Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến cho người tiêu dùng và doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn tới giá cả, Trung Quốc đã nhanh tay tóm lấy thị phần từ các đối thủ cạnh tranh, củng cố vị thế thống trị trong thương mại thế giới mà nhiều nhà kinh doanh cho rằng có thể tồn tại lâu dài sau khi nền kinh tế hồi phục.
Trung Quốc năm nay đã vượt qua Đức, trở thành nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Theo giới phân tích, Trung Quốc đang giành miếng bánh ngày càng lớn của chiếc bánh đang teo lại. Mặc dù thương mại thế giới đang suy giảm vì khủng hoảng kinh tế, người tiêu dùng vẫn có nhu cầu mua hàng giá rẻ, và Bắc Kinh, quyết định giữ cho guồng máy xuất khẩu chạy đều, đã tìm cách đáp ứng nhu cầu đó.
Nỗ lực giành thị trường
Các nhà máy trên toàn Trung Quốc đang ra sức giảm giá sản phẩm, từ đó mở rộng thị phần ở các thị trường cũ và thâm nhập các thị trường mới. Vì Trung Quốc sản xuất các sản phẩm đa dạng nhưng rẻ tiền và thiết yếu, các nhà phân tích cho rằng xuất khẩu của nước này có thể trụ tốt giữa cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Thắng lợi ấn tượng nhất đến từ thị trường Mỹ, nơi Trung Quốc đã thay thế Canada trở thành nước cung ứng nhiều hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ nhất. Trong bảy tháng đầu năm 2008, chưa đầy 15% hàng nhập khẩu vào Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng bảy tháng đầu năm nay, Trung Quốc chiếm tới 19% trong lúc hàng Canada đã giảm xuống còn 14,5% từ mức gần 17% năm ngoái.
Ngoài việc gia tăng thị phần trên nhiều thị trường, Trung Quốc còn gia tăng giá trị xuất khẩu, tính theo giá trị tuyệt đối, ở một số ngành hàng. Ví dụ như ở mặt hàng đồ len, hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã tăng 10% trong bảy tháng đầu năm nay, trong khi hàng len nhập khẩu từ Mexico, Honduras, Guatemala và El Salvador đã giảm từ 19% đến 24% mỗi nước, theo thống kê của Trung tâm Thông tin Thương mại Toàn cầu.
Hôm thứ Tư 14/10, Trung Quốc công bố hoạt động xuất khẩu của họ chỉ giảm nhẹ trong tháng 9, khoảng 15%, cải thiện rất nhiều so với đà sụt giảm trong tháng 8. Các nhà kinh tế nói rằng đó là dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang được cải thiện và sức mạnh của các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã được phục hồi.
Doanh nghiệp linh hoạt, chính quyền hỗ trợ
Lý do dẫn tới sự cải thiện này là các nhà sản xuất Trung Quốc có khả năng nhanh chóng hạ giá sản phẩm qua việc giảm lương công nhân và các chi phí khác ở những khu công nghiệp thường dựa vào lực lượng công nhân nhập cư. Các nhà quản lý ở đây nói rằng người mua hàng yêu cầu họ làm như vậy. “Người mua ngày càng quyết liệt đòi giá thấp hơn, nhất là các thương gia Mỹ” - bà Liêu Nguyên (Liao Yuan), trưởng bộ phận kinh doanh quốc tế của Công ty may Changrun Garment cho biết. Công ty này nằm ở miền nam Trung Quốc, chuyên xuất khẩu quần jean sang Mỹ và châu Âu. “Họ trả 2,85 đô la Mỹ một chiếc quần jean mà giá đúng phải là 7 đô la một chiếc” - bà Liêu than thở. Rất ít quốc gia có thể cạnh tranh với cái gọi là “giá Trung Quốc” như thế. Ông Nicholas R. Lardy, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Kinh tế Thế giới Peterson tại Washington, nhận định: “Trung Quốc có thể nhanh chóng điều chỉnh theo các thay đổi của thị trường. Thị trường lao động của họ hết sức linh hoạt. Và khi người tiêu dùng hạ thấp yêu cầu về chất lượng hàng hóa thì Trung Quốc có lợi lớn”.
Các chính sách hỗ trợ xuất khẩu của Chính phủ Trung Quốc cũng có tầm quan trọng không kém, từ chính sách giữ cho đồng Nhân dân tệ luôn yếu hơn nhiều so với các ngoại tệ mạnh cho đến những quyết định trợ cấp xuất khẩu qua việc giảm thuế và buộc các ngân hàng quốc doanh phải cho doanh nghiệp vay hàng tỷ đô la Mỹ với lãi suất thấp. Và kết quả hết sức đáng kinh ngạc. Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất khẩu 521 tỷ đô la Mỹ quần áo, đồ chơi, đồ điện tử, ngũ cốc và các loại hàng hóa khác đến tất cả các nước còn lại trên thế giới. Mặc dù con số này đã giảm 22% so với nửa đầu năm 2008, thì so với các quốc gia xuất khẩu khác, vẫn còn tốt hơn nhiều. Cùng thời gian này, xuất khẩu của Đức giảm 34%, của Nhật giảm 37% và của Mỹ giảm 24%.
Trung Quốc được thì thế giới mất
Sự gia tăng thị phần của Trung Quốc đi kèm với thiệt hại của các nước xuất khẩu khác như Nhật, Ý, Canada, Mexico và Trung Mỹ - ở các ngành công nghiệp mà lâu nay Trung Quốc vẫn tìm cách chiếm lĩnh. Trong vòng một năm qua, tỷ lệ đồ gỗ nội thất Trung Quốc trong tổng giá trị đồ gỗ nhập khẩu vào thị trường Mỹ đã tăng từ 50% lên 54%; còn đồ gỗ nhập khẩu từ Canada và Ý đã giảm tới 40% so với cách đây một năm. Ở châu Âu, hàng dệt, vải vóc và áo quần từ Trung Quốc đã tăng thị phần ở các thị trường chính, sau khi hạn ngạch nhập khẩu hết hiệu lực hồi tháng 1/2009. Trước đó chưa lâu, Rumania là nước cung cấp phần lớn giày dép cho Ý, bây giờ thì Trung Quốc chiếm phần lớn lượng giày nhập khẩu vào Ý. Nhật Bản đã một thời dựa vào việc xuất khẩu hàng điện tử sang Mỹ, nhưng trong suốt thập niên qua năm nào Nhật cũng mất thị phần vào tay Trung Quốc. Năm nay cũng vậy. Nếu như năm 1999, hàng điện tử Nhật Bản nhập vào Mỹ chiếm 18% tổng nhập khẩu hàng điện tử của Mỹ thì năm nay con số này chỉ còn 7%. Thị phần hàng điện tử Trung Quốc nhập vào Mỹ đã tăng từ 10% lên 20% chỉ trong một năm.
Tính chung lại, việc gia tăng thị phần đã giúp Trung Quốc duy trì thặng dư thương mại lớn so với hầu hết các nước khác trên thế giới, làm dấy lên nỗi lo lắng về sự mất cân bằng của thương mại toàn cầu - và một lần nữa khiến người ta chú ý tới đồng tiền Trung Quốc, đồng nhân dân tệ.
Sau khi để cho đồng tiền của mình tăng giá so với đồng đô la Mỹ từ tháng Bảy năm 2005, Trung Quốc đã lại một lần nữa gắn chặt đồng tiền vào đồng đô la từ đầu năm ngoái. Khi đồng đô la Mỹ giảm giá mạnh so với các đồng tiền chính khác như đồng euro - đô la Mỹ giảm giá khoảng 15% so với đồng euro trong vòng một năm qua - thì đồng nhân dân tệ Trung Quốc cũng giảm theo và hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn và ngày càng cạnh tranh mạnh hơn.
Nhu cầu tái cân bằng nền kinh tế
Giờ đây thị phần mà Trung Quốc giành được đang đe dọa làm gia tăng va chạm thương mại với Mỹ và châu Âu. Các quan chức Liên minh châu Âu đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc phải giảm số hàng xuất khẩu vào khối này và triển khai các cuộc điều tra chống phá giá. Ngày 13/10, Ủy ban châu Âu đã đề nghị gia hạn việc áp thuế chống phá giá đối với sản phẩm giày nhập khẩu từ Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đang kêu gọi Trung Quốc tái cân bằng nền kinh tế của mình và để cho đồng nhân dân tệ được tăng giá so với các đồng tiền khác.
Mỹ - nhiều năm qua vẫn than phiền về đồng tiền yếu của Trung Quốc và sự mất thăng bằng thương mại ngày càng gia tăng - nhiều tháng nay đã im hơi lặng tiếng. Theo các nhà phân tích, một phần là do Washington đang cố gắng cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh vào thời điểm mà họ đang rất cần Trung Quốc mua nợ. “Điều mà Tổng thống Barack Obama quan tâm không phải là buộc Trung Quốc tăng giá đồng tiền mà làm cho họ phải thanh toán các khoản chi tiêu của Mỹ”, ông Dong Tao, nhà kinh tế của ngân hàng Credit Suisse nhận xét.
Về phần mình, Bắc Kinh lo rằng việc tăng giá đồng tiền có thể trở thành thảm họa, phá hoại xuất khẩu và làm giảm hiệu quả của gói kích thích kinh tế của chính phủ. Nhưng các nhà lãnh đạo đất nước này cũng nhận biết sự cần thiết của việc chuyển nền kinh tế ra khỏi sự phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu, hướng tới gia tăng tiêu dùng nội địa. Trung Quốc cũng nóng lòng muốn chuyển lên vị trí cao hơn trên dây chuyền giá trị thông qua việc bán các loại hàng hóa đắt tiền như chip điện tử, máy bay, thuốc men - những thứ mang lại công việc làm có lương cao hơn và sự phát triển kinh tế lành mạnh hơn.
Bên cạnh đó, có khả năng tranh chấp thương mại ngày càng tăng giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu, và một số nước sẽ thực thi các biện pháp bảo hộ thị trường trước làn sóng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc lo sợ rằng cho dù chiếm được thị phần lớn hơn, áp lực phải sản xuất với giá thấp sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ và chất lượng sản phẩm. Bà Liêu của Công ty may Changrun nói rằng, nhiều nhà sản xuất thậm chí còn tận dụng nguyên vật liệu phế thải để giảm chi phí dù biết làm như vậy là thủ tiêu chất lượng sản phẩm.
Nhiều nhà kinh tế dự đoán rằng giai đoạn giảm giá hàng Trung Quốc sẽ còn kéo dài khi kinh tế châu Âu và Mỹ vẫn tăng trưởng chậm trong một thời gian dài nữa. “Trung Quốc sẽ ngày càng mạnh hơn. Các đối thủ càng lúc càng yếu kém do suy thoái kinh tế. Và chính phủ Trung Quốc đang giúp đỡ một số ngành công nghiệp, như công nghiệp xe hơi, vì thế trong tương lai, một vài ngành công nghiệp mới có thể nổi lên thành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc”, ông Dong Tao ở Credit Suisse nhận định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét