Giữa lúc các nhà kinh tế học, học giả và chính trị gia tranh luận nảy lửa về những lý do khiến đồng USD trượt dốc mạnh trong thời gian gần đây, thì anh Robert Stevenson sống ở Buffalo, New York, lại tỏ ra hết sức vui mừng trước sự đi xuống này của đồng "bạc xanh".
Đã 20 năm qua, công ty Eastman Machine của nhà Stevenson chuyên sản xuất các loại công cụ cắt cho ngành dệt may. Cách đây một năm, ở thời kỳ đỉnh cao của khủng hoảng tài chính, anh Stevenson đã phải sa thải hàng chục công nhân, nhưng việc USD mất giá gần 20% từ tháng 3 trở lại đây đã giúp cải thiện rõ rệt sức cạnh tranh của hàng hóa do công ty của anh sản xuất ở thị trường nước ngoài. Anh đang hy vọng, tháng tới, anh sẽ ký được một hợp đồng trị giá nhiều triệu USD tại châu Âu và có tiền thuê lại nhân công.
"Các điều kiện trong môi trường kinh doanh nói chung vẫn yếu, nhưng sự đi xuống của USD cho phép chúng tôi gia tăng sự hiện diện ở thị trường bên ngoài", anh Stevenson hào hứng nói.
Câu chuyện của Eastman Machine là một phần nhỏ trong sự chuyển dịch lớn mà đợt giảm giá mạnh nhất trong 6 năm qua của đồng USD đem lại. Tuần trước, tỷ giá USD thậm chí đã có lúc rớt xuống mức 1,50 USD mới đổi được 1 Euro, từ mức 1,25 USD tương đương 1 Euro vào tháng 3. Nếu sự suy yếu này của USD được duy trì, người tiêu dùng Mỹ sẽ buộc phải quen với việc phải mua hàng hóa nhập khẩu với mức giá đắt đỏ hơn, và phải trả nhiều tiền hơn cho các chuyến du lịch ở nước ngoài.
Tuy nhiên, ở mặt tích cực của vấn đề, đồng USD yếu có thể đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế Mỹ thông qua việc hỗ trợ các nhà sản xuất hàng xuất khẩu từ lâu đã bị đè nặng dưới áp lực của nhu cầu giảm sút. Nhờ đó, hoạt động sản xuất công nghiệp của Mỹ sẽ được tăng cường sức mạnh, kim ngạch xuất khẩu của nước này được cải thiện, dù tình hình kim ngạch tại các nước đối tác thương mại của Mỹ sẽ trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là các nước châu Âu.
"Miễn là đồng USD không sụp đổ, sự giảm giá dần dần và có trật tự của đồng tiền này là lành mạnh. Đồng USD đã lên giá 40% trong thời kỳ 1995-2002, nên sự giảm giá đang diễn ra là cần thiết để tái cân bằng tỷ giá đồng tiền này", ông C. Fred Bergsten, Giám đốc Viện Kinh tế quốc tế Peterson, nhận xét.
Tuy nhiên, sự suy yếu của USD là một vấn đề mang tính chính trị cao. Thời gian qua, việc tỷ giá USD trượt dài đã châm ngòi cho những đợt công kích mạnh nhằm vào chính quyền Tổng thống Barack Obama. Bà Sarah Palin - cựu ứng phó tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa - và những người khác cùng đảng với bà cho rằng, đồng USD suy yếu đồng nghĩa với một nước Mỹ suy yếu.
"Chúng ta sẽ đánh mất địa vị lãnh đạo thế giới nếu đồng USD không còn là đồng tiền được ưu ái", Thượng nghị sỹ Cộng hòa Jon Kyl của bang Arizona phát biểu. Ông Kyl cũng cho biết, ông kịch liệt phê phá cựu Tổng thống George W. Bush vì đã để đồng USD mất giá. "Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Obama đang làm cho tình hình trợ nên tệ hại hơn thông qua các chính sách chi tiêu và thâm hụt ngân sách khổng lồ", ông Kyl nói.
Theo chiến lược gia thị trường tiền tệ Neil Mellor thuộc công ty BNY Mellon Global Markets tại London, đáng ngại hơn cả, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang nhìn nhận lại địa vị của đồng USD với vai trò đồng tiền dự trữ số 1 của thế giới. Cùng với những nhân tố tại nước Mỹ như lãi suất cơ bản thấp kỷ lục của USD và khoản thâm hụt ngân sách liên bang đang phình to, điều này đang thúc đẩy xu hướng mất giá của USD.
Ngoài ra, mặc dù vẫn duy trì quan điểm ủng hộ đồng USD mạnh, chính quyền Obama chưa phát đi bất kỳ một tín hiệu nào cho thấy họ sẽ có những bước tiến lớn để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ. Xét trong dài hạn, đồng USD yếu có thể giúp khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại kinh niên của nước Mỹ nhờ co hẹp khoảng cách giữa kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu, vì tỷ giá USD thấp sẽ giúp hàng hóa Mỹ có sức cạnh tranh cao hơn ở thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, lợi ích này cũng có giá của nó. Giá cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ như thời trang Italy, rượu vang Pháp, dàn âm thanh Nhật... sẽ đắt đỏ hơn, và giá các loại hàng hóa cơ bản trong đó có dầu thô cũng sẽ dựa vào sự đi xuống của tỷ giá USD mà leo thang. USD mất giá là lý do chính đẩy giá dầu tăng vượt mức 75 USD/thùng trong thời gian gần đây, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi nhiều tiền hơn để mua xăng xe.
Trước đây, tỷ giá USD còn biến động mạnh hơn. Gần đây nhất, tỷ giá USD giảm sâu trong mùa hè 2008, để rồi tăng mạnh trở lại khi vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers vào tháng 9/2008 khiến giới đầu tư ồ ạt chuyển vốn sang các loại tài sản Mỹ có độ an toàn cao như trái phiếu kho bạc của nước này.
Ngoài những công kích chính trị, đợt mất giá đang diễn ra của USD còn đi kèm với một trận tranh cãi không kém phần quyết liệt giữa các chuyên gia kinh tế.
"USD yếu là một vấn đề lớn đối với việc làm và mức sống của người Mỹ", ông David Malpass, một nhà kinh tế học làm việc lâu năm ở Phố Wall, đồng thời là một trong những nhà phê bình mạnh mẽ nhất đối với sự suy yếu của USD, phát biểu. "Khi USD mất giá, vốn liếng và sức mua của nước Mỹ sẽ giảm so với phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, rủi ro về việc phải tăng lãi suất và lạm phát cao lại gia tăng", ông Malpass nói.
Tuy nhiên, chuyên gia Bergsten, Giám đốc Viện Kinh tế quốc tế Peterson lại lập luận rằng, đồng USD chỉ đang trở lại với mức giá trị hợp lý so với các đồng tiền khác nếu như nước Mỹ muốn tiếp tục thu hẹp thâm hụt thương mại của mình. Theo ông Bergsten, với đợt giảm giá gần đây, đồng USD đã được định giá hợp lý so với Euro, nhưng cần phải mất giá thêm 10% nữa so với các đồng tiền của châu Á như Yên Nhật để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà xuất khẩu Mỹ.
Mặc dù biến động mạnh so với tỷ giá của nhiều đồng tiền chủ chốt, tỷ giá USD so với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc gần đây vẫn chưa có gì thay đổi. Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang tiếp tục duy trì tỷ giá đồng nội tệ ở mức thấp để hỗ trợ các nhà xuất khẩu của nước này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã liên tục tuyên bố, chính quyền Tổng thống Obama ủng hộ chính sách đồng USD mạnh, nhưng thị trường tiền tệ không kỳ vọng nhiều ở việc nước Mỹ sẽ hành động để thực hiện những tuyên bố này, trong đó có việc tăng lãi suất.
"Chính quyền Obama có thể nói là họ muốn đồng USD mạnh. Nhưng ai cũng biết là họ không có phương tiện để hỗ trợ USD. Cục Dự trữ Liên bang không thể sớm tăng lãi suất, mà Nhà Trắng thì không thể sớm cắt giảm thâm hụt ngân sách", ông Mellor thuộc công ty BNY Mellon Global Markets tại London phát biểu.
Nếu đồng USD tiếp tục trượt giá và Euro còn lên giá, điều này có thể làm gia tăng những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và châu Âu, đặc biệt là với những nước xuất khẩu lớn ở châu lục này như Đức - những quốc gia vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề vì khủng hoảng và suy thoái.
"Sức mạnh của đồng Euro đã đến không đúng lúc chút nào. Nước Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của chúng tôi sau Liên minh châu Âu. Do vậy, USD mất giá là một đòn mạnh giáng vào sự phục hồi của các hãng ôtô và các nhà xuất khẩu công nghiệp", ông Jens Nagel, người đứng đầu bộ phận quốc tế của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Đức tại Berlin, nhận định
Chuyên gia Mellor dự báo, đồng USD sẽ còn trượt giá thêm, xuống mức 1,60 USD tương đương 1 Euro trong thời gian từ nay tới đầu năm 2010. Tại Mỹ, nhiều công ty có quy mô lớn hơn công ty Eastman Machine của anh Stevenson ở đầu câu chuyện đang ra sức tận dụng lợi thế này.
Theo ông Pierre Dufour, Phó chủ tịch điều hành tại Air Liquide, một công ty của Pháp chuyên cung cấp khí gas công nghiệp cho các nhà sản xuất thép, chất bán dẫn... khổng lồ trên khắp thế giới, khi kinh tế toàn cầu phục hồi và các nhà sản xuất đẩy mạnh việc tăng sản lượng, họ sẽ ưu tiên những nhà máy đặt tại các địa điểm có sức cạnh tranh cao hơn, bao gồm các nhà máy ở Mỹ.
"Mọi vấn đề luôn có hai mặt. Một mặt, đồng USD yếu sẽ khiến hàng của chúng tôi tại Mỹ đắt hơn. Nhưng mặt khác, khi các công ty chuyển tới Mỹ làm ăn nhiều hơn, doanh số của chúng tôi tại đó sẽ tăng", ông Carl Martin Welcker, chủ một hãng máy công cụ ở Cologne, Đức, nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét