20 tháng 9, 2009

Bức tranh ngân hàng một năm sau khủng hoảng

Ngân hàng Goldmans Sachs của Mỹ là một trong số ít những "người chiến thắng". (Ảnh:CNN)

Cách đây 18 tháng, các ngân hàng vẫn còn chi phối thế giới và thả sức tung hoành trên thị trường chứng khoán. Họ lên mặt giảng giải cho các chính phủ và lưu ý về "sự lệch lạc quá đáng của chính sách tài chính công".

Nhưng đó là trước khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, kéo theo sự đổ vỡ của hàng loạt ngân hàng khác, và kết quả là nhiều chính phủ trên thế giới phải dốc tiền của để cứu vớt khẩn cấp những thiết chế tài chính này.

Một khung cảnh hoàn toàn mới đã xuất hiện: Lĩnh vực ngân hàng suy yếu, thu hẹp lại. Một năm sau khủng hoảng, còn lâu lĩnh vực ngân hàng mới ổn định và trong cuộc khủng hoảng này đã có "kẻ được, người mất".

Kẻ chiến thắng

Tại Mỹ, ngân hàng Goldmans Sachs có lịch sử hình thành lập từ năm 1869 đã trở thành một trong hai ngân hàng lớn nhất của Mỹ, cùng với Morgan Stanley, đứng về phía những "người chiến thắng".

Thiết chế tài chính khổng lồ này - vốn có lịch sử gắn liền với chủ nghĩa tư bản Mỹ và gắn bó mật thiết với chính quyền tới mức mà thường có xu hướng tuyển chọn các bộ trưởng tài chính và cố vấn vào bộ máy lãnh đạo- đã nhẹ nhàng lướt ra khỏi khủng hoảng và tiếp tục ngự trị trên thị trường chứng khoán Phố Wall.

Trong quý II/2009, khi kinh tế thế giới suy thoái nặng nhất, ngân hàng này đã đạt một thành công vượt bậc, lợi nhuận tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, khoảng 3,4 tỷ USD.

Kết quả này đã gây ra nhiều chỉ trích từ những người cho rằng nó nắm trong tay những quỹ đầu cơ khổng lồ sống nhờ các hoạt động không liên quan gì tới cung cấp tài chính cho nền kinh tế. Những phê phán này càng nổi lên khi mà Goldmans Sachs công bố cam kết về các khoản tiền thưởng hậu hĩnh, trị giá tới 11,4 tỷ USD, bắt đầu "rót" từ đầu năm 2010.

Lợi nhuận của ngân hàng hàng đầu nước Mỹ không phải đến một cách ngẫu nhiên. Đó là kết quả của một lựa chọn chiến lược đã có từ lâu: tuyển mộ các chuyên gia có chất lượng cao. Goldmans Sachs là ngân hàng đầu tiên tuyển dụng những người tốt nghiệp có kết quả tốt từ những năm 1930, và có chính sách tiền lương hợp lý, vừa hào phóng với các nhân viên giao dịch, lại vừa kiểm soát được rủi ro, một yếu tố then chốt khiến nhiều ngân hàng bị mất giá trị.

Một ngân hàng khác, JP Morgan Chase, cũng bước ra khỏi khủng hoảng với vị thế của kẻ thắng. Thiết chế tài chính này nhờ sự hỗ trợ của chính quyền Mỹ đã mua lại ngân hàng tín thác Washington Mutual rơi vào khó khăn trong tháng 9/2008, nhờ đó biến đổi quy mô hoạt động. Sau vụ này, JP Morgan sở hữu mạng lưới đại lý mạnh hơn, trong khi thị trường bị co hẹp lại chỉ sau vài tháng với 80 vụ đổ vỡ ngân hàng kể từ đầu năm 2009.

Mạng lưới đại lý hiện nay đưa ngân hàng này lên ngang tầm với Bank of America hay Well Fargo trên thị trường ngân hàng bán lẻ, với thị phần chiếm 10% lượng tiền gửi.

Trong khi đó, tại Anh, mặc dù ngành ngân hàng bị cơn bão khủng hoảng tài chính tàn phá nặng nề và phải nhờ tới sự hỗ trợ của Nhà nước, Barclays vẫn được hưởng lợi. Là ngân hàng châu Âu duy nhất dám mua lại hoạt động của Lehman với số tiền tượng trưng (không kể lĩnh vực bất động sản), Barclays đã thu được một món hời lớn nhờ quyết định dũng cảm.

Số nhân sự đã tăng vọt từ 12.000 lên 20.000 người và vươn lên hàng đầu châu Âu. Giữa lúc thị trường lao động lao đao, ngân hàng dự kiến sẽ tuyển dụng 800 nhân viên vào năm 2009 để phát triển hoạt động tư vấn sáp nhập và mua bán, cũng như mở rộng thêm trên thị trường vốn.

Cuối cùng, trong danh sách những kẻ thắng không thể phủ nhận có ngân hàng đầu tư lớn nhất của Pháp, BNP Paribas. Trong vòng hai năm, thể chế này vươn từ vị trí thứ 10 lên thứ 7 về giá trị trên thị trường chứng khoán (không kể các ngân hàng của Trung Quốc) và đạt được điều đó mà không cần tăng vốn, đồng thời vươn từ vị trí thứ 9 lên thứ 6 thế giới xét về mặt lợi nhuận.

Có được bước tiến này là do BNP Paribas đã mua lại ngân hàng Fortis của Bỉ, cho phép mở rộng mạng lưới hoạt động tại châu Âu, phình to thêm khả năng thu hút tiền gửi và chiếm thêm thị phần trên thị trường đầu tư vốn.

Những kẻ thất bại

Phía những người thua thiệt rõ ràng đông hơn, có cả một số tên tuổi lớn, làm dấy lên một cuộc thảo luận gay gắt trong suốt năm 2008. Một trong số đó là ngân hàng Citigroup, từng là người khổng lồ trong giới tài chính toàn cầu, và việc bị rơi tự do sau một thập kỷ thống trị là một dấu ấn khó phai đối với nhiều người.

Sau vụ đổ vỡ của Lehman Brothers, điểm khởi đầu cho sự mất lòng tin vào các ngân hàng, thiết chế từng mệnh danh là "siêu thị dịch vụ tài chính" này bị kẹt trong các khoản đầu tư rủi ro của chính mình. Ngân hàng đã bỏ hàng trăm tỷ USD vào các sản phẩm mà nay không còn giá trị gì, và vậy là "đám cháy" bắt đầu. Chính phủ Mỹ không còn lựa chọn nào khác là phải can thiệp để đổi lấy 36% cổ phần của tập đoàn. Kết thúc sự bá chủ của Citigroup, bằng chứng rõ nhất là giá trị trên thị trường chứng khoán của hãng đã giảm từ 187 tỷ euro tháng 7/2007 xuống còn 40 tỷ sau hai năm.

Một "nạn nhân" rất nổi tiếng khác của cuộc khủng hoảng ngân hàng, cũng ở Mỹ, là Merrill Lynch, từng là một "đóa hoa" của thị trường chứng khoán Phố Wall, đã bị Bank of America mua đứt vào tháng Giêng. Vụ mua lại này do chính phủ Mỹ đạo diễn và hỗ trợ nhằm tránh sự bùng nổ của hệ thống ngân hàng toàn quốc.

Merrill Lynch đã có một kết cục vừa buồn lại vừa tai tiếng. Trong khi ngân hàng gần phá sản và sắp bị bán, chủ tịch Merrill Lynch lại điềm nhiên phân phối tiền thưởng cho tất cả các nhân viên. Vụ việc khi bị tiết lộ đã làm dấy lên cơn thịnh nộ của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ở bên này Đại Tây Dương, thiệt hại còn lớn hơn, có nước toàn bộ hệ thống ngân hàng bị tàn phá (như Anh hay Aixơlen), thị trường chứng khoán mất điểm tệ hại (Bỉ), một số nền kinh tế chao đảo (Đức) hay ngân hàng UBS của Thụy Sỹ được xem là ngôi sao nổi bật bị truất ngôi.

Lịch sử của UBS là một thảm họa: Để trở thành ngân hàng đầu tư số 1 thế giới, thiết chế tài chính uy tín nhất Thụy Sỹ, dưới sự thúc đẩy của vị chủ tịch, đã chấp nhận tất cả các rủi ro để đầu tư ồ ạt vào các sản phẩm tài chính "độc hại" liên quan tới hình thức tín dụng thế chấp dưới chuẩn.

Trong khi phần lớn các ngân hàng cảm thấy gió đã đổi chiều từ mùa Hè năm 2007 nên cố gắng hạn chế khoản đầu tư này, UBS vẫn tiếp tục đổ tiền vào. Kết quả, họ phải hứng chịu các khoản thiệt hại khổng lồ, hàng nghìn nhân viên thất nghiệp và rơi xuống phần cuối của bảng xếp hạng các ngân hàng quốc tế lớn.

Và vùng xám

Giữa kẻ thắng, người thua, có một ranh giới trong đó một số ngân hàng lớn, có quy mô toàn cầu, đã rúng động bởi khủng hoảng, trả giá đắt, nhưng cuối cùng đã chống đỡ được. Đó là trường hợp của hàng loạt ngân hàng như Deutsche Bank (Đức) hay Société Générale (Pháp). Tương lai của các ngân hàng này cũng như khả năng tham gia vào cuộc chơi thế giới vẫn còn là điều phải bàn cãi.

Còn quá sớm để đưa ra bản tổng kết thời hậu khủng hoảng. Bởi lẽ trước hết, khủng hoảng kinh tế tài chính vẫn chưa chấm dứt với các ngân hàng. Họ còn cần một khoản tiền dự trữ để giải quyết trái phiếu dưới chuẩn và sự gia tăng nợ xấu trong bảng quyết toán tài chính.

Thêm vào đó, quá trình cải tổ mà chính phủ các nước phối hợp với Ngân hàng Trung ương đang chuẩn bị thực hiện nhằm thắt chặt các quy tắc đối với ngân hàng, sẽ tác động tới toàn bộ lĩnh vực này. Các hoạt động có tính rủi ro cao sẽ bị đánh thuế và một số ngân hàng buộc phải tìm thêm nguồn vốn mới.

Trong bối cảnh không chắc chắn đó, chỉ có một điều rõ ràng: nếu như ngành ngân hàng trở nên quá tập trung, những thiết chế lớn nhất sẽ chiếm lĩnh vị trí quyền lực, có thể áp đặt điều kiện lên thị trường./.