7 tháng 10, 2009

Quyền lực của Mỹ - Một thách thức lớn cho việc cải tổ IMF

Theo báo Pháp Les Echos ngày 6/10, Mỹ có ảnh hưởng lớn nhất trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chắc chắn điều này sẽ tiếp tục trong một thời gian dài nữa, bất chấp cuộc cải cách đang diễn ra về quyền bỏ phiếu của 186 nước thành viên. Lý do chính là Mỹ giành được quyền ưu tiên phủ quyết, bên cạnh các lý do khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới việc đặt trụ sở của IMF tại Oasinhtơn và quá trình tuyển dụng nhân viên của tổ chức này. Do đó, một cuộc cải tổ thực sự đối với chế độ điều hành IMF trước hết đòi hỏi phải chấm dứt đặc quyền lịch sử này của Mỹ.

Cam kết đưa ra ngày 25/9 vừa qua tại Pittsburgh nhân hội nghị thượng đỉnh G20 về việc tái phân bố quyền lực của các nước thành viên trong IMF, thực hiện trước tháng 1/2011, cũng không thể làm thay đổi tình trạng hiện nay. Tại hội nghị, nguyên thủ và người đứng đầu các nước G20 đã đồng ý tiến hành quá trình chuyển giao quyền lực trong thiết chế tài chính này. Theo đó, ít nhất 5% cổ phần- dành để tính toán quyền bỏ phiếu của mỗi nước- của các nước thành viên có tiếng nói quá lớn so với quy mô nền kinh tế của họ sẽ chuyển cho các nước trong hoàn cảnh ngược lại. Trung Quốc, có khả năng sẽ vượt Nhật, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dường như sẽ là nước được lợi từ chương trình này. Theo công thức tính toán của IMF, "người khổng lồ châu Á" này sẽ nắm tới 7,5% cổ phần, thay vì chỉ 4% hiện nay, trở thành nước có cổ phần lớn thứ hai của Quỹ, chỉ đứng sau Mỹ nhưng trước Nhật Bản, Đức, Pháp và Anh.

Trung Quốc có được sự thừa nhận như vậy một phần nhờ Mỹ. Trong hậu trường, không ai giấu giếm việc chính quyền Mỹ đã cố gắng dùng ảnh hưởng của mình ở G20 để con số 5% được nêu rõ ràng trong thông cáo báo chí cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh vừa qua, đi ngược lại mong muốn của châu Âu. Chỉ có một nước tránh khỏi bị ảnh hưởng của việc cải tổ là Mỹ, với 17% cổ phần, tương ứng với quy mô của nền kinh tế. Nói một cách đơn giản nhất, Mỹ vẫn giữ được quyền phủ quyết. Quy chế của IMF quy định rằng quyết định của Hội đồng điều hành (24 ghế) phải được thông qua với 85% phiếu.

Nếu tính chung, châu Âu cũng sẽ có sức mạnh tương tự Mỹ vì tất cả các nước thành viên nắm tới 32% số phiếu. Tuy nhiên, trên thực tế, sức mạnh này tản mát và các nước ở khu vực này chỉ giữ trên dưới 10 ghế trong Hội đồng điều hành. Vì thế, họ buộc phải liên kết với nhau, một điều không phải bao giờ cũng dễ dàng làm được. Một quan chức cao cấp của Quỹ nói người Mỹ bao giờ cũng có sức mạnh khủng khiếp, đến mức Hội đồng quản trị nhận thức rõ rằng tùy theo quan điểm của Mỹ, một nghị quyết có thể được thông qua hay không trước khi nó được nghiên cứu dưới tất cả các góc độ, ngay cả khi chức Tổng Giám đốc luôn luôn do người châu Âu, mà hiện nay là một người Pháp, nắm giữ.

Sức mạnh của Mỹ càng lớn hơn khi trụ sở của thiết chế đa phương này nằm ở Oasinhtơn, chỉ cách Bộ Tài chính Mỹ vài trăm mét. Quan chức trên nói rằng viên ủy viên Hội đồng quản trị người Mỹ thường xuyên lui tới đây, khác với những người đồng nhiệm nước ngoài. Trong khi đó, về nguyên tắc 24 ủy viên Hội đồng quản trị phải ưu tiên lợi ích của Quỹ, chứ không phải của nước mà họ đại diện và không một sự can thiệp nào được cho phép. Nhưng thực tế, Quốc hội Mỹ không từ bỏ việc gây ảnh hưởng trực tiếp vào việc bỏ phiếu của đại diện nước họ.

Đặc quyền của Mỹ không dừng lại ở duy nhất có quyền phủ quyết mà thêm vào đó, IMF mang dấu ấn của nền văn hóa Mỹ. Theo quan chức khác của IMF, trong quá trình tuyển dụng nhân viên của IMF, những người tốt nghiệp ở một trường đại học Mỹ sẽ có lợi thế. Vấn đề là không hề có kỳ thi tuyển dụng mà tất cả được quyết định bởi bộ phận quản lý nguồn nhân lực sau cuộc phỏng vấn trực tiếp với ứng viên. Nếu không có bằng Ph.D, cơ hội để một người bước vào "thánh đường" này rất nhỏ.

Do đó, cuộc cải tổ thực sự trong IMF trước hết phải ở sự thay đổi phương thức bỏ phiếu, với việc hạ thấp ngưỡng đa số xuống dưới 85% để giảm bớt ưu thế tuyệt đối của Mỹ. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi về quy chế của IMF, cùng với sự chấp thuận của quốc hội các nước. Thế nhưng, chắc chắn Quốc hội Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận, đồng nghĩa với việc sức mạnh của Mỹ tại IMF sẽ không thể bị suy suyển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét