạm thương mại với Mỹ và châu Âu. Các quan chức Liên minh châu Âu đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc phải giảm số hàng xuất khẩu vào khối này và triển khai các cuộc điều tra chống phá giá. Ngày 13/10, Ủy ban châu Âu đã đề nghị gia hạn việc áp thuế chống phá giá đối với sản phẩm giày nhập khẩu từ Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đang kêu gọi Trung Quốc tái cân bằng nền kinh tế của mình và để cho đồng nhân dân tệ được tăng giá so với các đồng tiền khác.

Mỹ - nhiều năm qua vẫn than phiền về đồng tiền yếu của Trung Quốc và sự mất thăng bằng thương mại ngày càng gia tăng - nhiều tháng nay đã im hơi lặng tiếng. Theo các nhà phân tích, một phần là do Washington đang cố gắng cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh vào thời điểm mà họ đang rất cần Trung Quốc mua nợ. “Điều mà Tổng thống Barack Obama quan tâm không phải là buộc Trung Quốc tăng giá đồng tiền mà làm cho họ phải thanh toán các khoản chi tiêu của Mỹ”, ông Dong Tao, nhà kinh tế của ngân hàng Credit Suisse nhận xét.

Về phần mình, Bắc Kinh lo rằng việc tăng giá đồng tiền có thể trở thành thảm họa, phá hoại xuất khẩu và làm giảm hiệu quả của gói kích thích kinh tế của chính phủ. Nhưng các nhà lãnh đạo đất nước này cũng nhận biết sự cần thiết của việc chuyển nền kinh tế ra khỏi sự phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu, hướng tới gia tăng tiêu dùng nội địa. Trung Quốc cũng nóng lòng muốn chuyển lên vị trí cao hơn trên dây chuyền giá trị thông qua việc bán các loại hàng hóa đắt tiền như chip điện tử, máy bay, thuốc men - những thứ mang lại công việc làm có lương cao hơn và sự phát triển kinh tế lành mạnh hơn.

Bên cạnh đó, có khả năng tranh chấp thương mại ngày càng tăng giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu, và một số nước sẽ thực thi các biện pháp bảo hộ thị trường trước làn sóng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc lo sợ rằng cho dù chiếm được thị phần lớn hơn, áp lực phải sản xuất với giá thấp sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ và chất lượng sản phẩm. Bà Liêu của Công ty may Changrun nói rằng, nhiều nhà sản xuất thậm chí còn tận dụng nguyên vật liệu phế thải để giảm chi phí dù biết làm như vậy là thủ tiêu chất lượng sản phẩm.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán rằng giai đoạn giảm giá hàng Trung Quốc sẽ còn kéo dài khi kinh tế châu Âu và Mỹ vẫn tăng trưởng chậm trong một thời gian dài nữa. “Trung Quốc sẽ ngày càng mạnh hơn. Các đối thủ càng lúc càng yếu kém do suy thoái kinh tế. Và chính phủ Trung Quốc đang giúp đỡ một số ngành công nghiệp, như công nghiệp xe hơi, vì thế trong tương lai, một vài ngành công nghiệp mới có thể nổi lên thành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc”, ông Dong Tao ở Credit Suisse nhận định.

Tổng hợp tin thế giới 22-10

Xả hàng muộn, Dow Jones giảm gần 1%

Hoạt động xả hàng mạnh đối với cổ phiếu ngành tài chính, bán lẻ và công nghệ vào giờ cuối cùng của phiên giao dịch ngày Thứ Tư 21/10 đã khiến Wall Street trượt dài gần 1% sau khi xác lập các mức cao mới năm 2009 nhờ lợi nhuận vượt kỳ vọng của một số ngân hàng và sự phục hồi của giá cả hàng hóa.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 92.12 điểm (0.92%) xuống 9,949.36 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 9.66 điểm (0.89%) đóng cửa tại 1,081.40 điểm. Chỉ số Nasdaq đánh mất 12.74 điểm (0.59%) lùi về mức 2,150.73 điểm.

Thị trường khởi sắc trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch nhờ sự tăng giá của nhóm cổ phiếu ngành tài nguyên thiên nhiên xuất phát từ đồng USD yếu, cũng như lợi nhuận khả quan của Morgan Stanley và Yahoo. Tuy nhiên đà tăng yếu dần vào cuối phiên và quay đầu giảm mạnh khi cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ và công nghệ rớt giá thảm hại.

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã không thể trụ vững sau khi nhận được bản báo cáo cho biết, chính quyền của Tổng thống Obama sẽ cắt giảm mạnh thù lao đối với giám đốc điều hành của các Công ty tài chính có nhận nhiều tiền cứu trợ nhất trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Kế hoạch chi tiết này được thực hiện bởi “cố vấn đặc biệt” Kenneth Feinberg của chính quyền Obama và dự kiến sẽ được công bố trong một vài ngày tới.

Bên cạnh đó, chuyên gia phân tích ngân hàng nổi tiếng Richard X. Bove của Hãng Nghiên cứu Rochdale Research hạ mức khuyến nghị của cổ phiếu Wells Fargo từ “trung lập” sang “bán”.

Một thông tin đáng chú ý trong đầu giờ giao dịch chiều là chỉ số biến động CBOE (hay VIX - thước đo sự sợ hãi của Wall Street) chạm mức thấp 14 tháng tại 20.10 điểm. Mặc dù đây được xem là tín hiệu tích cực cho thấy tâm lý lo lắng của nhà đầu tư đã suy giảm, nhưng đồng thời cũng cho thấy rằng giới đầu tư có thể đã quá tự mãn và một đợt điều chỉnh mạnh hơn nữa sẽ diễn ra vào thời gian không xa.

Hơn nữa, mức thua lỗ cao hơn dự đoán của Tập đoàn Boeing đã khiến giới đầu tư thất vọng và xua tan niềm lạc quan có được từ lợi nhuận cao của các đại gia ngành ngân hàng như Wells Fargo, U.S. Bancorp và Morgan Stanley.

Cụ thể, Wells Fargo công bố lãi 3.2 tỷ USD trong quý 3 nhờ sự cải thiện trong hoạt động cho vay thế chấp và một số lĩnh vực khác đã làm giảm tác động từ các khoản thu lỗ lên tới hàng tỷ USD do nợ xấu.

Ngân hàng U.S. Bancorp công bố lợi nhuận thấp hơn kế hoạch nhưng lại vượt kỳ vọng của các nhà phân tích nhờ doanh thu từ hoạt động thế chấp tăng tới 350% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, lần đầu tiên trong một năm qua, Morgan Stanley công bố kinh doanh có lãi trở lại nhờ doanh thu cao từ hoạt động đầu tư thu nhập cố định và hoạt động giao dịch. Mặc dù doanh thu và lợi nhuận của hãng giảm so với cách đây một năm nhưng vượt mong đợi của các nhà phân tích.

Tuy nhiên, Boeing lại cho biết EPS của hãng giảm so với cùng kỳ năm 2008 do chi phí tăng cao xuất phát từ sự trì hoãn của chương trình 787 Dreamliner nhưng doanh thu lại vượt kế hoạch. Tuy nhiên, cả doanh thu, lợi nhuận của Boeing đều thấp hơn kỳ vọng của thị trường nên hãng quyết định cắt giảm triển vọng lợi nhuận năm 2009.

Như vậy, cho tới thời điểm này, đã có 122 công ty S&P 500 công bố kết quả kinh doanh. Và theo số liệu mới nhất của Thomson Reuters thì lợi nhuận vẫn đang giảm 20.9%, doanh thu giảm 10.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả của 30 thành viên Dow Jones dự kiến kém khả quan hơn với mức sụt giảm lợi nhuận là 30%.

Liên quan đến các thông tin kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tại 50 bang của Mỹ đều tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 15 bang có thất nghiệp trên 10%. Đặc biệt con số này tại bang Michigan lên tới 15.3%.

Theo cuốn Beige Book được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố vào buổi chiều thì nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã bộc lộ dấu hiệu ổn định và thậm chí là có cải thiện trong các tuần gần đây.

Lợi tức trái phiếu kho bạc giảm từ 3.41% xuống 3.34%. Giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ tăng mạnh 2.25 USD/thùng lên mốc 81.37 USD/thùng, mức cao mới trong vòng một năm qua sau khi số liệu cung dầu hàng tuần của Chính phủ cho thấy nguồn cung dầu tăng nhẹ hơn dự đoán.

Đồng EUR tăng vọt lên mức cao 14 tháng so với đồng USD, vượt mức 1.5 USD/EUR; trong khi đó, đồng USD tăng so với đồng JPY. Giá vàng giao Tháng 12 tăng mạnh 5.90 USD/oz để xác lập mức 1,064.50 USD/oz. Sự suy yếu của đồng USD và nỗi lo lạm phát chính là yếu tố giúp giá vàng liên tục phá vỡ mốc kỷ lục trong một tháng qua.

Đêm qua, chứng khoán Châu Âu tăng nhẹ, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0.3%, chỉ số CAC 40 của Pháp đi ngang, chỉ số DAX của Đức cộng 0.4%. Chứng khoán Châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 21/10.

Vàng tăng trở lại khi giá dầu tăng cao, Usd suy yếu

Giá vàng giao sau chốt phiên New York tăng cao khi đồng USD rớt xuống mức thấp 14 tháng mới. Bạc và platin cũng tăng giá.
Giá vàng giao kỳ hạn tháng 12 tăng $5.90, tương đương 0.6%, kết thúc phiên tại $1,064.50/oz.

Đồng USD tiếp tục đi xuống do giới đầu tư quan tâm đến các ngoại tệ có tỷ suất sinh lợi nhiều hơn vì họ tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế. Vào cuối giờ giao dịch, tỷ giá EUR/USD giảm điểm dưới ngưỡng 1.5000 trong khi chỉ số đôla giảm còn 75.13.
Trến sàn Comex, vàng giao tháng 12 đóng cửa tăng $5.90 lên mức $1,064.50/ ounce.

Đồng Usd giảm giá mạnh so với đồng euro khi tỉ giá trong ngày chạm mức cao nhất $1.5045 so với mức của cuối ngày thứ Ba là $1.4929. Bill O'Neill nhà phân tích của Logic Advisors cho biết “sau khi giảm giá đầu giờ, việc đồng euro lên giá đã kéo vàng tăng”.
Chỉ số Usd index hôm qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong ngày là 74.90 điểm, đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 14 tháng qua.

Giá dầu tăng mạnh 3% lên mức trên $81/thùng khi báo cáo dự trữ dầu của Mỹ cho thấy lượng xăng dự trữ giảm mạnh hơn 5 triệu thùng. Dầu tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay và một số nhà phân tích cho rằng về kỹ thuật giá đang hướng tới mức $90/ thùng.
Bạc giao kỳ hạn tháng 12 tăng 26.7 cent lên $17.825/oz. Platin giao kỳ hạn tháng 1 đóng cửa đạt $1,374.40/oz, tăng $18.10.

Nga sẽ dùng đồng NDT làm tiền tệ dự trữ
Tờ “Báo Nga” ngày 20/10 đưa tin, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin tuần trước cho biết, cơ cấu dự trữ ngoại hối với đồng USD và đồng EUR làm chủ trong thời gian trung hạn sẽ không có những biến đổi lớn, nhưng sẽ tăng thêm đơn vị dự trữ mới đó là đồng NDT.
Theo ông Kudrin, biện pháp cấp thiết thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại tệ là không hiện thực, bởi vì bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ với quy mô lớn sẽ khiến cho giá cả của nó sụt giảm mạnh. Hiện tại, tỷ lệ đồng USD chiếm trong dự trữ ngoại tệ Nga đã giảm xuống còn 49%, còn tỷ lệ đồng EUR đã tăng tới 41%, tỷ lệ của đồng bảng Anh và các loại tiền tệ khác chiếm 10% tỷ lệ còn lại.

Ông Kudrin cũng không loại trừ khả năng trong tương lai sẽ từng bước thúc đẩy việc đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ. Mấy năm qua, Quyền rút vốn đặc biệt SDR của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF có thể được coi là tiền tệ dự trữ ngoại tệ; Còn về Tổng sản phẩm quốc nội GDP, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ảnh hưởng của đồng NDT đang ngày một tăng, vì thế cơ cấu dự trữ ngoại tệ của Nga có lẽ sẽ gia nhập thêm đồng NDT.

Một số quan chức tài chính của Nga cho rằng, chiều hướng đồng RUB trở thành tiền tệ dự trữ thế giới đã bắt đầu đi lên. Các nước thuộc Cộng đồng kinh tế Âu – Á đã quyết định từ bỏ sử dụng đồng USD trong giao dịch thương mại song phương, sử dụng tiền tệ nội địa để thanh toán, nhưng đối với vấn đề nước nào cần tiền tệ của những quốc gia Trung Á lại chưa có lời giải đáp. Chỉ có đồng Tenge của Kazakhstan là có sức hấp dẫn nhất.

Trong bối cảnh này, tình hình đồng NDT xem ra khiến người ta chú ý hơn. Phương Tây có người dự đoán, đồng NDT hy vọng có thể trở thành đơn vị tiền tệ dự trữ thế giới. Hợp tác kinh tế thương mại Nga – Trung Quốc nhiều năm trở lại đây đã được mở rộng. Phó Thủ tướng Nga Alexander Zhukov cho biết, sử dụng đồng nội tệ để thanh toán đã nâng cao tính ổn định trong quan hệ kinh tế thương mại Nga – Trung. Trong Diễn đàn cấp cao giới công thương kinh tế Nga – Trung lần thứ 4, ông cũng nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng đã phản ánh ý nghĩa quan trọng của việc duy trì ổn định giao lưu kinh tế thương mại.

Thủ tướng Nga Putin trong thời gian viếng thăm Bắc Kinh đã bày tỏ rằng, tốc độ đồng NDT đặt chân tới Moscow có lẽ nhanh hơn so với các chuyên gia đã tưởng.

Những nền kinh tế mới nổi sẽ là "bãi rác" cho hàng xuất khẩu Trung Quốc
Khi mà người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đang thắt chặt ví để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, thì các thị trường mới nổi như Trung Đông và Nam Mỹ lại đang trở thành vật đệm cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc với nhu cầu nhập khẩu lớn.

Một doanh nhân người Lebanon, ông George E. Hanna, đã trả lời các phóng viên rằng, ông không thể nhớ nổi bao nhiêu lần ông đã đến tham dự Hội chợ hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc - Canton Fair - hội chợ thương mại lớn nhất của Trung Quốc được tổ chức mỗi năm hai lần tại Quảng Châu (Trung Quốc). Ông nói: "Bạn sẽ không hối tiếc khi mất tới 14 giờ bay để có mặt ở đây."

Ông Hanna cho biết, ông dành hai hoặc ba tháng, cùng với hàng triệu đôla mỗi năm ở Trung Quốc để mua mọi thứ từ máy móc cho đến hàng dệt may, và sau đó bán chúng ở Lebanon. Ông cũng khẳng định rằng, có ít nhất 2,000 người Lebanon tới hội chợ Canton lần thứ 106 này để mua hàng hóa.

Trong khi đó, ông Ye Jinwu, chủ tịch công ty thiết bị điện tử Zhejiang Jinlong Electrical Machinery Stock Co LTD, người đã xuất khẩu 70% số hàng hóa sản xuất sang EU vào những năm gần đây, cho biết: "Do cuộc khủng hoảng tài chính, các đơn hàng từ Liên minh châu Âu trong 6 tháng đầu năm nay đã sụt giảm một nửa so với năm ngoái, tuy nhiên các đơn hàng từ Nga lại tăng tới 20%."

Ông Hao Yi, giám đốc quản lý công ty TCL Overseas Holding Ltd, một nhà sản xuất tivi lớn của Trung Quốc, cũng nói rằng, các thị trường mới nổi đang cho thấy những tiềm năng đáng kể khi việc kinh doanh trong khu vực này đã tăng tới 280% tính đến cuối tháng 9 vừa qua so với đầu năm nay.

Ông cho biết, người mua từ Mỹ và Châu Âu "hiển nhiên" là ít hơn so với hồi tháng 4, trong khi hội chợ lần này đầy ngập các doanh nhân từ các nước châu Phi, Brazil, Nga và Ấn Độ.

Trong khi các nước phát triển đang bận rộn với việc cắt giảm các khoản nợ khổng lồ và giải cứu hệ thống tài chính ngân hàng thì nhiều nước đang phát triển, đáng chú ý là các quốc gia vùng Vịnh Gulf, bị ảnh hưởng nhẹ hơn và đang trở thành một vài điểm sáng giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo thống kê từ các nhà tổ chức Hội chợ Canton lần thứ 106 hôm 18/10 vừa qua, gần 40.000 trong tổng số 87.700 nghìn người mua nước ngoài tham dự hội chợ đợt 1 kết thúc hôm thứ Hai (19/10) vừa qua đến từ các thị trường mới nổi.

Được biết, các thị trường mới nổi với lượng vốn ít ỏi nhưng có nhu cầu rất lớn đặc biệt là nhu cầu vật liệu để mở rộng cơ ở hạ tầng. Trong khi đó hàng hóa Trung Quốc, với mức giá rẻ nhưng chất lượng không ổn định, một mặt hấp dẫn các nhà nhập khẩu - vì họ sẽ kiếm lời rất nhanh, một mặt biến họ thành kẻ tội đồ tiếp tay đưa hàng kém chất lượng về nước mình. Các nước nhập khẩu nhiều hàng hoá từ Trung Quốc sẽ nhanh chóng nhận ra là họ vừa phung phí đồng vốn ít ỏi, vừa phải giải quyết nhiều hậu quả do những mặt hàng ấy gây ra.