Chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục hành trình tăng điểm trong các tuần tới nhờ động lực mà mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3 đem lại.
Mùa báo cáo tài chính quý 2 vừa qua đã không có được kết quả tốt như thời điểm mới bắt đầu. Tuy nhiên, trong tuần tới nhà đầu tư có thể kỳ vọng rằng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ rất khả quan khi doanh thu trong giai đoạn này không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào việc cắt giảm chi phí.
Tuần tới, 6 doanh nghiệp thành viên Dow Jones và một số ngân hàng hàng đầu sẽ báo cáo kết quả kinh doanh. Cũng vào thời điểm bắt đầu mùa công bố lợi nhuận quý 2, chỉ số S&P 500 tăng tới 7% trong tuần sau khi Alcoa công bố lợi nhuận. Kể từ đó, chỉ số này không một lần có lại được đà tăng mạnh như thế, nhưng nếu kết quả kinh doanh duy trì xu hướng khả quan như ban đầu, giới đầu tư có thể tiếp tục mua vào cổ phiếu.
Kỳ vọng phục hồi kinh tế là động lực chủ yếu kích thị trường thăng hoa gần 60% kể từ ngày 09/03 tối tăm. Kết thúc phiên giao dịch ngày Thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tiếp tục xác lập mức cao mới của năm 2009.
Dù vậy, đợt phục hồi ngoạn mục này vẫn khiến giới phân tích tự hỏi liệu thị trường chứng khoán có phụ thuộc vào quá nhiều tin tốt. Kỳ vọng của các nhà phân tích thường gia tăng trong khoảng thời gian này dù không có những nhân tố kích thích thị trường trong hai quý cuối năm nay.
Theo số liệu thống kê của Thomson Reuters, mặc dù lợi nhuận trong nhiều lĩnh vực đã được điều chỉnh, nhưng dự kiến lợi nhuận tổng thể sẽ sụt giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuần công bố lợi nhuận của bluechips
Các công ty tên tuổi sẽ lần lượt thông báo kết quả lợi nhuận vào tuần tới. Cụ thể, Tập đoàn điện tử Intel, Johnson & Johnson sẽ công bố vào ngày Thứ Ba, Ngân hàng JPMorgan Chase vào Thứ Tư, Ngân hàng Goldman Sachs và IBM vào Thứ Năm; Bank of America và General Electric vào ngày Thứ Sáu.
Theo đó, giới đầu tư sẽ dõi theo các công bố này để biết liệu lợi nhuận của IBM và Intel có khả quan hơn trước sự suy yếu của đồng USD. Theo số liệu I/B/E/S của Thomson Reuters, lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) của IBM đạt 2.38 USD trên doanh thu 23.38 tỷ USD, trong khi đó Intel ước kiếm lời 27 cent/cp trên doanh thu 9.015 tỷ USD.
Một trong những đại gia Ngân hàng dự kiến công bố kết quả kinh doanh vào tuần tới là Tập đoàn Goldman. Bất chấp tình hình vẫn còn khó khăn, Ngân hàng này tiếp tục làm ăn có lãi. Tương tự, các đại gia ngân hàng khác, đặc biệt là Bank of America, cũng sẽ công bố lãi và trở thành chứng khoán chủ đạo dẫn dắt thị trường. Theo ước tính, lợi nhuận của các công ty tài chính tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, tức thời điểm diễn ra vụ sụp đổ lịch sử của Lehman Brothers.
Đồng USD mất giá, lạm phát đứng yên
Một trong những nhân tố khác thúc đẩy thị trường tăng điểm trong tuần tới có thể là đồng USD. Sự suy yếu của đồng bạc xanh đã kích giá nguyên liệu tăng cao, làm cho các cổ phiếu hàng hóa và chỉ số trong ngành tăng điểm.
Một số chỉ số kinh tế quan trọng cũng được công bố vào tuần tới.
Trong đó, doanh số bán lẻ Tháng 9 được công bố vào Thứ Tư. Các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Reuters dự báo doanh số bán lẻ giảm 2.1%. Số liệu công bố hôm Thứ Năm tuần trước cho thấy, doanh số bán lẻ Tháng 9 của các doanh nghiệp cùng ngành lần đầu tiên gia tăng trong hơn một năm qua. Và thị trường chứng khoán có thể nhận thêm đà tăng điểm nếu các nhà bán lẻ duy trì được nguồn doanh số tích cực.
Ngày Thứ Năm tới, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Tháng 9 sẽ được công bố. Dự kiến chỉ số này tăng 0.2% so với tháng trước và giảm 1.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (core CPI) trong Tháng 9, loại trừ giá của các mặt hàng hay biến động như thực phẩm và năng lượng, ước tăng 0.1% so với tháng trước và 1.4% so với cùng kỳ năm 2008. Các khoản thu nhập ròng ước giảm 0.1% trong Tháng 9.
Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu sẽ được công bố vào ngày Thứ Năm, và dự tính sẽ ở vào khoảng 525,000 người. Con số này khá phù hợp với số liệu tuần trước. Trong khi đó, số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp dự kiến giảm nhẹ xuống mức 6.02 triệu người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét