9 tháng 9, 2009

Vàng là sát nhân giấu mặt của đồng bạc xanh

Vàng là sát nhân giấu mặt của đồng bạc xanh?
Trong một động thái gây sốc, chính phủ Trung Quốc đột ngột cho công bố về trữ lượng dự trữ vàng của nước này đã tăng đột biến, cải thiện vị trí dự trữ vàng của họ từ thứ sáu với tổng lượng dự trữ lên tới 454 tấn.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng đây là một nỗ lực rất rõ ràng của nước này lôi kéo sự chú ý của các nền kinh tế khác sang vàng với mục tiêu nhằm “sát hại” đồng USD.

Thận trọng

Tại sao vàng lại là kẻ sát nhân giấu mặt của đồng bạc xanh? Vì tại thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vàng mới có đủ vai trò và trọng lượng làm thay đổi quy luật lệ thuộc vào đồng USD của các nền kinh tế khác mà không loại tiền tệ nào có thể đảm đương nổi.

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu và đồng USD của họ đứng vị trí số một. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng đồng yen lại có vị trí dưới cả đồng bảng của người Anh.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ ba hiện nay và đồng nhân dân tệ đứng rất sâu trong bảng xếp hạng thứ bậc. Điều này cho thấy, không phải cứ là nền kinh tế lớn mạnh thì nghiễm nhiên đồng tiền của quốc gia đó cũng lớn mạnh theo.

Sự bất hợp lý có thể lấy ngay vị trí của đồng yen của Nhật làm ví dụ. Lỗi tại chính sách của Nhật thời kỳ những năm của thập niên 70 và 80 thế kỷ trước. Đó là thời điểm dự trữ ngoại hối của Nhật Bản cực lớn, thâm hụt thương mại của Nhật lớn khiến cho giao dịch bằng đồng USD càng đẩy nền kinh tế này vào tổn thương nghiêm trọng.

Đó có thể đã là thời kỳ cho đồng yen bứt phá lên vị trí thứ hai nhưng nước Nhật không làm vậy. Chính phủ Nhật Bản khi đó cũng có chung mối lo sợ như Trung Quốc ngày nay, rằng quốc tế hóa đồng yen sẽ làm cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu gặp nhiều khó khăn hơn cũng như khó có thể kiểm soát các dòng tiền, luồng đầu tư vào và ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản.

Họ đã chọn giải pháp đóng chặt đồng yen thay vì bung ra và hỗ trợ nó lên vị trí thứ hai trên thế giới. Do chính sách sai lầm đó của người Nhật Bản mà vị thế của đồng bảng Anh không tiếp tục bị rơi sau khi nó rớt khỏi vị trí thống trị toàn cầu và kẻ thay thế là đồng USD của người Mỹ. Người Trung Quốc đủ gần về địa lý và đủ khôn để nhận ra sai lầm của chính phủ Nhật Bản.

Các chính sách công khai của Trung Quốc gần đây đều cho thấy, nước này đang nỗ lực “thổi” đồng nhân dân tệ bay cao hơn trên bầu trời thương mại toàn cầu. Các chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc và thế giới đều nhận định rằng đây là thời điểm tốt nhất để người Trung Quốc đẩy đồng tiền của mình lên tầm ảnh hưởng toàn cầu, nếu chậm hơn một năm nữa, áp lực mất giá của đồng USD giảm xuống, họ sẽ mất cơ hội.

Và một năm liệu có đủ để đồng nhân dân tệ cất cánh? Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định, thời gian đó không đủ cho tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Đó là chưa tính đến yếu tố thận trọng của chính phủ Trung Quốc khi quốc tế hóa đồng tiền này. Họ đang triển khai từng bước rất thận trọng, trong phạm vi hẹp, không chạy đua với thời gian và tất nhiên, sẽ cần nhiều năm chứ không phải là một năm.

Các nguồn báo cáo công khai cho thấy, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc mới ký kết thỏa thuận trao đổi ngoại tệ với tổng trị giá 650 tỷ nhân dân tệ với Ngân hàng trung ương Hàn Quốc, Cục quản lý tiền tệ Hongkong, Ngân hàng trung ương Malaysia, ngân hàng trung ương Cộng hòa Belarus Ngân hàng Trung ương Indonesia và Ngân hàng trung ương Argentina.

Đồng thời, Trung Quốc mới chỉ ký kết hiệp định thanh toán thương mại ngoại thương bằng đồng nhân dân tệ với Việt Nam, Mông Cổ, Lào, Cộng hòa Nepal, Nga, Cộng hòa Kyrgyz, Triều Tiên và Cộng hòa Kazaxtan.

Lệ thuộc

Khi một quốc gia sử dụng đồng USD làm loại tiền tệ giao dịch chính thì mọi hoạt động kinh tế, đặc biệt là xuất nhập khẩu đều quy đổi sang đồng USD, do đó, hoạt động kinh tế càng phát triển thì quốc gia đó càng sở hữu nhiều tiền USD hơn.

Khi sở hữu ngoại tệ này đến một mức độ lớn nhất định trong quỹ dự trữ quốc gia thì việc hao hụt của đồng USD sẽ quay lại tác động trực tiếp lên nền kinh tế đó. Muốn đảm bảo giá trị tài sản đang sở hữu, người ta buộc phải có các hành động bảo vệ giá trị đồng USD.

Như vậy, không chỉ có Mỹ mới lo phần bảo vệ giá trị đồng USD, càng có nhiều quốc gia sở hữu và sử dụng chính thức loại tiền này thì càng có thêm các lực lượng buộc phải bảo vệ nó. Một trong những cách bảo vệ tài sản của mình, các quốc gia như Trung Quốc lựa chọn việc đầu tư “chống lưng” cho chính phủ Mỹ thông qua hoạt động mua vào trái phiếu chính phủ.

Và từ đây, chính sách điều hành của Mỹ tốt hay dở sẽ tác động trực tiếp lên giá trị trái phiếu chính phủ mà các quốc gia khác đang sở hữu. Khi Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ thì chính Trung Quốc đang lún sâu hơn vào sự lệ thuộc các chính sách Mỹ. Khối tài sản của Trung Quốc đang sở hữu trồi sụt phụ thuộc vào sự điều hành của chính phủ Mỹ tốt hay dở.

Đây chính là quy luật lệ thuộc vào một loại ngoại tệ khác của hầu hết các nền kinh tế. Muốn thoát ra khỏi “cái bẫy” này, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, có nhiều cách như đa dạng loại ngoại tệ trong trao đổi mậu dịch và đa dạng cả trong dự trữ ngoại hối, tránh dự trữ một loại tiền như USD.

Những nhà phân tích đã chỉ ra rằng, trên bình diện thương mại, Trung Quốc chọn giải pháp vẫn sử dụng đồng USD làm giao dịch chính thức trong khi nỗ lực cơ cấu lại các quy định trao đổi mậu dịch với các đối tác khác liên quan đến ngoại tệ, mặt khác, thay đổi về chất lại diễn ra nhanh hơn khi quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia đã nhanh chóng cơ cấu lại bằng việc đầu tư sang vàng.

Vàng đang trở thành một lối thoát của Trung Quốc khỏi “cái bẫy” của đồng USD Mỹ. Có được lối thoát này, việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ sẽ đỡ phần chông gai và an toàn hơn.

Ở đây, Trung Quốc không chọn một ngoại tệ nào khác để đa dạng hóa quỹ dự trữ vì như thế sẽ tạo thêm đối thủ cho đồng Nhân dân tệ. Đầu tư vào vàng là biện pháp an toàn nhất. Khi quỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có tỉ lệ dự trữ vàng lớn dần lên và tỉ lệ đồng USD giảm xuống thì sự rủi ro giá trị tài sản quốc gia cũng giảm theo, đồng nghĩa là sự phụ thuộc vào chính sách Mỹ cũng ít hơn.

Khi chính sách Mỹ ít tác động đến các quốc gia khác, vai trò của nền kinh tế Mỹ vì thế cũng giảm sút, hệ quả kéo theo là vị thế của đồng bạc xanh sa sút theo. Đã có không ít bài phân tích của các chuyên gia kinh tế cho rằng, khủng hoảng toàn cầu là thời điểm để Trung Quốc vươn lên.

Không chỉ hành động bằng việc thay đổi về chất trong quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, Trung Quốc tận dụng các diễn đàn, hội nghị toàn cầu để kêu gọi các nước khác cùng phế truất vị thế số Một của đồng USD nhằm tạo nên sự thay đổi về lượng.

Kêu gọi các nước khác cùng phế truất vị thế số Một của đồng bạc xanh cũng được đánh giá là một cách làm thích hợp nhất vì bản thân một mình Trung Quốc sẽ khó hơn là có số đông ủng hộ. Mặt khác, Trung Quốc còn có những khó khăn riêng của mình để chưa thể trở thành ngọn hùng phong trong nỗ lực hạ bệ vai trò Mỹ đồng thời đưa đồng Nhân dân tệ lên vị trí vinh quang hơn.

Bước đi đầu

Tuy ý thức được sự cố thủ của chính phủ Nhật đối với đồng Yên trong quá khứ là sai lầm nhưng bản thân Trung Quốc cũng lo ngại mất kiểm soát các dòng tiền và luồng đầu tư khi đồng Nhân dân tệ quốc tế hóa nhanh.

Với những bước đi thận trọng, cụ thể là quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ trong phạm vi hẹp đã ký kết từ đầu năm đến nay giữa Trung Quốc với một số nước, dường như đó là cách để không mất kiểm soát.

Khi đồng tiền Trung Quốc được sử dụng trực tiếp trong các giao dịch toàn cầu thì mọi vấn đề phát sinh trong các thương vụ trên phạm vi toàn cầu, (ngoài biên giới và ngoài năng lực điều hành của Trung Quốc) đều ảnh hưởng đến giá trị của đồng Nhân dân tệ mà Trung Quốc chưa có khả năng kiểm soát.

Nền kinh tế khổng lồ này sẽ ngay lập tức bị chao đảo bởi những đợt trồi sụt của các dòng tiền ra vào mà tốc độ chỉ còn là những cú nhấn nút rút tiền hay gửi tiền.

Một vấn đề khác cũng rất quan trọng đó là sự phụ thuộc của nền kinh tế này với xuất khẩu. Trung Quốc đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới và giá trị các giao dịch này vẫn núp dưới vai trò của đồng USD nhờ các quy định quy đổi ngoại tệ nhiều năm qua đang có lợi cho Trung Quốc.

Nếu rời bỏ đồng USD lợi thế của đồng Nhân dân tệ “yếu” sẽ không còn, tức là nền kinh tế mất đi một lợi thế trong cạnh tranh. Đây là một lợi thế cực lớn, nó đảm bảo cho Trung Quốc nhiều năm qua luôn đạt được mức thặng dư mậu dịch rất cao so với Mỹ. Rời khỏi hệ quy chiếu USD, đoàn tầu Trung Quốc sẽ mất đi lợi thế gia tốc hỗ trợ này.

Từ những vấn đề của riêng mình, Trung Quốc đang tìm cách hạ bệ đồng USD cũng như quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của họ một cách thận trọng. Tuy không co cụm như Nhật Bản đã làm với đồng Yên nhưng Trung Quốc không vội vàng.

Tương lai của một đồng Nhân dân tệ toàn cầu còn ở phía xa nhưng những nỗ lực để đẩy đồng tiền này lên vị trí toàn cầu hóa thì rất gần và bước đi đầu tiên là dùng vàng để giảm rủi ro từ đồng bạc xanh.

Theo TTXVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét