24 tháng 10, 2009

Nên làm gì khi đồng USD mất giá?


Mối quan ngại về sự trượt giá của đồng USD trên toàn cầu leo thang đến mức giới kinh doanh tiền tệ tự hỏi đến khi nào các Chính phủ mới có thể đưa ra biện pháp giải quyết tình trạng này.

Hiện tại, bất kỳ nỗ lực nào nhẳm ổn định tỷ giá đồng USD đều còn bỏ ngỏ. Trên thực tế, biện pháp can thiệp thị trường của các ngân hàng trung ương đều chưa chắc chắn, đặc biệt là nếu Trung Quốc không thay đổi chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, với việc đồng USD sụt giảm so với đồng EUR, đồng JPY và hàng loạt các đồng tiền khác, các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đang bày tỏ mối quan ngại rằng đồng USD yếu sẽ kìm hãm đà phục hồi kinh tế vốn còn khá bấp bênh. Hơn nữa, đồng USD yếu cũng gây khó khăn hơn cho các nước xuất khẩu trong việc bán sản phẩm sang Mỹ.

Chưa hết, sự suy yếu của đồng USD còn làm tăng chi phí của hàng hóa như dầu mỏ.

Cho đến nay, giới kinh doanh tiền tệ phớt lờ sự khuếch đại của các quan chức chính phủ. Họ đã kích đồng EUR trên 1.50 USD/EUR vào ngày Thứ Tư lần đầu tiên trong 14 tháng và dao động quanh mức này trong suốt phiên giao dịch ngày Thứ Năm.

Từ trước đến nay, đồng USD luôn được xem là kênh đầu tư an toàn và là nơi trú bão khi thị trường chứng khoán sụt giảm. Hiện tại, thị trường chứng khoán đang thăng hoa, dòng tiền đầu tư vào đồng USD chảy trở lại vào cổ phiếu hoặc các đồng tiền của những thị trường mới nổi.Vì vậy, sự phục hồi hơn nữa của thị trường chứng khoán có thể kéo USD tiếp tục suy yếu

Đến nay, mùa công bố báo cáo tài chính quý 3 của các doanh nghiệp Mỹ khá khả quan với khoảng 75% công ty có kết quả kinh doanh vượt mong đợi.

Khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ gây sức ép nặng nề lên đồng USD, đồng thời Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, như việc áp dụng mức lãi suất thấp và mở rộng nguồn cung tiền.

Trên một phương diện nào đó, các Chính phủ có thể xem xét can thiệp thông qua việc mua USD để làm tăng tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể áp dụng các biện pháp mạnh hơn nữa đối với thị trường.

Sự trượt giá hiện tại của đồng USD gợi nhớ lại sự phối hợp trong các biện pháp can thiệp hồi Tháng 9/2000. Khi đó, FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Canada đã phối hợp nhằm ngăn chặn đà sụt giảm lên đến mức báo động của đồng EUR, vốn được xem là yếu tố đe dọa đến khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ. Sau đó, các ngân hàng trung ương đã liều lĩnh mua lại hàng tỷ USD, EUR và JPY nhằm ngăn chặn đà sụt giảm của đồng EUR.

Mỹ bất lực nếu Trung Quốc quá cứng nhắc

Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, các nhà phân tích cho rằng bất kỳ sự can thiệp nào đối với việc mất giá của đồng USD không chỉ đòi hỏi sự trợ giúp của chính quyền Mỹ mà còn liên quan đến Trung Quốc, quốc gia đang cố gắng giữ đồng NDT thấp hơn giá trị thực so với đồng USD. Điều này giúp Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ bất chấp các cam kết nới lỏng sách lược tiền tệ của quốc gia này.

Song điều đó có thể thay đổi nếu Trung Quốc bắt đầu quan ngại về lạm phát. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phát biểu tại cuộc họp Nội các hôm Thứ Tư rằng chính sách này sẽ tập trung cân bằng tăng trưởng kinh tế song song với kiểm soát lạm phát. Theo giới phân tích, động thái này có nghĩa là chính quyền Trung Quốc có thể cho phép đồng NDT tăng so với đồng USD. Điều này góp phần làm giảm chi phí nhập khẩu và giảm lạm phát.

Nói cách khác, điều này có thể xoa dịu một số áp lực đối với đồng EUR xuất phát từ sự điều chỉnh của đồng USD, một động thái mà tự nó có thể làm giảm bớt sự can thiệp từ các ngân hàng trung ương phương Tây.

Và điều này cũng sẽ giúp cắt giảm khoản thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc với Mỹ, vốn đã trở thành mục tiêu chính của Nhóm G20 trong thời gian qua.

Phạm vi phối hợp hành động có thể trở thành nội dung chính trong cuộc họp các bộ trưởng tài chính G-20 tại St. Andrews, Scotland vào đầu Tháng 11 tới.

Ông Jane Foley, Giám đốc nghiên cứu tại Forex.com cho biết: “Tỷ giá hối đoái của Trung Quốc được dự đoán là chủ đề thu hút sự chú ý cao trong cuộc họp sắp tới của G-20.”

Tính hai mặt trong sự suy yếu của đồng USD

Một số bộ trưởng tài chính có thể bàn luận nhiều về sự thất sủng của đồng USD và những tác động lên nền kinh tế. Được biết, trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Canađa Jim Flaherty đã bày tỏ quan ngại đồng USD có thể làm trật đà phục hồi kinh tế của nước mình. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega công bố áp dụng 2% thuế giao dịch tài chính đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, nhằm góp phần kìm chế sự gia tăng giá trị của đồng Brazil (BRL) so với đồng USD.

Về phía châu Âu, các nước này bắt đầu bộc lộ quan ngại về giá trị của đồng USD. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet đã cảnh báo rằng tỷ giá hối đoái biến động quá mạnh có thể hủy hoại sự ổn định của ngành tài chính và nền kinh tế.

Tuy nhiên, khi Mỹ đã đồng ý can thiệp vào các chính sách tiền tệ thì việc khôi phục đồng USD cũng cần phải có lộ trình. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn đồng USD mạnh, song trên thực tế đồng USD yếu sẽ có lợi cho ngành xuất khẩu và đà phục hồi kinh tế của Mỹ.

Ông Neil Mellor, chiến lược gia tiền tệ tại Ngân hàng New York Mellon cho biết: "Trừ khi đồng USD sụp đổ, nước Mỹ dường như không cần phải điều chỉnh chính sách đòn bẩy.”

Còn theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Sung Won Sohn tại Trường Đại học Kinh tế Smith (California), các quan chức châu Âu nhiều khả năng thảo luận về sự cần thiết trong việc ngăn chặn đà suy giảm của đồng USD mà không can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Theo ông, chính quyền Obama luôn khẳng định rằng đồng USD mạnh sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho Mỹ, nhưng lại án binh bất động trước sự suy giảm giá trị của đồng USD.

"Chúng ta đều biết Mỹ đang ủng hộ chính sách đồng USD mạnh nhưng chính quyền Mỹ lại không tỏ ra quá lo lắng và tìm ra các biện pháp để nâng cao giá trị của đồng USD. Đồng USD yếu sẽ tạo ra công ăn việc làm cho nước Mỹ thông qua việc thúc đẩy xuất khẩu và nhất là trong thời điểm chúng ta đang muốn thoát khỏi suy thoái kinh tế như hiện nay. Chúng ta cần phải tạo ra nhiều việc làm hơn nữa.”, ông kết luận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét