28 tháng 8, 2009

Ai đủ xứng tầm lãnh đạo châu Á?




Châu Á trong mắt người phương Tây vừa quen thuộc lại vừa xa lạ, thần kỳ mà quyến rũ. Khi nhiều người cho rằng, trọng tâm quyền lực toàn đang dịch chuyển về hướng Đông, một số quan chức ngoại giao và các học giả chính trị kinh tế Mỹ cách đây không lâu đã có nhiều cuộc thảo luận tranh cãi tìm hiểu “vấn đề phương Đông” trong mắt họ.
Tờ “Washington Times” cho biết, mặc dù khu vực châu Á trong mấy năm qua đã có những tiến triển về kinh tế chính trị, nhưng chưa có quốc gia nào có thể lãnh đạo được khu vực này. Trung Quốc chưa đủ sẵn sàng, Nhật Bản không muốn đảm nhiệm trọng trách nặng nề, Ấn Độ mới bước lên vũ đài chính trị, Mỹ lại chỉ chuyên tâm Afghanistan, Trung Đông và các vấn đề kinh tế. Vì vậy, châu Á ngày nay vẫn là một khu vực “không có ai chỉ huy”.

Người Mỹ cho rằng, cục diện hiện nay liên quan tới việc cựu chính quyền Bush coi nhẹ châu Á, Mỹ đã “ngủ say dưới gốc cây”, bây giờ đã tỉnh lại, nhưng lại chưa biết sẽ làm những gì . Nhưng ông John Lee, chuyên viên nghiên cứu chính sách ngoại giao của Trung tâm nghiên cứu độc Sydney lại không đồng ý với quan điểm trên, ông này đã viết một bài báo với tiêu đề rằng, “Tại sao Mỹ sẽ dẫn dắt thế kỷ châu Á”. Theo bài báo, mặc dù cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ, sức mạnh của Mỹ có phần suy giảm là điều khó tránh, nhưng ít ra tại châu Á, những kết luận về dấu chấm hết cho sự bá quyền của Mỹ là trống rỗng và không có hiệu lực. Do đó, tính chất và ảnh hưởng quyền lực của Mỹ vẫn thực tế và nổi bật hơn so với những giả thiết khác.

Nhiều người cho rằng, Châu Á mãi mãi phải là châu Á của chính người châu Á. Đây không phải là bản sao của Học thuyết Monroe “Châu Mĩ của người Mỹ”, mà là do giá trị quan châu Á quyết định. Giá trị quan châu Á là thuật ngữ do các học giả và báo chí Tây Âu sử dụng sớm nhất. Khi phân tích các nhân tố thành công của 4 con rồng châu Á cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, họ đã đặt chế độ gia trưởng tận trung ái quốc và truyền thống Nho giáo là giá trị quan của châu Á. “Nhật báo trung ương” Hàn Quốc cho rằng, giá trị quan châu Á là một mỹ danh, nhưng sau khi khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, nó lại trở thành thủ phạm gây ra khủng hoảng.

Điều đặc biệt đáng ngạc nhiên về sự trỗi dậy của Trung Quốc là ít ai thắc mắc về tham vọng của nước này như là quốc gia số 1 của khu vực. Ngay cả ở Nhật Bản, với nền kinh tế lớn nhất châu Á và đứng thứ hai toàn thế giới, cũng không ai đặt vấn đề. Hình ảnh Bắc Kinh đóng vai trò lãnh đạo tại các hội nghị cấp cao toàn cầu, nơi mà Tokyo gần như vắng bóng, đã được chào đón rộng rãi như là một việc lẽ ra phải có từ lâu. Các tờ báo từ London đến Seoul đều bắt đầu loan tin về sự trỗi dậy của Trung Quốc như một quốc gia lãnh đạo toàn cầu; thậm chí gần đây nhà báo Martin Jacques còn tiên đoán trên tờ The Guardian rằng chẳng bao lâu nữa Thượng Hải sẽ thay thế New York trong vai trò “trung tâm tài chính của thế giới”. Thậm chí nhà báo này còn không đếm xỉa tới các đối thủ trong khu vực như Tokyo, Singapore và Seoul.

Các học giả như ông David Kang của Đại học California ở Los Angeles lập luận rằng một trật tự thế giới mà Trung Quốc là trung tâm có thể là một “bước phát triển ổn định và tích cực”. “Nếu bạn nhìn vào lịch sử, bạn sẽ không tự động đi tới kết luận rằng, Trung Quốc càng lớn thì càng nguy hiểm”, ông Kang nói.

Có thể như thế. Nhưng điều đáng thắc mắc là liệu Trung Quốc đã sẵn sàng cho sự thống lĩnh, dù chỉ ở cấp khu vực, hay chưa. Châu Á hiện đại là một khu vực đa cực và đa dạng, không tự ép mình vào một hệ thống tôn ti trật tự nào. Trung Quốc có thể lớn hơn các nước láng giềng về phương diện quy mô kinh tế nhưng ở các phương diện khác như trình độ công nghệ, thu nhập bình quân đầu người hoặc sức mạnh của các định chế thì còn lâu Trung Quốc mới lên được vị trí hàng đầu. Trong cuốn sách mới xuất bản, Những đối thủ (Rivals), nhà quan sát châu Á Bill Emmott viết rằng đà tăng trưởng của Trung Quốc bị vướng vào sự đầu tư lãng phí, xuất khẩu tài chính quy mô lớn, quỹ dự trữ ngoại tệ phình lên và nạn ô nhiễm trầm trọng. Chính Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gần đây cũng thừa nhận những vấn đề mang tính cơ cấu đang tạo ra “sự phát triển không bền vững, không cân bằng, không đều đặn và không có sự phối hợp”.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nước châu Á đều như vậy. Tờ “Newsweek” bình luận rằng, Nhật Bản có thể chính là một trường hợp đặc biệt. Người Nhật Bản dần đã nhận thức được sự trỗi giậy của các nền kinh tế mới nổi, người Nhật đang mở rộng đầu tư đối với Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, sẽ chú trọng vào châu Á, xây đắp lại hình tượng cường quốc thế giới. Nhật Bản sẽ phải đi theo hướng nào? Nhà chính trị Nhật Bản Fukuyama cho rằng, Nhật Bản phải trực diện với thế kỷ Trung Quốc.

Mô hình Trung Quốc không ưu việt hơn các đối thủ cạnh tranh giành quyền lãnh đạo châu Á. Nhật Bản ít bị nạn tham nhũng, được điều hành tốt hơn nhiều và đang lãnh đạo nhiều lĩnh vực công nghệ. Cho dù nền kinh tế hướng tới xuất khẩu của Nhật đang bị điêu đứng vì cuộc suy thoái toàn cầu, các công ty giàu tiền bạc của Nhật vẫn tiếp tục đầu tư rất mạnh vào hoạt động nghiên cứu-phát triển mọi sản phẩm, từ hàng điện tử tới sắt thép. Bằng cách đó mà giờ đây Nhật Bản đã dẫn đầu thế giới về công nghệ xe hơi sạch mà Trung Quốc không thể đuổi kịp. Ông Charles Gassenheimer, Tổng giám đốc điều hành Công ty xe hơi xanh của Mỹ Enert, cho biết tổng đầu tư hàng năm của Nhật vào công nghệ sản xuất bình điện tối tân cao gấp mười lần của Mỹ trong suốt một thập niên sau năm 1998; trong khi đó Trung Quốc chỉ mới tham gia lĩnh vực này, cho dù họ đang tiến rất nhanh.

Ngay cả Hàn Quốc - đất nước thích than thở về tình thế mà họ gọi là “con tôm kẹp giữa bầy cá voi” - cũng đã nổi lên như một thế lực, một trong những nền kinh tế công nghệ cao, sáng tạo và năng động nhất thế giới. Trong bảng xếp hạng Chỉ số Canh tân Quốc tế gần đây, Hàn Quốc xếp thứ 2 thế giới, trong lúc Trung Quốc xếp thứ 27. Trường hợp của Hàn Quốc ngụ ý rằng châu Á ngày nay có nhiều nước lãnh đạo trong các lĩnh vực khác nhau: Trung Quốc nổi trội trong việc sản xuất khối lượng lớn sản phẩm giá rẻ, nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đầu về canh tân và sản phẩm công nghệ cao.

Về nhiều phương diện, toàn bộ ý tưởng về một quốc gia “Số 1” đang trở nên lỗi thời. Một vài chuyên gia lập luận rằng, người châu Á vẫn gắn bó với ý tưởng này vì truyền thống Khổng giáo nhấn mạnh vào sự tôn trọng tôn ti trật tự. Nhưng hãy nhìn vào cách mà người Singapore khai thác tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ thông tin để giành lấy một vai trò toàn cầu vượt ra ngoài diện tích bé nhỏ của nước họ. Hoặc hãy nhìn thương mại toàn cầu và Internet đang làm cho Trung Quốc ngày càng vất vả trong việc duy trì trật tự ở trong nước. Kỷ nguyên toàn cầu không tôn trọng cái tôn ti trật tự của Khổng giáo.

Những người theo chủ nghĩa thực tế trong chính sách ngoại giao thích chỉ ra rằng, khu vực này chưa bao giờ trải qua một thời kỳ mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đều mạnh lên cùng một lúc như hiện nay. Họ lo ngại rằng, sự phát triển hôm nay có thể dẫn tới xung đột, và họ lấy làm phiền muộn khi thấy hải quân Trung Quốc - có thể bị chặn bởi dãy quần đảo Nhật Bản nếu xảy ra xung đột - đã tiến hành dò xét khả năng quốc phòng của Nhật Bản, trong lúc Nhật Bản cũng tăng cường lực lượng phòng vệ duyên hải chung quanh các đảo có tranh chấp và tiến hành những chuyến bay do thám trên các giàn khoan dầu của Trung Quốc. Nhà khoa học chính trị của Đại học Princeton, Aaron Friedberg so sánh châu Á hiện đại với châu Âu thế kỷ 19, nơi các cường quốc dùng mánh khóe để giành quyền kiểm soát.

Nhưng sự so sánh này nhấn mạnh cái thực tế rằng Trung Quốc còn lâu mới trở thành nhà lãnh đạo khu vực. Không một cường quốc riêng lẻ nào thống trị châu Âu thế kỷ 19. Tương tự như vậy, Nhật Bản cũng vẫn chưa đủ khả năng để thống trị châu Á, vì nhiệm vụ này khá nặng nề. Đây chính là loại vấn đề xuyên quốc gia đòi hỏi sự hợp tác chứ không phải sự giành giật bằng mánh khóe của các cường quốc - loại vấn đề ngày càng trở thành vấn đề chung bất kể nước nào nằm ở vị trí hàng đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét