Ngày 15/9/2008, Lehman Brothers, một trong những ngân hàng lâu đời và uy tín nhất thế giới, sụp đổ. Cuộc khủng hoảng kinh tế có quy mô lớn nhất trong vòng 60 năm trở lại đây chính thức bắt đầu.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ hoạt động cho vay thế chấp dưới chuẩn tại Mỹ. Các ngân hàng của nước này đã cho phép những khách hàng có độ rủi ro tín dụng cao được phép vay tiền. Những khoản vay này, cùng với trái phiếu và tài sản thế chấp khác trở thành các Chứng chỉ nợ (CDO) - một loại hàng hóa được ưa chuộng trên thị trường tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, việc nhà đất trượt dốc trong khi lãi suất ngân hàng tăng khiến nhiều khách hàng mất khả năng trả nợ. CDO cũng vì thế mà kém sức hút đối với nhà đầu tư. Các ngân hàng miễn cưỡng phải cho nhau vay tiền trong khi không biết đối tác đang sở hữu bao nhiêu nợ xấu.
Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng nhanh chóng vượt khỏi biên giới nước Mỹ. Các ngân hàng đầu tư tại Australia cũng nhanh chóng ghi nhận lỗ. Họ ngừng bán ra trái phiếu trong khi hồi hộp chờ đợi diễn biến thị trường.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương châu Âu nhanh chóng nhảy vào cuộc bằng cách nới lỏng chính sách cho vay đối với các ngân hàng. Tỷ lệ lãi suất cũng được cắt giảm trong nỗ lực cứu vãn thị trường tín dụng.
Tuy nhiên những biện pháp ngắn hạn nêu trên không thể giúp các ngân hàng giải bài toán thanh khoản. Nguồn tiền cho vay không có sẵn khiến các công ty, cá nhân và ngay chính các ngân hàng lâm vào tình trạng khốn đốn. Người ta nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên của suy thoái như thất nghiệp, vỡ nợ hay giá tiêu dùng tăng vọt.
Tại Anh, ngân hàng Northern Rock phải nhờ đến khoản vay khẩn cấp của Chính phủ để tồn tại trong khi vẫn lo lắng về khoản tiền 2 tỷ bảng (3,3 tỷ USD) có thể bị các khách hàng gửi tiền rút bất cứ lúc nào. Ngân hàng này nhanh chóng bị quốc hữu hóa. Trong khi đó, sự sụp đổ của ngân hàng Bear Stearns làm tổn thương nghiêm trọng niềm tin của thị trường và đặt dấu chấm hết cho các ngân hàng chỉ hoạt động trong lĩnh vực đầu tư.
Trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp lâu dài, Chính phủ Mỹ đồng ý thông qua gói cứu trợ trị giá 700 tỷ USD giúp mua lại nợ xấu của Phố Wall. Kế hoạch này thực chất là việc Chính phủ nước này vay tiền từ thị trường tài chính thế giới. Họ hy vọng có thể trả được những khoản vay này một khi thị trường nhà đất ổn định trở lại.
Nước Anh cũng thực hiện một kế hoạch tương tự bằng việc bơm khoảng 400 tỷ Bảng (660 tỷ USD) cho 8 ngân hàng hàng đầu nước này. Đổi lại, Chính phủ sẽ nắm một lượng cổ phần nhất định của các ngân hàng này.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới nhanh chóng chịu ảnh hưởng dây truyền của cuộc khủng hoảng tín dụng. Nhiều chính sách đối phó được đưa ra. Chính phủ Pháp hay Iceland tiến hành quốc hữu hóa một số ngân hàng trong khi tại Mỹ hay Canada, ngân hàng trung ương cố gắng cắt giảm lãi suất xuống khoảng 0,5%.
Tiếp theo thị trường tài chính, chứng khoán bắt đầu phản ứng trước những tin tức không mấy tốt lành. Niềm tin của các nhà đầu tư lung lay, cổ phiếu ngành ngân hàng trượt giá do nợ xấu trong khi các hãng bán lẻ cũng ở tình trạng tương tự do sức mua sụt giảm. Nhiều chuyên gia nhận định, cuộc khủng hoảng kinh tế mới chỉ bắt đầu. (Ảnh trong bài: BBC)
Theo Vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét