Từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới thường được xem là bắt đầu với sự phá sản của ngân hàng kinh doanh Lehman Brothers vào ngày 14.9.2008, cảnh quan ngân hàng Âu Mỹ thay đổi toàn diện và cho đến nay vẫn chưa ổn định, nhưng trong đó ta đã thấy được “kẻ thắng” và “người thua” ở hai bên bờ Đại Tây Dương.
Kẻ thắng
Ở Mỹ, Goldman Sachs (GS) rõ ràng ở trong số những ngân hàng thắng lợi. Được thành lập vào năm 1869. GS có quan hệ với chính quyền Mỹ mật thiết đến mức nhiều nhà lãnh đạo của GS đã nối tiếp nhau trở thành các bộ trưởng Tài chính, cố vấn kinh tế… cho các tổng thống Mỹ, đặc biệt từ thời Bill Clinton trở đi. Nhiều nhà quan sát cho rằng, do thế lực chính trị rất lớn của nó, từ nay GS sẽ ngự trị trên Wall Street, dù nó chỉ đứng thứ năm trong số các ngân hàng Mỹ với thị giá vốn cổ phần (TGVCP) là 91,89 tỉ USD, Trong quý 2 vừa qua, ngay giữa sự suy thoái của kinh tế thế giới, tiền lời của GS đã tăng thêm 65% so với một năm trước đó. GS tiết lộ sẽ thưởng đến 11,4 tỉ USD cho nhân viên vào đầu năm 2010, chỉ riêng cho quí 1/2009!
Nhờ mua được ngân hàng tiền gởi Washington Mutual ngay giữa sự đình đốn tài chính vào tháng 9.2008, JP Morgan Chase trở thành ngân hàng lớn nhất của Mỹ với TGVCP lên đến 167,1 tỉ USD. JP Morgan Chase vượt lên đứng ngang hàng với Bank of America hay Wells Fargo trên thị trường nghiệp vụ ngân hàng lẻ, với thị phần lên đến 10% tiền gởi ngân hàng.
Ở Anh, Barclays (TGVCP: khoảng 47 tỉ USD) được xem là kẻ thắng lợi. Nhờ táo bạo mua lại các hoạt động của Lehman Brothers ở châu Âu với một số tiền tượng trưng, Barclays đã thu được nhiều cái lợi: Từ 12.000, số nhân viên Barclays vượt lên 20.000. Chẳng những thế, ngay trong một bối cảnh thất nghiệp trầm trọng, Barclays dự kiến tuyển dụng 800 nhân viên trong năm 2009 để phát triển các hoạt động tư vấn về hợp nhất và mua công ty, cũng như trên các thị trường vốn.
Cuối cùng tưởng cũng nên nhắc đến ngân hàng Pháp BNP Paribas (TGVCP: khoảng 70 tỉ USD). Chỉ trong vòng hai năm, ngân hàng này đã từ vị trí thứ 9 của thế giới vượt lên vị trí thứ bảy (chưa kể đến các ngân hàng khổng lồ của Trung Quốc). Sự phát triển của ngân hàng này gắn liền với việc mua lại ngân hàng Fortis của Bỉ.
Người thua
Trong số các ngân hàng thua thiệt, trước hết phải kể đến Citigroup. Trước đây được xem là siêu thị dịch vụ tài chính lớn nhất của Mỹ, Citigroup đã suy sụp đột ngột đến mức nhiều người bàng hoàng. TGVCP của Citigroup (hiện nay khoảng 105,5 tỉ USD) đã giảm đến 55,5 % so với tháng 10.2007, dù đã được nhà nước Mỹ cứu trợ bằng cách mua lại đến 36% TGVCP.
Ở phía đông Đại Tây Đương, các hệ thống ngân hàng ở Iceland, Anh và Bỉ bị khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Riêng ở Thuỵ Sĩ, ngân hàng UBS đã bị mất rất nhiều uy tín. Để trở thành ngân hàng kinh doanh số một của thế giới, trong các năm qua ngân hàng này đã ồ ạt đầu tư vào các sản phẩm tài chính “độc hại” liên quan đến các tín dụng thế chấp đầy rủi ro của Mỹ (subprime) ngay cả sau mùa hè 2007, khi không ít người đã cảm nhận được là ngọn gió subprime đã trở chiều. Kết quả là UBS đã bị lỗ nặng nề nên đã phải sa thải hàng ngàn nhân viên.
Hai ngân hàng châu Âu khác cũng đã bị thiệt hại khá lớn là Deutsche Bank (Đức) và Société Générale (Pháp).
Thực ra còn quá sớm để đánh giá thật đúng thực lực của các ngân hàng Âu Mỹ, trước hết vì các ngân hàng còn chưa thanh toán xong các thiệt hại khổng lồ do nợ dưới chuẩn cũng như do các món nợ đáng ngờ gây ra cho các bảng tổng kết tài sản của chúng. Tiếp theo bởi vì các cải cách mà chính phủ các nước đang chuẩn bị với các ngân hàng trung ương nhằm tăng cường các quy tắc áp dụng cho các ngân hàng, chắc chắn sẽ gây thêm nhiều tốn kém cho khu vực tài chính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét