20 tháng 10, 2009

Mỹ: tiến thoái lưỡng nan với món nợ khổng lồ





Không còn nghi ngờ gì về việc Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, trong đó, khoản nợ khổng lồ đang là thử thách lớn nhất đối với nền kinh tế này.
Khoản thâm hụt ngân sách 1,42 nghìn tỉ USD của năm tài khóa 2009 (tính đến hết tháng 9/2009) vừa được công bố hôm thứ Sáu tuần trước được gọi là "một kết quả tốt hơn cả mong đợi". Con số này cao gấp 3 lần mức thâm hụt năm ngoái, xứng đáng nhận được sự chú ý của cả thế giới.

Con số thâm hụt này chiếm tới 10% GDP - là mức cao nhất kể từ sau Thế Chiến II, tuy nhiên hồi đầu năm, chính phủ Mỹ còn dự đoán tỉ lệ này có thể đạt tới 12%.

Cũng trong thông cáo hôm thứ Sáu tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã dự đoán mức thâm hụt sẽ đạt tổng cộng 9100 tỉ USD trong thập kỷ tới trừ phi chính phủ nước này bắt tay vào hành động để sửa chữa khắc phục con số thâm hụt này.

Nguyên nhân tạo ra con số thâm hụt khổng lồ

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Timothy Geithner, đã đưa ra 2 lý do chính tạo nên mức thâm hụt ngân sách khổng lồ này. Một là khoản thâm hụt tài chính thừa hưởng từ chính quyền tiền nhiệm của cựu tổng thống George W. Bush. Nguyên nhân thứ hai là do hậu quả từ những hành động của chính phủ Mỹ nhằm khắc phục cơn suy thoái kinh tế tệ nhất sau cơn Đại Suy thoái của những năm 1930.
Chính quyền tân tổng thống Barack Obama đã khởi động gói kích thích 787 tỉ USD nhằm đẩy mạnh nền kinh tế và một gói kích thích 700 tỉ USD khác để ổn định hóa hệ thống tài chính kể từ khi ông Obama lên nhậm chức hồi đầu năm nay.

Thực tế là, việc Mỹ bị lún sâu vào các khoản nợ không còn là một tin tức mới nữa. Mọi thứ dường như quay trở lại kỷ nguyên Ronald Reagan của những năm 1980 khi mà tổng thống Mỹ bắt đầu nghĩ rằng ngân sách thâm hụt không phải là vấn đề lớn đối với đất nước nhờ vị thế của đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ cốt lõi của toàn cầu.

Cựu tổng thống Mỹ, ông George W. Bush, cũng tin vào một điều tương tự rằng thâm hụt ngân sách chỉ là vấn đề nhỏ. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông đã khởi động cuộc chiến chống Iraq và giảm thuế tới hai lần, thay đổi ngân sách liên bang từ thặng dự trở nên thâm hụt nghiêm trọng.

Cho đến giờ, chính phủ Mỹ đã nhận ra được rằng khoản nợ nặng nề và ngày càng nặng hơn này thực sự là vấn đề - nhờ cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm ngoái 2008.

Không có giải pháp nào tốt hơn?

Về căn bản, khi cựu Bộ trưởng Tài chính của Mỹ, ông Robert Robin, đối diện với vấn đề này, ông cho rằng có hai cách để giải quyết vấn đề thâm hụt: một mặt làm tăng thu nhập, và mặt khác là cắt giảm chi tiêu.

Ít nhất cho đến thời điểm này, chính quyền tổng thống Obama dường như không sẵn sàng thực hiện cả hai biện pháp này.

Trước tiên nhìn về khía cạnh chi tiêu. Cơn hồi sinh kinh tế vừa mới bắt đầu và vẫn còn dễ vỡ, tỉ lệ thất nghiệp hiện cao và vẫn đang tiếp tục tăng với mức dự kiến có thể lên tới hai con số.

Thêm vào đó, tổng thống Obama đã cam kết sẽ đặt nền tảng vào sự thịnh vượng của thế hệ tương lai, điều đó đồng nghĩa rằng ông phải triển khai cải cách nền tảng và sâu rộng đối với xã hội Mỹ.

Việc "đại tu" y tế là một trong số những nhiệm vụ khó khăn nhất mà chính phủ Mỹ đang thúc đẩy hiện nay. Tuy nhiên, giới chỉ trích nói rằng "Obamacare" hay chương trình chăm sóc y tế của tổng thống sẽ chỉ tăng thêm gánh nặng nợ nần cho người dân Mỹ, ít nhất là trong thời gian ngắn.

Thêm vào đó, hai cuộc chiến với Iraq và Afghanistan vẫn đang ngốn hàng đống tiền của chính phủ liên bang.

Trong khi đó, nhìn từ mặt thu nhập, chính phủ Mỹ thậm chí còn đang đối mặt với lựa chọn khó khăn hơn. Tăng hay là không tăng thuế, tổng thống Obama sẽ phải đưa ra một quyết định hợp lý khi mà trong chiến dịch tranh cử, ông đã hứa sẽ không áp thuế cho tầng lớp trung lưu - thành phần chính của xã hội Mỹ. Điều này thực sự là nhạy cảm, đặc biệt khi một chính phủ hay một đảng đang theo đuổi việc tái cử.

Chính vì vậy, chính quyền Obama đang chọn cách tương đối dễ để giải quyết vấn đề này, cách đó được gọi là giải pháp toàn cầu hóa.

Nói chung, biện pháp của chính phủ Mỹ hiện nay là vay tiền của thế giới và làm giảm giá trị của đồng USD, đồng dự trữ chính của thế giới hiện nay. Tuần trước, chỉ số USD index đã chạm mức thấp nhất trong vòng 14 tháng.

Sự sụt giá của đồng USD đã dẫn tới mối băn khoăn về vị thế thống trị của nước Mỹ hện nay trên nền kinh tế toàn cầu - theo một bài báo đăng trên Wall Street Journal của một học giả người Mỹ, ông Zachary Karabell.

Những gì mà chính quyền Obama đã hứa sẽ gây ra vấn đề thâm hụt khi nền kinh tế bắt đầu những bước tăng trưởng chắc chắn trở lại. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng giải pháp "để mặc khoản nợ tự gia tăng" sẽ không xảy ra trong ngắn hạn và cơn hồi sinh vẫn sẽ đầy những sự bất ổn. Bên cạnh đó, việc quay lại với quy tắc tài chính kể từ lúc đó sẽ là một câu chuyện khác.

Dĩ nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cũng không phải là những chiếc máy rút tiền tự động không hạn mức. Đó là nguyên nhân khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng một ngày nào đó trong tương lai bong bóng nợ của Mỹ sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn hơn.
Nguồn tin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét