15 tháng 8, 2009

Kinh tế Mỹ vẫn đang phải vật lộn với suy thoái?

Kinh tế Mỹ liệu đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất? Những số liệu kinh tế mới đây trên thị trường Mỹ đều chỉ ra điều này và nhiều nhà bình luận kinh tế Mỹ cũng đang dần trở nên lạc quan hơn. Tuy nhiên, tới lúc này, sự cẩn trọng vẫn tỏ ra là một điều không hề thừa đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Những số liệu gần đây cho thấy nền kinh tế đang dần đi lên: sản lượng đầu ra không còn ở mức rơi tự do, tỷ lệ thất nghiệp cũng không còn tăng lên với tốc độ kỷ lục. Tuy nhiên, việc sản lượng đầu ra liệu đã chạm tới đáy khủng hoảng hay chưa vẫn còn là một điều chưa rõ ràng. Nếu câu trả lời là rồi, tăng trưởng chắc chắn sẽ chậm lại trong một thời gian. Đối với thị trường lao động, cho dù điều gì xảy ra chăng nữa thì việc tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng trước khi có thể quay về mức bình thường là một điều không thể tránh khỏi.

Nếu mọi việc vẫn tiếp tục tồi tệ mặc dù với một tốc độ chậm hơn thời gian qua thì không ai có thể đồng tình rằng nền kinh tế Mỹ đã thoát khỏi giai đoạn tồi tệ nhất, kể cả khi tốc độ suy giảm của nền kinh tế có giảm đi. Và khi những nguy cơ này vẫn còn tiềm ẩn, không ai có thể đảm bảo rằng sẽ không có một sự thụt lùi bất ngờ của nền kinh tế.

Tuần này, Fed đã tỏ ra lạc quan chút ít với nền kinh tế khi cho rằng giai đoạn suy giảm tồi tệ nhất của kinh tế Mỹ kể từ cuộc Đại khủng hoảng 1929 đã dần đi tới hồi kết. Nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn tiếp tục giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục và nói rằng sẽ duy trì mức lãi suất này “trong thời gian tới”. Việc thực thi chính sách tiền tệ này có vẻ không sai nhưng khó có thể gọi đó là một biểu hiện cho lòng tin của Fed vào sự phục hồi kinh tế.

Một “chủ đề” gây nhiều xôn xao tại thị trường Mỹ trong những ngày qua là tỷ lệ thất nghiệp Mỹ trong tháng bảy đã giảm từ 9,5% xuống 9,4% tương đương với việc chỉ có 250000 bị mất việc trong tháng bảy, giảm gần 400.000 người so với con số hơn 600000 lao động bị mất việc hồi đầu năm. Tuy nhiên, thực tế của việc tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống là ở chỗ hơn 400000 lao động này sau khi bỏ việc đã không đăng ký tìm kiếm việc làm mới trong khi Bộ lao động Mỹ lại dựa vào số lượng người tìm kiếm việc làm mới để đánh giá tỷ lệ thất nghiệp. Như vậy, trên thực tế, thị trường lao động Mỹ vẫn chưa đạt được những thay đổi nào đáng kể.

Thông thường, suy giảm càng nhanh thì tốc độ phục hồi càng mạnh mẽ. Một số chuyên gia kinh tế hy vọng rằng nguyên tắc này sẽ vẫn tiếp tục đúng trong tình cảnh hiện nay. Tuy nhiên, số đông còn lại thì không hy vọng như vậy. Những căng thẳng không ngừng trên thị trường tài chính, những lo ngại rằng một số mảng kinh tế nào đó sẽ tiếp tục đà suy giảm và những ảnh hưởng kéo dài từ sự suy giảm thu nhập của các hộ gia đình..., tất cả đều khiến sự phục hồi kinh tế có thể sẽ không đạt được tốc độ như nhiều chuyên gia kinh tế hy vọng.

Kinh tế Mỹ vẫn đang khá yếu ớt và có vẻ như sẽ còn phải tiếp tục vật lộn với cuộc chiến suy thoái trong một thời gian nữa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét