12 tháng 9, 2009

Điều gì đã xảy ra nếu Lehman Brothers không sụp đổ?


Điều gì đã xảy ra nếu Lehman Brothers không sụp đổ?

Việc để Lehman Brothers sụp đổ là sự hy sinh cần thiết để cứu cả hệ thống tài chính. Nếu không "run sợ" với Lehman và AIG, Quốc hội Mỹ có thể không thông qua kế hoạch 700 tỷ USD.


Nếu Lehman không sụp đổ, khủng hoảng nhiều khả năng sẽ vẫn đến.

Tháng 8/2008, chuyên gia kinh tế học Kenneth Rogoff thuộc đại học Harvard khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chấn động khi đưa ra lời cảnh báo: “Trong vài tháng tới, chúng ta sẽ không chỉ chứng kiến những ngân hàng có quy mô trung bình sụp đổ, chúng ta sẽ thấy một ngân hàng hoặc một ngân hàng đầu tư lớn đi đến hồi cáo chung.”

Một tháng sau đó, khi ngày 15/09/2008 bắt đầu những thời khắc đầu tiên, ngân hàng Lehman Brothers nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Ông Harold James, chuyên gia kinh tế lịch sử tại đại học Princeton – Mỹ, nhận xét vụ việc ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ có điểm tương đồng với việc ngân hàng Creditanstalt – một ngân hàng lớn của Áo đóng cửa vào năm 1931. Áo và Đức khi đó vay tiền quá nhiều từ các chủ nợ nước ngoài, ngân hàng Creditanstalt đóng cửa, ảnh hưởng của Đại Khủng hoảng lúc đó trở nên trầm trọng hơn.

Vụ việc ngân hàng Lehman được coi như bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại, một yếu tố biến cuộc suy thoái thành một cuộc đại khủng hoảng mới.

Tuy nhiên ông Rogoff có quan điểm khác. Theo ông, từ trước khi ngân hàng Lehman sụp đổ, nước Mỹ đã tiềm ẩn đủ tiền đề dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính: những khoản nợ hàng nghìn tỷ USD đảm bảo bởi bong bóng tài sản.

Các ngân hàng thua lỗ tới hơn 500 tỷ USD chỉ trong tháng 8/2008. Nếu ngân hàng Lehman không bị các nhà hoạch định chính sách để sụp đổ, nhiều tổ chức khác hẳn đã có kết thúc tương tự.

Tuần trước khi ngân hàng Lehman sụp đổ, các chỉ số trên thị trường tương lai dự báo về khả năng giá nhà đất tại các khu vực đô thị của Mỹ hạ 15% trong khoảng thời gian 9 tháng tiếp theo dù trước đó giá nhà đất đã hạ tới 24%.

Từ đó đến nay, giá bất động sản đã hạ gần bằng mức đó. Kết hợp với với việc giá bất động sản thương mại giảm mạnh, một số ngân hàng đã bên bờ vực sụp đổ. Cùng tuần đó, thị trường phái sinh phát đi tín hiệu về khả năng ngân hàng tiết kiệm lớn Washington Mutual sẽ phải đóng cửa là 85%. Thực tế đúng như vậy

Nhiều tổ chức tài chính lớn đã nhận tiền giải cứu của chính phủ cùng thời điểm Lehman sụp đổ như AIG, ngân hàng UBS và Fortis tại châu Âu

Xét từ góc độ kinh tế thuần túy, vụ sụp đổ của Lehman đã gây ra nhiều hậu quả đau đớn. Thị trường thương phiếu, thị trường phái sinh và các thị trường vốn chấn động, khả năng thanh khoản của các ngân hàng sụt giảm nghiêm trọng. Dòng chảy vốn và thương mại sụp đổ. Thế giới rơi vào vòng xoáy tín dụng thắt chặt, tăng trưởng kinh tế đi xuống.

Tháng 7/2008, IMF dự báo kinh tế thế giới năm 2009 tăng trưởng 3,9%. Hiện nay, mức dự báo này điều chỉnh xuống còn âm 1,4%. Tháng 8/2008, Moody dự báo 2,9 triệu người vay thế chấp tại Mỹ sẽ mất khả năng trả nợ trong năm 2009, đến nay Moody dự báo con số đó sẽ chạm mức 3,8 triệu.

Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody, nhận xét một loạt sai lầm về chính sách và khủng hoảng tài chính đã tác động hết sức tiêu cực đến thị trường việc làm và thu nhập của người dân.

Nhìn từ góc độ chính trị, có thể thấy thật khó để ngăn những sai lầm này. Khi Bộ Tài chính và FED cứu ngân hàng Bear Stearns vào tháng 3/2008, họ đã chịu quá nhiều chỉ trích từ phía Quốc hội và nhiều chuyên gia về việc đã tạo ra mối rủi ro đạo đức mới.

Cùng thời gian đó, một loạt các động thái can thiệp vào các tổ chức tài chính khác trong đó có Lehman khiến những tổ chức này tin rằng nếu có điều gì xảy ra, họ sẽ được cứu.

Nếu Lehman được cứu, làn sóng chỉ trích sẽ dâng cao hơn, và các công ty sẽ còn tiếp tục kỳ vọng họ sẽ được cứu. Ông Rogoff cho rằng xét đến áp lực chính trị, có lẽ cần phải để một tổ chức lớn sụp đổ.

Theo những phân tích của ông, trong các cuộc khủng hoảng tài chính, thông thường người ra sẽ để cho tổ chức tài chính có quy mô lớn khoảng thứ 4 hoặc thứ 5 sụp đổ và còn lại sẽ cứu các tổ chức khác.

Nếu xét lại, giải pháp hợp lý sau khi sau khi chính phủ cứu ngân hàng Bear Stearns sẽ là đưa ra chương trình tổng thể để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng, ngoài ra đưa ra khung xử lý cụ thể cho những tổ chức có khả năng sụp đổ. Bộ Tài chính và FED thực tế đã có kế hoạch làm điều này nhưng lo ngại Quốc hội sẽ từ chối.

Lịch sử cho thấy việc chính phủ các nước cứu các ngân hàng không nhận được nhiều ủng hộ. Chính phủ Nhật chậm trễ tái cấp vốn các ngân hàng thời thập niên 1990 bởi sự hỗ trợ ban đầu của họ đã hứng chịu “búa rìu dư luận”. Một số chuyên gia kinh tế Mỹ người đã từng chỉ trích sai lầmNhật nay đã có thái độ thông cảm hơn. Ông Larry Summers, tư vấn kinh tế hàng đầu cho Tổng thống Obama, đầu năm nay đã nói với Financial Times: “Người ngoài sẽ dễ đưa ra những giải pháp phù hợp hơn người trong cuộc.”

Nếu ông Rogoff đúng và nếu có thêm tổ chức tài chính sụp đổ thì việc ngân hàng Lehman phải đóng cửa, dù có gây ra nhiều hậu quả đau đớn, có thể là cần thiết. Các đợt khủng hoảng hệ thống ngân hàng trước đây cuối cùng thường được giải quyết bằng cách bơm vào nhiều vốn.

Ngân hàng Lehman đóng cửa, các nhà hoạch định chính sách trở nên tỉnh táo hơn. Chỉ sau khi choáng váng với Lehman, với AIG, Quốc hội mới chịu thông qua kế hoạch 700 tỷ USD. Nhiều chính phủ các nước giàu có khác cũng đã tiến hành bảo đảm nợ ngân hàng, nâng mức bảo hiểm tiền gửi và bơm vốn trực tiếp vào các ngân hàng.

Khi ngân hàng Áo Creditanstalt sập tiệm vào năm 1931, áp lực chính trị lên quá cao cản trở sự hợp tác quốc tế. Phản ứng của thế giới đối với vụ việc Lehman lần này đã mang lại nhiều hiệu quả hơn. Bộ Tài chính sẵn sàng cứu AIG, nhiều đối tượng châu Âu khác cũng hưởng lợi.

Ông Rogoff cho rằng nếu FED và Bộ Tài chính đã có thể đưa ra các quyết định một cách thuận lợi, không chịu cản trở về chính trị, kết quả hẳn sẽ còn tốt hơn. Tuy nhiên khả năng đó không thể xảy ra, vụ sụp đổ của Lehman nhiều khả năng đã đẩy nhanh việc đưa ra những giải pháp ứng phó với khủng hoảng.

Theo Economist

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét