Lợi nhuận của các ngân hàng lớn không bắt nguồn từ cho vay, tài trợ hay những hoạt động kinh doanh truyền thống khác. Theo giới chuyên môn, đây không phải là điều đáng mừng.
Suốt cuộc khủng hoảng tài chính, Citigroup từng được xem là trường hợp tệ hại nhất trong số các ngân hàng lớn nhất nhì phố Wall. Nhưng báo cáo quý III công bố hôm thứ năm cho thấy tình hình đã đỡ tệ hơn, chủ yếu nhờ hoạt động đầu tư. Hai đại gia khác là Goldman Sachs và JPMorgan Chase lạc quan nhiều, thu lợi hàng tỷ đôla từ mảng đầu tư.
Ngay lúc này, đầu tư vẫn rất tốt và dường như là cách duy nhất để ngân hàng kiếm tiền. Đối thủ cạnh tranh trong mảng ngân hàng đầu tư không còn nhiều. Trong khi đó lãi suất đang ở mức hấp dẫn, xấp xỉ 0%. Ngân hàng càng rảnh rang đầu tư khi được phép dùng vốn trợ cấp giá rẻ của chính phủ để thu gom các tải sản có mức sinh lời lớn.
Goldman Sachs tỏ ra thành công trong việc tận dụng các điều kiện thuận lợi này. Với danh tiếng và kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động đầu tư, hôm 15/10, Goldman công bố lãi 3,03 tỷ USD trong quý III, gấp hơn 3 lần những gì họ làm được cùng kỳ năm ngoái. Góp công lớn trong bảng thành tích kinh doanh quý vừa qua chính là hoạt động mua và bán cổ phiếu, trái phiếu, ngoại tệ, các loại hàng hóa như dầu, vàng.
Kết quả công bố trước đó một ngày của JPMorgan Chase còn ấn tượng hơn nhiều. JPMorgan báo lãi 3,59 tỷ USD bất chấp khoản thua lỗ nặng nề từ tín dụng tiêu dùng và cho vay cầm cố.
Đà phục hồi nhanh chóng giúp Goldman có thể sớm trả nợ 10 tỷ USD cứu trợ từ Chính phủ. Họ sẽ được quyền chủ động quyết định lương thưởng nhân viên thay vì bị ràng buộc như trước đây. Và nhiều khả năng thu nhập của người Goldman Sachs sẽ tiệm cận mức kỷ lục. Hãng tuyên bố 9 tháng đầu năm đã dành ra 16,7 tỷ USD, tương đương gần nửa doanh thu thuần để chi trả lương, thưởng và các chi phí liên quan.
AP bình luận chuyện lời lãi của các ngân hàng cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ nét so với những gì diễn ra cách đây một năm. Nhưng nhiều người đang đặt câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu hoạt động đầu tư suy giảm và ngân hàng lại phải lệ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Thay vì cho vay hay tài trợ vốn, các ngân hàng đang làm những việc giống hệt giới đầu tư ở phố Wall, thậm chí còn cừ hơn. Họ cũng lao vào đặt cược diễn biến giá cổ phiếu, trái phiếu, các loại hàng hóa và tài sản.
"Tin tốt là sức khỏe của các ngân hàng đã tốt hơn. Nhưng tệ ở chỗ, lợi nhuận của họ không bắt nguồn từ mảng cho vay tiêu dùng cũng như tín dụng doanh nghiệp. Không sớm thì muộn, ngân hàng sẽ phải trả giá cho điều này, vì lợi nhuận từ đầu tư không thể mãi kéo dài", chuyên gia phân tích thị trường Edward Yardeni nói.
Hàng núi vấn đề đang đặt ra với các nhà kinh doanh ngân hàng. Giới đầu tư phố Wall đang thận trọng hơn khi lần đầu tiên trong năm chỉ số công nghiệp Dow Jones tái lập ngưỡng 10.000 điểm.
Thật ra, nền kinh tế vẫn ở giai đoạn khó khăn trước khi phục hồi hoàn toàn, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên đến 10% và người dân Mỹ vẫn dè xẻn chi tiêu, không dám vay nợ ngân hàng. Báo cáo của Citigroup cho thấy rõ điều này. Trong quý III, tập đoàn lãi 101 triệu USD từ mảng đầu tư, nhưng mảng tín dụng lỗ tới 8 tỷ USD.
Các ngân hàng lo ngại mảng tín dụng vẫn sẽ tệ hại trong năm tới. CEO Citigroup, ông Vikram Pandit cho rằng nếu tình trạng thất nghiệp không được cải thiện, sẽ là thảm họa cho ngành ngân hàng trên con đường hồi phục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét