Với nhiệm vụ cảm tử đang thực thi, họ được người dân Nhật tôn là những người anh hùng.
Trước nguy cơ rò rỉ phóng xạ ở mức độ cao, mới đây chính phủ Nhật đã quyết định sơ tán 800 công nhân ra khỏi khu vực nhà máy. Hôm 16/3, 180 công nhân đã dũng cảm quay trở lại nơi này để bơm nước làm mát cho các lò phản ứng đã cạn kiệt. Họ thay phiên nhau, mỗi ca 50 người để có thời gian nghỉ, khử nhiễm và cũng không ai có thể ở trong nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi đã bị phá hủy quá 15 phút.
Các công nhân này được gọi với cái tên "Fukushima 50" và họ là niềm hy vọng duy nhất của Nhật Bản để tránh một thảm họa nguyên tử giống như Chernobyl ở Ukraina năm 1986. Những người đàn ông ấy đang chiến đấu để cứu sống hàng triệu con người bất chấp một thực tế, nếu thành công, họ sẽ chết vì nhiễm một lượng phóng xạ chết người. Mặc dù được mặc đồ bảo hộ và đeo mặt nạ chống độc nhưng nguy cơ nhiễm phóng xạ vẫn rất cao. Hiện, chi tiết về những người anh hùng và công việc của họ rất sơ sài.
Do hệ thống làm lạnh chạy bằng điện của nhà máy này đã bị phá hủy sau vụ động đất, sóng thần tuần trước nên họ phải dùng máy bơm nước bằng tay để đưa nước biển vào làm mát các lò phản ứng. Nếu các thanh nhiên liệu không được làm mát kịp thời, chúng sẽ tan chảy và làm rò rỉ lượng phóng xạ chết người vào không khí.
Một nguồn tin liên lạc với nhóm thực thi nhiệm vụ khẩn cấp trên chia sẻ với hãng tin CBS rằng, các công nhân "không sợ chết" khi trở lại lò phản ứng để ngăn chặn tình trạng tan chảy ở các thanh nhiên liệu bởi trên vai họ lúc này là sự an toàn và cuộc sống người dân Nhật Bản.
Miêu tả nỗ lực của những người trên, tờ The New York Times đưa tin: "Họ trườn, bò qua đường dẫn của thiết bị trong bóng tối chỉ với những chiếc đèn pin. Các công nhân phải thở rất khó khăn qua chiếc mặt nạ phòng độc và cõng trên lưng bình oxy nặng trịch. Để tránh cơn mưa bức xạ vô hình lên cơ thể, họ còn mặc cả bộ áo liền quần màu trắng, đội mũ trùm đầu".
Trước tình thế cấp bách, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cuối cùng đã đề nghị một đội công nhân làm nhiệm vụ cảm tử. "Các bạn là những người duy nhất có thể giải quyết được cơn khủng hoảng này", nhà lãnh đạo cấp cao nói.
Chuyên gia an toàn nguyên tử David Lochbaum cho hay, những người đàn ông đó có thể đang phải thực thi một nhiệm vụ cảm tử. Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia, chuyên gia ấy nói rằng, mức độ phóng xạ ở một vài nơi trong các lò phản ứng đủ cao để gây chết người trong vòng 16 giây. Tiến sĩ Chandon Guha, chuyên gia phóng xạ tại Đại học Y Albert Einstein ở New York đã ca ngợi các công nhân đó là những người anh hùng.
TEPCO, công ty điện lực Tokyo, không cung cấp bất cứ thông tin nào về những công nhân này do đó hiện vẫn chưa rõ họ là ai. Nhà tư vấn năng lượng nguyên tử Arnold Gundersen làm việc tại nhà máy giống Fukushima ở Mỹ cho rằng những người này có thể là công nhân bình thường, những người đã nghỉ hưu hoặc công nhân ở nhiều nhà máy khác không bị ảnh hưởng từ thảm họa.
Trước sự dũng cảm đó, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã bày tỏ lòng tôn kính, cúi chào và khuyến khích những người anh hùng. Ngoài các công nhân trên, trực thăng cũng được huy động để tưới nước từ trên cao, tuy nhiên người đứng đầu nội các Nhật, ông Yukio Adeno, cảnh báo đây không phải là cách giải quyết tối ưu bởi nhiều vấn đề phát sinh có thể xảy ra từ phương pháp ấy. Mới đây, chính phủ Nhật đã phải huy động tới máy xúc ủi đất dọn đường để xe cứu hỏa có thể vào được gần hơn các lò phản ứng. Theo NewsMax, số người chết trong thảm họa kép hôm 11/3 có thể đã vượt quá con số 10.000 người. Hiện tại, giới chức Nhật mới công bố chính thức con số 4.000 người.
Theo Bình Minh
Ngôi Sao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét