4 tháng 10, 2009

G-7 gây sức ép lên đồng Nhân dân tệ





Mặc dù đưa ra lập trường tạo sức ép đối với đồng tiền nội địa của Trung Quốc nhưng các Bộ trưởng Tài chính G-7 không đạt được sự nhất trí cách thức làm sao khiến Trung Quốc chấp nhận lời đề nghị nhằm làm giảm căng thẳng thực trạng tỷ giá tiền tệ toàn cầu.
Tuyên bố sau cuộc gặp tại Istabul hôm 3/10, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương nhóm các nước công nghiệp phát triển G-7 khẳng định, Bắc Kinh nên nới lỏng chính sách kiểm soát tiền tệ chặt chẽ của nước này nhằm giúp giảm tình trạng mất cân đối trong thương mại toàn cầu, một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.

Bản tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi chào đón cam kết của Trung quốc tiến tới tỷ giá trao đổi ngoại tệ linh động hơn, mang lại một mức giá cao phù hợp với đồng Nhân dân tệ trong dài hạn và giúp thúc đẩy phát triển cân bằng hơn giữa Trung Quốc và nền kinh tế thế giới.”

Mặc dù cam kết về khả năng thả nổi đồng tiền nội địa, nhưng Trung Quốc vẫn giữ giá đồng Nhân dân tệ thấp hơn thực tế so với đồng đô-la kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trở nên tồi tệ hơn vào tháng 7/2008.

Những lời lẽ trong bản tuyên bố của G-7 không có sự khác biệt nhiều so với bản tuyên bố của nhóm này vào 6 tháng trước. Và phía Trung Quốc dường như không có dấu hiệu “chùn bước” trước áp lực của G-7.

Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang trả lời hãng thông tấn Reuters rằng “chính sách tỷ giá trao đổi ngoại tệ của Trung Quốc rất rõ ràng.” Ông cũng khẳng định chính sách này có thể tiếp tục giúp mang lại sự bình ổn.

Mặc dù đưa ra lời tuyên bố nhằm gây sức ép lên Bắc Kinh nhưng nhóm G-7 cũng không có dấu hiệu tích cức nào nhằm tháo gỡ những căng thẳng giữa các thành viên về thực trạng một đồng đô-la yếu. Kể từ tháng 3/2009, đồng đô-la đã bị mất giá tới 12%.

Gần đây, Pháp và Canada liên tục bày tỏ quan ngại một đồng đô-la yếu có thể ảnh hưởng xấu tới lĩnh vực xuất khẩu của hai nước này. Trong khi đó, một quan chức giấu tên của G-7 tiết lộ các cuộc tranh luận tại Istabul cũng xoay quanh vấn đề này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét