7 tháng 10, 2009

Tính kế "tẩy chay" USD?

Tờ Independent của Anh vừa đưa tin, các quốc gia Arab đã lặng lẽ bàn thảo với Trung Quốc, Nga và Pháp về việc sử dụng đồng USD cho giao dịch dầu lửa.

Trong một động thái được xem là thay đổi tài chính sâu sắc nhất trong lịch sử Trung Đông gần đây, các nước Arab vùng Vịnh đang cùng với các quốc gia trên lên kế hoạch chấm dứt hoạt động giao dịch dầu lửa bằng USD.

Theo kế hoạch này, đồng tiền thay thế cho USD trong việc mua bán “vàng đen” sẽ là một rổ tiền tệ bao gồm Yên Nhật, Nhân dân tệ, đồng Euro, vàng, và một đồng tiền chung mới dự kiến sẽ được thiết lập dành cho các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (gồm có Saudi Arabia, Abu Dhabi, Kuwait và Qatar).

Những cuộc gặp bí mật giữa các bộ trưởng bộ tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương quốc gia tham gia vào kế hoạch này đã được tổ chức tại Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Brazil. Nếu được thực thi, kế hoạch đồng nghĩa với việc dầu lửa sẽ không còn được định giá bằng USD nữa.

Tờ The Independent cho hay, họ thu thập những thông tin này từ các nguồn tin thân cận trong ngành ngân hàng ở vùng Vịnh và ở Hồng Kông, nhưng từ chối tiết lộ danh tính của các nguồn tin.

Phóng viên Robert Fisk, tác giả bài báo, nhận xét, kế hoạch này của vùng Vịnh và các quốc gia đối tác trên có thể là một trong những lý do khiến giá vàng có sự gia tăng đột biến trong thời gian qua, đồng thời là “điềm báo” trước cho những thay đổi lớn lao sẽ diễn ra trên thị trường USD trong vòng 9 năm tới.

Dẫn nguồn tin từ ngành ngân hàng Trung Quốc, tờ Indendent cho biết, đồng tiền được sử dụng trong thời kỳ quá độ từ USD sang rổ tiền tệ theo kế hoạch trên rất có thể sẽ là vàng. Trong đó, lượng vàng khổng lồ cần cho quá trình này có thể được lấy từ kho của cải của Abu Dhabi, Saudi Arabia, Kuwait và Qatar - 3 nước với tổng dự trữ ngoại hối lên tới 2.100 tỷ USD.

Bài báo của Independent khẳng định, nước Mỹ chắc chắn đã ít nhiều biết được về những cuộc họp trên và chắc chắn sẽ tìm cách để chống lại kế hoạch này - một kế hoạch có sự tham gia của Nhật Bản và các nước Arab vùng Vịnh, những quốc gia vốn từ lâu được xem là đồng minh thân cận của Mỹ.

Kế hoạch này phần nào phản ánh sự suy yếu của USD cũng như địa vị kinh tế của Mỹ dưới ảnh hưởng của trận suy thoái toàn cầu này.

Chính Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cũng đã đề cập tới vấn đề này trước thềm cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB tuần này tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. “Một trong những di sản của lần khủng hoảng này có thể sẽ là sự công nhận đối với những mối quan hệ đã thay đổi trong sức mạnh kinh tế”, ông Zoellick phát biểu.

Ngoài những quốc gia có tham gia vào bàn thảo kế hoạch trên, hiện Brazil và Ấn Độ cũng đã bày tỏ thái độ quan tâm tới việc hợp tác thôi dùng USD cho giao dịch dầu lửa.

Trên thực tế, Trung Quốc dường như là cường quốc kinh tế tích cực nhất trong vấn đề này, một phần do Trung Quốc đang cần hơn tới nguồn dầu lửa dồi dào ở Trung Đông để phục vụ cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của mình. Mặt khác, Trung Quốc cũng có kim ngạch thương mại khổng lồ với Trung Đông.

Hiện tại, Trung Quốc đang phải nhập khẩu khoảng 60% lượng dầu tiêu thụ, chủ yếu từ Trung Đông và Nga. Trung Quốc có các hợp đồng khai thác dầu ở Iraq và vào năm 2008 đã đạt thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD với Iran để phát triển hoạt động lọc hóa dầu cũng như tìm kiếm các mỏ khí đốt ở nước này. Ngoài ra, Trung Quốc còn có các thỏa thuận khai thác dầu với Sudan và đang đàm phán tiến tới thỏa thuận liên doanh trong lĩnh vực dầu khí với Libya.

Hàng xuất khẩu của Trung Quốc hiện chiếm không dưới 10% lượng hàng nhập khẩu của mọi quốc gia ở Trung Đông, với hàng loạt sản phẩm từ ôtô tới thực phẩm, quần áo, đồ chơi…

Trong một động thái được xem là bằng chứng rõ nét về sức mạnh tài chính đang lên của Trung Quốc, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet hôm qua đã kêu gọi Bắc Kinh để đồng Nhân dân tệ lên giá so với USD và nới lỏng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào chính sách tiền tệ của Mỹ, qua đó giúp tái cân bằng lại nền kinh tế toàn cầu và giảm áp lực tăng giá đối với đồng Euro.

Kể từ khi hệ thống Bretton Woods được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 nhằm xác định cấu trúc của hệ thống tài chính quốc tế hiện đại tới nay, các đối tác thương mại của nước Mỹ luôn đứng trước sự kiểm soát đến từ các chính sách của nước Mỹ. Trong những năm gần đây hơn, đồng USD còn đã trở thành đồng tiền dự trữ số 1 của thế giới.

Thậm chí có ý kiến cho rằng, nước Mỹ đã thuyết phục nước Anh không tham gia sử dụng đồng Euro để tránh việc thế giới sớm dịch chuyển từ USD sang một đồng tiền dự trữ khác.

Tuy nhiên, tờ Indepdent dẫn nguồn tin từ ngành ngân hàng Trung Quốc cho biết, các cuộc đàm phán giữa các bên trong kế hoạch “tẩy chay” USD đã đi rất xa và nước Mỹ sẽ khó có thể chặn lại. Thời hạn chót cho sự chuyển giao từ USD sang giao dịch dầu lửa trong kế hoạch này là vào năm 2018.

“Nga rốt cục sẽ đưa đồng Rúp vào rổ tiền tệ này. Nước Anh bị kẹt ở giữa và sẽ dùng Euro. Họ không có lựa chọn nào khác vì họ không thể sử dụng đồng USD”, một nhà môi giới có tiếng ở Hồng Kông chia sẻ với tờ Independent.

Nguồn tin của tờ báo cho rằng, Tổng thống Barack Obama hiện đang quá bận rộn với việc đưa kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái nên sẽ không thể tập trung đối phó với kế hoạch loại USD. Về phần mình, Trung Quốc từ lâu đã tỏ ra lo ngại về sự suy yếu của USD. Vấn đề của Trung Quốc là họ đang giữ quá nhiều tài sản bằng đồng tiền này.

Tháng trước, Iran tuyên bố dự trữ ngoại hối của nước này sẽ được giữ bằng Euro thay vì USD. Tuy nhiên, hẳn nhiều người còn nhớ, vào năm 2003, chỉ vài tháng sau khi Tổng thống Iraq khi đó là Saddam Hussein tuyên bố sẽ bán dầu lấy Euro thay vì lấy USD, Mỹ và Anh đã tiến hành chiến tranh nhằm vào nước này.

Phủ nhận tin đồn “tẩy chay” USD

Một số nước có liên quan trong bài viết đăng trên tờ Independent của Anh về kế hoạch dùng một rổ tiền tệ để thay thế USD trong giao dịch dầu lửa đã đồng loạt lên tiếng phủ nhận thông tin này.

Bài báo của phóng viên Robert Fisk đăng tải trên Independent ngày 6/10 cho biết, các nước vùng Vịnh đã tiến hành các cuộc đàm phán bí mật với Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp về việc ngừng sử dụng USD cho hoạt động mua bán dầu lửa. Tờ Independent cho hay, họ thu thập những thông tin này từ các nguồn tin thân cận trong ngành ngân hàng ở vùng Vịnh và ở Hồng Kông, nhưng từ chối tiết lộ danh tính của các nguồn tin.

Theo bài báo này, đồng tiền dự kiến được thay thế cho USD trong việc mua bán “vàng đen” sẽ là một rổ tiền tệ bao gồm Yên Nhật, Nhân dân tệ, đồng Euro, vàng, và một đồng tiền chung mới dự kiến sẽ được thiết lập dành cho các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (gồm có Saudi Arabia, Abu Dhabi, Kuwait và Qatar).

Đồng USD đã trượt giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác sau khi thông tin trên được đưa ra. So với Euro, đồng USD hôm nay đã có lúc trượt giá về mức 1 Euro đổi được 1,4749 USD, so với mức 1 Euro tương đương 1,4662 USD trước khi bài báo trên xuất hiện.

Tuy nhiên, các nước có tên trong bài báo đã ngay lập tức lên tiếng phủ nhận thông tin về kế hoạch thôi sử dụng đồng USD này. Phát biểu bên lề cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, các quan chức hàng đầu của Saudi Arabia và Nga cho biết, họ không hề tham gia vào những cuộc đàm phán như vậy.

Khi được hỏi về bài báo trên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia Muhammad al-Jasser khẳng định: “Thông tin đó hoàn toàn không chính xác”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Dmitry Pankin cũng tuyên bố: “Chúng tôi không hề đàm phán về vấn đề này”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Algeria - nước xuất khẩu dầu lửa hàng đầu của châu Phi - ông Karim Djoudi, phát biểu: “Các nước sản xuất dầu cần ổn định nguồn thu nhập của mình. Nhưng tôi không nhận thấy sự cần thiết phải sử dụng một đồng tiền khác trong giao dịch dầu lửa.” Ông Djoudi nói thêm: “Tuy nhiên, chúng tôi đang ở trong các cuộc họp của IMF, nơi tất cả mọi loại chủ để đều có thể được đưa ra bàn thảo”.

Những lời phủ nhận trên từ phía Saudi Arabia và Nga đã nhanh chóng đưa tỷ giá USD so với Euro phục hồi về mức 1 Euro đổi được 1,4701 USD, tuy nhiên sau đó lại suy yếu trở lại do thị trường tiếp tục lo ngại về xu hướng của tỷ giá USD trong những ngày này.

Trước đây, Nga đã công khai nêu ý tưởng thôi dùng đồng USD trong mua bán dầu lửa vì tỷ giá đồng USD đang suy yếu đi so với các đồng tiền khác và không ổn định do thâm hụt thương mại và ngân sách khổng lồ của Mỹ.

Là nước sở hữu dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, Trung Quốc cũng đã không ít lần lên tiếng cho rằng, trong dài hạn, đồng USD sẽ không duy trì được địa vị đồng tiền dự trữ số 1 của thế giới.

Trong cuộc họp của IMF tại Istanbul lần này, một vấn đề trọng tâm được đưa ra bàn thảo sẽ là giải quyết những mất cân đối lớn trong thương mại toàn cầu - những mất cân đối bị xem là có thể khiến kinh tế thế giới rơi vào tình trạng bất ổn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đồng USD cần suy yếu hơn nữa để giảm những mất cân đối này.

Giới phân tích cho rằng, các quốc gia riêng lẻ có thể dễ dàng ngừng sử dụng USD trong giao dịch dầu lửa, nhưng việc thay thế đồng tiền định giá cho dầu thô sẽ đòi hỏi một nỗ lực rất lớn.

Bài báo trên tờ Independent đã không nêu rõ việc thay thế này sẽ diễn ra như thế nào, và giới quan sát nghi ngờ, sự thay thế này, nếu có, có thể diễn ra trong thời gian gần.

“Tôi không cho là sẽ có nhiều hành động cụ thể xuất phát từ những cuộc đàm phán như vậy. Vì mặc dù đồng USD yếu, điều này không có nghĩa là các hàng hóa cơ bản đang được định giá quá cao. Trên thực tế, khi đồng USD yếu đi, giá hàng hóa thường có xu hướng tăng với một tỷ lệ cao hơn”, nhà phân tích thị trường hàng hóa cơ bản David Moore thuộc Ngân hàng Commonwealth Bank ở Australia, nhận xét.

Bên cạnh đó, ngoài mối quan hệ chính trị chặt chẽ giữa các nước vùng Vịnh và nước Mỹ, khả năng chuyển đổi thấp từ các đồng tiền của vùng Vịnh sang đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc là rào cản lớn nhất đối với việc thôi sử dụng đồng USD cho giao dịch dầu. Hiện Saudi Arabia và một số nước vùng Vịnh khác vẫn đang neo tỷ giá đồng nội tệ vào USD.

Theo chuyên gia phân tích thị trường năng lượng Victor Shum thuộc công ty tư vấn Purvin & Gertz Consultancy ở Singapore, việc đầu tiên cần làm để dùng một rổ tiền tệ thay thế cho USD trong mua bán dầu lửa là phải chọn các đồng tiền tham gia vào rổ tiền tệ đó, mà vấn đề phức tạp nhất là xác định tỷ lệ của các đồng tiền trong rổ.

“Việc chuyển từ USD sang một đồng tiền đơn lẻ khác cho giao dịch dầu đã là một chuyện không dễ chứ chưa nói gì tới một rổ tiền tệ. Nếu đồng USD bị thay thế trên thị trường dầu thì đó chắc phải là một đồng tiền khác chứ không phải là một rổ tiền tệ. Nhưng điều đó còn lâu mới xảy ra”, ông Shum nói.

Nguồn tin từ các hãng lọc dầu ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều cho biết, hiện vẫn chưa có nhà cung cấp dầu nào đề cập với họ chuyện thay thế đồng tiền thanh toán trong các hợp đồng mua bán dầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét