Giới phân tích nhận định Trung Quốc sẽ "chiếm" vị trí của Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong hai năm tới, giúp Bắc Kinh có tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế.
Các nhà phân tích dự đoán những số liệu thống kê dự kiến được công bố trong tuần này sẽ cho thấy kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 9,5% trong quý III/09, tiếp tục thu hẹp khoảng cách với nền kinh tế Nhật Bản, vốn chỉ đạt mức tăng 1% quý này.
Dự kiến vào năm 2010-2011 Trung Quốc sẽ sẽ "soán" ngôi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà Nhật Bản giữ trong hơn 40 năm qua, mặc dù giới phân tích cho rằng sự đổi ngôi về thứ bậc trong nền kinh tế toàn cầu này sẽ chỉ mang tính biểu tượng, ít tác động đến hoạt động thương mại.
Nhà phân tích kinh tế Todd Lee, thuộc hãng nghiên cứu IHS Global Insight, nhận định: "Trung Quốc đã tiến sát Nhật Bản xét về quy mô kinh tế, do đó việc trở thành nền kinh tế số hai thế giới thực ra không mang bất kỳ một hàm ý thật sự nào. Tốc độ tăng trưởng nhanh sẽ giúp Trung Quốc có ảnh hưởng lớn hơn trên vũ đài quốc tế."
Theo các số liệu của Ngân hàng Thế giới, trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, kinh tế Trung Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức hai con số giai đoạn năm 2003 đến 2007 và trong hai quý đầu năm 2008, đưa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này lên 4.300 tỷ USD. Năm ngoái, GDP của Mỹ đạt 14.200 tỷ USD và Nhật Bản là 4.900 tỷ USD.
Nhà kinh tế Eric Fishwick, phụ trách bộ phận nghiên cứu kinh tế của viện CLSA Asia-Pacific Markets có trụ sở tại Hongkong, nhận xét thời điểm quyết định để Trung Quốc trở thành nền kinh tế số hai thế giới chỉ là "vấn đề mang tính số học".
Ông Fishwick nói: "Rõ ràng, điều này sẽ xảy ra. Đây là sự kết hợp giữa tăng trưởng nhanh của Trung Quốc và sự trì trệ của kinh tế Nhật Bản."
Sau khi tốc độ tăng trưởng giảm xuống 6,1% trong quý I/09, mức thấp nhất trong 20 năm qua, kinh tế Trung Quốc đã lấy lại đà tăng trưởng nhanh, với mức 7,9% trong quý II/09, và dự kiến đạt trên 8% trong cả năm nay.
Sự phục hồi tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc, được củng cố bởi gói kích thích kinh tế khổng lồ 4.000 tỷ nhân dân tệ (586 tỷ USD) và luồng tín dụng ngân hàng 7.400 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm 2009, là sự tương phản hoàn toàn với tình hình ảm đạm ở Nhật Bản.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định trong quý II/09, Nhật Bản đã nổi lên từ cuộc suy thoái kinh tế kéo dài, nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này được dự báo sẽ giảm 6% trong cả năm 2009 trước khi tăng trưởng trở lại ở mức 0,9% trong năm 2010.
Trong khi đó, nhà kinh tế người Hongkong Dong Tao, thuộc hãng Credit Issue, nói: "Điều duy nhất tạo sự cách biệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc khi quyết định nước nào sẽ là nền kinh tế số hai thế giới là đồng yên. Nếu không xét đến yếu tố đồng yên, Trung Quốc đã là nền kinh tế số hai."
Đồng yên của Nhật Bản, vốn được xem là đồng tiền an toàn, vẫn rất cao so với đồng USD do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm đáng kể so với đồng bạc xanh kể từ tháng 7/08.
Tuy nhiên, ông Toyoo Gyohten, cố vấn đặc biệt của Bộ Tài chính Nhật Bản, cho rằng Trung Quốc còn phải vượt qua một chặng đường "dài dài" mới có thể đuổi kịp Nhật Bản xét về GDP bình quân đầu người.
Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc hiện chưa đến 4.000 USD/năm. Ông Gyohten nhận xét: "Theo một cách tính đơn giản,Trung Quốc sẽ cần khoảng 30 năm để đạt được mức GDP bình quân đầu người của Singapore hoặc Nhật Bản, hiện vào khoảng 40.000 USD."
Nhà phân tích Jing Ulrich, Giám đốc điều hành, đồng thời là Chủ tịch bộ phận chứng khoán và hàng hóa ở Trung Quốc của ngân hàng JP Morgan (có trụ sở tại Hongkong), cho rằng mặc dù sự vươn lên của Trung Quốc thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chỉ mang tính tượng trưng, nhưng điều này sẽ giúp Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn hơn trong nền kinh tế thế giới.
Trung Quốc hiện vẫn nằm ngoài Nhóm bảy nước giàu nhất thế giới (G7) mặc dù nước này đã trở thành động lực chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đã và đang vận động hành lang để có được vai trò lớn hơn trong các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ông Ulrich nhận xét vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ trao cho Trung Quốc ảnh hưởng và quyền đại diện lớn hơn trong các tổ chức quốc tế. Các chính sách và biện pháp của Bắc Kinh nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã phát huy tác dụng, giúp nước này nhanh chóng lại đà tăng trưởng kinh tế cao./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét