Sau một mùa hè đầy biến động, giờ là lúc để cân nhắc về các sự kiện gây ảnh hưởng đến nền kinh tế trong năm qua và nhận định diễn biến của thị trường tài chính giai đoạn cuối năm.
Nhờ những số liệu khả quan về tình hình kinh tế, thị trường đã khởi sắc hơn trong thời gian qua. Sự hồi phục này bắt nguồn chủ yếu từ các gói kích thích tài khóa và tiền tệ mà chính phủ đã bơm vào hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, theo dự báo, năm 2009 vẫn sẽ ghi dấu kỷ lục về số vụ vỡ nợ công ty. Chỉ trong 8 tháng đầu năm đã có 216 công ty tuyên bố mất khả năng thanh toán với tổng giá trị các khoản nợ lên tới 523 tỷ USD.
Nếu làn sóng này còn tiếp diễn thì số vụ vỡ nợ trên toàn thế giới năm 2009 sẽ lên tới 324, nhiều nhất trong vòng 28 năm trở lại đây. Giá trị các khoản nợ không thể hoàn trả cũng sẽ đạt kỷ lục mới.
Những tin xấu trên thị trường tín dụng:
Hoa Kỳ vẫn là tâm điểm của suy thoái kinh tế và thu hẹp tín dụng. Đầu năm nay, các chuyên gia dự báo tỷ lệ vỡ nợ ở các công ty có mức tín nhiệm thấp sẽ đạt xấp xỉ 13,9% vào cuối năm, với biên độ dao động từ 10% đến 18,5%.
Thực tế, tỷ lệ này đã chạm ngưỡng 10,4% trong tháng 8, và nhiều khả năng sẽ diễn ra theo kịch bản được tiên đoán. Làn sóng vỡ nợ ảnh hưởng mạnh nhất tại Mỹ với 158 vụ (tính đến 16/9), châu Âu ghi nhận 15 vụ, các nước phát triển khác (chủ yếu là Canada) có 12 trường hợp và các thị trường mới nổi là 13.
Các công ty bị ảnh hưởng mạnh bởi tiêu dùng dẫn đầu danh sách vỡ nợ, trong khi các ngành công nghiệp và bất động sản cũng cókhông ít nạn nhân.
Tính trên toàn thế giới, lĩnh vực truyền thông-giải trí có số vụ vỡ nợ nhiều nhất: 53 vụ (tính đến 31/8), tiếp đó là nhóm ngành hàng không/ô tô/tư liệu sản xuất/kim loại (35 vụ), gỗ và vật liệu xây dựng (26 vụ), tiêu dùng/dịch vụ (24 vụ). Các ngành xây dựng nhà ở và lâm sản dẫn đầu về tỷ lệ vỡ nợ: 18% trong 12 tháng trở lại đây.
Những vụ vỡ nợ vẫn sẽ bùng nổ từ các công ty có mức tín nhiệm thấp, không chỉ trong năm 2009 mà còn kéo dài hơn nữa. 86% số doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ năm nay có mức đánh giá tín nhiệm BB+ hoặc thấp hơn.
Các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm ban đầu loại B phải đối mặt với nguy cơ cao nhất: trong số các vụ vỡ nợ năm nay nhóm B (gồm B+,B và B-) chiếm tỷ lệ lớn nhất với 122 công ty.
Thứ đến là nhóm BB với 54 trường hợp mất khả năng thanh toán, và 11 công ty có mức tín nhiệm ban đầu là CCC+ trở xuống lâm vào cảnh vỡ nợ.
Các luồng tiền cạn kiệt cũng như nền tảng kinh tế suy yếu làm cho làn sóng hoán đổi nợ (một hình thức giải quyết vỡ nợ) ngày càng lan rộng và rất có thể sẽ đạt kỷ lục vào năm nay.
Hiện tượng này là phản ứng tất yếu khi mà có quá ít lựa chọn về mặt tài chính trong cơn khủng hoảng hiện nay. Với các khoản nợ ước tính lên đến 71 tỷ USD, Ford Motor là công ty thực hiện hoán đổi nợ lớn nhất trong năm 2009. CIT Group xếp thứ hai với 42,1 tỷ USD.
Ngược lại, số vụ xin phá sản chính thức đã giảm xuống. Sự sụt giảm tính thanh khoản đã gây ra ách tắc trong việc rút vốn và do đó thúc đẩy những chiến lược thực dụng hơn như phá sản thỏa thuận trước, hoán đổi nợ hoặc tạm ngừng hoạt động.
Mới chỉ có 54 vụ phá sản chính thức được ghi nhận trên toàn thế giới trong năm nay, trong đó có 48 vụ ở Mỹ, tổng nợ là 150,5 tỷ USD. Với các khoản chưa thanh toán trị giá tới 53 tỷ USD, vụ phá sản của General Motors cho đến nay vẫn là lớn nhất trong năm.
Các vụ thôn tính công ty bằng vốn vay (LBOs) trong các năm trước là một trong những nguồn gốc của làn sóng vỡ nợ hiện nay. Số vụ LBOs giờ đã sụt giảm nhanh chóng với tổng giá trị khiêm tốn 21,9 tỷ USD nửa đầu năm 2009 so với 433,7 tỷ USD trong cả năm 2007.
Những hợp đồng mới ở Mỹ đang có tỷ lệ chi trả bằng vốn chủ sở hữu ngày càng cao hơn, còn tỷ lệ trả bằng vay nợ ngày càng ít đi. Tuy vậy, những vụ mua bán từ các năm trước vẫn còn là mối nguy hiểm lớn: có tới 42 trong 48 vụ vỡ nợ ở châu Âu 6 tháng đầu năm nay có liên quan đến LBOs.
Theo Businessweek
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét