Trong năm tài chính 2009, ngân sách Mỹ thâm hụt 1.400 tỷ USD, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Chống thâm hụt sẽ là nhiệm vụ mới của Chính phủ nước này khi kinh tế dần đi vào ổn định.
Báo cáo thâm hụt hằng tháng của Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) công bố hôm qua cho thấy trong năm tài chính 2009, kết thúc vào ngày 30/9, chi vượt thu tới 1.400 tỷ USD, tương đương với 9,9% GDP. Đây là tỷ lệ lớn nhất kể từ năm 1945. Hồi 2008, thâm hụt ngân sách của Mỹ đạt 459 tỷ USD. Tuy nhiên, đây chỉ mới là tính toán của Quốc hội, Bộ Tài chính Mỹ sẽ đưa ra báo cáo của họ vào cuối tháng này, BBC cho biết.
Thâm hụt ngày càng gia tăng là kết quả của các khoản chi khổng lồ nhằm chống lại suy thoái và các chính sách miễn giảm thuế. Các khoản chi đáng kể nhất trong thời gian vừa qua là Chương trình giải cứu tài sản xấu TARP, gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD và số tiền dùng để bơm vào hai ngân hàng Fannie Me và Freddie Mac. Chi tiêu trong năm tài chính 2009 tương đương với 25% GDP, tỷ lệ lớn nhất trong vòng 50 năm qua, CBO cho biết.
Lợi nhuận của chính quyền liên bang cũng rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử, chỉ còn 419 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2009, giảm 16,6% so với năm trước đó. Riêng trong tháng 9, Mỹ thâm hụt ngân sách 31 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái, nước này thặng dư 42 tỷ USD.
Chủ tịch của Cơ quan ngân sách Hạ viện, John Spratt, D-S.C. cho rằng những con số lớn phản ánh nổ lực của Chính phủ nhằm chống chọi với khủng hoảng kinh tế. "Tuy nhiên, sắp đến lúc các chính sách phải chuyển hướng. Khi nền kinh tế dần ổn định, chúng ta sẽ phải tập trung vào nhiệm vụ giảm thâm hụt", ông phát biểu với tờ Wall Street Journal.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét