23 tháng 9, 2009

Trật tự tiền tệ toàn cầu mới đang hình thành

Tờ "Bưu điện quốc gia" (Canađa) dẫn báo cáo của ngân hàng HSBC cho rằng đồng đôla Mỹ (USD) đang ở thời kỳ tàn lụi, mất dần vị thế, do chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác phải thiết lập một trật tự tiền tệ toàn cầu mới.

Người đứng đầu bộ phận tiền tệ của HSBC, David Bloom, cho rằng đồng USD hiện nay đang suy yếu giống như đồng bảng Anh sau thế chiến thứ nhất. Bức tranh toàn cảnh về những rủi ro và cơ hội trong thị trường tiền tệ ở các nước đang phát triển đã thay đổi, giờ đây không phải đồng tiền của các nước khác phải tăng giá để theo kịp đồng USD mà là USD phải hạ giá để theo đồng tiền của các nước.

Điểm mấu chốt là Trung Quốc và các nước châu Á đang nổi khác đã đạt đến ngưỡng phát triển mà họ không cần phải hạ giá nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu tăng trưởng vì điều đó sẽ gây ra nhiều vấn đề khác cho nền kinh tế, nhất là khi người châu Á đã luôn bị ám ảnh về vòng xoáy lạm phát trong hàng chục năm qua. Trong giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng tín dụng vừa qua, những khó khăn về tài chính đã che lấp ảnh hưởng của các chính sách tiền tệ, nhưng khi kinh tế thế giới phục hồi thì sức ép về giá trị đồng tiền sẽ đè nặng lên Mỹ và các nền kinh tế già nua khác.

Một chính sách tiền tệ với tỷ lệ lãi suất gần 0% là hoàn toàn không phù hợp với hoàn cảnh của đa số các nước châu Á, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh. Sự khác biệt chính sách tiền tệ giữa Mỹ với phần lớn thế giới là không thể tránh khỏi, nhất là khi Mỹ có thể vẫn giữ mức lãi suất gần 0% cho tới năm 2010 để chống chọi với khủng hoảng. Điều sẽ xảy ra là một kỷ nguyên mới sắp bắt đầu khi sự giàu có và quyền lực kinh tế quay ngược dòng chảy từ những nước giàu có trong khối G10 trước đây sang các nền kinh tế đang nổi lên ở mỗi khu vực. Đồng euro, yên, bảng Anh, phrăng Thụy Sỹ và những đồng tiền có giá trị lâu đời khác cũng sẽ đi xuống theo chiều hướng của USD trong tiến trình tái cân bằng tiền tệ.

Chính sách siêu nới lỏng tiền tệ của FED đồng nghĩa với việc bơm thêm nhiều USD vào thị trường để phục vụ các giao dịch thương mại. Tuy nhiên, đồng tiền của những nền kinh tế đang nổi sẽ dần thay thế USD trong những giao dịch với các đối tác nhỏ, Trung Quốc, Braxin hoặc Nam Phi sẽ thay thế vai trò của Mỹ. Hiện nay, Ôxtrâylia đã đặt niềm tin vào kinh tế Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh các quan hệ trao đổi tài nguyên thiên nhiên với nước này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét